DNews

Lật tẩy chiêu bài "siêu cò" giúp "người giàu" mua nhà ở xã hội

Cát Sinh

(Dân trí) - Nhiều ngày liền, phóng viên Dân trí đi theo hai người nhận là nhân viên của một công ty bất động sản chuyên hỗ trợ "những người không đủ điều kiện thành đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội".

Lật tẩy chiêu bài "siêu cò" giúp "người giàu" mua nhà ở xã hội

Lật tẩy chiêu bài "siêu cò" giúp "người giàu" mua nhà ở xã hội

Nhiều ngày liền, phóng viên Dân trí đi theo hai người nhận là nhân viên của một công ty bất động sản chuyên hỗ trợ "những người không đủ điều kiện thành đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội".

Tâm sự của "người giàu"

Tại các hội nhóm về nhà ở xã hội trên facebook, dự án Khu nhà ở xã hội Thượng Thanh do Liên danh Công ty cổ phần Him Lam Thủ đô và Công ty cổ  phần BIC Việt Nam làm chủ đầu tư luôn được nhiều người quan tâm. Chủ đề được bàn tán nhiều là, có ai mua dự án này chưa, có ai đặt cọc cho môi giới không, phí cọc thế nào... thậm chí có cả những bài cảnh báo, bóc phốt "những kẻ dùng chiêu trò hỗ trợ khách hàng" để lừa đảo...

Dưới các bài viết là những bình luận sôi nổi, có những người đã đặt cọc từ năm 2021 nhưng đến giờ vẫn chưa thấy có quyết định bàn giao đất, chưa có giấy phép xây dựng nên hoang mang. Một số người đã đòi lại tiền từ môi giới nhưng chỉ lấy được 70% số đã cọc, một số khác là dân đầu tư như chị Hạnh (Long Biên, Hà Nội), tuy có chút hoang mang nhưng vẫn sẵn sàng trả chi phí hàng trăm triệu đồng để tăng cơ hội mua được một suất có vị trí đẹp tại đây.

Chị cho biết, mình sẵn sàng chi tới 350 triệu đồng cho môi giới để đăng ký lấy căn góc 2 phòng ngủ, 2 vệ sinh tại dự án này. Tuy phí dịch vụ cao nhưng là dân đầu tư chuyên nghiệp, theo chị Hạnh là "tính ra vẫn hợp lý".

Lật tẩy chiêu bài siêu cò giúp người giàu mua nhà ở xã hội - 1

"Phải mua qua sale (nhân viên kinh doanh - PV) chứ nếu mua trực tiếp chủ đầu tư thì không mua được, chị bị xịt (mua hụt) mấy lần rồi. Chị đang ở Phú Quốc, rất bận, em cần tư vấn thì chị cho số bạn sale đã nhận cọc của chị", chị Hạnh chia sẻ.

Phóng viên liên hệ với Điệp, người được chị Hạnh cho số điện thoại. Điệp cho biết, bản thân đã bán được hơn 100 căn nhà ở xã hội tại khu vực Long Biên nên rất nhiều người biết mình. 

"Chị Hạnh với chị Mến ở Giang Biên, (phường Giang Biên, quận Long Biên, thành phố Hà Nội) nhiều tiền lắm. Hôm trước em đi thu tiền mua nhà ở xã hội của chị Mến mà trong tài khoản của chị ấy có hơn 14 tỷ đồng, em nhìn còn tưởng số tài khoản cơ. Đội đấy nhiều tiền lắm. Có đợt em đến thu tiền một hợp đồng khác, chị ấy mở két ra, một chồng sổ đỏ, sổ hồng trong két luôn", Điệp chia sẻ.

Phóng viên hỏi, vậy toàn dân đầu tư mua nhà ở xã hội à, Điệp đáp: "Dân đầu tư, dân nhà giàu mua nhiều. Riêng tòa CT1 dự án này, toàn công an, bác sĩ, cán bộ ngân hàng... mua rất nhiều. Em có chị nhà ở bên hồ Gươm làm bác sĩ, cũng sang bên này mua CT1. À, hôm trước có người làm cầm đồ gần bến xe Gia Lâm, mua một lúc 4 căn, nhờ họ hàng hang hốc đứng tên anh ạ".

Chị Trương Minh H., một người mua đầu tư tại dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh cho biết, mình cũng đang nộp hồ sơ tại nhà ở xã hội NHS Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), nộp cả 2 chỗ, trượt chỗ này còn chỗ kia, vì nó rẻ mà đẹp như thế thì "tội gì mà không nộp. Nhưng chị phải lấy tên thằng em chị chứ chị có đủ điều kiện đâu, toàn phải nhờ mấy "công ty ma" mà mình quen xác nhận thu nhập cho mình rồi đóng dấu vào, chứ bảo hiểm thì không xin được", chị H. chia sẻ.

Ông Vũ Quốc Đạt, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô, chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh cho biết, có hiện tượng nhiều người đi mua nhà ở xã hội không đủ điều kiện đã đi thuê những người có đủ điều kiện để làm hồ sơ.

"Cái này chúng tôi không làm thế nào được, vì chấm điểm theo hồ sơ, cao điểm thì cơ hội cao hơn, cứ đủ hồ sơ là phải bán. Thậm chí, người ta còn thuê cả đối tượng ưu tiên, thương binh, người có công với cách mạng đứng tên để được điểm cộng cao hơn người khác. Mà quỹ hàng chỉ có gần 2000 căn, ai điểm cao hơn thì phải bán trước", ông Đạt bày tỏ trước tình trạng rất nhiều người mua nhà ở xã hội là dân đầu tư.

Nói về việc cơ hội sở hữu nhà ở xã hội của những người có nhu cầu ở thật, đủ điều kiện, ông Đạt kể câu chuyện của tài xế lái xe cho mình.

"Lái xe của anh xin phép nghỉ 2 buổi sáng để nộp hồ sơ mua nhà ở xã hội NHS ở đường Tố Hữu (phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm, thành phố Hà Nội). Hai vợ chồng xếp hàng từ 4h sáng chỉ để xin cái phiếu bốc thăm. Nhưng bốc 2 lần đều trượt, phải về tay trắng. Vợ chồng lái xe của anh không có nhà, thu nhập thấp, đủ điều kiện nhưng bốc thăm có được đâu, vì lượng người bốc gấp 10 lần lượng hồ sơ", ông Đạt nói.

"Bọn em sinh ra để giúp những người không đủ thành đủ điều kiện"

Ngày 12/5, phóng viên Dân trí gặp 2 người tên Bắc và Sơn, nhận là nhân viên của Công ty Cổ phần Bất động sản Tiến Phát, chuyên hỗ trợ "những người không đủ điều kiện thành đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội".

Trong vai nhà đầu tư, phóng viên đặt thẳng vấn đề: "Anh là người đã có nhà và có khẩu ở Hà Nội, thu nhập trên 11 triệu đồng/tháng, tóm lại là anh mua buôn, thì bọn em có hỗ trợ được cho anh không?".

Bắc nói: "Bọn em hỗ trợ hết cho anh, anh cứ yên tâm. Bọn em chuyên về bên bán, về sau còn một bên nữa chuyên lo về pháp lý cho anh, các bạn ấy sẽ làm việc trực tiếp với anh luôn. Họ sẽ lo cho anh đủ điều kiện để mua và anh chắc chắn có căn".

Dịch vụ "hô biến" từ không đủ điều kiện thành đủ để mua nhà ở xã hội (Video: Cát Sinh).

Phóng viên đề nghị nói cụ thể hơn, Sơn tư vấn: "Như của anh, đã có hộ khẩu Hà Nội thì chỉ cần xin mẫu 03 (mẫu giấy xác nhận về đối tượng và thực trạng nhà ở đối với đối tượng quy định tại Khoản 5, 6, 7 Luật Nhà ở) thì mẫu này bọn em có thể mua được hoặc dịch vụ của bọn em có thể làm được cho anh. Anh chỉ cần cung cấp cho em giấy xác nhận sổ hộ khẩu Hà Nội, căn cước công dân của các thành viên trong hộ khẩu, đăng ký kết hôn...

Mẫu 03 là quan trọng nhất thì bọn em hỗ trợ được anh rồi. Việc anh đang đóng thuế bọn em sẽ xác nhận ở 1 công ty khác thì sẽ không ghi nhận đóng thuế. Anh mua buôn thì anh chỉ đứng tên được 1 căn, những người anh nhờ đứng tên thiếu cái gì bên em hỗ trợ...".

Bắc nhanh miệng nói chen vào: "Thế nên bọn em mới sinh ra đấy anh. Bọn em được sinh ra để hỗ trợ những người từ không đủ điều kiện thành đủ điều kiện, nên anh cứ yên tâm".

