DMagazine

TS Nguyễn Thu Anh: "Không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng"

(Dân trí) - Trong bất cứ giai đoạn nào của đại dịch, việc tập trung điều trị các ca F0 nặng để giảm tỷ lệ tử vong luôn cần được ưu tiên...

Vì sao không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng?

(Dân trí) - "Trong bất cứ giai đoạn nào của đại dịch, việc tập trung điều trị các ca F0 nặng để giảm tỷ lệ tử vong luôn cần được ưu tiên. Nhưng tôi không cho rằng vì thế mà chúng ta nên xem nhẹ việc đếm ca dương tính và xét nghiệm diện rộng", Tiến sĩ  Nguyễn Thu Anh nhấn mạnh trong cuộc trao đổi với Dân trí.

Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh là Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, trưởng nhóm F5. Nhóm này gồm các chuyên gia đa ngành tập hợp thông tin có bằng chứng khoa học về Covid-19, nhằm đưa ra các khuyến cáo phòng chống dịch.

***

Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TPHCM (HCDC), biểu đồ dịch bệnh của TPHCM những ngày qua đang có xu hướng đi ngang. Là chuyên gia dịch tễ, bà có nghĩ đây là một tín hiệu lạc quan, chứng tỏ TPHCM đã qua đỉnh dịch?

Tiến sĩ Thu Anh: Tôi vừa lạc quan, vừa lo ngại. Lạc quan vì biểu đồ này chứng tỏ những nỗ lực của chính quyền và sự hy sinh của người dân TPHCM sau 2 tháng giãn cách xã hội đã chặn được một phần đà lây lan của dịch bệnh. Nhưng chúng ta chưa thể dựa vào những số liệu đó mà có thể cho rằng TPHCM đã qua đỉnh dịch.

TS Nguyễn Thu Anh: Không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng - 1

Những nỗ lực của chính quyền và sự hy sinh của người dân TPHCM sau 2 tháng giãn cách xã hội đã chặn được một phần đà lây lan của dịch bệnh (Ảnh minh họa: Phạm Nguyễn).

Sau nhiều lần thay đổi biện pháp chống dịch, TPHCM đã không còn ưu tiên cho việc xét nghiệm diện rộng nữa. Chúng ta phải chấp nhận một thực tế là dịch bệnh vẫn đang âm thầm lây lan trong cộng đồng và có thể những số liệu mà HCDC có những ngày qua mới chỉ phản ánh một phần mức độ lây lan, quy mô của dịch bệnh.

Việc một số người dân phản ánh, họ nghi ngờ bản thân nhiễm Covid-19 nhưng không có cơ hội tiếp cận xét nghiệm PCR hay được chuyển đến bệnh viện kịp thời thời gian qua, nói lên một điều: Dịch bệnh trong cộng đồng ở TPHCM vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp.

Đâu đó có ý kiến cho rằng, việc đếm số ca dương tính không còn nhiều ý nghĩa, thay vào đó sẽ tập trung điều trị những ca F0 nặng để giảm tối đa tỷ lệ tử vong. Đánh giá của bà về ý kiến này như thế nào?

Tiến sĩ Thu Anh: Trong bất cứ giai đoạn nào của đại dịch, việc tập trung điều trị các ca F0 nặng để giảm tỷ lệ tử vong luôn cần được ưu tiên. Nhưng tôi không cho rằng vì thế mà chúng ta nên xem nhẹ việc đếm ca dương tính và xét nghiệm diện rộng, vì 2 lý do:

Một là: Khi không tập trung vào số ca dương tính, không xét nghiệm diện rộng nghĩa là buộc phải chấp nhận thực tế dịch bệnh tiếp tục lây lan âm thầm trong thành phố, đặc biệt ở những khu dân cư có mật độ dân số cao. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian chúng ta phải giãn cách xã hội dài hơn.

Hai là: Hệ lụy của việc đó dẫn đến số liệu có thể phản ánh một phần tình trạng dịch bệnh, gây khó khăn cho công tác dự báo, đưa ra giải pháp phù hợp cho chiến lược chống dịch.

