Giới y khoa "sốc" khi bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết lại bị dè bỉu "có vấn đề"

Hoàng Lê

(Dân trí) - Hàng loạt y bác sĩ đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, bức xúc khi bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết từ chỗ là nạn nhân lại trở thành tâm điểm chỉ trích của nhiều người, với lý do "không có lửa làm sao có khói".

Liên quan đến sự việc bác sĩ bị bóp cổ, dọa đánh chết khi đang trực cấp cứu, xảy ra trong đêm 27/7, Công an quận Bình Thạnh (TPHCM) đã mời ông Đ.Q.B. (40 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) lên làm việc, đồng thời củng cố tài liệu, chứng cứ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Nạn nhân bất ngờ bị chỉ trích

Ông B. là người có hành vi tấn công, hành hung bác sĩ P.H.T. (33 tuổi) tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định.

Trong khi đó, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã có văn bản chỉ đạo Sở Y tế TPHCM phối hợp với cơ quan công an điều tra, xử lý nghiêm vụ việc, đồng thời động viên kịp thời đối với người hành nghề chịu ảnh hưởng trực tiếp từ vụ hành hung.

Giới y khoa sốc khi bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết lại bị dè bỉu có vấn đề - 1

Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, nơi xảy ra sự việc bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết (Ảnh: Hoàng Lê).

Những tưởng hành vi không thể chấp nhận của người nhà bệnh nhân cũng như các động thái xử lý của cơ quan chức năng sẽ giúp nhân viên y tế bị hành hung được ủng hộ, bảo vệ. Tuy nhiên bên cạnh việc bức xúc, phẫn nộ của phần đông dư luận lại bất ngờ xuất hiện một số ý kiến trái chiều, quay ngược lại chỉ trích nạn nhân.

Chia sẻ trên Dân trí, rất nhiều bạn đọc đề nghị cần có biện pháp thích đáng với đối tượng bóp cổ bác sĩ đang làm nhiệm vụ, để tạo tính răn đe. Anh Nguyễn Hoàng thẳng thắng bày tỏ: "Xử lý nghiêm những thành phần côn đồ kiểu như thế này, cứ làm như bệnh viện của mình nhà ông ta".

Còn chị Phương Thảo phân tích: "Có gì đi nữa thì cũng không thể chấp nhận được hành vi của người đàn ông này, ứng xử bằng thói côn đồ lưu manh, dọa giết người thì phải xử lý hình sự".

Một độc giả khác có tài khoản tên "chumap" còn đề nghị: "Bệnh viện treo băng rôn khắp trong khuôn viên thông báo, nếu hành hung nhân viên y tế sẽ đi tù. Có vậy là người nhà bệnh nhân mới hết manh động".

Giới y khoa sốc khi bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết lại bị dè bỉu có vấn đề - 2

Lãnh đạo Sở Y tế TPHCM đến thăm nhân viên y tế và bệnh nhân tại khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Nhưng cũng không ít độc giả quay trở lại đặt nghi vấn ở bác sĩ T., với lý do "không có lửa làm sao có khói", khi trong 10 tháng đã 3 lần bị hành hung. 

Độc giả Châu Nguyễn chia sẻ: "Hành vi bạo lực rõ ràng là sai. Nhưng cũng cần phải xem lại thái độ của bác sĩ". 

Anh Hà Chiến ý kiến, cấp cứu thì cần phải nhanh và chuẩn. Nếu 10 tháng bị hành hung 3 lần thì bác sĩ cần thuê vệ sĩ bảo vệ mình. Còn người đọc có tài khoản tên Nguyễn Hải Châu nhận định: "Phải điều tra rõ nguyên nhân, vì các cụ có câu Bụt không lên tòa sao gà mổ mắt".

Bên cạnh đó, một số ý kiến nhận định chung về tình hình điều trị tại các bệnh viện lớn, cho rằng có những bác sĩ làm việc thờ ơ, vô trách nhiệm khi tính mạng của bệnh nhân đang treo trên sợi tóc.

"Lo sợ và xót xa cho người bệnh nên người nhà bệnh nhân đã có những phản ứng tiêu cực" - anh Phan Mạnh Đức nhận định về nguyên nhân vì sao bác sĩ T. và nhân viên y tế bị hành hung.

Giới y khoa sốc khi bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết lại bị dè bỉu có vấn đề - 3

Ở khoa Cấp cứu các bệnh viện công tại TPHCM, dù nửa đêm luôn có đông bệnh nhân, các nhân viên y tế phải làm việc liên tục (Ảnh: Hoàng Lê).

Giới y khoa "sốc" vì nhân viên y tế không được thấu hiểu

Chứng kiến nhiều người quay ngược lại chỉ trích bác sĩ "có vấn đề" nên mới bị hành hung, nhiều nhân viên đã bày tỏ sự ngỡ ngàng, bức xúc.

