DMagazine

Bi kịch đau lòng của những thai phụ "nhí": Khi kẻ xấu là người thân

(Dân trí) - Bị xâm hại đến có thai, thậm chí phải sinh con, những cô bé đang tuổi ăn, tuổi lớn ảnh hưởng tâm lý nặng nề, đứng trước tương lai mịt mờ, vô định.

Đầu tháng 2, một cô bé mới 14 tuổi được mẹ đưa đến cầu cứu bệnh viện phụ sản ở TPHCM trong tình trạng đã mang thai 9 tuần tuổi, tâm lý hoảng loạn. Cô bé chỉ muốn nói chuyện với nhân viên y tế, không cho mẹ ngồi cạnh bên.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 1

Trong giọng nói thỏ thẻ và sợ hãi, C. nghẹn ngào tiết lộ, mình đã có hàng chục lần bị một người ruột thịt trong nhà xâm hại. Lần đầu tiên là cách đây đến 4 năm, khi em mới học lớp 4, chưa nhận thức rõ chuyện cơ thể bị chung đụng bất thường. Đến khi lờ mờ nhận ra việc làm xấu xa, cô bé vừa ghê tởm, vừa bất lực đến ám ảnh.

Mỗi lần "kẻ ấy" làm chuyện người lớn với C. đều trong tình trạng say xỉn, khóa trái cửa để hành động nhân lúc không ai có nhà. Vì sợ mẹ buồn, C. cắn răng im lặng chịu trận hết lần này qua lần khác. Cho đến Tết Nguyên đán 2023, khi thấy con gái nôn ói, có triệu chứng như mang thai, người mẹ hỏi dồn, mới biết hết sự thật.

"Chúng tôi có đặt vấn đề hỗ trợ về mặt pháp lý, nếu gia đình muốn kiện ra tòa. Họ nói anh trai của bé sắp kết hôn, nên không thể làm lớn chuyện. Chúng tôi cũng hướng dẫn việc đưa bé vào nhà tạm lánh, nhưng gia đình vẫn muốn tự giải quyết.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 3

Do đó, bệnh viện chỉ có thể chia sẻ một phần viện phí, hướng dẫn bé cách chăm sóc sức khỏe sau khi phá thai và cách tự bảo vệ mình để không bị xâm hại nữa, trước khi họ rời đi" - chị Nguyễn Ngọc Minh Thảo, nhân viên phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ.

Không "may mắn" như C. khi vẫn có thể chấm dứt thai kỳ để tìm đường trở lại cuộc sống, A. vào viện khi đã mang thai 30 tuần, cận kề ngày lâm bồn. Và bà mẹ nhí ấy mới vừa tròn 12 tuổi. Đối diện với các bác sĩ, cô bé gần như không thể giao tiếp được.

Theo lời kể của gia đình, cha bé A. thường xuyên đi làm xa ở Tây Nguyên, mấy tháng mới về một lần, trong khi mẹ cũng tăng ca từ sáng đến tối mịt ở công ty. Mỗi ngày, A. thường ở nhà với bà nội và một người anh em họ trong gia đình.

Bởi ít theo sát con, nên đến khi người mẹ phát hiện bất thường, A. đã mang bầu lớn. Đáng chú ý, chính cô bé cũng không xác định được ai là người làm mình mang thai, hỏi gì cũng đáp không biết.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 5

Lúc này, nhân viên y tế hỏi người mẹ mỗi ngày bé sinh hoạt thế nào, thì được cho biết vào buổi tối, con gái thường nằm ngủ ở sân trước nhà. Mẹ nghi ngờ một người họ hàng đã xâm hại bé, vì anh ta từng làm chuyện xấu này trước đây.

"Họ chỉ muốn xét nghiệm ADN để xác định tác giả thai là ai, chứ không muốn can thiệp pháp lý, vì sợ ảnh hưởng tương lai con gái. Dự tính của cha mẹ bé A. là sau khi con sinh xong, sẽ nhận chăm sóc và coi cháu ngoại như con ruột" - chị Thảo thuật lại lời người mẹ sắp làm bà ngoại ở tuổi 33 nói với mình.