TS Nguyễn Thu Anh: Không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng - 2

"Tôi không cho rằng vì thế mà chúng ta nên xem nhẹ việc đếm ca dương tính và xét nghiệm diện rộng" - Tiến sĩ Thu Anh chia sẻ quan điểm (Ảnh minh họa: Hải Long).

Xét nghiệm diện rộng đành rằng sẽ tốn kém, nhưng với quy mô dịch bệnh như TPHCM, tôi cho rằng thành phố cần chấp nhận sự tốn kém này để đảm bảo mọi người dân không may mắc Covid-19 đều có thể tiếp cận y tế; đồng thời chắc chắn rằng không để những ca bệnh lây lan mất kiểm soát trong cộng đồng, gây hư hại những thành quả chống dịch mà đất nước chúng ta phải trả giá rất nhiều mới đạt được.

Chúng ta có thể học hỏi các nước trong việc thay đổi phương pháp lấy mẫu xét nghiệm. Thay vì tập trung dân ở một điểm để chờ cán bộ y tế lấy mẫu - vừa tốn kém thời gian, công sức của cả chính quyền lẫn nhân dân, vừa tăng nguy cơ lây nhiễm, chúng ta có thể triển khai cho người dân tự lấy mẫu ở nhà, lấy mẫu ở hiệu thuốc, phòng khám, cơ quan, rồi lập các điểm thu mẫu ở từng địa bàn trong thành phố?

Vai trò của cơ quan chuyên môn là hướng dẫn và tuyên truyền đề người dân lấy mẫu đúng quy định.

Trung tâm xét nghiệm bằng công nghệ PCR siêu nhạy của Học viện Quân Y đã lập phòng lab ở TPHCM, với năng lực xét nghiệm 100.000 mẫu/ngày - chính quyền TPHCM nên tận dụng tối đa nguồn lực này để sớm kiểm soát dịch bệnh trong thành phố.

TS Nguyễn Thu Anh: Không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng - 3

Chuyên gia cho rằng nên hướng dẫn để người dân tự lấy mẫu ở nhà, lấy mẫu ở hiệu thuốc, phòng khám, cơ quan, rồi lập các điểm thu mẫu ở từng địa bàn trong thành phố để giảm tải áp lực cho lực lượng y tế và chính quyền địa phương (Ảnh minh họa: Hải Long).

Hiện tại chúng ta đang sử dụng cả xét nghiệm PCR lẫn kit xét nghiệm nhanh. Nhưng điều tôi băn khoăn là chất lượng kit xét nghiệm nhanh... Cần hiểu rõ ưu nhược điểm của kit xét nghiệm nội địa để có các biện pháp chống dịch phù hợp.

Ví dụ, kết quả xét nghiệm kháng nguyên âm tính không nên được coi là giấy thông hành di chuyển, hoặc xét nghiệm kháng nguyên chỉ nên áp dụng cho người có triệu chứng nghi mắc Covid-19.

Bà có đưa ra khuyến nghị gì cho TPHCM để việc chống dịch hiệu quả hơn cả trong giai đoạn tới?

Tiến sĩ Thu Anh: Việc các ca bệnh nặng và tử vọng tăng cao là điều tất yếu vì bao giờ nó cũng sẽ tăng sau số ca lây nhiễm. Điều này đã được đúc rút trên kinh nghiệm chống dịch ở các quốc gia khác nơi dịch bệnh phức tạp. Ở Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng cũng sẽ không có ngoại lệ.

Hiện tại, TPHCM đang áp dụng mô hình 5 tầng điều trị, với mục đích phân loại bệnh nhân. Phân tầng là một chiến lược đúng đắn, nhưng sau một thời gian hoạt động, tôi nghĩ TPHCM cần tiếp tục đánh giá hiệu quả của việc phân 5 tầng điều trị.

TS Nguyễn Thu Anh: Không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng - 4

Theo chuyên gia, các bác sĩ có tay nghề cao, với các trang thiết bị y tế hiện đại nhất đang được tập trung ở hai tầng 4-5 (Ảnh minh họa: Hải Long).

