DNews

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết: Cái giá của sự vô trách nhiệm

Hải Nam

(Dân trí) - Tại tòa, bố của bị cáo Trương Văn Minh (Hà Nội) bật khóc, cúi người hướng về nơi bà Lan, gửi lời xin lỗi. "Lời xin lỗi muộn màng, vô trách nhiệm của một bậc phụ huynh như anh", chủ tọa phiên tòa nói.

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết: Cái giá của sự vô trách nhiệm

"Nỗi đau này quá lớn. HĐXX rất tâm tư", Thẩm phán Nguyễn Thị Phương Huyền, chủ tọa phiên tòa xét xử vụ nam sinh lớp 8 bị đánh tử vong tại sân đình làng Lệ Mật (Long Biên, Hà Nội), giãi bày tại phòng xét xử.

Kết thúc phiên tòa ngày 17/12, Trương Văn Minh, người mới chỉ đang học lớp 10, nhận mức án 4 năm 9 tháng tù về tội Cố ý gây thương tích. Sau khi nghe tòa tuyên án, bố của bị cáo Minh - ông Trương Văn Tâm - khóc nức nở. Nhưng có lẽ, ông Tâm còn may mắn hơn nhiều so với bà Nguyễn Thị Lan (mẹ bị hại), người đã mãi mãi mất đi cậu con trai Nguyễn Hoàng Đạt (SN 2010).

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết: Cái giá của sự vô trách nhiệm - 1

Nam sinh Nguyễn Hoàng Đạt thời điểm cấp cứu tại bệnh viện (Ảnh: Xuân Hùng).

Sự vô trách nhiệm của người cha

"Là một bậc phụ huynh, anh phải có ý thức. Nếu lúc đó bản thân anh sáng suốt, ngăn chặn lại kịp thì đã không để xảy ra sự việc hôm nay. Hậu quả giờ là một người mẹ mất con, còn con của anh thì đứng ở đây", chủ tọa Nguyễn Thị Phương Huyền nói với ông Tâm.

Vụ án này, tòa án kết luận ông Tâm không có vai trò đồng phạm đối với con trai, không có sự bàn bạc, xúi giục... trong quá trình Trương Văn Minh đánh cháu Đạt. Tuy nhiên, kết luận trên không đồng nghĩa là ông Tâm không có trách nhiệm với hậu quả của vụ án.

Theo bản án, ông Tâm biết rõ việc con trai út - Trương Văn Khang - có mâu thuẫn với cháu Đạt, biết 2 cậu con trai rủ nhau ra sân đình làng Lệ Mật để "giải quyết mâu thuẫn". Là một người cha, ông Tâm nghĩ sự việc "chỉ là đùa" và "không lường trước được sự việc sẽ xảy ra như thế".

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết: Cái giá của sự vô trách nhiệm - 2

Trương Văn Minh khi bị khởi tố (Ảnh: Công an Hà Nội).

Sự thiếu trách nhiệm của ông Tâm thể hiện ở việc người đàn ông này chở 2 con trai ra sân đình rồi đi về. Hành động quay trở lại sân đình và can ngăn con trai đánh cháu Đạt đã quá muộn, bởi cú đấm trước đó của Minh đã khiến nạn nhân "chết não".

Tại phiên tòa, ông Tâm bật khóc, cúi người hướng về nơi bà Lan, gửi lời xin lỗi.

"Lời xin lỗi muộn màng, vô trách nhiệm của một bậc phụ huynh như anh", nữ thẩm phán, chủ tọa phiên tòa, nói.

Ông Tâm bao biện cho sự vô trách nhiệm của bản thân bằng câu: "Con tôi hiền. Tôi không nghĩ 2 con đánh nhau, nghĩ bạn Đạt đùa con tôi thôi và đây là suy nghĩ thiếu hiểu biết của tôi".

