TPHCM:

Bé trai 6 tuổi sốc phản vệ nguy kịch, nghi dị ứng kháng sinh ở bệnh viện

Hoàng Lê

(Dân trí) - Khi đang điều trị viêm phổi tại một bệnh viện tuyến dưới, bé trai 6 tuổi bất ngờ sốc phản vệ nặng và suy đa cơ quan nguy kịch, nghi dị ứng thuốc kháng sinh.

Tối 27/1, đại diện Bệnh viện Nhi đồng 2 (TPHCM) cho biết, một trường hợp bệnh nhi bị sốc phản vệ nặng đã hồi phục thần kỳ sau hơn 3 tháng điều trị tại đây, trong sự vui mừng tột độ của gia đình và các y bác sĩ.

Trước đó vào tháng 10/2022, bé S. bị bệnh viêm phổi, phải nhập một bệnh viện tuyến dưới. Trong quá trình điều trị, bé bất ngờ bị sốc phản vệ, nghi do thuốc kháng sinh.

Bé trai 6 tuổi sốc phản vệ nguy kịch, nghi dị ứng kháng sinh ở bệnh viện - 1

Bệnh viện Nhi đồng 2, TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Bé trai được chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng 2 trong tình trạng sốc phản vệ nặng, tổn thương đa cơ quan. Trước tình hình nguy kịch, các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức đã chỉ định chạy ECMO (phương pháp hồi sinh tim phổi nhân tạo thông qua tuần hoàn ngoài cơ thể) cho bé.

Trải qua nhiều tuần điều trị căng thẳng, bằng sức sống mãnh liệt, từ chỗ nguy hiểm, bé đã từng bước hồi phục và dần cai được ECMO. Đến nay sau nhiều ngày liền nằm trên giường bệnh, bé S. đã tươi tắn, nói được vài câu đơn giản và  đang tập đi.

"Bác sĩ dặn sau khi đóng hậu môn tạm thì con tôi có thể được xuất viện, trở về nhà rồi. Từ hôm hay tin con khỏe đến nay, tôi mừng lắm…" - anh Nguyễn Văn Hiếu, cha bệnh nhi nghẹn ngào chia sẻ khi đã cùng con đón Tết trong bệnh viện, chứng kiến những ngày bé S. chống chọi với tử thần.

Bé trai 6 tuổi sốc phản vệ nguy kịch, nghi dị ứng kháng sinh ở bệnh viện - 2

Bé S. hồi phục thần kỳ sau thời gian dài điều trị, tập đi trong bệnh viện dịp Tết Nguyên đán (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Bác sĩ Nguyễn Hiền, khoa Ngoại tổng hợp của bệnh viện cho biết, sốc phản vệ là phản ứng dị ứng cấp tính nặng.

Sốc phản vệ xảy ra sau khi tiếp xúc với các chất dị ứng (dị nguyên) như thuốc, nhựa mủ, nọc độc, ong chích, kiến đốt… hoặc những thực phẩm hàng ngày không phù hợp với cơ thể mỗi người như cá ngừ, tôm, tép, ốc, trứng, sữa, khoai tây, đậu phộng, đậu nành....

Khi bị sốc phản vệ, thông thường bệnh nhân sẽ có cảm giác chóng mặt; xây xẩm đứng không vững do hạ huyết áp; tay chân lạnh; vã mồ hôi; mạch nhanh nhẹ khó bắt; phát ban trên da; buồn nôn và nôn. Bệnh nhân cần được phát hiện sớm, xử trí đúng, kịp thời, ngược lại có thể dẫn đến các biến chứng như tổn thương não, suy thận, suy hô hấp... thậm chí nguy hiểm tính mạng.

"Việc chạy ECMO được áp dụng để điều trị các ca bệnh trong giai đoạn cuối, suy tim hay suy hô hấp nghiêm trọng, cũng là biện pháp cuối cùng để cứu bệnh nhân" - bác sĩ phân tích.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân nếu từng xảy ra dị ứng, sốc phản vệ nghiêm trọng hoặc có cơ địa dị ứng, cần tránh các yếu tố kích hoạt sốc phản vệ, bao gồm các loại thuốc, kháng sinh. Khi phát hiện có dấu hiệu sốc phản vệ, bệnh nhân cần được nhanh chóng đưa đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu, xử trí kịp thời.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm