DNews

"Đại dịch" ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm?

Nam Phương

(Dân trí) - WHO dự báo số mắc ung thư sẽ tăng gần gấp đôi trên toàn cầu trong 25 năm tới. Đáng chú ý là xu hướng trẻ hóa người mắc cũng như sự tái xuất hiện của ung thư phổi như một loại ung thư phổ biến nhất.

"Đại dịch" ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm?

Ung thư phổi - bệnh ung thư phổ biến nhất, nguy hiểm nhất

Ngày 4/2 hàng năm được chọn là Ngày Thế giới Phòng, Chống bệnh Ung thư nhằm nâng cao nhận thức, dự phòng, phát hiện sớm, điều trị tốt hơn bệnh ung thư.

Trước ngày nay năm nay, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC) của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) công bố những ước tính mới nhất về gánh nặng ung thư toàn cầu. Ước tính của IARC nêu bật gánh nặng ung thư ngày càng tăng.

Vào năm 2022, ước tính thế giới có khoảng 20 triệu ca mắc ung thư mới và 9,7 triệu ca tử vong. Số người còn sống trong vòng 5 năm sau khi được chẩn đoán là 53,5 triệu người.

Cứ 5 người sẽ có 1 người phát triển bệnh ung thư trong suốt cuộc đời. Đồng thời cứ 9 nam giới thì có 1 người chết vì căn bệnh này, con số này ở nữ giới là 12 - 1.

3 loại ung thư chính vào năm 2022 là ung thư phổi, vú và đại trực tràng.

Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 1
Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 2
Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 3

Ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất trên toàn cầu trong năm 2022 (Ảnh: H.K).

Theo IARC, ung thư phổi là loại ung thư xảy ra phổ biến nhất trên toàn thế giới với 2,5 triệu ca mắc mới, chiếm 12,4% tổng số ca mắc mới. Ung thư vú ở nữ đứng thứ hai (2,3 triệu trường hợp, chiếm 11,6%), tiếp theo là ung thư đại trực tràng (1,9 triệu trường hợp, 9,6%), ung thư tuyến tiền liệt (1,5 triệu trường hợp, 7,3%) và ung thư dạ dày (970.000 trường hợp, 4,9%).

Ung thư phổi cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do ung thư (1,8 triệu ca tử vong, chiếm 18,7% tổng số ca tử vong do ung thư), tiếp theo là ung thư đại trực tràng (900.000 ca tử vong, 9,3%), ung thư gan (760.000 ca tử vong, 7,8%), ung thư vú (670.000 ca tử vong, 6,9%) và ung thư dạ dày (660.000 ca tử vong, 6,8%).

Có một số khác biệt theo giới tính về tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong so với con số trên toàn cầu của cả hai giới.

Đối với phụ nữ, loại ung thư được chẩn đoán phổ biến nhất và nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu là ung thư vú, trong khi đó ở nam giới là ung thư phổi. Ung thư vú là loại ung thư phổ biến nhất ở phụ nữ ở hầu hết các quốc gia (157 trên 185 quốc gia được xem xét).

Đối với nam giới, ung thư tuyến tiền liệt và đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 2 và thứ 3, trong khi ung thư gan và đại trực tràng đứng thứ 2 và thứ 3 về nguyên nhân gây tử vong do ung thư.

Đối với phụ nữ, ung thư phổi và đại trực tràng đứng thứ 2 và thứ 3 về cả số ca mắc mới và số ca tử vong.

Gánh nặng ung thư dự kiến sẽ tăng vào năm 2050

Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 4

Ước tính số ca mắc ung thư mới từ năm 2020 đến năm 2045 ở nam giới và nữ giới, tương ứng tại châu Á, châu Âu và châu Phi (Nguồn IARC).

Theo Fortune Well, các nhà khoa học dự đoán tỷ lệ ung thư sẽ tăng gần gấp đôi trên toàn cầu trong một phần tư thế kỷ tới. Cụ thể, IARC dự đoán thế giới sẽ có hơn 35 triệu ca ung thư mới vào năm 2050, tăng 77% so với ước tính 20 triệu ca vào năm 2022.

Tốc độ gia tăng bệnh ung thư sẽ mạnh nhất ở các nước phát triển trong 25 năm tới. Tuy nhiên ở các nước kém phát triển hơn, tỷ lệ ung thư cũng gia tăng ở mức đủ gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế các nước này.

