Thực phẩm chức năng "nổ" như thần dược: Bệnh thế giới bó tay vẫn chữa được
(Dân trí) - Thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo, quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm, quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm.
Thực phẩm chức năng công dụng như thần dược?
"Cam kết một liệu trình khỏi hẳn tiểu đường", "Uống đều không lo đột quỵ", "quét sạch mỡ máu sau 2 tuần", "bỏ hoàn toàn thuốc tây"… Những công dụng "thần kỳ" như trên không khó để bắt gặp trong các bài quảng cáo thực phẩm chức năng trên mạng xã hội.
Để tăng thêm sự hấp dẫn, nhiều sản phẩm được gắn với hình ảnh của người nổi tiếng hay những nhân vật mặc áo blouse trắng, được quảng cáo là chuyên gia đầu ngành, bác sĩ nhiều năm kinh nghiệm.
Theo khảo sát của phóng viên báo Dân trí, thực phẩm chức năng được rao bán trên mạng xã hội chủ yếu liên quan đến các bệnh lý mãn tính như: tiểu đường, cao huyết áp và các tình trạng liên quan đến lối sống được nhiều người quan tâm như: béo phì, mỡ máu, giải độc gan do bia rượu…
Chỉ cần gõ từ khóa "bệnh tiểu đường" trên thanh công cụ tìm kiếm của Facebook, sẽ ngay lập tức xuất hiện hàng loạt các Fanpage bán sản phẩm dưới dạng "viên uống tiểu đường", "thảo dược hạ đường huyết", "hỗ trợ điều trị tiểu đường".
Thử để lại số điện thoại nhờ tư vấn tại Fanpage có tên "Thảo dược quý - Đặc trị tiểu đường", chỉ sau 2 phút chúng tôi đã được người tự xưng là từ nhà thuốc gọi đến.
Phóng viên đặt vấn đề cần mua sản phẩm cho người thân đã mắc bệnh tiểu đường nhiều năm, chỉ số đường huyết 8-9 vẫn đang uống thuốc kiểm soát đường huyết, do bệnh viện cấp. Tuy nhiên, gần đây bệnh nhân gặp tình trạng tê bì chân tay, mất ngủ.
Sau khi tiếp nhận thông tin, người tư vấn kết luận, bệnh nhân đang uống thuốc tây mà xuất hiện triệu chứng như vậy là đã chuyển nặng, có biến chứng.
Người này tư vấn chỉ cần uống một lộ trình 2 tháng với 6 hộp sản phẩm có tên H.H.A.Đ. thì tình trạng sẽ ổn định hoàn toàn. Với giá tiền 199.000 đồng cho mỗi lọ, chỉ cần mất 1,2 triệu đồng là có thể giải quyết dứt điểm.
"Nó ổn định hết hoàn toàn triệu chứng, biến chứng mạch máu. Chúng tôi cam đoan điều đó nhưng phải kiên trì uống đều đặn, đừng bỏ dở", người này thông tin.
Đáng chú ý, theo người tư vấn, nếu đã hết triệu chứng và ổn định đường huyết thì có thể ngưng hoàn toàn thuốc kiểm soát đường huyết.
"Sau 2 tháng uống, đã ổn định đường huyết rồi không cần uống thuốc tây bệnh viện kê nữa, có thể ngưng thuốc tây cho tôi", phía đầu dây bên kia quả quyết.
Về vấn đề này, theo ThS.BS Đoàn Dư Mạnh, thành viên Hội Bệnh Mạch máu Việt Nam, bản chất bệnh tiểu đường là bệnh mạn tính, cũng như huyết áp không thể nào chữa khỏi 100%.
Mục tiêu điều trị với bệnh nhân tiểu đường là kiểm soát đường huyết theo phác đồ của bác sĩ chuyên khoa. Bên cạnh thuốc men, người bệnh cần duy trì chế độ dinh dưỡng khoa học cho người tiểu đường và vận động cơ thể.
"Với bệnh nhân tiểu đường lâu năm, kể cả khi muốn giảm liều thuốc phải theo liệu trình mất một thời gian tương đối. Còn nếu chỉ sử dụng thực phẩm chức năng, thảo dược mà sau 2 tháng có thể khỏi hoàn toàn biến chứng, ổn định đường huyết, không cần phải dùng thêm thuốc gì nữa là phản khoa học", BS Mạnh cảnh báo.
Trên Fanpage này, phóng viên cũng ghi nhận nhiều dấu hiệu bất thường. Theo đó, trang thường xuyên đăng lại video của các chuyên gia tư vấn về bệnh tiểu đường nhưng không hề nhắc đến đích danh sản phẩm H.H.A.Đ.
