DMagazine

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu

(Dân trí) - Phát hiện tình cờ bên trong một chiếc đĩa thí nghiệm chỉ đặt vừa lòng bàn tay đã tạo nên một trong những cuộc cách mạng lớn nhất của nền y học thế giới.

Phát hiện tình cờ bên trong một chiếc đĩa thí nghiệm chỉ đặt vừa lòng bàn tay đã tạo nên một trong những cuộc cách mạng lớn nhất của nền y học thế giới.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 1

Năm 1928, khi đang loay hoay lục lọi các đĩa nuôi cấy vi khuẩn, GS Alexander Fleming - nhà khoa học Scotland, đã phát hiện điều kỳ lạ: Một loại nấm mốc bị nhiễm vào mẫu nuôi cấy dường như đã tiêu diệt sạch vi khuẩn trên đà phát triển của nó.

Chắc hẳn ngay chính GS Alexander Fleming cũng khó ngờ rằng, phát hiện tình cờ bên trong một chiếc đĩa thí nghiệm chỉ đặt vừa lòng bàn tay này đã tạo nên một trong những cuộc cách mạng lớn nhất của nền y học thế giới.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 3

Chỉ vài tuần sau, GS Alexander Fleming phân lập được loại nấm mốc này và phát hiện nó thuộc chủng Penicillium. Chiết xuất từ loại nấm này để dùng trong điều trị được đặt tên là peniciline.

12 năm sau phát hiện của Fleming, các nhà khoa học đã tinh chế cô đọng và thử nghiệm penicillin trên người thành công. Năm 1941, penicilline trở thành thuốc kháng sinh đầu tiên được sản xuất và sử dụng trong lâm sàng. Khi đó, kháng sinh được định nghĩa là những chất do vi sinh vật tiết ra (vi khuẩn, vi nấm), có khả năng kìm hãm sự phát triển của vi sinh vật khác.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 5

Penicilline ra đời vào đúng thời điểm chiến tranh thế giới lần thứ hai bùng nổ và nó ngay lập tức đã chứng minh được khả năng của mình.

Hàng triệu người bị nhiễm trùng nặng vốn từng chỉ "chờ chết" được cứu sống nhờ loại thuốc "thần kỳ". Không chỉ thương binh, penicilline còn là cứu tinh của những bệnh nhân mắc các chứng nhiễm trùng do vi khuẩn khác như: viêm phổi, giang mai, lao, hoại tử, bạch hầu. Penicilline đã mở đầu cho thời đại phục hưng trong thế giới y học thế kỷ 20.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 7

Tuy nhiên, niềm vui của nhân loại khi tìm ra loại thuốc "chữa bách bệnh" này lại không kéo dài được lâu, bởi sự xuất hiện của một kẻ thù mới mang tên: Vi khuẩn kháng thuốc.

Trên thực tế, thảm họa này đã được chính cha đẻ của thuốc kháng sinh cảnh báo từ rất sớm.

Trong một bài phỏng vấn sau khi nhận giải Nobel vào năm 1945 vì thành tựu khám phá ra penicilline, GS Fleming phát biểu:

"Những ai lạm dụng thuốc penicilline không suy nghĩ sẽ phải chịu trách nhiệm về mặt đạo đức cho cái chết của người bị nhiễm trùng, gây ra bởi vi khuẩn kháng penicilline".

Thực tế kéo dài đến tận ngày nay: Tính hiệu quả và dễ tiếp cận của kháng sinh dẫn đến hành vi lạm dụng và một số vi khuẩn đã tiến hóa kháng kháng sinh.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 9

Bắt đầu từ những năm 50 của thế kỷ trước (tức là chỉ khoảng một thập kỷ sau khi thuốc kháng sinh ra đời), tình trạng vi khuẩn kháng penicilline trở thành một vấn đề y khoa nghiêm trọng, khiến giới khoa học phải nhìn nhận nó như một mối đe dọa lớn và cấp tập tìm giải pháp.