Các nước phát triển sẽ chứng kiến sự gia tăng mạnh nhất về số ca ung thư trong 25 năm tới. Tuy nhiên ở các nước kém phát triển hơn, tỷ lệ ung thư cũng gia tăng ở mức đủ gây gánh nặng lớn cho hệ thống y tế các nước này.

Trong giai đoạn từ nay đến năm 2050, IARC dự đoán tỷ lệ mắc ung thư sẽ tăng 142% ở các quốc gia kém phát triển.

"Bất chấp những tiến bộ đã đạt được trong việc phát hiện sớm bệnh ung thư cũng như điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư, sự chênh lệch đáng kể về kết quả điều trị ung thư không chỉ tồn tại giữa các khu vực thu nhập cao và thấp trên thế giới mà còn giữa các quốc gia. Nơi ai đó sống không nên quyết định liệu họ có sống hay không.

Mọi người đều có quyền tiếp cận các dịch vụ chất lượng, giá cả phải chăng", Tiến sĩ Cary Adams, người đứng đầu Liên minh Kiểm soát Ung thư Quốc tế nói.

Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 5

Các nhà khoa học thế giới lo ngại trước xu hướng trẻ hóa số người mắc ung thư (Ảnh: H.K).

Trong khi đó, Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (ACS) cảnh báo, điều đáng lo ngại nhất là độ tuổi trung bình của bệnh nhân ung thư đang giảm dần. Năm 1995, 61% số ca chẩn đoán ung thư tại Mỹ là ở những người từ 65 tuổi trở lên. Nhưng đến năm 2020, tỷ lệ này đã giảm xuống còn 58%.

Trong khi đó, tỷ lệ ung thư ở người trung niên và thanh niên đang gia tăng. Nhìn chung, những người dưới 50 tuổi là nhóm tuổi duy nhất chứng kiến sự gia tăng chẩn đoán ung thư từ năm 1995 đến năm 2020.

Đặc biệt, chẩn đoán ung thư đại trực tràng đang có xu hướng gia tăng ở những người trẻ tuổi - những người dưới 50 tuổi.

Cùng với một số gen liên quan đến ung thư di truyền, các nhà nghiên cứu cho rằng việc tiếp xúc sớm với các yếu tố nguy cơ như chế độ ăn uống, lối sống, béo phì, tiếp xúc với môi trường và hệ vi sinh vật có thể tác động nghiêm trọng đến sự phát triển của ung thư sau này trong cuộc sống.

Thủ phạm chính làm gia tăng gánh nặng bệnh ung thư

Theo WHO, gánh nặng ung thư toàn cầu đang gia tăng nhanh chóng phản ánh cả sự già hóa và tăng trưởng dân số, cũng như những thay đổi trong việc con người tiếp xúc với các yếu tố nguy cơ, một số trong đó gắn liền với sự phát triển kinh tế xã hội.

Thuốc lá, rượu và béo phì là những yếu tố chính đằng sau tỷ lệ mắc bệnh ung thư ngày càng tăng, trong đó ô nhiễm không khí vẫn là nguyên nhân chính gây ra các yếu tố nguy cơ môi trường.

Sự tái xuất hiện của ung thư phổi như một loại ung thư phổ biến nhất có thể liên quan đến việc sử dụng thuốc lá liên tục ở châu Á.

Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 6

Sử dụng thuốc lá là một trong những nguyên nhân làm gia tăng gánh nặng bệnh ung thư (Ảnh: H.K).

Theo CBS News, nhìn vào những lý do đằng sau sự gia tăng ung thư toàn cầu được dự đoán, WHO chỉ ra một số yếu tố, bao gồm:

- Già hóa và tăng trưởng dân số.

- Những thay đổi trong mức độ tiếp xúc của mọi người với các yếu tố rủi ro, trong đó ô nhiễm không khí là nguyên nhân chính gây ra các yếu tố rủi ro môi trường.

- Sử dụng thuốc lá và rượu.

- Béo phì.

Một trong những vấn đề chính là việc sử dụng thuốc lá. Ở các nước châu Á, tỷ lệ sử dụng thuốc lá cao, điều này tất nhiên góp phần gây ra tỷ lệ tử vong cũng như làm gia tăng số ca  mắc. 

Lấy ví dụ với tình trạng béo phì, Tiến sĩ Elizabeth Platz, một nhà dịch tễ học tại Trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, từng chia sẻ với CNN: "Trước kia tình trạng này hiếm nhưng giờ đây chúng ngày càng trở nên phổ biến. Mọi người đang trở nên béo phì sớm hơn, thậm chí ngay cả khi còn nhỏ.

