Hà Nội: Bệnh viện kín giường vì sốt xuất huyết, bệnh nhân ám ảnh cô đặc máu
(Dân trí) - Áp lực đè nặng lên lực lượng y tế khi phải "chạy đua" điều trị, vừa đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, vừa giúp bệnh nhân sớm xuất viện, để có thể tiếp nhận các bệnh nhân mới liên tục chuyển vào.
Xuất hiện triệu chứng sốt cao, mỏi mệt tuy nhiên anh Lưu, 42 tuổi, sống ở Thanh Xuân (Hà Nội) nghĩ rằng chỉ là cảm cúm thông thường. Sau 2 ngày tình trạng không thuyên giảm, anh đến bệnh viện thăm khám và rất bất ngờ khi được bác sĩ kết luận mình đã mắc sốt xuất huyết.
"Trước thời gian bị bệnh, tôi không đi đâu, trong khu vực sinh sống cũng không có cây cối, kênh mương gì", anh Lưu chia sẻ.
Sau khi thăm khám, anh Lưu được cho về nhà tiếp tục theo dõi và tái khám vào hôm sau. Tối đó, người đàn ông này đau đầu và mệt nhiều. Kết quả xét nghiệm ngày hôm sau, tiểu cầu của anh Lưu bất ngờ giảm xuống chỉ còn 14G/L, phải nhập viện gấp.
Nhà neo người, gần cả tuần nay vợ anh "bận gấp đôi" khi cứ vừa hết giờ làm lại phải cấp tốc vào viện chăm chồng. Gia đình cũng phải nhờ một người cháu đang là sinh viên sang trông con nhỏ.
"Chưa mắc sốt xuất huyết lần nào tôi có phần chủ quan. Khi phát hiện tiểu cầu giảm thấp, cả gia đình rất lo lắng, may mắn là được nhập viện kịp thời", anh Lưu chia sẻ.
Anh Lưu là một trong hơn 40 bệnh nhân sốt xuất huyết đang điều trị tại Đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Oanh, Phụ trách Đơn nguyên Truyền nhiễm, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, từ cuối tháng 8 và đặc biệt là sang tháng 9 đến nay, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết nhập viện tăng mạnh theo đà bùng phát dịch ở Hà Nội.
Hiện mỗi ngày riêng Đơn nguyên Truyền nhiễm, phải tiếp nhận 15-18 bệnh nhân sốt xuất huyết, lúc cao điểm lên tới 25 bệnh nhân.
Áp lực công việc đè nặng lên lực lượng y tế của đơn vị này khi phải "chạy đua" điều trị vừa đảm bảo an toàn cho bệnh nhân, vừa giúp bệnh nhân sớm xuất viện, để có thể tiếp nhận các bệnh nhân mới liên tục chuyển vào.
"Chúng tôi luôn phải trong một guồng quay cấp tập để đáp ứng được tốc độ luân chuyển bệnh nhân. Các bác sĩ phải theo dõi rất sát bệnh nhân để cho thuốc kịp thời. Điều dưỡng hành chính cũng phải làm thủ tục quyết toán rất nhanh, giúp bệnh nhân đủ điều kiện có thể xuất viện sớm, để tiếp tục đón bệnh nhân mới", BS Oanh phân tích.
Các bệnh nhân sốt xuất huyết mà Đơn nguyên Truyền nhiễm tiếp nhận trong đợt dịch này chủ yếu trong độ tuổi 20-50 tuổi (Đơn nguyên chỉ tiếp nhận bệnh nhân trên 16 tuổi).
Có đến 20% các bệnh nhân tiếp nhận diễn biến nặng, chủ yếu trong độ tuổi 30-40 tuổi. Người béo phì nguy cơ cao hơn.
Nằm trên giường bệnh, tay chân chi chít những nốt xuất huyết, Hoàng, 27 tuổi, sống tại Đống Đa (Hà Nội) chưa thể hoàn hồn với những ngày bị sốt xuất huyết "hành" thừa sống thiếu chết vừa qua.
"Cách đây 5 ngày, buổi sáng tôi vẫn bình thường nhưng đến trưa sốt cao 38,5-39 độ. Uống thuốc hạ sốt 2 hôm không thấy đỡ nên tôi đi làm xét nghiệm máu, phát hiện dương tính sốt xuất huyết.
