DMagazine

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung?

(Dân trí) - Giữa tâm dịch Covid-19 căng thẳng, bệnh viện mỗi ngày cấp cứu hàng trăm trường hợp ở TPHCM đã thực hiện một giải pháp để vừa phòng bệnh, vừa giúp nhân viên y tế hạn chế tối đa việc bị hành hung.

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bảo vệ bác sĩ không bị hành hung?

 (Dân trí) - Giữa tâm dịch Covid-19 căng thẳng, bệnh viện điều trị cấp cứu hàng đầu ở TPHCM đã thực hiện một giải pháp để vừa phòng bệnh, vừa giúp nhân viên y tế hạn chế tối đa việc bị tấn công khi làm nhiệm vụ cứu người. 

Mỗi ngày, Bệnh viện Nhân dân 115 tiếp nhận hơn 300 ca cấp cứu, thuộc hàng đông nhất trong các cơ sở y tế tại TPHCM. Với số lượng đông như vậy, không tránh khỏi có trường hợp phải chờ đợi sau khi sàng lọc, phân loại mức độ ưu tiên. Cũng từ đây ngoài áp lực điều trị, các nhân viên y tế phải đối diện với nguy cơ xảy ra mâu thuẫn với người nhà bệnh nhân, dẫn đến việc bị hành hung.

Gặp hiểm nguy từ tâm lý "người nhà là nhất"

Bác sĩ Khâu Minh Tuấn có thâm niên 15 năm công tác trong lĩnh vực cấp cứu. Anh cho biết, khoa Cấp cứu tổng hợp của Bệnh viện Nhân dân 115 (TPHCM) hiện có 112 nhân viên y tế. Nếu xét về số lượng, có thể không chênh lệch nhiều so với trước dịch. Tuy nhiên, cơ cấu nhân sự thay đổi theo hướng "cũ ra, mới vào" khá nhiều.

Thống kê cho thấy, có khoảng 30% nhân sự đã chuyển công tác vì nhiều lý do, trong đó có vấn đề áp lực công việc và những rủi ro phải đối mặt khi thực hiện nhiệm vụ.

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 1

Khoa Cấp cứu tổng hợp, Bệnh viện Nhân dân 115, TPHCM thường trong tình trạng đông đúc bệnh nhân (Ảnh: Hoàng Lê).

Mỗi kíp trực của khoa Cấp cứu tổng hợp có 7 bác sĩ và 15 điều dưỡng. Tuy nhiên, có thời điểm bệnh nhân vào viện cùng lúc hàng chục trường hợp. Do đó, vấn đề sàng lọc bệnh nặng, nhẹ luôn được thực hiện kỹ lưỡng. Điều này vô tình làm nảy sinh xung đột giữa nhân viên y tế và lợi ích của người bệnh.

Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp Khâu Minh Tuấn nhận định, chuyện người nhà nóng ruột khi bệnh nhân vào cấp cứu là điều dễ hiểu và thường xảy ra. Với tâm lý coi người thân là quan trọng nhất, họ thường không chú ý đến hoàn cảnh xung quanh. 

"Trên nguyên tắc, bệnh nhân gặp vấn đề ngưng tuần hoàn hô hấp, sốc mất máu sẽ ưu tiên xử trí ngay lập tức. Các trường hợp suy hô hấp sẽ được can thiệp trong vòng 10 phút. Những ca chấn thương gãy xương, viêm ruột thừa có thể trì hoãn 30 phút. Nếu là tình trạng nhẹ hơn nữa, việc triển khai cấp cứu thực hiện trong vòng 60 phút", bác sĩ Tuấn nói.

Vị trưởng khoa chia sẻ việc phân chia các cấp độ cấp cứu từ đỏ (ưu tiên cấp cứu), vàng (có thể nặng lên) và xanh (có thể theo dõi và ít nguy cơ diễn biến bất thường) theo quy định quốc tế. Nếu thuộc trường hợp nằm trong nhóm "màu trắng" là bệnh cảnh không phải cấp cứu, có thể theo dõi thêm, cho về hoặc giới thiệu khám chuyên khoa.