Vì vậy, những nguy cơ ung thư này đang hình thành sớm hơn nhiều thập kỷ so với các thế hệ trước".

Theo các chuyên gia, sự gia tăng đột biến ca mắc ung thư ở người trẻ là do một số yếu tố nguy cơ không lành mạnh cùng tác động. Trong số này, nhiều yếu tố đã được chứng minh có mối liên hệ với ung thư như béo phì, lười vận động, tiểu đường, rượu, hút thuốc, ô nhiễm môi trường, chế độ ăn nhiều thịt đỏ và đường, chưa kể làm việc theo ca và thiếu ngủ.

Và có rất nhiều yếu tố nguy cơ không xác định, như chất gây ô nhiễm hoặc phụ gia thực phẩm mà các nhà khoa học chưa biết hết được.

Tiến sĩ Andre IIbawi, trưởng nhóm kỹ thuật về ung thư của WHO cho biết: "Đây không phải là lúc để quay lưng. Đã đến lúc các nước cần tăng cường đầu tư vào phòng ngừa và kiểm soát ung thư".

Mỗi năm Việt Nam có trên 180.000 ca mắc ung thư mới

Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 7

Bệnh ung thư có thể điều trị được nếu phát hiện ở giai đoạn sớm.

GS.TS Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, cho biết, ung thư đang là vấn đề sức khỏe lớn trên toàn cầu. Phát hiện càng sớm điều trị hiệu quả càng cao, chi phí càng thấp.

"Mỗi năm nước ta ghi nhận trên 180.000 ca mắc ung thư mới, trên 120.000 ca tử vong. Nếu tính cả số đã mắc hiện còn sống, chúng ta có hơn 354.000 người sống chung với bệnh ung thư. Tính trên toàn cầu, con số này còn lớn hơn nhiều, với 19,3 triệu ca mắc mới, trên 9,9 ca tử vong và 50,5 triệu người đang sống chung với bệnh ung thư", Thứ trưởng Thuấn nói. 

Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 8
Xu hướng người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang gia tăng, trong đó ở cả nữ giới. Đây là điều chúng ta hết sức cảnh giác trong thời gian tới
GS.TS Trần Văn Thuấn Thứ trưởng Bộ Y tế

Trong đó, ung thư phổi là bệnh ung thư phổ biến nhất ở nam giới trên toàn cầu cũng như tại nước ta, chiếm 25% tổng số ca mắc ung thư hàng năm ở nam giới nước ta. Hơn 90% các trường hợp mắc ung thư phổi là do thuốc lá.

Thứ trưởng cũng cảnh báo hiện nay xu hướng người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang gia tăng, trong đó ở cả nữ giới. 

"Đây là điều chúng ta hết sức cảnh giác trong thời gian tới, chúng được quảng cáo ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống, tuy nhiên các bằng chứng khoa học lại cho thấy chúng nguy hiểm hơn nhiều", Thứ trưởng Thuấn nhấn mạnh. 

Đáng chú ý, khoảng 75% bệnh nhân ung thư phổi ở Việt Nam được chẩn đoán ở giai đoạn cuối, dẫn đến nhiều thách thức trong việc điều trị và tỷ lệ tử vong cao. Điều này đặt ra thách thức cho việc sàng lọc phát hiện sớm bệnh. 

Sau nhiều nỗ lực, tỷ lệ hút thuốc lá ở nam giới trưởng thành nước ta hiện giảm xuống còn gần 39%, dù vậy, Việt Nam vẫn còn nằm trong nhóm các nước có số người hút thuốc lá cao trên thế giới.

Đại dịch ung thư gia tăng nhanh chóng trên toàn cầu, đâu là thủ phạm? - 9

Ngày Thế giới Phòng, Chống bệnh Ung thư năm 2024 đánh dấu năm thứ ba của chiến dịch "Thu hẹp khoảng cách chăm sóc".

Trong năm cuối cùng, chiến dịch sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự thiếu công bằng và những rào cản còn tồn tại đối với nhiều người trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân ung thư. Mọi người đều xứng đáng được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng bất kể họ là ai.

Qua đó kêu gọi mọi người dân tham gia định kỳ khám sàng lọc, xét nghiệm tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm chi phí, khả năng tử vong do ung thư.