Thời điểm này tiểu cầu là 160G/L, nhưng ngay ngày hôm sau tiểu cầu giảm xuống còn 40G/L nên nhập viện ngay", Hoàng thuật lại, giọng lộ rõ sự mệt mỏi.
Theo BS Oanh, Hoàng là bệnh nhân sốt xuất huyết nặng nhất mà Đơn nguyên Truyền nhiễm tiếp nhận điều trị.
Bệnh nhân vào viện trong tình trạng cô đặc máu trầm trọng. Môi bệnh nhân khô se, mệt lả do thiếu dịch, chỉ số men gan tăng cao.
"Bệnh nhân tổn thương thành mạch gây tăng tính thấm thành mạch làm thoát huyết tương từ trong ra ngoài thành mạch, gây tình trạng cô đặc máu nặng.
Bệnh nhân đã được phát hiện và xử trí kịp thời, bù dịch cấp tập theo đúng phác đồ điều trị sốt xuất huyết. Sau 2 tiếng lại xét nghiệm máu đánh giá lại. Chỉ trong ngày đầu tiên khi bệnh nhân nhập viện chúng tôi đã phải bù tới 4,5l dịch", BS Oanh phân tích.
Ngày thứ 5 sau khi nhập viện, bệnh nhân lại có tình trạng thoát dịch ra khoảng kẽ dẫn đến tràn dịch ổ bụng, màng phổi, bao gan khiến bụng bệnh nhân căng cứng. "Trong hai ngày bị tràn dịch, bụng tôi căng cứng, đau tức rất khó thở, không đi lại được. Lúc đó cả tôi và gia đình đều rất sợ hãi", Hoàng rùng mình.
Theo BS Oanh, tình trạng này khiến bệnh nhân trong lòng mạch thiếu dịch nhưng ở các khoảng kẽ trong người lại thừa dịch. Đây là thử thách lớn với nhân viên y tế vì vẫn phải tiếp tục bù dịch nhưng phải tính toán để không gây quá tải.
Hiện tại, Hoàng đã thoát khỏi tình trạng ứ dịch, vẫn cần tiếp tục theo dõi và điều trị. Cậu dùng từ "ám ảnh" để mô tả về những ngày phải đối mặt với sốt xuất huyết của mình.
"Đây là lần mắc bệnh nặng nề nhất mà tôi từng trải qua. Sốt xuất huyết mệt mỏi hơn Covid-19 rất nhiều", Hoàng chia sẻ.
Theo BS Oanh, dựa trên lâm sàng, một điểm đáng chú ý của đợt dịch năm nay là các triệu chứng điển hình khác biệt so với năm trước.
"Các năm trước triệu chứng nổi bật là xuất huyết như: xuất huyết dưới da, xuất huyết niêm mạc, tiêu hóa. Tuy nhiên, năm nay tình trạng của bệnh nhân chủ yếu là đau đầu nhiều, sốt cao, mỏi cơ, có một tỷ lệ khá lớn bị rối loạn tiêu hóa.
Đáng nói, nhiều bệnh nhân nặng mà chúng tôi tiếp nhận trong năm nay gặp tình trạng tổn thương thành mạch gây thoát huyết tương, cô đặc máu, mặc dù tiểu cầu chưa giảm sâu, lâm sàng chưa hề có triệu chứng xuất huyết.
"Với tình trạng này nếu không xử trí bù dịch kịp thời bệnh nhân có thể xỉu, tụt huyết áp và đi vào sốc, kèm theo những tổn thương nội tạng như tổn thương gan. Tôi đã gặp những bệnh nhân men gan tăng tới hơn 2000, rất mệt mỏi", BS Oanh phân tích.
Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát Bệnh tật Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Thủ đô ghi nhận 23.314 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng mạnh so với cùng kỳ năm 2022.
CDC Hà Nội nhận định, số ca mắc sốt xuất huyết trong kỳ báo cáo đã tăng rõ rệt, kết quả giám sát tại một số ổ dịch có chỉ số muỗi vằn, bọ gậy vượt ngưỡng nguy cơ, một số ổ dịch phức tạp, kéo dài.
Dự báo thời gian tới số ca mắc sốt xuất huyết có thể tiếp tục gia tăng và xuất hiện thêm các ổ dịch, đặc biệt tại các khu vực ổ dịch cũ, các xã, phường có diễn biến dịch phức tạp.