Đó chỉ là 2 trong nhiều thai phụ trong tuổi vị thành niên mà Bệnh viện Hùng Vương tiếp nhận vài tuần qua. Cả 3 trường hợp còn lại, gia đình đều từ chối để nhân viên y tế tiếp cận con mình, khiến việc trợ giúp rơi vào bế tắc.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 7

Bác sĩ Hoàng Lê Minh Hiền, Trưởng phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, hầu hết các trẻ em mang thai khi vào viện gần như trầm cảm nặng, không nói được gì. Nhiều trẻ không muốn tiếp xúc với mẹ vì nhiều lý do, như sợ mẹ buồn, sợ gia đình vì mình bị ảnh hưởng, hoặc sợ bị chửi bới, cáu gắt…

Theo bác sĩ Hiền, khi tiếp nhận các thai phụ "nhí", bệnh viện sẽ tìm cách hỗ trợ cả 2 phía, về y tế lẫn pháp lý. Cụ thể ngoài theo dõi, chăm sóc sức khỏe và tâm sinh lý của bé, các nhân viên y tế cũng sẽ trình báo công an địa phương để làm thủ tục khai sinh, hoặc truy tìm người thủ phạm làm nạn nhân mang thai, với các trường hợp bị xâm hại.

Ở chiều ngược lại, có những gia đình, phụ huynh khi đưa trẻ vào viện cũng không hợp tác.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 10

"Khá nhiều trường hợp người nhà từ chối thông tin về nguyên nhân con mang thai, thậm chí tỏ thái độ gay gắt, hoặc năn nỉ bệnh viện không xen vào, vì đã thỏa thuận với người xâm hại trẻ. Có lúc, bác sĩ vừa mới hỏi chuyện nạn nhân thì gia đình phản đối, vì sợ bé tổn thương thêm" - đại diện Bệnh viện Hùng Vương dẫn chứng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, bác sĩ Phạm Thị Hải Châu, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Hùng Vương cho biết, năm 2021 số trẻ vị thành niên mang thai chiếm 0,74% trong tổng số lượt khám kế hoạch hóa gia đình của bệnh viện. Đến năm 2022, vì ảnh hưởng của dịch nên tỷ lệ này giảm còn 0,59%.

Tuy nhiên, có một thống kê rất đáng lo ngại, là số bà mẹ "nhí" sinh con đã tăng mạnh trong 2 năm qua. Cụ thể, trong năm 2021, có 446 trẻ sinh con tại Bệnh viện Hùng Vương, bao gồm 36 bà mẹ dưới 15 tuổi. Sang năm 2022, 351 bà mẹ vị thành niên lâm bồn tại bệnh viện, nhưng đến 64 trường hợp dưới

15 tuổi. Với tỷ lệ trên, gần như trung bình mỗi ngày đều có trẻ em phải làm mẹ bất đắc dĩ. Số lượng phá thai tuổi vị thành niên cũng tăng từ 49 ca (năm 2021) lên 75 ca (năm 2022).

Theo bác sĩ Châu, có nhiều nguyên nhân khiến trẻ vị thành niên mang thai ngoài ý muốn, như sự thiếu hiểu biết về chu kỳ kinh nguyệt, các biện pháp tránh thai. Vì trẻ thiếu kiến thức, chưa nghĩ đến việc sẽ có con nên việc mang thai thường bị phát hiện trễ.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 11

Bác sĩ Nguyễn Thị Sa Giang, Phó Trưởng khoa Kế hoạch hóa gia đình, Bệnh viện Hùng Vương chia sẻ, mang thai ở độ tuổi vị thành niên gây rất nhiều ảnh hưởng đến sức khỏe lẫn cuộc sống của trẻ. Mỗi lần tiếp nhận những trường hợp thai phụ nhí, cô đều có cảm giác xót xa.