Bên cạnh đó, mặc dù bán sản phẩm quảng cáo đặc trị tiểu đường nhưng ở ảnh bìa của Fanpage này lại là hình ảnh các bác sĩ kèm logo Bệnh viện Da liễu Trung ương.
Trao đổi với phóng viên, đại diện Bệnh viện Bệnh Da liễu Trung ương khẳng định, Fanpage này đã sử dụng trái phép hình ảnh liên quan đến bệnh viện.
Phía bệnh viện cho biết, liên tục xảy ra tình trạng các tổ chức, cá nhân mạo danh nhân viên bệnh viện để bán thuốc, khám bệnh. Các đối tượng này lợi dụng hình ảnh bệnh viện để tư vấn và giới thiệu các loại sản phẩm điều trị hỗ trợ không rõ nguồn gốc, tiềm ẩn nhiều nguy cơ sức khỏe.
Bên cạnh tiểu đường, các sản phẩm để phòng chống đột quỵ cũng xuất hiện nhan nhản trên chợ mạng. Mặt hàng này nhận được nhiều sự quan tâm của cộng đồng khi đột quỵ đang ngày càng phổ biến và trẻ hóa.
Trong bài viết về một loại viên uống chống đột quỵ của Nhật Bản được đăng trong nhóm "Văn Khê có gì hay", người bán khẳng định chỉ cần uống một viên mỗi ngày sẽ giúp phòng ngừa đột quỵ, ngăn ngừa xơ vữa động mạch, tăng cường miễn dịch…
"Uống ngày nào cảm nhận ra ngày ấy", người bán khẳng định.
Một sản phẩm phòng chống đột quỵ được bán phổ biến hơn là "An Cung Ngưu Hoàng Hoàn Hàn Quốc".
Đáng chú ý, theo lời giới thiệu của người bán, sản phẩm này giúp tiêu sợi huyết làm tan cục máu đông để phòng đột quỵ. Thậm chí, khi đã xảy ra đột quỵ, uống sản phẩm này ngay lập tức sẽ giúp hạn chế di chứng để lại.
Theo BS Mạnh, An Cung Ngưu Hoàng thường được giải thích giúp phòng chống đột quỵ bởi đặc tính làm tan cục máu đông, giúp thông lại mạch máu.
Tuy nhiên, BS Mạnh cho biết, ngoài đột quỵ nhồi máu não do cục máu đông, còn có nhiều nguyên nhân khác gây đột quỵ
"Một dạng khác phổ biến là đột quỵ do xuất huyết não, xảy ra khi mạch máu não bị vỡ do bất kỳ nguyên nhân nào. Trong trường hợp này, uống An Cung Ngưu Hoàng khiến máu không cầm được lại càng nguy hiểm hơn cho bệnh nhân", BS Mạnh cảnh báo.
Cách đây vài năm, quảng cáo "nhà tôi 3 đời trị xương khớp" cũng tạo thành một làn sóng trên các nền tảng mạng xã hội, khiến nhiều người "ám ảnh" vì mở đâu cũng có.
Xử phạt hàng loạt thực phẩm chức năng quảng cáo "nổ"
Việc quảng cáo "nổ" các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên không gian mạng và các phương tiện truyền thông không phải là hiếm gặp.
Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc hiện nay trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... là "trá hình" thực phẩm chức năng.
PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, cho biết, thực trạng nhức nhối trong ngành thực phẩm chức năng hiện nay là những quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo, quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm, quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm, quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm như bệnh nhân ung thư.
Trang web của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế, liên tiếp đăng tải thông tin cảnh báo về việc các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo.
Từ năm 2022 đến nay, Bộ Y tế đã cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố cho 24.643 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe, trong đó sản phẩm trong nước chiếm 84,7%.
Bộ Y tế cũng thực hiện cấp 6.653 Giấy xác nhận nội dung quảng cáo; chuyển thông tin của 95 sản phẩm vi phạm trên 184 đường link vi phạm tới Bộ Thông tin và Truyền thông, 92 sản phẩm vi phạm trên 165 đường link vi phạm tới Bộ Công Thương để xử lý theo thẩm quyền.
Bộ Y tế cũng đã xử lý 126 trường hợp vi phạm, với tổng số tiền phạt là 16,858 tỷ đồng; các địa phương đã kiểm tra 941.836 cơ sở, trong đó có 85.551 cơ sở có vi phạm, phạt tiền 20.881 cơ sở, với tổng số tiền phạt là 123,841 tỷ đồng.