Bố của bị cáo còn bị bà Lan trách móc là "máu lạnh, không có tình người". Mẹ của bị hại ấm ức, bật khóc nói trước tòa rằng suốt thời gian vụ án đang điều tra, gia đình ông Tâm chưa một lần đến thăm hỏi cháu Đạt, kể cả khi Đạt đã mất, ông Tâm và người nhà cũng không hề đến thắp một nén hương và bày tỏ sự hối lỗi.

Trước "cáo buộc" này, ông Trương Văn Tâm kể sau khi đưa cháu Đạt đến bệnh viện liền về chuẩn bị tiền viện phí. Khi Đạt điều trị ở Bệnh viện 108, ông ở cùng "24/24" và cả khi phải làm việc với điều tra, ông cũng nhờ chị gái chăm sóc cháu.

Về lý do không thăm viếng khi cháu Đạt mất, ông Tâm nói khi đó làn sóng trên mạng khủng bố gia đình ông ta rất kinh khủng.

"Họ đến tận nhà chửi bới, đe dọa khiến tôi không bình thường được nữa, bố mẹ thì đau ốm. Chị gái tôi muốn lên Phú Thọ thăm nom cháu Đạt, gia đình cũng nói không an toàn, không lên được", ông Tâm trình bày.

Nỗi đau của người mẹ mất con

Được triệu tập với tư cách là người đại diện hợp pháp của cháu Nguyễn Hoàng Đạt, bà Nguyễn Thị Lan đến phiên tòa với bức di ảnh của cậu con trai. Suốt quá trình xét xử, bà Lan ôm khư khư bức ảnh trong lòng, đôi mắt lúc nào cũng chực chờ rơi lệ.

Trong khoảnh khắc đầu tiên nhìn thấy bị cáo, bà Lan không giữ được bình tĩnh, buông những câu nói nặng nề, nhưng đau đớn. Lực lượng hỗ trợ tư pháp và y tế tại phiên tòa đã phải can thiệp, kìm lại sự giận dữ của một người mẹ mất con. 

Sau khi bình tĩnh, chủ tọa Nguyễn Thị Phương Huyền đề nghị bà Lan hãy quay bức di ảnh vào trong, để bà Lan thật sự đang ôm con trai vào lòng.

"Tòa mong chị lấy trái tim của người một người mẹ để thấy giờ đây, một đứa trẻ mất, một đứa vướng trong vòng tù tội. Tất nhiên hành vi gây ra không thể tha thứ được, HĐXX cũng không dung tha, phải xử đúng người đúng tội, dù bé hay lớn", nữ thẩm phán nhẹ nhàng chia sẻ với bà Lan, hy vọng mẹ của bị hại có thể bao dung một chút.

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết: Cái giá của sự vô trách nhiệm - 3

Bà Lan (giữa ảnh) được người thân dìu đến phiên tòa xét xử lần 1, vào ngày 19/11 (Ảnh: Hải Nam).

Chủ tọa Phương Huyền động viên mẹ bị hại, cho rằng bà Lan phải cố gắng sống, cố gắng vượt qua nỗi đau để "linh hồn người con đã khuất được thanh thản".

"Dẫu biết không bao giờ lấy lại được con nhưng hậu quả ngày hôm nay, chắc chắn không ai muốn", chủ tọa nói.

Khi được chủ tọa cho phép giãi bày với bị cáo, bà Lan từ chối và đồng ý với quan điểm của luật sư đề nghị thay đổi tội danh của Minh từ Cố ý gây thương tích sang Giết người, và xem xét trách nhiệm hình sự của ông Tâm.

Đồng thời, bà Lan cũng đề nghị tòa tuyên được bồi thường hơn 1,2 tỷ đồng. Số tiền này, theo những chứng từ, hóa đơn mà gia đình bị hại cung cấp, thì có đến hơn 700 triệu đồng là chi phí điều trị, thuốc thang khi cháu Đạt nằm trên giường bệnh.