Mới đây, bác sĩ Giang đã tiếp nhận một cô bé mới hơn 12 tuổi nhưng đã mang thai hơn 22 tuần. Khai với người điều trị cho mình, bé kể đã quan hệ tình dục với 2 bạn trai khác nhau, nên vẫn chưa biết ai là cha của bào thai trong bụng. Cha mẹ bé cũng là dân lao động nghèo, ít quan tâm con, dẫn đến việc thai đã phát triển nhiều tuần mới biết chuyện.

Vẫn còn trong thời gian được chấm dứt thai kỳ theo quy định, các bác sĩ đã cho bé gái uống thuốc để thai sẩy tự nhiên. Em bé khi lấy ra đã nặng 650 gram, được gia đình gửi lại bệnh viện để công an giám định ADN, trước khi tiến hành các thủ tục pháp lý bảo vệ quyền lợi cho mẹ.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 13

"Khi nhìn con, ánh mắt cô bé ngơ ngác, cứ ngỡ khối thai trước mặt như búp bê chứ không mường tượng được đó là con ruột do chính mình sinh ra" - bác sĩ Giang nhớ lại.

Theo các bác sĩ, sản phụ mang thai ở tuổi vị thành niên sẽ dễ bị thiếu máu và các biến chứng nguy hiểm, như tiền sản giật, nhiễm trùng, băng huyết, thủng tử cung… Nguy cơ tử vong của mẹ vị thành niên cao hơn so với các bà mẹ ở tuổi trưởng thành.

Về mặt cuộc sống, bà mẹ nhí phải gián đoạn việc học hành hoặc công việc, kinh tế từ đó cũng khó khăn. Đặc biệt, nhiều trường hợp lâm vào hoàn cảnh éo le khi bị phân biệt đối xử, gây căng thẳng và khủng hoảng tâm lý từ chính những người thân của mình.

Bác sĩ Sa Giang dẫn chứng, cách đây 3 tuần, một nữ sinh viên 21 tuổi có thai với người yêu đến bệnh cầu cứu. Cô cho biết, vì mình còn đang đi học và có thai trước hôn nhân nên sau khi biết chuyện, cha mẹ đã chửi bới và kiên quyết ép bỏ.

"Thay vì đồng hành cùng con, họ lại chọn cách ngược lại, dù cô gái đã ở tuổi trưởng thành và hoàn toàn sinh nở được. Cô bé nói với tôi sẽ phá thai chiều ý cha mẹ, nhưng sau đó cũng bỏ học và bỏ đi khỏi nhà. Tôi khuyên em ấy rằng, đừng mang tâm lý "trả thù cha mẹ" khi quyết định, vì người lãnh hậu quả nặng nề nhất vẫn là em" - bác sĩ Sa Giang nói.

Bi kịch đau lòng của những thai phụ nhí: Khi kẻ xấu là người thân - 15

Từ thực tế tiếp nhận các trường hợp mang thai ở tuổi vị thành niên, các bác sĩ cho rằng, yếu tố gia đình rất quan trọng. Khi xảy ra chuyện xấu, trẻ bị sang chấn tâm lý rất nhiều, chỉ có cha mẹ, người thân cận mới hỗ trợ cho trẻ nhiều nhất.

"Gia đình cần động viên, chia sẻ với trẻ, thay vì la mắng mạt sát. Cha mẹ phải gạt bỏ sự sĩ diện, gạt bỏ danh dự để vì con" - bác sĩ nhắn nhủ.

Ở góc độ xã hội, trường học cần phải mời các chuyên gia về sản khoa để thường xuyên cập nhật kiến thức cho trẻ. Ngoài ra, hội phụ nữ địa phương, các hội bảo vệ trẻ em cũng cần làm tốt vai trò động viên, vận động gia đình chăm lo cho trẻ, hỗ trợ pháp lý, tâm lý, để trẻ có thể sớm trở lại cuộc sống sau khi sự việc không hay xảy ra.

Nội dung và ảnh: Hoàng Lê

Thiết kế: Thủy Tiên