Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu: "Không phải cứ chi nhiều tiền là tốt cho sức khỏe"
(Dân trí) - Tình trạng lạm dụng chỉ định xảy ra khá phổ biến trong hệ thống y tế tư nhân theo hình thức "thuận mua vừa bán", song theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu, sức khỏe không phải món hàng đơn giản để mua bán.
Đây là một trong những bất cập trong lĩnh vực y tế được đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội) chỉ ra, khi trao đổi với phóng viên Dân trí bên hành lang Quốc hội.
Trước đó, trong phiên thảo luận kinh tế - xã hội chiều 29/5, bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu cũng đã dùng quyền tranh luận để trao đổi thêm về những bất cập của ngành y, đặc biệt trong lĩnh vực y tế cơ sở.
Đủ chiêu để thượng đế móc hầu bao "mua" sức khỏe
Ghi nhận hệ thống y tế Việt Nam có một số chuyển biến tích cực cùng sự phát triển mạnh mẽ của y tế tư nhân, song từ trải nghiệm của một người làm quản lý bệnh viện, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu cho rằng còn vô vàn khó khăn trong lĩnh vực quan trọng này.
Đó là tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến cuối, thiếu vật tư y tế, thuốc biệt dược chất lượng tốt, việc cấp giấy phép lưu hành trang thiết bị y tế mới hiện đại còn rất chậm, cơ sở vật chất xuống cấp, nguồn nhân lực chất lượng cao thiếu hụt nghiêm trọng… trong bệnh viện công lập.
"Cần nhìn thẳng vào những khó khăn ấy để tháo gỡ bởi không thể phát triển bền vững nếu chúng ta chọn giải pháp vá đê", đại biểu Hiếu chia sẻ, đồng thời góp ý cụ thể cho hai vấn đề nhức nhối.
Thứ nhất là tình trạng việc lạm dụng trong chỉ định y khoa. Theo ông Hiếu, lạm dụng chỉ định xảy ra khá phổ biến trong hệ thống y tế tư nhân theo hình thức "thuận mua vừa bán", bằng cách tư vấn khéo léo, khuyến mại giảm giá, quảng cáo máy móc hiện đại, bệnh viện khách sạn... để các thượng đế móc hầu bao, chi tiền với hy vọng sức khỏe được tốt hơn.
"Nhưng sức khỏe không phải món hàng đơn giản để mua bán, và không phải cứ chi nhiều tiền là tốt cho sức khỏe", bác sĩ Lân Hiếu nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng việc đi chụp phim cắt lớp động mạch vành không đúng chỉ định, vừa phải chịu lượng tia X, vừa phải bơm thuốc cản quang có thể ảnh hưởng đến gan, thận, thậm chí có nguy cơ sốc phản vệ do dị ứng. Kết quả nhận được có thể là động mạch vành xơ vữa nhẹ, nhưng về nhà mất ăn mất ngủ.
Hay như việc thực hiện các gói xét nghiệm marker trong máu để tầm soát ung thư, theo bác sĩ Hiếu, kết quả cao hơn giá trị tham chiếu cũng không khẳng định được đã bị ung thư, và nếu thấp cũng chẳng loại trừ bệnh. Theo ông, dịch vụ này chỉ có ý nghĩa trong những trường hợp cụ thể có chỉ định rõ ràng, như theo dõi đáp ứng trong quá trình điều trị ung thư.
Từ thực tế chỉ ra, bác sĩ Hiếu kiến nghị tới đây cần chính sách để kiểm soát lạm dụng chỉ định y khoa bởi thực trạng này không chỉ xảy ra trong bệnh viện, phòng khám, mà đã lan rộng đến mọi ngõ ngách của cuộc sống.
"Những bài thuốc, thần dược, trị liệu lan tràn trên Facebook, YouTube... không hề có xu hướng giảm đi mà còn dần trở thành một kênh tham khảo lớn của nhiều người", ông Hiếu nêu thực tế và cho rằng ngoài sự vào cuộc của các cơ quan để giải quyết vấn nạn này.
"Nếu làm Giám đốc Trung tâm Y tế huyện, chắc tôi cũng từ chức"
Vấn đề thứ hai đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề cập là y tế cơ sở. "Chúng ta đã nhắc quá nhiều về tầm quan trọng của y tế cơ sở, nhưng câu chuyện giống như "con kiến mà leo cành đa", luẩn quẩn mãi vẫn chưa tìm được lối đi", đại biểu chia sẻ, đồng thời đề xuất một chương trình quốc gia về nâng cao năng lực của y tế cấp huyện.
Lý giải đề xuất này, bác sĩ Hiếu cho rằng y tế cấp huyện là hệ thống y tế công lập lớn nhất, quản lý số lượng lớn bệnh nhân và là đơn vị điều trị gần dân nhất.
Nhưng ngược với vai trò ấy, thực tế, đây cũng là đơn vị đang xuống cấp nhất, chuyển tuyến nhiều nhất và cũng được đầu tư kém nhất, kém về vật chất và yếu về con người.
"Là bác sĩ thực hành, tôi có điều kiện tiếp xúc trực tiếp với nhiều hệ thống y tế các cấp. Ấn tượng của tôi với các giám đốc bệnh viện tuyến huyện, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, là họ đang tự bơi, không phao cứu sinh và chưa biết đích đến ở hướng nào", bác sĩ Hiếu nói họ đang thực sự lúng túng khi được yêu cầu phải tự chủ trong một cơ chế thị trường cạnh tranh khốc liệt.
"Y tế cấp huyện không có bệnh nhân, chỉ có ca nặng và nghèo ở lại, phương tiện eo hẹp, gánh nặng tự chủ đè trên vai... Nếu tôi có được phân công, chắc chắn cũng xin từ chức giám đốc trung tâm y tế huyện", vị đại biểu chia sẻ.
Trăn trở vì những điều ấy, ông cho biết 2 năm qua, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chọn một tỉnh miền núi để hỗ trợ toàn diện y tế huyện, và địa phương được lựa chọn là Lào Cai.
Sau 2 năm, ông Hiếu cho biết đã hỗ trợ chuyển giao 56 kỹ thuật như siêu âm tim, siêu âm mạch máu, đặt catheter tĩnh mạch trung tâm và động mạch… cho các huyện.
Bên cạnh đó, có 47 lượt bác sĩ nội trú cắm tại 7 huyện miền núi, khám cho 23.928 lượt người bệnh điều trị ngoại trú, điều trị cho 11.628 lượt bệnh nhân nội trú, tham gia hội chẩn bệnh nhân khó 1.282 lượt bệnh nhân, Hội chẩn từ xa với Trung tâm cấp cứu của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 163 ca, thực hiện 302 ca phẫu thuật, 4.031 ca thủ thuật các chuyên ngành ngoại khoa, tai mũi họng….
Đó là những "con số biết nói" khi có sự đầu tư cho cơ sở y tế tuyến huyện, theo đại biểu Lân Hiếu.
Điều cần thiết lúc này, theo bác sĩ Hiếu, cần một chính sách chung của Chính phủ để các tỉnh mạnh dạn đầu tư cho y tế tuyến huyện.
"Hiệu quả của việc này không chỉ đem lại sự chuyển mình cho hệ thống y tế cơ sở mà các bệnh viện tỉnh và cả Trung ương cũng được hưởng lợi rất nhiều", Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội nhận định.