Chia sẻ với PV Dân trí, bác sĩ Đặng Quỳnh Như, công tác tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 nhận định, nếu việc hành hung một ai đó xảy ra ở nơi khác như sân bay, siêu thị… người dùng hành động bạo lực luôn bị lên án trước.

Nhưng tại bệnh viện thì lại khác, người dân, người nhà bệnh nhân có thể thoải mái bày tỏ sự bức xúc và cho rằng việc đánh bác sĩ là đúng, rằng "người ta vô cấp cứu mà bắt chờ, phải đưa tiền thì việc mới trôi". Hoặc có suy nghĩ "cha mẹ lo lắng cho con cái nên nóng giận, đánh người" có thể thông cảm được.

Theo bác sĩ Như, nhân viên y tế luôn phải đối mặt với khả năng một ngày nào đó mình có thể trở thành nạn nhân. Qua sự việc của bác sĩ T. cùng với phản ứng tiêu cực của người dân chĩa mũi dùi về phía nạn nhân, bác sĩ Như cho rằng sẽ làm rất nhiều nhân viên y tế cảm thấy chán nản.

Giới y khoa sốc khi bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết lại bị dè bỉu có vấn đề - 4

Người nhà đưa con em đi khám bệnh tại cơ sở y tế ở TPHCM (Ảnh: Hoàng Lê).

Với kinh nghiệm làm việc tại bệnh viện chuyên khoa nhi tuyến cuối ở TPHCM, bác sĩ Như cho rằng, những phụ huynh có con nhỏ đi khám thường mang suy nghĩ con mình bệnh nặng, phải được khám trước mà quên mất ở các bệnh viện đều có bàn khám sàng lọc, xem trường hợp nào cấp cứu đe dọa tính mạng sẽ sắp xếp ưu tiên riêng. Nếu người nhà không hiểu, thấy phải chờ, sẽ nghĩ y bác sĩ muốn "vòi tiền".

Cũng theo bác sĩ Như, bản thân việc đi trực là trách nhiệm và nghĩa vụ của nhân viên y tế, vì tiền trực trong 24 giờ theo quy định chỉ được 115.000 đồng, thêm 15.000 đồng tiền ăn.

"Đến mức đi vệ sinh phải đợi bệnh vắng mới đi, vì sợ có ca bệnh vào lại không có bác sĩ, ăn được vài muỗng cơm cũng bỏ dở nếu có bệnh mới. Nếu không có trách nhiệm, không có lương tâm thì không thể làm được ngành này" - bác sĩ Như nói.

Đồng quan điểm trên, một bác sĩ trưởng khoa Cấp cứu tại bệnh viện đa khoa ở TPHCM cay đắng đặt câu hỏi, người ta thử vào tất cả các dịch vụ công cộng khác đánh, chửi, không trả tiền xem sẽ bị xử lý ra sao?

Giới y khoa sốc khi bác sĩ bị bóp cổ, dọa giết lại bị dè bỉu có vấn đề - 5

Các bệnh viện đều có khu vực sàng lọc cấp cứu để xác định các trường hợp ưu tiên (Ảnh: Hoàng Lê).

Bác sĩ này nhận định, thu nhập của nhân viên y tế làm cấp cứu hiện nay đa số chỉ khoảng 10 triệu đồng, khó có thể đòi hỏi dịch vụ điều trị sức khỏe như "5 sao", ai cũng nhanh, gọn, lẹ. "Nghề này như làm dâu trăm họ. Chiều sao cho hết được. Chỉ mong mọi người để cho yên, hợp tác tốt mà làm việc thôi" - vị này cảm thán.

Còn điều dưỡng Uyên (tên đã thay đổi), công tác tại Bệnh viện quận Bình Tân tâm sự, đứng ở góc nhìn của một nhân viên y tế, bản thân cảm thấy buồn và xót xa cho bác sĩ T. nói riêng và cho ngành y nói chung. Nhiều người tự cho mình quyền phán xét người khác trong khi chưa hề biết rằng bác sĩ đã tận tâm cứu chữa cho người nhà, con em họ. 

Sau sự việc trên, nữ điều dưỡng lo lắng cho tương lai của ngành, vì nếu cứ tiếp tục vừa bị hành hung lại vừa bị chỉ trích, số lượng nhân viên y tế xin nghỉ việc hẳn hoặc rời khỏi bệnh viện công sẽ nhiều hơn. Từ đó gây nên sự mất cân đối về trình độ chuyên môn giữa hệ thống y tế công và tư. Cuối cùng, người chịu thiệt nhất vẫn là người nghèo.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm