Những án mạng rúng động dư luận với chất kịch độc xyanua
(Dân trí) - Dù đã có quy định chặt chẽ về việc mua bán chất xyanua nhưng những năm gần đây, chất kịch độc này lại được nhiều kẻ thủ ác dễ dàng mua, sử dụng để giết người một cách tàn nhẫn.
Hóa giải hận tình bằng xyanua
Công an tỉnh Lâm Đồng đã bắt giữ Trần Nguyễn Thu Trang (39 tuổi, trú thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp) để điều tra hành vi giết người.
Theo thông tin điều tra ban đầu của công an, giữa Trang và anh M.H.V. (39 tuổi, trú TPHCM) có quan hệ tình cảm nhưng sau đó xảy ra mâu thuẫn. Ngày 20/10, khi cả 2 đang di chuyển từ Đồng Tháp về TPHCM bằng ô tô riêng, Trang đã dùng xyanua đầu độc anh V. tử vong.
Ngày hôm sau, Trang lái ô tô chở thi thể nạn nhân lên Lâm Đồng rồi lao xe xuống đèo Bảo Lộc (thành phố Bảo Lộc) phi tang. Lực lượng cảnh sát sau đó phát hiện thi thể anh V. ở ghế phụ trong khi Trang bị thương nhẹ.
Vụ việc Trần Nguyễn Thu Trang dùng chất độc xyanua hạ sát anh V. gây chấn động dư luận, song đây không phải là vụ án đầu tiên được thực hiện bằng hóa chất kịch độc này. Ở Việt Nam, tính từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã ghi nhận nhiều vụ đầu độc bằng xyanua làm 8 người chết, một người bị tổn hại sức khỏe.
Năm 2019, tại tỉnh Thái Bình từng xảy ra vụ việc cô gái 25 tuổi bơm chất độc xyanua vào trà sữa với ý định sát hại chị họ chỉ vì mình có quan hệ bất chính với anh rể.
Dùng xyanua hạ độc nạn nhân, cướp tài sản
Năm 2017, Nguyễn Thị Thanh Thúy (40 tuổi, trú tỉnh Tiền Giang) quen biết và có quan hệ tình cảm với ông V.T.H. là người bán vé số tại Tiền Giang. Đêm 14/1/2017, sau khi ân ái, Thúy dùng xyanua đầu độc ông H. tử vong. Thúy sau đó lấy toàn bộ tài sản của ông H. với tổng trị giá 15 triệu đồng rồi bỏ trốn.
Ngày 21/4/2017, Thúy thấy ông N.V.T. đeo nhiều đồ trang sức bằng vàng, bạc nên làm quen, dụ dỗ người này đến quán cà phê ở thị xã Gò Công (nay là thành phố Gò Công, Tiền Giang) để "vui vẻ". Tại đây, Thúy cũng dùng xyanua đầu độc ông T. làm nạn nhân tử vong rồi cướp toàn bộ tài sản với tổng trị giá 35 triệu đồng.
Năm 2019, Nguyễn Thị Thanh Thúy bị Tòa án nhân dân cấp cao tại TPHCM tuyên tử hình về tội Giết người và Cướp tài sản.
Giải quyết mâu thuẫn gia đình bằng xyanua
Tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vào tháng 1/2022 đã xảy ra vụ án con gái dùng xyanua đầu độc cha ruột chỉ vì mâu thuẫn trong cuộc sống. Do thường xuyên bị cha chửi mắng nên Tống Thị Tùng Linh tìm mua chất độc để hạ sát cha.
Một vụ án chấn động khác xảy ra hồi tháng 7 vừa qua, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích (38 tuổi, trú xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) về tội Giết người.
Theo đó, do xuất phát từ các mâu thuẫn trong gia đình nên ngày 22/6, Bích dùng xyanua sát hại cháu ruột là N.H.B.T. (18 tuổi). Nạn nhân may mắn được cứu chữa kịp thời nên giữ được mạng sống.
Vào cuộc điều tra, Công an tỉnh Đồng Nai xác định từ tháng 10/2023 đến tháng 6/2024, Bích đã dùng xyanua lần lượt đầu độc 3 người khác trong gia đình là chồng cùng 2 cháu ruột, làm những người này tử vong.
Quy định chặt nhưng… vẫn lọt
Ở các vụ án trên, đa phần kẻ thủ ác khai nhận lên mạng xã hội tìm người bán chất độc xyanua rồi đặt hàng, mang về thực hiện hành vi. Sau mỗi vụ án, những người xuống tay tàn độc với nạn nhân đều phải trả giá cho tội ác mình gây nên. Tuy nhiên, những người cung cấp chất độc hại cho kẻ thủ ác đến nay vẫn chưa được đưa ra ánh sáng.
