PhotoStory

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu

Thực hiện: Hoàng Lê - Trịnh Nguyễn

(Dân trí) - 7 tháng qua, ngoài đảm bảo cung ứng cho hàng trăm bệnh viện ở TPHCM, ngân hàng máu lớn nhất phía Nam còn hỗ trợ nhiều túi máu cho miền Tây, trong bối cảnh khu vực trên bị thiếu nguồn máu điều trị.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 1

Mới đây, tại kỳ họp thứ XI của HĐND TPHCM khóa X, TPHCM đã chính thức phê duyệt dự án xây dựng Ngân hàng máu mới, có tổng vốn đầu tư gần 700 tỷ đồng, thực hiện trong giai đoạn 2023-2026.

Dự án trên được thông qua trong bối cảnh, Ngân hàng máu lớn nhất khu vực phía Nam đang hoạt động tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM được cho rằng có dấu hiệu quá tải, vượt công suất hoạt động.

Thông tin này khiến nhiều người không khỏi lo lắng, khi một số khu vực như vùng Tây Nam Bộ nhiều tháng qua liên tục "kêu cứu" vì thiếu nguồn máu điều trị.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 2

Một ngày giữa tháng 10, phóng viên Dân trí đã đến Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cơ sở 1 (đường Hồng Bàng, quận 5), nơi đặt Ngân hàng máu. Tại khoa Tiếp nhận hiến máu, dù đã cận giờ nghỉ trưa vẫn còn một số người dân, sinh viên ngồi chờ đến lượt hiến máu.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 3

Nguyễn Khánh Ngân, sinh viên năm nhất, Đại học Y Dược TPHCM cho biết, mình cùng các bạn tranh thủ trống giờ học đến Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM để góp những giọt máu quý giá của mình cho Ngân hàng máu, theo lời kêu gọi của nhà trường.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 4

"Máu hiến sẽ rất có ích cho những người bệnh nặng, cần cấp cứu. Đây là lần đầu tiên em thực hiện điều này, em đã hiến 350ml máu. Quy trình thực hiện rất nhanh, em đăng ký hiến máu qua tài khoản điện tử, sau đó được đo huyết áp, kiểm tra sức khỏe tại chỗ. Khi lấy máu xong sẽ ở lại theo dõi thêm 15 phút là hoàn tất", nữ sinh viên chia sẻ.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 5

Sau khi tiếp nhận, thu thập chế phẩm ban đầu, máu hiến sẽ được sàng lọc lại, trước khi chuyển đến khu vực điều chế. Máu lúc này được xử lý, chiết tách thành các sản phẩm hồng cầu lắng, tiểu cầu, huyết tương đông lạnh và huyết tương tươi đông lạnh… sau đó lưu kho, chờ cấp phát.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 6

Tiểu cầu là sản phẩm có thời hạn sử dụng ngắn ngày nhất (khoảng 5 ngày), nhưng lại rất cần thiết với các trường hợp bệnh nhân giảm tiểu cầu, ung thư, rối loạn đông máu… Còn hồng cầu lắng sử dụng được trong 42 ngày (hiệu quả tốt nhất trong 2 tuần).

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 7

Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM là đơn vị quản lý Ngân hàng máu của TPHCM, đảm trách nhiệm vụ cung ứng máu cho hơn 160 bệnh viện công lập và ngoài công lập ở địa phương.

Song song đó, nơi đây cũng hỗ trợ nguồn máu cho một số cơ sở y tế tại tỉnh Long An, Tiền Giang. Từ tháng 3, khi tình hình thiếu máu tại khu vực Tây Nam Bộ diễn biến ngày càng trầm trọng, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM đã chuyển cho Ngân hàng máu đặt tại Cần Thơ số lượng 2.000-2.500 túi máu mỗi tháng. Ngoài ra, nếu các tỉnh tại khu vực Đông Nam Bộ không đủ nguồn cung máu điều trị và có yêu cầu, bệnh viện cũng sẵn sàng "giải cứu".

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 8

Để đảm bảo "an ninh" trong điều trị, chăm sóc sức khỏe người dân, Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM luôn có kế hoạch dự trữ sẵn 10.000-12.000 túi máu. Việc tiếp nhận, điều chế, lưu trữ máu trong kho đều phải tuân thủ theo quy định của Bộ Y tế và quy chuẩn GMP châu Âu mà Ngân hàng máu này được công nhận từ năm 2019.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 9

Trao đổi với phóng viên Dân trí, TS.BS Phù Chí Dũng, Giám đốc Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM cho biết, là địa phương đứng đầu cả nước về quy mô dân số và số lượng bệnh viện đầu ngành tập trung. Thống kê cho thấy, trung bình khoảng 60% người bệnh điều trị ở TPHCM là người từ tỉnh khác đến.

Do đó, việc cung ứng máu ở TPHCM không đơn thuần chỉ sử dụng khu biệt ở địa phương, mà để phục vụ cho người dân Việt Nam nói chung.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 10

Theo bác sĩ Dũng, Ngân hàng máu đặt tại Bệnh viện Truyền máu - Huyết học TPHCM (cơ sở 1) khánh thành vào năm 2010 có công suất 250.000 túi máu, sau khi điều chế sẽ được khoảng 400.000 chế phẩm máu. Từ năm 2019, bệnh viện đã đạt được công suất tối đa nêu trên.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 11

TS.BS Phù Chí Dũng nhìn nhận, Ngân hàng máu hiện tại có dấu hiệu quá tải về cơ sở hạ tầng. Nếu ngày nào lấy hơn 1.000 túi máu, các nhân viên y tế phải làm tăng ca, vì máu hiến phải được xử lý ngay lập tức.

Căng thẳng nhất là những tháng có phong trào hiến máu được phát động, lượng máu đổ về nhiều, có thời điểm nhân viên y tế phải làm đến nửa đêm.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 12

Cũng theo bác sĩ Dũng, trong đại dịch Covid-19, nhu cầu về máu tại TPHCM có giảm sút, nhưng hiện đã phục hồi, và dự kiến giai đoạn 2024-2025 sẽ tăng mạnh. Uớc tính, dân số đến 2050 của địa phương sẽ tăng gấp đôi hiện tại, đồng thời hàng loạt bệnh viện mới mọc lên ở cụm y tế Tân Kiên, Bình chánh trong giai đoạn 2025, khiến nhu cầu máu chắc chắn sẽ tăng cao.

Bên trong ngân hàng máu lớn nhất phía Nam, giải cứu miền Tây thiếu máu - 13

"Riêng TPHCM hiện nay, mỗi tuần chúng tôi cung cấp 5.000-5.500 túi máu. Nếu số dân tăng lên 20 triệu người, dự kiến cần khoảng 1 triệu túi máu, tức gấp 4 lần công suất Ngân hàng máu hiện tại. Do đó, rất cần thiết để xây dựng Ngân hàng máu mới, hiện đại", bác sĩ Dũng phân tích.

TS.BS Phù Chí Dũng kêu gọi người dân tiếp tục phát huy tinh thần hiến máu nhân đạo, vì mỗi một giọt máu sẻ chia có thể giúp hồi sinh những cuộc đời.