(Dân trí) - Bên cạnh lợi thế về lực lượng lao động dồi dào và giá nhân công hấp dẫn, Việt Nam còn được đánh giá là có vị trí chiến lược đối với hoạt động vận chuyển toàn cầu.
Bên cạnh lợi thế về lực lượng lao động dồi dào và giá nhân công hấp dẫn, Việt Nam còn được đánh giá là có vị trí chiến lược đối với hoạt động vận chuyển toàn cầu.
iPhone hiện là một trong những dòng điện thoại thông minh phổ biến nhất trên thế giới. Theo Android Authority, mỗi năm, Apple xuất xưởng khoảng 250 triệu chiếc iPhone và chiếm gần 20% thị phần trong ngành công nghiệp này. Trên vỏ hộp của iPhone, người dùng có thể dễ dàng nhận thấy dòng chữ "Made in China". Tuy nhiên, không phải mọi linh kiện tạo nên sản phẩm này đều có chung một nguồn gốc.
Màn hình của một chiếc iPhone có thể được sản xuất bởi Samsung hoặc LG ở Hàn Quốc. Bộ nhớ flash và DRAM đến từ các nhà máy của Kioxia ở Nhật Bản. Kính cường lực Gorilla Glass bảo vệ màn hình có thể đến từ nhà máy Corning ở Mỹ, Đài Loan hoặc Nhật Bản. Trong khi đó, con chip Apple A-series được thiết kế ở California và do công ty TSMC ở Đài Loan sản xuất.
Có thể thấy, những chiếc iPhone được tạo thành từ hàng trăm linh kiện đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Apple cũng dựa vào các bên thứ ba để cung cấp những thành phần nhỏ hơn như IC quản lý nguồn, bộ điều khiển USB, chip không dây và trình điều khiển màn hình OLED.
Chúng có thể đến từ các công ty lớn như Broadcom và Texas Instruments cũng như các nhà sản xuất nhỏ hơn ở Đông Nam Á.
Hiện nay, phần lớn nhà máy lắp ráp iPhone vẫn được đặt ở Trung Quốc. Đối tác lớn nhất của Apple trong hoạt động này là Foxconn. Thậm chí, một nhà máy đặt tại thành phố Trịnh Châu, Trung Quốc còn được gọi với cái tên là "thành phố iPhone", khi nơi đây sử dụng hơn 300.000 công nhân vào việc này.
Các báo cáo chỉ ra rằng Foxconn có thể lắp ráp hơn nửa triệu chiếc iPhone chỉ trong một ngày tại nơi đây. Tuy nhiên, điều này đã dần thay đổi khi Apple đang tích cực chuyển dịch hoạt động sản xuất sang các quốc gia khác như Việt Nam và Ấn Độ.
Theo ước tính của SCMP, hơn một nửa trong số 192 nhà cung cấp của Apple - bao gồm những cái tên nổi bật như Foxconn Technology Group, Pegatron, Quanta Computer, Wistron Corp và Compal Electronics - có cơ sở sản xuất tại Thượng Hải và các tỉnh phía đông Giang Tô.
Vào năm 2022, các nhà máy trên đã liên tục bị ảnh hưởng bởi sự bùng phát của dịch Covid-19 trong thời gian dài. Điều đó đã khiến chuỗi cung ứng của Apple bị gián đoạn nghiêm trọng. Theo ước tính, tình trạng gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã khiến doanh thu của công ty bị sụt giảm tới 8 tỷ USD.
Chưa dừng lại ở đó, đến giữa tháng 8/2022, nhiều nhà máy của các đối tác Apple tại Trung Quốc cũng đã phải tạm ngừng hoạt động do tình trạng thiếu điện. Đáng nói, tình trạng trên đã kéo dài trong nhiều năm và vẫn chưa có giải pháp xử lý triệt để.
Những gián đoạn trong chuỗi cung ứng đã thúc đẩy Apple phải thay đổi. Công ty đã gửi thư đến các đối tác và cho biết sẽ tăng cường hoạt động sản xuất các dòng sản phẩm của mình bên ngoài Trung Quốc. Theo đó, Việt Nam và Ấn Độ là 2 quốc gia được ông lớn công nghệ này nhắm đến để xây dựng các cơ sở lắp ráp mới.
Trên thực tế, Apple không phải là nhà sản xuất duy nhất làm điều này. Samsung và Xiaomi cũng đã thực hiện những điều tương tự trong từ nhiều năm. Đây được xem là một chiến lược kinh doanh phổ biến khi các công ty tìm cách tối ưu chi phí hoạt động và giảm sự phụ thuộc vào một khu vực duy nhất.