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 2
Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 3
Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 4

Để người nhà hiểu rõ quy ước trên và yên tâm nếu chẳng may rơi vào hoàn cảnh chờ đợi, các y bác sĩ cấp cứu phải liên tục giải thích, trấn an, tư vấn cặn kẽ. Dù vậy, không phải lúc nào nhân viên y tế cũng nhận được sự đồng cảm, hợp tác.

Bác sĩ Trần Bá Lân, thành viên khoa Cấp cứu tổng hợp nhớ lại, cách đây vài tháng, trong một ca trực cấp cứu đêm, anh tiếp nhận một trường hợp người đàn ông sử dụng rượu bia nhiều, bị tai nạn giao thông. Sau khi thăm khám, ê-kíp trực giải thích cho người nhà rằng bệnh nhân cần phải chụp CT để kiểm tra tình trạng chấn thương. Tuy vậy, việc này có thể trì hoãn vì còn những bệnh nhân khác nặng hơn.

"Chúng tôi đã giải thích, nhưng người nhà liên tục yêu cầu phải làm ngay và còn có lời lẽ đe dọa, đòi đâm nhân viên y tế", bác sĩ Lân kể.

Vị bác sĩ tâm sự có trường hợp khi vào cấp cứu, nhiều người nhà đi cùng. Khi bác sĩ vừa giải thích cho người này, lúc sau lại có người khác vào hỏi. Việc liên tục phải giải thích như vậy không phải nhân viên y tế nào cũng làm hài lòng hết người nhà bệnh nhân.

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 5
Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 6

"Với bệnh nhân có nhiều người nhà đi theo, nhân viên y tế cấp cứu cần hỏi xem ai là người có quan hệ thuộc hàng cao nhất để mời đến trao đổi tình trạng bệnh. Hàng thứ nhất là vợ chồng, hàng thứ hai là cha mẹ, kế tiếp là anh chị, người đưa đến…", bác sĩ Tuấn chia sẻ kinh nghiệm.

Thầy thuốc cấp cứu như "diễn viên" trên sân khấu

Ngoài hành động giải thích cặn kẽ tình trạng bệnh nhân là ưu tiên hàng đầu để hạn chế mâu thuẫn phát sinh trong quá trình cấp cứu, bác sĩ Tuấn cho biết còn có một số biện pháp khác để bảo đảm an toàn cho nhân viên y tế. 

Thứ nhất, bệnh viện phải bảo đảm an ninh ngay từ lúc đầu. Thực tế tại khoa Cấp cứu của Bệnh viện Nhân dân 115 luôn có 3 bảo vệ được đào tạo bài bản túc trực, chưa kể bảo vệ ở vòng ngoài. Đồng thời, bệnh viện cũng thực hiện theo nguyên tắc một bệnh nhân - một người nhà nuôi bệnh.

Nếu chẳng may xảy ra sự việc không mong muốn, 3 tình huống đe dọa nhân viên y tế có thể phát sinh. Cấp độ 1 là tranh cãi giữa hai bên. Cấp độ 2 là bệnh nhân dùng lời lẽ đe dọa tính mạng nhân viên y tế. Và cấp độ 3 là xảy ra ẩu đả.

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 7

Các bác sĩ cấp cứu tại Bệnh viện Nhân dân 115 luôn chuẩn bị sẵn những cấp độ mâu thuẫn có thể xảy ra với người nhà để xử lý theo quy trình đã xây dựng sẵn (Ảnh: Hoàng Lê).

Theo Trưởng khoa Cấp cứu tổng hợp, ngay khi có tình huống ở cấp độ 1, bệnh viện sẽ mời người nhà vào khu vực riêng để hỏi chuyện, giải thích kỹ lưỡng để ổn định tinh thần. Đồng thời thông báo để tăng cường lực lượng bảo vệ có mặt, giữ an ninh trật tự.

Nếu bước sang cấp độ 2 trở lên, chuông báo động hệ thống Code grey (quy trình phản ứng nhanh sự cố an ninh trật tự) sẽ được kích hoạt. Thông tin về sự việc sẽ được đường dây nóng báo đến trực lãnh đạo, bảo vệ và công an địa phương can thiệp. 

Sau nhiều vụ nhân viên y tế bị kẹp cổ, rượt đuổi truy sát, Bệnh viện Nhân dân 115 đã tìm cách sắp xếp những khu vực cấp cứu biệt lập riêng cho các đối tượng khác nhau, sau khi phân loại bệnh.

Đặc biệt ngay trong mùa dịch Covid-19, để đảm bảo chắn giọt bắn, đồng thời giúp nhân viên y tế hạn chế tối đa việc bị tấn công, Bệnh viện Nhân dân 115 đã nâng khu vực ghi hồ sơ lên cao, lắp đặt các tấm kính dày và lớn ở vị trí trung tâm khoa. Ngoài ra, khu vực này cũng được mở 4 lối thoát hiểm để khi có thành phần hung hãn, nhân viên y tế dễ dàng rời đi để tự bảo vệ mình.

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 8
Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 9
Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 10

"Chúng tôi còn giữ liên lạc chặt chẽ với Công an phường 12, quận 10 (vị trí của bệnh viện) để kịp thời liên lạc khi cần thiết. Ngoài ra, bệnh viện cũng tổ chức diễn tập tình huống báo động giả định, trấn áp, khống chế thành phần kích động, hành hung y bác sĩ", bác sĩ Tuấn chia sẻ và cho rằng với sự chuẩn bị này, khoảng 5 năm gần đây, khoa Cấp cứu tổng hợp không còn xảy ra tình trạng xung đột dẫn đến ẩu đả, hành hung như trước.

Dù luôn trong tinh thần đối mặt với hiểm nguy, bác sĩ Tuấn cùng các đồng nghiệp cũng mong xử lý các vụ hành hung nhân viên y tế diễn ra trong thời gian gần đây từ cơ quan chức năng. Từ đó, giúp mọi người tin tưởng vào việc sẽ được pháp luật bảo vệ khi làm nhiệm vụ cứu người.

Từ kinh nghiệm hành nghề đã trải qua, bác sĩ Tuấn nhận định, không thể coi quan hệ của bác sĩ và bệnh nhân là khách hàng và người cung cấp dịch vụ thông thường, vì sức khỏe con người không phải là hàng hóa.

Bệnh viện cấp cứu hàng đầu TPHCM làm gì để bác sĩ không bị hành hung? - 11

"Thầy thuốc như một diễn viên trên sân khấu mà khán giả chính là người bệnh và thân nhân người bệnh" - bác sĩ Tuấn ví von (Ảnh: Hoàng Lê).

"Tôi thường nhắc các đồng nghiệp trong khoa, đã chọn lĩnh vực cấp cứu phải thực sự có đam mê và nhiệt huyết. Khi khám bệnh, cần cẩn trọng từng lời ăn, tiếng nói vì thầy thuốc như một diễn viên trên sân khấu. Trong đó khán giả chính là người bệnh và thân nhân người bệnh", bác sĩ Tuấn chia sẻ.

Ông nhấn mạnh, trong quá trình làm việc, dù bệnh nhân có được phân loại mức nặng hay nhẹ thì nhân viên y tế cũng phải tiếp cận và quan tâm, để họ không có cảm giác bị bỏ mặc.

Khi bệnh nhân tin tưởng bác sĩ, khả năng chữa thành công chiếm hơn 50%. Ngược lại dù thuốc có hay, bác sĩ giỏi mà bệnh nhân không tin thì cũng khó mà điều trị.

cấp cứu BV 115 - 2

Mời Quý độc giả đón đọc tuyến bài: "Áp lực, vất vả của bác sĩ bệnh viện công"

Bài 1: Đêm trực "sống - chết" của bác sĩ cấp cứu: "Con người, đâu phải cái máy"

Thực hiện: Hoàng Lê

Bình luận (0)
để gửi bình luận