Trước yêu cầu trên, chủ tọa đặt câu hỏi với ông Tâm về vấn đề bồi thường, nói thêm rằng: "Vấn đề lớn nhất là không lấy lại được đứa con cho chị ấy. Anh có nỗi khổ nhưng chị ấy khổ hơn". Đáp lại, ông Tâm cho rằng con số 1,2 tỷ đồng quá lớn, chỉ xin bồi thường theo quy định của pháp luật.

Bản án của TAND quận Long Biên sau đó đã kết luận gia đình của bị cáo phải bồi thường hơn 1 tỷ đồng.

Sau khi HĐXX tuyên án, ông Tâm ôm cậu con trai út - Trương Văn Khang - khóc nức nở. Ngồi cùng hàng ghế, cách ông Tâm vài người, bà Nguyễn Thị Lan - mẹ bị hại - cũng không cầm được nước mắt, ôm chặt trong lòng bức di ảnh của cậu con trai.

Rời tòa, bà Nguyễn Thị Lan ngất xỉu, phải cần người thân chăm sóc.

Hành vi gây nguy hiểm cho xã hội

Ngày 17/3, Trương Văn Khang (khi xảy ra sự việc mới hơn 11 tuổi) cùng ông nội đến khu vực sân bát giác trong khuôn viên đình Lệ Mật (phường Việt Hưng, quận Long Biên, Hà Nội) chạy thể dục.

Lúc này, Khang gặp cháu Nguyễn Hoàng Đạt (học sinh lớp 8) tại lối đi ven sân và xảy ra mâu thuẫn. Khang bị cháu Đạt dùng tay tát một cái vào mặt.

Sau khi bị Đạt đánh, Khang về nhà nhờ anh ruột là Trương Văn Minh ra giải quyết mâu thuẫn. Thấy vậy, bà nội của Khang đã gọi ông Trương Văn Tâm đi theo can ngăn.

Ông Tâm điều khiển xe máy chở 2 con đến sân bát giác.

Khang và Minh đi lên sân bóng rổ tìm Đạt. Minh tiến đến túm cổ áo Đạt, đấm một phát vào vùng má trái khiến Đạt ngã đập đầu xuống nền đá.

Quan sát được sự việc, ông Tâm hô: "Minh không được đánh em" và tiến đến can ngăn con trai, đồng thời nói với Đạt: "Lần sau còn đánh em thì chú sẽ về bảo bố mẹ xử lý". Sau đó, Tâm điều khiển xe chở 2 con về nhà.

Vụ nam sinh lớp 8 bị đánh chết: Cái giá của sự vô trách nhiệm - 4

HĐXX công bố bản án (Ảnh: T.T.).

Sau khi đưa hai con về, ông Tâm quay trở lại khu vực trên để xem tình hình sức khỏe của Đạt thế nào thì thấy nam sinh này có biểu hiện choáng, tái mặt, bị nôn.

Ông Tâm và một cháu trong nhóm đã đưa Đạt đi cấp cứu. Ngày 21/5, nạn nhân tử vong tại Bệnh viện Nhi Trung ương.

Cơ quan điều tra xác định Đạt tử vong do chảy máu não dẫn đến suy đa phủ tạng.

TAND quận Long Biên quy kết, hành vi của Minh là nguy hiểm cho xã hội, động cơ gây án xuất phát từ mâu thuẫn của con trẻ, do suy nghĩ hạn chế, bồng bột, muốn bênh vực em trai... Hành vi của bị cáo đã gây đau thương, tang tóc cho gia đình bị hại, gây bức xúc dư luận, cần có hình phạt nghiêm khắc, cách ly bị cáo ra khỏi xã hội.

Minh phải chịu tình tiết tăng nặng do phạm tội với người dưới 16 tuổi. Bị cáo đồng thời được hưởng tình tiết giảm nhẹ là chưa đủ 18 tuổi, chưa có tiền án tiền sự, ăn năn hối cải....

Về Trương Văn Khang, HĐXX đánh giá cơ quan tố tụng có đủ căn cứ xác định vai trò của Khang là đồng phạm với Minh. Tuy nhiên, thời điểm gây án, Khang mới chỉ hơn 11 tuổi nên chưa đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.