Có lo ngại rằng việc quá nhiều tuyến cần phải chuyển, gây phức tạp cho công tác điều phối, làm hạn chế khả năng tiếp cận y tế của số đông bệnh nhân.

Với cách phân tầng hiện nay, các bác sĩ có tay nghề cao và các trang thiết bị y tế hiện đại nhất mà chúng ta có được tập trung ở hai tầng 4-5. Nhưng tầng 2-3, nơi tập trung nhóm F0 triệu chứng nhẹ và nhóm F0 có nguy cơ cao, thì trang thiết bị y tế... đều đang căng thẳng. Ngay cả số bác sĩ hồi sức phân bổ cho các tầng này cũng đang là nỗ lực rất lớn của Bộ Y tế...

Trong khi đó, biến chủng Delta khiến tình trạng bệnh của một số F0 ở tầng 2-3 có thể diễn biến xấu rất nhanh chỉ sau 1-2 giờ đồng hồ. Nhiều bệnh nhân chưa kịp làm xong thủ tục chuyển viện lên tuyến trên có thể nguy kịch. Trong khi nếu tiết kiệm được thời gian chuyển tuyến, có thiết bị y tế hỗ trợ kịp thời, thì có thể họ sẽ tốt hơn, có nhiều cơ hội sống sót.

Theo tôi, nên chăng thay vì phân thành 5 tầng, TPHCM chỉ nên phân thành 3 tầng:

Tầng 1 tại cộng đồng: Thiết lập tổ y tế cộng đồng (đã xây dựng và đang thí điểm tại quận 7) hoặc Trung tâm cấp cứu F0 tại cộng đồng (mô hình tại quận 10), để quản lý sức khỏe F0 tại cộng đồng, đo SpO2 phát hiện sớm nguy cơ bệnh nặng, xử trí tại cộng đồng và vận chuyển bệnh nhân tới bệnh viện khi tổ không đủ năng lực cứu chữa. Tổ y tế cần được thiết lập và tập huấn từ giai đoạn sớm để tránh bị động.

TS Nguyễn Thu Anh: Không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng - 5

Nhiều chung cư chưa có người ở tại TPHCM đang được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân Covid-19 (Ảnh: Hữu Khoa).

Tầng 2 bệnh viện dã chiến, bệnh viện quận: Điều trị ca chớm nặng, ca vừa, theo dõi ca có nguy cơ cao chuyển tình trạng nghiêm trọng. Tầng này cần có năng lực trải rộng, xử lý được tình huống nặng để bệnh nhân không cần chuyển viện, cần có bể oxy ổn định và cho lượng bệnh nhân lớn, nên cần được ưu tiên đầu tư.

Tầng 3 là bệnh viện tầng 5 hiện nay: Chữa các ca bệnh nghiêm trọng.

Các tổ y tế cộng đồng do Bệnh viện Quận 7 thành lập đã liên hệ với các bệnh viện tuyến trên để thống nhất về các thủ tục giấy tờ, nên sẵn sàng chuyển bệnh nhân đi khi cần mà không mất thời gian điều phối.

Trong trường hợp có bệnh nhân cần chuyển lên tuyến trên, việc xử lý diễn ra chỉ trong thời gian ngắn. Với mô hình này, trong tuần đầu tháng 8, các Tổ y tế cộng đồng quận 7 đã quản lý, chăm sóc, theo dõi 2.650 F0 và 2.500 F1 cách ly tại nhà; thăm khám cho 1.000 F0 tại nhà và 2.150 F0 qua điện thoại, kịp thời chuyển đi bệnh viện tuyến trên 157 bệnh nhân nặng.

Một điều quan trọng nữa là những bài học chúng ta đã có ở TPHCM, cả mặt tích cực lẫn mặt hạn chế nhất định phải được mang ra mổ xẻ để các địa phương khác rút kinh nghiệm, chuẩn bị cho những kịch bản có thể xảy ra trong thời gian tới.

TS Nguyễn Thu Anh: Không nên xem nhẹ đếm ca F0 và xét nghiệm diện rộng - 6
Dòng sự kiện: Kiên cường Việt Nam