Bên cạnh việc siết chặt chỉ định dùng kháng sinh, nhân loại cũng chính thức bước vào một cuộc đua lịch sử đến nay vẫn chưa có hồi kết: Cuộc đua giữa sản xuất kháng sinh mới và khả năng tiến hóa của vi khuẩn.

Trong tiến trình này, các nhà khoa học đã không sợ vất vả hay nguy hiểm để tìm chọn các loại khuẩn mới từ những nơi dơ bẩn nhất như: trong đất mùn, nước cống rãnh hôi thối và đống rác sinh hoạt đã bốc mùi…

Bởi họ cho rằng càng ở những nơi như vậy thì mới càng có nhiều loại khuẩn ký sinh và việc thu thập hay chọn lựa mới mang lại nhiều hiệu quả.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 11

Giai đoạn này xuất hiện một "cơn sốt" tìm thuốc kháng sinh trong đống rác trên toàn thế giới, chủ yếu lúc bấy giờ là tại phương Tây.

Kết quả là chỉ trong một thời gian ngắn, nhiều loại thuốc kháng sinh đã ra đời, đáng kể đó là streptomycin, neomycin, erythromycin… Trên kinh nghiệm bào chế peniciline, việc phát hiện và sản xuất các loại kháng sinh mới khác gặp nhiều thuận lợi. Tuy vậy các nhà khoa học cũng đã bỏ ra khá nhiều công sức. Có thể nói mỗi sản phẩm mới đều là sự nỗ lực hết mình của họ.

Sự ra đời của streptomycin là một ví dụ, các nhà khoa học do Waksman đứng đầu đã vùi đầu trong phòng thí nghiệm để chọn lọc từ 10.000 giống vi khuẩn. Cuối cùng họ mới tách ra được một giống lý tưởng nhất, đó chính là streptomycin mà chúng ta đang dùng rộng rãi ngày nay.

Từ thập niên 60 của thế kỷ trước tới nay, nhiều công trình nghiên cứu thuốc kháng sinh phát triển theo chiều sâu. Chloromycetin (pasaxin) là loại thuốc kháng sinh đầu tiên dùng phương pháp tổng hợp hóa học bào chế nên. Từ thập niên 80 của thế kỷ trước, các công trình nghiên cứu bào chế kháng sinh đã có nhiều bước tiến vượt bậc và đã đưa vào sử dụng loại thuốc kháng sinh đa năng mới bằng phương pháp bán tổng hợp là cephalosperin (cynnematin).

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 13

Chỉ riêng mỗi loại này hiện cũng đã có hơn 30 chủng khác nhau. Hàng năm, số lượng các thuốc kháng sinh mới được đưa ra thị trường lên đến hàng chục và tính đến nay số loại kháng sinh có thể đến hàng ngàn. Ước tính đến nay, con người biết được khoảng 8000 loại kháng sinh, trong đó khoảng 100 loại được sử dụng trong y học.

Tuy nhiên mặc cho những bước tiến của loài người trong việc chế tạo ra các loại kháng sinh, vi khuẩn lại không mất quá nhiều thời gian để vô hiệu hóa bất kỳ vũ khí mới nào.

Ngay sau penicilline, nhóm thuốc kháng sinh beta-lactam được phát hiện, phát triển và đưa vào sử dụng. Thế nhưng chỉ vài năm sau đó, trường hợp mắc vi khuẩn kháng được loại thuốc này đã được phát hiện. Cụ thể là vào năm 1962 tại Vương quốc Anh và tại Mỹ vào 6 năm sau đó.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 15

Năm 1972, loại thuốc kháng sinh mới là Vancomycin được đưa vào sử dụng trong lâm sàng cho các trường hợp vi khuẩn kháng thuốc methicillin. Vancomycin, khi đó được đánh giá là một loại vũ khí toàn diện, khi các nhà khoa học cho rằng, việc xuất hiện vi khuẩn kháng được loại kháng sinh này là điều rất khó có thể xảy ra trong lâm sàng.

Với năng lực tiến hóa của mình, vi khuẩn chỉ mất 7 năm để làm sụp đổ niềm tin này của loài người.

