DMagazine

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết

(Dân trí) - Bệnh dại là một trong những bệnh lâu đời nhất được biết đến trong lịch sử, các ca bệnh được ghi nhận từ khoảng 4.000 năm trước. Ổ chứa virus dại chủ yếu là chó (chiếm 96-97%) và mèo (chiếm 3-4%).

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 2

Trong thế kỷ 19, con người xem bệnh dại như tai họa vì sự phổ biến của nó. Đến thời hiện đại, nỗi sợ ấy vẫn còn nguyên.

Bệnh dại hiện vẫn là một trong số các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây dịch có số tử vong trên người cao nhất trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Hàng năm thế giới ghi nhận trung bình 60.000 ca tử vong. 

Tại Việt Nam, giai đoạn 2017-2021 trung bình mỗi năm nước ta có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012-2016. Trong năm 2022, nước ta ghi nhận 70 ca tử vong, tăng 4 ca so với năm 2021.

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 20 ca tử vong do bệnh dại. Riêng tỉnh Gia Lai ghi nhận 8 trường hợp tử vong. Nạn nhân mới nhất là một trẻ 7 tuổi ở xã Ia Kriêng, huyện Đức Cơ. Trước đó, ngày 8/4, trẻ bị chó nuôi trong nhà cắn vào má trái. Người nhà đưa con đến cơ sở y tế tư nhân để rửa và khâu vết thương.

Hơn một ngày sau, con chó cắn trẻ bị chết. Tuy nhiên, gia đình không đưa con đi tiêm vaccine phòng dại. Đến ngày 21/6, trẻ bị sốt, mệt mỏi, chán ăn, sợ nước, sợ gió, có biểu hiện co giật nhẹ. Người nhà đưa cháu tới Bệnh viện Nhi Gia Lai điều trị thì đã quá muộn.

Ngày 23/6, bệnh nhi được người thân đưa về nhà và tử vong sau đó.

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 4

Trước đó, cũng trong tháng 6, tại huyện Đăk Đoa đã ghi nhận một bé 5 tuổi tử vong vì bệnh dại. 

Trẻ bị chó dại cắn ở chân từ hồi tháng 3. Gia đình đã xử lý vết thương bằng nước nhưng không đưa con đi tiêm vaccine. Đến ngày 14/6 (khoảng gần 3 tháng sau khi bị chó cắn), trẻ có biểu hiện của bệnh dại, sau đó tử vong.

Mùa hè nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Việt Nam có luật Thú y quy định chó nuôi không được thả rông ngoài đường, khi ra đường phải đeo rọ mõm. Tuy nhiên, đa phần người dân không tuân thủ. 

Vì thế, việc người bị chó cắn thường xuyên xảy ra, nguy cơ bị chó dại cắn vì thế cũng tăng lên. 

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), bệnh dại là bệnh nhiễm virus cấp tính của hệ thống thần kinh trung ương từ động vật lây sang người bởi chất tiết, thông thường là nước bọt nhiễm virus dại. Hầu hết các trường hợp phơi nhiễm với bệnh dại đều qua vết cắn, vết liếm của động vật mắc bệnh dại. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong.

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 6
Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 7

Ổ chứa virus dại chủ yếu là chó (chiếm 96-97%) và mèo (chiếm 3-4%). Cho đến nay bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, người bị bệnh dại gần như tử vong 100%. 

Bệnh dại rất nguy hiểm nhưng chúng ta đã có vaccine phòng và người dân hoàn toàn có thể phòng tránh được bệnh dại. 

Tuy nhiên vì chủ quan, nhiều người không đi tiêm phòng sau khi bị chó cắn. Trong khi đó, người đã lên cơn dại thì 100% tử vong, không cách nào cứu được. 

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, dại là bệnh lưu hành tại nước ta. Nguyên nhân chủ yếu là do chó cắn, con chó bị dại cắn người thì nó có khả năng lây truyền bệnh dại sang người. 

Thời gian ủ bệnh rất khác nhau. Người bị chó dại cắn có thể 1 tuần sau đã lên cơn dại và tử vong, nhưng có người thời gian ủ bệnh có thể kéo dài hàng năm. Theo TS Phu, nếu được tiêm phòng dại, nguy cơ mắc dại của con chó sẽ giảm đi. Hiện nay, tại nước ta, tỷ lệ tiêm phòng dại trên đàn chó chưa được cao. 