Trao đổi về vấn đề pháp lý liên quan hoạt động buôn bán, kinh doanh chất xyanua, luật sư Bùi Quốc Tuấn, Đoàn Luật sư TPHCM cho biết, xyanua là hóa chất nguy hiểm đối với sức khỏe, tính mạng con người. Hiện nay ở nước ta, việc mua bán, sản xuất, vận chuyển chất này được quy định tại Luật Hóa chất năm 2007.
Theo đó, Điều 23, Luật Hóa chất 2007 quy định, việc mua bán hóa chất phải có phiếu kiểm soát, có xác nhận của bên mua, bên bán để làm cơ sở cho việc kiểm soát hóa chất lưu thông trên thị trường.
Phiếu kiểm soát này được lập theo mẫu do Bộ Công Thương quy định với các nội dung: tên hóa chất; số lượng; mục đích sử dụng; tên, chữ ký của người mua, người bán; địa chỉ, số Giấy chứng minh nhân dân (nay là Căn cước) của người đại diện bên mua và bên bán; ngày giao hàng. Phiếu kiểm soát này phải được lưu giữ tại bên bán, bên mua ít nhất 5 năm và phải xuất trình khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.
Ở phương diện cơ quan quản lý nhà nước, ông Hoàng Trọng Hiền, Giám đốc Sở Công Thương Lâm Đồng, cho biết, xyanua được sử dụng trong ngành công nghiệp khai thác mỏ (dùng để tách vàng), trong sản xuất hóa chất, ứng dụng trong nghiên cứu hóa học.
Ông Hoàng Trọng Hiền chia sẻ: "Việc mua bán xyanua được kiểm soát chặt chẽ do tính chất độc hại của nó. Các quy định có thể thay đổi tùy theo từng quốc gia nhưng thường yêu cầu giấy phép, đăng ký và tuân thủ các tiêu chuẩn an toàn. Về phương diện quản lý, ở Việt Nam, Bộ Công Thương là đơn vị trực tiếp quản lý và cấp phép kinh doanh hóa chất xyanua. Ngoài ra, các cơ quan địa phương cũng có thể tham gia giám sát việc sử dụng và kinh doanh hóa chất này".
Cũng theo ông Hoàng Trọng Hiền, hiện nay chỉ các tổ chức, doanh nghiệp được cấp phép và có mục đích sử dụng hợp pháp mới được phép mua, bán xyanua. Cá nhân không có giấy phép và không thuộc đối tượng theo quy định sẽ không được phép tham gia giao dịch xyanua.
Luật sư Bùi Quốc Tuấn cho biết hành vi mua bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất độc nói chung, xyanua nói riêng trái phép được quy định tại Điều 311 và Điều 312 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Khoản 1, Điều 312, Bộ luật hình sự 2015 quy định, người nào vi phạm quy định về quản lý việc sản xuất, trang bị, sử dụng, bảo quản, lưu giữ, vận chuyển, mua bán hoặc xử lý chất cháy, chất độc gây thiệt hại cho người khác dẫn đến tổn hại sức khỏe, gây chết người, gây thiệt hại về tài sản trên 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng thì bị phạt tù 1-5 năm.
Xyanua có thể tồn tại dưới các dạng khí, lỏng và rắn. Đây là chất độc không màu, có mùi gần giống quả hạnh nhân, nhưng không phải ai cũng phân biệt được mùi này.
Xyanua là thuật ngữ chung để chỉ các hợp chất chứa liên kết carbon-nitrogen (CN). Một số dạng có độc tính cao, có thể gây tử vong gồm:
Dạng khí: Xyanogen clorua (CNCl)
Dạng rắn: Natri xyanua (NaCN) và kali xyanua (KCN)
Dạng lỏng: Hydro cyanide hay thường gọi hydro xyanua (HCN)
Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, xyanua là một hóa chất hoạt động nhanh, mạnh, có khả năng gây chết người dưới nhiều dạng hợp chất khác nhau.
Xyanua là một trong những chất độc nhất trên trái đất. Chỉ cần khoảng 50-200mg xyanua xâm nhập qua đường miệng cũng đủ gây tử vong một người khỏe mạnh.
Theo các chuyên gia, xyanua được hấp thu rất nhanh vào cơ thể, ức chế nhanh, mạnh lên chuỗi hô hấp tế bào. Do đó, nhiễm độc xyanua khiến cơ thể không trao đổi oxy được, "nghẹt thở trên cạn", gây tử vong nhanh chóng.
Nếu nhận thấy bản thân/người quen tiếp xúc với hóa chất này cần nhanh chóng đến bệnh viện để được can thiệp kịp thời.