Thuốc ra đời, vi khuẩn kháng nó và rồi chúng ta lại đi tìm loại thuốc mới. Nhưng có vẻ như loài người đang hụt hơi khi mà một chủng vi khuẩn mới sinh ra cứ mỗi 20 phút. Trong khi đó, các công ty dược phẩm thì cần đến khoảng 15 năm và hàng trăm triệu USD để nghiên cứu và cho ra đời một loại kháng sinh.

Giới khoa học gần như đã nghiên cứu hết các cơ chế để tiêu diệt vi khuẩn, các ý tưởng cũng đã cạn kiệt. Trong 20 năm trở lại đây, trên thế giới có rất ít loại kháng sinh được ra đời. Trong khi đó, vi khuẩn lại vẫn liên tục tiến hóa. Tỷ lệ vi khuẩn kháng thuốc ngày càng nhiều và khả năng kháng thuốc ngày càng tăng.

Một trong những loại kháng sinh mới nhất của nhân loại, daptomycin ra đời năm 2003 thì chỉ một năm sau xuất hiện vi khuẩn kháng nó.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 17

Trên thế giới có khoảng hơn 100 loại kháng sinh nhưng đã xuất hiện vi khuẩn siêu kháng thuốc kháng được tất cả các loại thuốc hiện có.

Không quá khi ví các loại "siêu vi khuẩn" này là cơn ác mộng trong lĩnh vực y khoa, bởi một khi nhiễm phải nó, bệnh nhân gần như chỉ có một kết cục duy nhất là "chờ chết", trong sự bất lực của các bác sĩ.

Theo một bác sĩ Hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, đối mặt với vi khuẩn kháng thuốc, lựa chọn kháng sinh để điều trị sẽ trở nên rất ít, và đôi khi đó là những quyết định mang tính đánh đổi.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 19

Chuyên gia này dẫn chứng, colistin là một loại kháng sinh bị cấm sử dụng trên người từ những năm 70 của thế kỷ trước, vì có thể gây độc tính cho thận. Tuy nhiên, cách đây khoảng hơn 10 năm, các bác sĩ buộc phải đưa colistin vào điều trị, bởi nó gần như là loại kháng sinh duy nhất có thể ức chế vi khuẩn đa kháng thuốc Acinetobacter baumannii, được xem là nỗi sợ của các bác sĩ hồi sức. Vi khuẩn này cũng là căn nguyên của hầu hết các trường hợp nhiễm khuẩn bệnh viện.

"Việc sử dụng kháng sinh colistin có thể khiến thận của bệnh nhân bị tổn thương, thậm chí là đối mặt với bệnh mạn tính phải chạy thận nhân tạo suốt đời. Tuy nhiên, trong trường hợp này, các bác sĩ chỉ có 2 lựa chọn: Nguy cơ tổn thương thận hoặc bệnh nhân sẽ chết", bác sĩ này dẫn chứng.

"Bị tước bỏ những thứ vũ khí mà mình có khi ra trận", đó là cách các bác sĩ mô tả cuộc chiến với vi khuẩn đa kháng thuốc.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 21

 "Cuộc chiến với vi khuẩn toàn kháng cũng giống như tay không bắt giặc. Trong tình huống này chúng tôi buộc phải tìm cách xoay sở. Tăng hiệu quả của các loại kháng sinh sẵn có, có thể là bằng cách tăng liều.

Bên cạnh đó, hỗ trợ tối đa cho sự sống của bệnh nhân, để hệ miễn dịch của bệnh nhân có thể tạo nên điều kỳ diệu. Tuy nhiên, xác suất chữa khỏi là rất thấp", vị bác sĩ mô tả, "Bệnh nhân nhiễm vi khuẩn đa kháng thuốc nếu đã bị nhiễm trùng máu, sốc, suy đa cơ quan thì tỷ lệ sống chỉ dưới 50%.

Trong trường hợp không khống chế được, thời gian sống của bệnh nhân khó vượt quá 2 tuần. Thậm chí, với trường hợp đã bị sốc nhiễm khuẩn, dù có can thiệp tối đa về hồi sức, thời gian này thường chỉ là 2 ngày".

