DNews

Bạo lực đường phố và kiểu ứng xử "xấu xí" đối với người yếu thế

Hải Nam

(Dân trí) - Theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, những vụ bạo lực với shipper vừa qua thể hiện một kiểu ứng xử "xấu xí", không đẹp và sự thiếu tôn trọng đối với những người làm các công việc chân tay, người yếu thế.

Bạo lực đường phố và kiểu ứng xử "xấu xí" đối với người yếu thế

Vừa qua, hàng loạt vụ bạo lực đường phố xảy ra trên nhiều địa phương, mà trong đó, nạn nhân thường là những người yếu thế, như shipper, xe ôm.

Điển hình là vụ nam shipper ở Đà Nẵng bị đánh hội đồng tử vong, hay vụ nam shipper bị tài xế Lexus ở Hà Nội đấm gần 20 cú chỉ vì mâu thuẫn giao thông. Gần đây nhất là vụ một nam sinh mặc áo shipper bị đánh gãy mũi ở TP Vinh, Nghệ An.

Phóng viên Dân trí đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, về thực trạng trên.

Kiểu ứng xử "xấu xí"

Theo Tiến sĩ Nam, những vụ việc bạo lực đường phố vừa qua, xảy ra liên tiếp trong các bối cảnh khác nhau. Lý giải về điều này, ông Nam cho rằng mọi người đều bị trở nên căng thẳng hơn, khó kiềm chế hơn khi tương tác ở những tình huống xảy ra nơi công cộng.

Phân tích góc độ tâm lý, vị tiến sĩ nhận định những vụ việc trên thể hiện một kiểu ứng xử "xấu xí", không đẹp và sự thiếu tôn trọng đối với những người làm các công việc chân tay, người yếu thế như giao hàng, xe ôm...

"Họ vốn là người yếu thế, làm việc với những điều kiện bấp bênh, thu nhập không ổn định, cũng như không có những khung pháp lý riêng để bảo vệ họ. Vì vậy, khi họ bị bắt nạt, mọi người dường như có những hành động thiếu kiểm soát, thiếu nhẫn nại hơn", ông Nam nói.

Bạo lực đường phố và kiểu ứng xử xấu xí đối với người yếu thế - 1

PGS.TS Trần Thành Nam (Ảnh: C.C.).

Theo ông, khi người lao động chân tay phải chịu sự stress, thúc ép hoặc thiếu kiến thức về pháp luật... Từ đó, có khi, chính những shipper cũng có những cách hành xử thiếu tế nhị, và vô tình khiến những người "bạo lực" nghĩ rằng họ bị thiếu tôn trọng, bị gây sự, thách thức.

Bên cạnh đó, vị tiến sĩ cũng cho rằng tại Việt Nam, một số phương tiện truyền thông có những cách thể hiện cho thấy sự thiếu coi trọng đối với nhóm người lao động này.

Điều này tạo ra lối suy nghĩ, tâm lý "trên cơ", "tôi là thượng đế"... của những người "ưa bạo lực" có quyền áp đặt, hành xử thiếu chuẩn mực và cho rằng những hành vi này là phù hợp, những shipper sẽ không có khả năng phản kháng.

Để hạn chế những vụ việc tương tự, theo Tiến sĩ Trần Thành Nam, nhà trường, xã hội cần giáo dục về tinh thần yêu lao động, không coi thường nghề nghiệp và văn hóa đạo đức nơi công cộng.

Với những người ưa bạo lực, ông Nam cho rằng họ cần phải được chỉ rõ ra điểm yếu tâm lý khiến dễ nổi nóng, còn những người yếu thế cần phải được bảo vệ bởi pháp luật, những tổ chức, hội nhóm.

Hạn chế về văn hóa ứng xử nơi công cộng

Cũng liên quan đến những vụ việc bạo lực vừa qua, luật sư Hà Thị Khuyên, Văn phòng Luật sư Nhân Chính, nhận định, hậu quả của các sự việc này gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự xã hội, an toàn xã hội.

"Điều đáng nói là nhiều vụ việc không chỉ xảy ra giữa các cá nhân, mà còn có sự tham gia của nhóm đông người. Bên cạnh những vụ việc xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, không ít trường hợp do thiếu kiểm soát cảm xúc hoặc ảnh hưởng của bia rượu, chất kích thích.

Điều này cho thấy một bộ phận người dân còn hạn chế về ý thức pháp luật và văn hóa ứng xử nơi công cộng", bà Khuyên nói.

Theo nữ luật sư, những người có hành vi bạo lực thường có ý thức coi thường pháp luật, chỉ vì cái tôi cá nhân, cho rằng lợi ích của mình bị xâm phạm mà sẵn sàng dùng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn.

Bạo lực đường phố và kiểu ứng xử xấu xí đối với người yếu thế - 2

Luật sư Hà Thị Khuyên (Ảnh: H.K.).

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Khuyên cho biết hành vi gây rối trật tự công cộng được hiểu là hành vi cố ý làm mất tình trạng ổn định, có tổ chức, có kỷ luật ở nơi công cộng, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí có thể gây ra thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân.

Các ví dụ điển hình cho hành vi gây rối trật tự công cộng được biểu hiện cụ thể như: Dùng cử chỉ, lời nói thiếu văn hóa, xúc phạm đến danh dự, nhân phẩm của một hoặc nhiều người; hành hung người làm nhiệm vụ hoặc người tự nguyện tham gia bảo vệ trật tự nơi công cộng; tụ tập ẩu đả, đánh nhau ở nơi công cộng…

"Những người thực hiện hành vi nêu trên gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi đánh người nơi công cộng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự", bà Khuyên cho hay.

Cần lên án các hành vi bạo lực nơi công cộng

Để hạn chế và tiến tới chấm dứt tình trạng bạo lực nơi công cộng, theo luật sư Khuyên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Đối với cơ quan chức năng, bà Khuyên cho rằng cần tăng cường tuần tra, kiểm soát tại các khu vực công cộng, nhất là những địa điểm tập trung đông người như quán bar, nhà hàng, khu vui chơi, bến xe, ga tàu...

Nữ luật sư nhận định pháp luật cần xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định pháp luật, đồng thời công khai thông tin xử lý để răn đe và giáo dục cộng đồng. Song song với đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật và kỹ năng sống, giúp người dân hiểu rõ hậu quả pháp lý và xã hội của hành vi bạo lực.

"Quản lý chặt chẽ việc đăng tải các nội dung bạo lực trên mạng xã hội, tránh việc lan truyền những hình ảnh tiêu cực. Phát huy vai trò của các phương tiện truyền thông trong việc tuyên truyền lối sống văn minh và lên án các hành vi bạo lực nơi công cộng", bà Khuyên kiến nghị.

Đặc biệt, theo luật sư Khuyên, mỗi người cần nâng cao ý thức tự kiểm soát cảm xúc, biết kiềm chế và giải quyết mâu thuẫn bằng đối thoại thay vì bạo lực.

Trong đó, gia đình, nhà trường và xã hội cần chú trọng giáo dục đạo đức, lối sống văn minh, tôn trọng người khác; cộng đồng xung quanh nên có thái độ can ngăn và hỗ trợ khi thấy xô xát xảy ra, đồng thời kịp thời báo cho cơ quan chức năng để can thiệp.