Trước đó, ngày 20/4, phóng viên Dân trí đến trụ sở chính của Công ty Tiến Phát tại lô số NTT26, Tổ hợp nhà liền kề, trung tâm thương mại và căn hộ, số 82 Nguyễn Tuân, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Tại đây, ông Tôn Quang Phát, được giới thiệu là Tổng giám đốc khẳng định công ty mình đã nhận tiền cọc của 156 người đăng ký tư vấn mua nhà ở xã hội Thượng Thanh (?).

Ngày 14/4, phóng viên được Trung, cũng nhận là nhân viên tư vấn của công ty Tiến Phát, tư vấn cách mua buôn nhà ở xã hội.

Trung hướng dẫn phóng viên cách đầu tư "lướt sóng" nhà ở xã hội (Video: Cát Sinh).

Trung nói, nếu anh nhờ người khác đứng tên thì phải tìm được những người đủ điều kiện như chưa sở hữu nhà, hộ khẩu Hà Nội hoặc tạm trú tại Hà Nội mà đóng bảo hiểm xã hội trên 12 tháng, thuộc diện không phải đóng thuế thu nhập. Muốn mua nhiều căn thì nhờ nhiều người.

Trung tư vấn, trước khi giao nhà, có thể bán lại cho người khác. Chỉ cần lập một hợp đồng dân sự giữa người mua thật và người được nhờ đứng tên, là sau 5 năm bắt buộc người được nhờ đứng tên phải sang tên cho người mua thật là yên tâm.

"Chủ thật sự" đối mặt nguy cơ mất trắng tài sản

Trả lời Dân trí việc nhà đầu tư nhờ người khác đủ điều kiện để đứng tên nhà ở xã hội sẽ gặp những rủi ro thế nào, luật sư Huỳnh Hà Phước Bửu, đoàn luật sư tỉnh Bình Dương cho biết, việc nhờ người khác đứng tên tài sản, đặt biệt là bất động sản, nếu sau này không có chứng cứ vững chắc rất dễ xảy ra tranh chấp và mất tài sản vì tài sản là của người khác mua đứng tên hợp pháp.

Luật sư Bửu khẳng định, ngay cả khi có bằng chứng thuyết phục chứng minh nhờ người đó đứng tên thì khi giá trị bất động sản tăng cao, nếu xảy ra tranh chấp, người nhờ đứng tên bất động sản cũng phải chi trả cho người đứng tên hộ 1 khoản phí gọi là phí giữ gìn, bảo quản và làm tăng giá trị của bất động sản.

Trong trường hợp người nhờ đứng tên hộ qua đời thì tài sản đó không phải là di sản thừa kế có khả năng sẽ mất trăng tài sản hoặc kiện tụng kéo dài gây thiệt hại rất lớn.

Chủ sở hữu thực sự không có bất kỳ quyền hạn nào đối với bất động sản nhờ đứng tên, nếu người đứng tên hộ có dụng ý đem đi cầm cố thế chấp thì rủi ro và thiệt hại rất lớn. Hoặc khi người đứng tên hộ bị kê biên thi hành án thì tài sản đó sẽ bị phong tỏa để thực hiện việc thi hành án.

Trong trường hợp là nhà ở xã hội thì việc nhờ người khác đủ điều kiện mua nhà ở xã hội đứng ra mua nhà có dấu hiệu của việc gian dối, không phải đối tượng được mua nhà ở xã hội. Nếu bị phát hiện thì tài sản trên sẽ bị thu hồi. Ngoài ra, người nhờ đứng tên hộ nhà ở xã hội sẽ đối diện với hành vi lợi dụng chính sách của nhà nước để trục lợi, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Đồng quan điểm trên, luật sư Trần Viết Hà, Công ty Luật TNHH MTV Nam Sơn cho biết, điều 62 luật nhà ở năm 2014 quy định: Bên thuê mua, bên mua nhà ở xã hội không được bán lại nhà ở trong thời hạn tối thiểu là 5 năm, kể từ thời điểm thanh toán hết tiền thuê mua, tiền mua nhà ở.

Trường hợp trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày bên mua, bên thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở mà có nhu cầu bán nhà ở này thì chỉ được bán lại cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội đó hoặc bán cho đối tượng thuộc diện được mua nhà ở xã hội. Nếu không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội theo quy định trên, việc mua lại từ chủ căn hộ là vi phạm quy định của luật Nhà ở.

Giao dịch này không có giá trị pháp lý nên bên mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội.

Nội dung, hình ảnh, video: Cát Sinh