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 23

 Theo thống kê, có ít nhất 700.000 người trên thế giới tử vong mỗi năm vì nhiễm vi khuẩn kháng thuốc. Con số này có thể tăng lên 10 triệu người vào năm 2050, khi mà các chủng siêu vi khuẩn kháng thuốc càng ngày càng phát triển và lan rộng.

Các chuyên gia, tổ chức y tế trong suốt nhiều năm qua đã liên tục phát đi những cảnh báo về "thảm họa" mà con người sẽ phải đối mặt khi không có những biện pháp mạnh mẽ chống lại tình trạng vi khuẩn kháng thuốc.

TS Tedros Adhanom Ghebreyesus - Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới từng nhấn mạnh: "Thế giới chưa bao giờ đối mặt với mối đe dọa (siêu vi khuẩn) kháng kháng sinh như bây giờ và đang cần giải pháp cấp bách".

Theo báo cáo của WHO, hiện đang có rất ít kháng sinh mới có hiệu quả đang lưu hành trên thị trường. Điều này có nghĩa là thế giới đang mất dần các lựa chọn trong cuộc chiến chống siêu vi khuẩn.

Tại Hội nghị Dược lâm sàng 2022 - Quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện diễn ra tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cảnh báo về thực trạng lạm dụng kháng sinh đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 25

Ông cũng chỉ ra thực trạng nhiều người dân tự đi mua thuốc kháng sinh, thậm chí người bán thuốc có thể "kê đơn" cho người bệnh, điều này cực kỳ nguy hiểm, làm gia tăng nguy cơ kháng kháng sinh.

"Nhiều người cứ có triệu chứng ho, sốt là bảo nhau mua thuốc kháng sinh uống. Chỉ cần tìm tới một dược sĩ tại một đại lý thuốc bất kỳ, nói lại các triệu chứng, bệnh nhân sẽ được kê ngay kháng sinh giảm đau, hạ sốt được chia thành các túi cùng lời dặn uống vào buổi sáng, chiều", ông Tuyên nói.

"Do đó, việc quản lý kháng sinh trong các cơ sở y tế là cấp thiết, cấp bách. Năm 2015, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn sử dụng kháng sinh. Năm 2020, Bộ Y tế tiếp tục ban hành hướng dẫn quản lý sử dụng kháng sinh trong bệnh viện, đây là tài liệu không thể thiếu trong thực hành dược lâm sàng", Thứ trưởng Tuyên nhấn mạnh.

Theo một báo cáo của WHO, tại Việt Nam, kháng sinh chiếm hơn 50% các thuốc dùng cho người và thông thường được bán tại các nhà thuốc cộng đồng. Bên cạnh đó, bằng chứng cho thấy 88 - 97% các cửa hàng bán thuốc kê kháng sinh mà không có đơn thuốc của bác sĩ mặc dù điều này đã bị cấm theo luật pháp Việt Nam.

Kháng sinh: Từ cứu tinh của nhân loại đến nguy cơ thảm họa y tế toàn cầu - 27

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam, TS. Angela Pratt phân tích: "Kháng kháng sinh là vấn đề cực kỳ nghiêm trọng đối với Việt Nam, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới.

Do kháng kháng sinh là mối đe dọa thực sự đối với sức khỏe cộng đồng và nếu không tăng cường nỗ lực để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ nhanh chóng tiến tới một thế giới mà những bệnh nhiễm trùng thông thường không thể điều trị được và phẫu thuật thông thường có rủi ro cao vì nguy cơ nhiễm trùng khó kiểm soát hơn nhiều. Đó là một thế giới mà không ai trong chúng ta muốn sống".

Trưởng đại diện WHO tại Việt Nam nhấn mạnh, đại dịch Covid-19 đã làm trầm trọng thêm tình trạng sử dụng kháng sinh quá liều lượng và sai cách. Vì vậy hiện tại là thời điểm cần xem xét lại và đưa những nỗ lực của các nước để trở lại đúng hướng để giải quyết vấn đề kháng thuốc.

Nội dung: Minh Nhật

Thiết kế: Đỗ Diệp