Cuối tháng 5/2022, Xiaomi công bố rằng công ty đã phối hợp cùng đối tác DBG Technology để sản xuất smartphone tại Việt Nam. Theo đó, các thiết bị smartphone này không chỉ phục vụ sản xuất cho thị trường nội địa mà còn mang đi xuất khẩu tới các quốc gia khác trong khu vực như Malaysia, Thái Lan.
Vào tháng 1/2023, trang Nikkei Asia cho biết Dell - một trong những nhà sản xuất máy tính xách tay lớn nhất thế giới, đã lên kế hoạch ngừng sử dụng chất bán dẫn do Trung Quốc sản xuất vào năm 2024 và chuyển khoảng 50% hoạt động lắp ráp khỏi quốc gia này vào năm 2025. Theo SCMP, động thái này diễn ra trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị và sự gián đoạn của chuỗi cung ứng suốt thời gian qua.
"Dell và nhiều thương hiệu lớn khác đã đặt mục tiêu giảm phụ thuộc vào năng lực sản xuất ở Trung Quốc, thúc đẩy các ODM và đẩy nhanh quá trình sản xuất bên ngoài Trung Quốc", Chiu Shih-fang, nhà phân tích chuỗi cung ứng và công nghệ tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan, nhận định.
Hầu hết laptop của Dell hiện được lắp ráp thông qua các đối tác tại Trung Quốc gồm Compal Electronics và Wistron Corp. Cả hai công ty này đang tích cực mở rộng hoạt động tại Việt Nam. Tháng 11/2022, Compal Electronics cho biết họ đã đầu tư 60 triệu USD vào một nhà máy ở Việt Nam.
Wistron Corp cũng đang mở rộng các cơ sở sản xuất ở Đài Loan và Việt Nam.
Trong khi đó, các đối tác lớn của Apple như Foxconn hay Luxshare cũng liên tục đẩy mạnh hoạt động tại Việt Nam. Giữa tháng 12/2022, trang Nikkei Asia tiết lộ Apple đang làm việc với Foxconn - đối tác gia công sản phẩm lớn nhất của công ty, để lên kế hoạch sản xuất những chiếc MacBook tại Việt Nam.
Chưa dừng lại, nguồn tin từ Bloomberg còn cho biết Apple cũng đang lên kế hoạch chuyển hoạt động sản xuất máy tính Mac Pro về Việt Nam.
Đến tháng 2, nguồn tin từ SCMP cho biết Foxconn đã ký hợp đồng với Tập đoàn Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang để thuê một khu đất rộng 45ha nhằm đáp ứng "nhu cầu hoạt động và mở rộng năng lực sản xuất".
Gần đây nhất vào cuối tháng 4, trang Reuters đưa tin Quanta Computer, công ty chuyên lắp ráp MacBook cho Apple, sẽ xây nhà máy tại một khu công nghiệp ở Nam Định. Đây là nhà máy thứ 9 của công ty trên toàn cầu với diện tích 22,5 ha, tổng mức đầu tư 120 triệu USD.
Trang Android Authority nhận định bên cạnh lợi thế về lực lượng lao động dồi dào và giá nhân công hấp dẫn, Việt Nam còn có vị trí chiến lược đối với hoạt động vận chuyển toàn cầu. Vị trí địa lý của Việt Nam gần với các trụ sở trong chuỗi cung ứng hiện có của Apple như Trung Quốc, Nhật Bản và nhiều nước khác.
Theo đánh giá từ Nikkei Asia, Việt Nam là trung tâm sản xuất quan trọng nhất của Apple bên ngoài Trung Quốc. Hiện tại, Việt Nam đang là nơi sản xuất hàng loạt sản phẩm chủ lực của công ty, bao gồm máy tính bảng iPad và tai nghe không dây AirPods.
"Việt Nam đang nổi lên như một trung tâm sản xuất lý tưởng đối với các sản phẩm như Apple Watch, Mac, iPad và AirPods. Ước tính, Apple sẽ chuyển khoảng 65% sản lượng AirPods sang Việt Nam vào năm 2025", một nhà phân tích của JPMorgan cho biết.
Ngày 10/5 vừa qua, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Huy Dũng đã chủ trì tọa đàm "Tăng cường hợp tác đầu tư với Trung tâm vi điện tử liên đại học - IMEC và Việt Nam", với sự góp mặt của đại diện các đơn vị đang tham gia vào lĩnh vực vi mạch bán dẫn như Khu công nghệ cao TPHCM, Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội (VNU), Viettel, FPT, VNPT, NTQ Solution.