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 10

Ngoài ra, ở miền quê nhiều người nuôi chó để thịt, sau một thời gian lại nuôi chó mới. Chó được tiêm vaccine đã bị giết, đàn chó mới chưa được tiêm, vì thế, luôn hình thành đàn chó mới không được tiêm vaccine phòng dại. Khi đó, nguy cơ nhiễm bệnh dại ở chó cao, khả năng lây bệnh dại sang người cũng tăng lên. 

Theo TS Phu, bệnh dại trên người hoàn toàn có thể điều trị dự phòng bằng vaccine hay huyết thanh kháng dại. Nếu người bị cắn được tiêm ngay lập tức và đúng phác đồ có thể phòng bệnh 100%.

"Một khi người bệnh đã lên cơn dại thì 100% tử vong, không thể nào chữa được. Rất may là hiện nay chúng ta có thể tiêm vaccine phòng dại cho những người bị chó cắn. Trường hợp nặng cần tiêm cả huyết thanh", TS Phu nhấn mạnh. 

Tuy nhiên, nhiều người có tâm lý chủ quan bị chó cắn nhưng không đi tiêm vaccine phòng dại vì nghĩ con chó đó không sao. Đến khi, người đó lên cơn dại thì đã không kịp, không thể chữa được. 

Đồng thời, nhiều người khi bị chó cắn không đi tiêm vaccine mà đi chữa thuốc nam. Dại là một bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vaccine, dùng thuốc nam không có tác dụng. 

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 11

Đặc thù của bệnh dại là thời gian ủ bệnh dài và phát bệnh muộn tùy tình trạng vết cắn, thường sau vài tuần, có khi hàng năm nên vết thương do chó cắn đã liền sẹo, thậm chí người bị cắn đã quên mất từng bị chó cắn. Vết thương càng ở gần hệ thần kinh trung ương như mặt, cổ, đầu, ngón tay, cơ quan sinh dục ngoài…, thời gian ủ bệnh càng ngắn.

Sau khi xâm nhập vào cơ thể người, virus dại phát triển ở lớp mô trong cùng bên dưới da người (được gọi là mô dưới da), hoặc từ cơ bắp vào các dây thần kinh ngoại biên (tức là các dây thần kinh trong cơ thể nằm ngoài não hoặc tủy sống).

Virus di chuyển dọc theo dây thần kinh đến tủy sống và não với tốc độ ước tính 12-24mm mỗi ngày. Người nhiễm bệnh biểu hiện thay đổi hành vi và dấu hiệu lâm sàng khi virus xâm nhập vào não.

Chó dại có biểu hiện đặc trưng thay đổi so với hành vi bình thường. Chẳng hạn, chó dại cắn mà không có bất kỳ sự khiêu khích, ăn các vật bất thường (như gậy, móng tay, phân…), chạy không có mục đích rõ ràng, thay đổi âm thanh (gầm gừ hoặc không có khả năng phát ra âm thanh), tiết nước bọt quá mức ở các góc miệng…

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 14

Mùa hè nắng nóng là môi trường thuận lợi để bệnh dại bùng phát mạnh nhất. Để chủ động phòng chống bệnh dại mùa nắng nóng, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

- Tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.

- Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.

- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.

- Diệt ngay chó và động vật lên cơn dại hoặc nghi mắc dại trong khu vực ổ dịch.

- Khi bị chó, mèo cắn, cào, liếm người dân cần rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc liên tục trong 15 phút. Nếu không có xà phòng phải xối rửa vết thương bằng nước sạch; Sau đó tiếp tục rửa vết thương bằng cồn 70%, cồn iod hoặc Povidone, Iodine. Lưu ý hạn chế làm dập vết thương và không được băng kín vết thương. 

Đồng thời, người bị cắn cần đến ngay trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm phòng ngừa dại kịp thời. 

Virus dại xuất hiện từ 4.000 năm trước, đến nay vẫn gieo rắc cái chết - 16

Nội dung: Nam Phương