Một người chết vì bệnh dại, 881 người bị chó, mèo cắn

Thế Kha

(Dân trí) - Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 881 người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại. Từ tháng 5 tới nay có một người tử vong vì bệnh dại.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa cho biết, từ cuối tháng 5 đến nay trên địa bàn tỉnh này có một người tử vong do bệnh dại tại xã Nhân Đạo, huyện Sông Lô và 2 trường hợp chó chạy rông cắn người tại TP Phúc Yên và huyện Bình Xuyên.

"Kết quả xét nghiệm của Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương cho thấy các con chó trên dương tính với bệnh dại. Thông báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Vĩnh Phúc từ đầu năm đến nay đã có 881 lượt người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại", thông tin từ UBND tỉnh Vĩnh Phúc cho hay.

Một người chết vì bệnh dại, 881 người bị chó, mèo cắn - 1

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã có 881 lượt người bị chó, mèo cắn phải điều trị dự phòng bệnh dại (Ảnh minh họa: T.Law).

Đáng lo ngại, kết quả tiêm phòng vaccine dại cho đàn chó, mèo ở tỉnh Vĩnh Phúc mới trên 54.0000 con, đạt tỷ lệ rất thấp (28,2%) so với tổng đàn khoảng trên 191.000 con (số liệu của Cục Thống kê vào tháng 1/2023).

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh dại trên địa bàn, UBND tỉnh Vĩnh Phúc yêu cầu các huyện, thành phố nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện tiêm phòng cho gia súc, gia cầm.

Đồng thời yêu cầu chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn tổ chức thực hiện tiêm phòng bổ sung vaccine cho đàn vật nuôi mới nuôi, mới lớn, đặc biệt tại các xã, phường, thị trấn có tỷ lệ tiêm thấp dưới 80% số lượng vật nuôi.

"Đối với các xã, phường, thị trấn có người chết vì bệnh dại và phát hiện chó chạy rông cắn người, vật nuôi khác có xét nghiệm dương tính với bệnh dại và các xã, phường, thị trấn tiếp giáp phải tổ chức tiêm phòng triệt để vaccine dại cho 100% đàn chó, mèo khỏe mạnh chưa được tiêm phòng hiện có", UBND tỉnh Vĩnh Phúc nhấn mạnh yêu cầu.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc được giao chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y phối hợp với UBND các huyện thành phố tổ chức tiêm phòng bổ sung cho đàn vật nuôi, đặc biệt tiêm phòng triệt để vaccine cho đàn chó, mèo. Cung ứng kịp thời, đầy đủ vaccine và phải tổ chức kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật trên địa bàn.