Quảng cáo bất chấp đạo đức, pháp luật
Vì lợi nhuận, nhiều đối tượng lợi dụng nhu cầu sử dụng thực phẩm chức năng cao nên cố tình sản xuất thực phẩm chức năng giả, nhập khẩu thực phẩm chức năng không rõ nguồn gốc về dán nhãn, mác của các dòng sản phẩm của Mỹ, Nhật, Canada, Australia... cố tình quảng cáo sai sự thật bất chấp quy định của pháp luật, đạo đức nghề nghiệp.
Đây là nhận định của Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan trong báo cáo gửi các đại biểu Quốc hội về một số nội dung liên quan đến nhóm vấn đề chất vấn tại kỳ họp thứ 8.
Theo Bộ trưởng Bộ Y tế, có tình trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thần dược, quảng cáo sai sự thật, quảng cáo lừa dối, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng; quảng cáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo, quảng cáo không đúng với nội dung đã được xác nhận.
Bên cạnh đó, có tình trạng sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.
Thiết lập tổng đài tư vấn giả mạo bác sĩ, dược sĩ, chuyên gia y tế để tư vấn không đúng về công dụng, tác dụng của thực phẩm bảo vệ sức khỏe, có dấu hiệu lừa đảo người tiêu dùng... cũng là những vấn đề nổi cộm.
Lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), cho biết, nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính.
"Người mắc bệnh nan y phát hiện sớm, điều trị sớm có thể khỏi nếu không thì cũng có thể kéo dài sự sống.
Thế nhưng những quảng cáo "cam kết chữa khỏi" là vi phạm với quy định về thực phẩm chức năng (không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh). Mua những sản phẩm này về dùng không khỏi, người bệnh có thể bỏ lỡ thời gian vàng điều trị, ảnh hưởng tới hiệu quả xạ trị, phẫu thuật. Thậm chí còn có các sản phẩm có chứa chất cấm", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cảnh báo.
Theo Bộ Y tế, việc quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe còn gặp nhiều khó khăn do sự phát triển của các hình thức quảng cáo qua mạng, đặc biệt khó khăn khi xử lý các vi phạm nhất là trên các trang mạng xã hội, các quảng cáo từ các máy chủ ở nước ngoài.
"Cái khó là khi chúng tôi phát hiện những website, tên miền quảng cáo các sản phẩm này, khi làm việc với doanh nghiệp họ lại chối bay chối biến không liên quan đến các quảng cáo đó", lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm cho biết.
Theo Cục An toàn thực phẩm, việc đăng tên miền với tư cách cá nhân, cho phép cấp tên miền ẩn danh, nên khi phát hiện sai phạm, truy xuất rất khó khăn.
Hơn nữa, việc cho phép công ty phần mềm (không phải người trực tiếp sản xuất kinh doanh đứng tên chủ tên miền), nên khi có những nội dung quảng cáo sai phạm, các công ty sản xuất, kinh doanh thường chối không liên quan tới họ, họ không phải là người thực hiện các nội dung quảng cáo này.
"Những khó khăn này, Cục An toàn thực phẩm đã tổng hợp để chuyển Bộ Thông tin truyền thông để kiến nghị, đề xuất, trong trường hợp tìm ra đích danh công ty thực hiện quảng cáo sai phạm cần xử lý vi phạm.
Trên website chính thức của Cục an toàn thực phẩm liên tiếp đưa ra các cảnh báo phát hiện sai phạm, khuyến nghị người dân trước mắt không mua các sản phẩm quảng cáo sai phạm ở các trang website này", Cục An toàn thực phẩm thông tin.
Trước thực trạng này, Bộ Y tế cho biết sẽ tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra trong hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng và xử lý vi phạm.
Ngoài ra, cơ quan chức năng sẽ rà soát, hậu kiểm việc quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội để phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm và công khai các vi phạm theo quy định hiện hành...
Nhận diện thực phẩm chức năng quảng cáo thổi phồng
Theo Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, tình trạng vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng trên nền tảng công nghệ số, đặc biệt là mạng xã hội đang ở mức đáng báo động.
Không chỉ thổi phồng công dụng, vượt quá nội dung quảng cáo đã thẩm định, hình thức vi phạm quảng cáo đang ngày càng tinh vi, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn là thuốc chữa bệnh, rất dễ bị mắc bẫy.
Một hình ảnh vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh được các chuyên gia chia sẻ.
Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo:
- Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo
- Lấy danh nghĩa bài thuốc đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật.
- Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.
- Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...
Theo Cục An toàn thực phẩm, thực phẩm bảo vệ sức khỏe, thực phẩm chức năng vốn là một sản phẩm tốt, hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật…
Vì thế, người tiêu dùng không tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng không tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia.