DMagazine

Chuyên gia dự báo tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM

(Dân trí) - Theo các chuyên gia, biện pháp phòng chống hữu hiệu nhất là đẩy nhanh tiến độ tiêm mũi tăng cường, đặc biệt là đối với nhóm có nguy cơ cao; xem xét tiêm mũi 3 sau 3 tháng nếu nguồn vaccine cho phép.

Chuyên gia dự báo tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM

(Dân trí) - Đề xuất với TPHCM, TS Thu Anh cho rằng, biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu và khả thi nhất là nhanh chóng tiêm chủng bổ sung mũi 3 sau 6 tháng; đặc biệt là đối với nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người có bệnh nền, người tiêm các loại vaccine có hiệu quả chưa cao. Thậm chí, có thể xem xét tiêm mũi 3 sau 3 tháng nếu nguồn vaccine cho phép.

Mới đây, đơn vị mô hình hóa Dịch tễ học tại Đại học Monash (nơi đã cung cấp các dự báo liên quan đến đại dịch Covid-19 cho rất nhiều quốc gia khu vực Tây Thái Bình Dương và Văn phòng WHO khu vực), lần đầu tiên mở rộng quy mô nghiên cứu để thực hiện dự đoán tại Việt Nam, đặc biệt là TPHCM.

Dự báo được thực hiện bởi NCS. ThS. Ngô Hoàng Anh và TS. Romain Ragonnet, dưới sự hỗ trợ của TS.BS Nguyễn Thu Anh (Giám đốc Quốc gia, Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock Việt Nam), đóng vai trò làm đầu mối dữ liệu và tư vấn về các kịch bản chính sách). Kết quả phân tích chỉ ra rằng, từ tháng 12/2021 đến cuối tháng 3/2022, có khả năng sẽ có một làn sóng dịch mới diễn ra ở TPHCM.

Chuyên gia dự báo tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM - 1

TS.BS Nguyễn Thu Anh.

Trả lời Dân trí, TS Thu Anh cho biết, theo mô hình dự báo của nhóm, quy mô và mức độ ảnh hưởng của làn sóng dịch lần này sẽ phụ thuộc rất nhiều vào các quyết định chính sách của TPHCM và Bộ Y tế, ý thức của người dân trong việc giãn cách xã hội và sự xuất hiện của biến thể Omicron tính từ ngày 1/12/2021.

Dựa trên những số liệu đã thu thập cùng với phân tích chính sách, nhóm dự báo từ thời điểm tháng 12/2021 đến cuối tháng 3/2022, khả năng sẽ có ít nhất một làn sóng dịch mới diễn ra.

Nhóm của TS Thu Anh dự báo 8 kịch bản dựa trên các quyết định chính sách và các biến động về dịch tễ, bao gồm cả kịch bản xấu nhất và kịch bản tốt nhất. Theo dự báo, từ 1/12/2021 đến 30/6/2022, số ca nhiễm SARS-COV-2 ghi nhận được tại TPHCM sẽ dao động từ 700.000 - 1.200.000 ca. Số ca tử vong do Covid-19 sẽ dao động từ khoảng 11.500 - 26.000 ca. Số giường hồi sức cấp cứu (bao gồm các giường ECMO, thở máy xâm lấn và không xâm lấn) cần phải chuẩn bị ít nhất là 1.700 giường.

TS Thu Anh cho biết, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học về độc lực và hiệu quả của vaccine hiện có với biến thể Omicron do đó các ước tính dựa trên giả định tạm thời. Những số liệu đầu vào về biến chủng Omicron được dùng trong mô hình được giả định rằng biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn gấp 5 lần và tỷ lệ tử vong tương đương với biến thể Vũ Hán.

Tuy nhiên, đã có những kết quả bước đầu cho thấy hiệu quả của hai liều vaccine Pfizer- BioNtech hay Astra Zeneca thấp hơn đáng kể với biến thể này.

"Nếu điều đó xảy ra, tình hình có thể sẽ xấu hơn dự báo. Kết quả của mô hình mà chúng tôi phân tích hiện chỉ tính đến yếu tố tăng khả năng lây nhiễm của biến thế này và có thể thay đổi khi chúng ta biết nhiều hơn về những yếu tố khác của nó. Khi đó, chúng tôi sẽ tiếp tục cập nhật dự báo một cách nhanh nhất" - TS Thu Anh chia sẻ.

Chuyên gia dự báo tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM - 2

TS Thu Anh nhận định, hiện chưa có đủ bằng chứng khoa học về độc lực và hiệu quả của vaccine hiện có với biến thể Omicron (Ảnh minh họa: Hữu Khoa).

Với các ước tính tạm thời, hệ thống y tế của TPHCM có thể sẽ phải chịu áp lực rất lớn, cùng với đó là số ca tử vong sẽ tăng, nên TPHCM cần chuẩn bị phương án đối phó hiệu quả nhất.

Đề xuất với TPHCM, TS Thu Anh cho rằng, biện pháp phòng chống dịch hữu hiệu và khả thi nhất là nhanh chóng tiêm chủng bổ sung mũi 3 sau 6 tháng; đặc biệt là đối với nhóm có nguy cơ cao, bao gồm nhân viên y tế, người cao tuổi và người có bệnh nền, người tiêm các loại vaccine có hiệu quả chưa cao. Thậm chí, có thể xem xét tiêm mũi 3 sau 3 tháng nếu nguồn vaccine cho phép.

Ngoài ra, TPHCM nên cảnh báo người dân, hạn chế tụ tập đông người, đặc biệt là trong phòng kín; hạn chế di chuyển không cần thiết, đặc biệt hạn chế tụ tập trong dịp giáng sinh và năm mới.

"Đã có kinh nghiệm từ đợt bùng phát dịch nghiêm trọng vừa rồi, tôi cho rằng TPHCM cần phải chuẩn bị thật tốt để đảm bảo điều phối mềm dẻo, nhịp nhàng, tuyệt đối tránh rối loạn. Điều đó sẽ vô cùng quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với làn sóng dịch mới" - TS Thu Anh nhận định.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh là Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, trưởng nhóm F5. Nhóm này gồm các chuyên gia đa ngành tập hợp thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19, nhằm đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch.

Chuyên gia dự báo tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM - 3