Chia sẻ tại tọa đàm, Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho biết, Bộ TT&TT nhận thấy rằng phần quan trọng trong chuỗi cung ứng vi mạch bán dẫn toàn cầu có sự tham gia của nhiều bên và Việt Nam định hướng trở thành một phần trong chuỗi cung ứng này.
Việt Nam hiện không chỉ tham gia ở khía cạnh lập trình, đóng gói mà còn ở những khía cạnh khác như đóng góp cho các hoạt động thiết kế, phát triển, đưa vi mạch tích hợp vào trong các sản phẩm phần cứng, đặc biệt trong thế giới IoT hiện nay.
"Chính phủ, Bộ TT&TT cam kết sẽ hỗ trợ cao cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn. Trước mắt, Bộ TT&TT và IMEC cần tập trung cho các chương trình đào tạo. Tôi nghĩ rằng đây là một bước khởi đầu phù hợp để các bên, bao gồm Bộ TT&TT, các trường của Việt Nam có thể thực hiện theo định hướng này để đạt kết quả trong năm 2023", Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng nói.
Là trung tâm nghiên cứu, phát triển (R&D) và đổi mới sáng tạo hàng đầu thế giới trong công nghệ chip bán dẫn, IMEC hiện có hơn 5.500 nhà nghiên cứu, chuyên gia từ hơn 90 quốc gia làm việc. Trao đổi tại tọa đàm, ông Lode Lauwers, Phó Chủ tịch IMEC cũng cho rằng, để phát triển ngành bán dẫn cần tập trung vào phát triển nguồn nhân lực.
"Chúng ta có thể có nhiều ý tưởng, sáng kiến nhưng nếu không có nguồn nhân lực có kỹ năng tốt thì không thể triển khai thành công các ý tưởng đó. Vì vậy, có nguồn nhân lực tốt là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu", ông Lode Lauwers nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch IMEC, hai bên có thể xem xét phát triển một trung tâm để đào tạo sinh viên tại Việt Nam. Để hỗ trợ Việt Nam phát triển nhân lực ngành này, IMEC có thể phối hợp triển khai các chương trình trao đổi sinh viên. Theo đó, sinh viên các trường đại học Việt Nam có thể sang học tập ngắn hạn tại các Trung tâm R&D của IMEC.
Ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp ICT cho hay, việc đại diện IMEC đến Việt Nam và làm việc với Bộ TT&TT đánh dấu bước hợp tác mới, qua đó giúp cho chúng ta có cơ hội lớn để nâng cao trình độ công nghệ trong lĩnh vực nghiên cứu và sản xuất vi mạch.
"Hợp tác này không phải là đào tạo chuyên gia thiết kế vi mạch, mà là đào tạo những người sẽ đào tạo ra các chuyên gia thiết kế vi mạch. Đây là việc mà chúng ta cũng rất cần để xây dựng một hệ sinh thái nhân lực mạnh trong lĩnh vực thiết kế vi mạch tại Việt Nam", ông Nghĩa lưu ý.
Nói về định hướng của Bộ TT&TT với lĩnh vực vi mạch bán dẫn, đại diện Cục Công nghiệp ICT cho biết, Việt Nam định hướng sẽ tham gia từng phần vào hệ sinh thái này.
"Chúng ta sẽ tham gia từng bước. Bước đầu tiên có thể chúng ta sẽ tiếp tục cung cấp các dịch vụ như dịch vụ đóng gói, kiểm thử, cung cấp các dịch vụ thiết kế cho các tập đoàn lớn. Sau đó, sẽ cân nhắc có hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam, hoặc là đi sâu hơn vào lĩnh vực đóng gói, kiểm thử", ông Nghĩa chia sẻ thêm.
Bàn về việc phát triển vi mạch bán dẫn tại Việt Nam, Giáo sư Nguyễn Anh Thi, Trưởng Ban Quản lý khu công nghệ cao TPHCM nhận xét, ngoài việc nhiều doanh nghiệp về thiết kế vi mạch đang có xu hướng chuyển dịch hoạt động, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại Việt Nam, một lợi thế lớn của nước ta vẫn là nguồn nhân lực.
Song ông cho rằng, đây vẫn chỉ là cơ hội, là tiềm năng. Và để nguồn nhân lực này trở thành lực lượng có thể phục vụ đắc lực cho ngành thiết kế vi mạch, còn cần nhanh chóng đào tạo thêm.