DNews

Lãnh đạo Hyundai và Toyota hẹn gặp mặt: Sẽ có cú "bắt tay" lịch sử?

Nhật Minh

(Dân trí) - Đây là hai "đế chế" của ngành công nghiệp ô tô châu Á, đang có nhiều điểm chung về định hướng phát triển trong tương lai.

Lãnh đạo Hyundai và Toyota hẹn gặp mặt: Sẽ có cú "bắt tay" lịch sử?

Chủ tịch Akio Toyoda của Toyota Motor Corporation (TMC) sẽ bay tới Seoul để gặp chủ tịch Chung Euisun của Hyundai Motor Group (HMG) vào tháng 10, theo nhật báo The Korea Economic Daily.

Đây sẽ là chuyến thăm đầu tiên của ông Toyoda kể từ năm 2012. Vì lý do lịch sử, Hàn Quốc vốn không phải là thị trường thuận lợi đối với các thương hiệu Nhật Bản nói chung, nên cũng không phải là thị trường lớn của Toyota. Tuy nhiên gần đây, thị trường này ngày càng quan tâm tới xe hybrid và cũng cởi mở hơn với ô tô Nhật Bản, nên có thể cơ hội đang rộng mở trước mắt Toyota.

Năm ngoái, Toyota đã bán được khoảng 20.000 xe tại Hàn Quốc, không nhiều so với thị trường này, nhưng là một kỷ lục doanh số mới của tập đoàn ô tô Nhật Bản; trong đó, gần 70% đến từ thương hiệu Lexus.

Tờ The Korea Economic Daily dẫn nguồn tin từ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết chủ tịch Chung Euisun của Hyundai đầu năm nay bày tỏ mong muốn gặp chủ tịch Toyota, và ông Toyoda đã đồng ý. Theo đó, hai bên dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 25/10 tới.

Chủ tịch Chung Euisun là thế hệ thứ ba của gia tộc Hyundai. Ông nội của ông, Chung Juyung, đã sáng lập tập đoàn Hyundai vào năm 1967. Ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế châu Á năm 1997, ông Chung đã tái cơ cấu và chia tách tập đoàn Hyundai thành bộ phận ô tô (đặt dưới sự điều hành của cha ông - Chung Mongkoo) trở thành một thực thể độc lập mà ngày nay là Tập đoàn Hyundai Motor.

Lãnh đạo Hyundai và Toyota hẹn gặp mặt: Sẽ có cú bắt tay lịch sử? - 1

Ông Chung Euisun được ghi nhận là nhà lãnh đạo có công đưa Hyundai từ vị trí "bắt trend" trở thành nhà sản xuất ô tô "tạo trend" (Ảnh: Hyundai).

Trong khi đó, ông Akio Toyoda là thế hệ thứ tư của gia đình công nghiệp Toyoda. Cụ cố của ông - Sakichi Toyoda - đã sáng lập công ty sản xuất máy dệt Toyoda Automatic Loom Works vào năm 1926. Ông nội của ông - Kiichiro Toyoda - đã sáng lập bộ phận sản xuất ô tô, sau đó được tách ra độc lập vào năm 1937, và trở thành Toyota Motor Corporation như ngày nay.

Cả Hyundai và Toyota đều không tiết lộ chương trình nghị sự của cuộc gặp gỡ giữa hai bên, nhưng chủ tịch Toyoda đã nhiều lần nói rằng để đạt được sự trung hòa carbon, Toyota muốn hợp tác với nhiều đối tác có cùng chí hướng, bao gồm cả những đối tác ngoài ngành công nghiệp ô tô.

Ông cũng lặp lại thông điệp tìm kiếm các đối tác có cùng chí hướng tại Triển lãm Ô tô Tokyo 2024 diễn ra vào tháng 1. "Tương lai là thứ mà tất cả chúng ta cùng xây dựng! Tôi muốn xây dựng tương lai cùng với tất cả những người yêu xe! Hãy cùng nhau xây dựng tương lai!", ông nói.

Cuộc gặp gỡ lịch sử

Cố chủ tịch Chung Juyung hẳn không thể tưởng tượng được rằng sau khi ông qua đời, thế giới sẽ thay đổi đến mức cháu nội của ông sẽ vươn tay hợp tác với Toyota, một tập đoàn ô tô Nhật Bản.

Ông thành lập Hyundai Motor với một mục tiêu duy nhất: đánh bại Nhật Bản và lấy lại danh dự cho Hàn Quốc. Vào những năm 1900, thời kỳ khó khăn mà ông lớn lên, Hàn Quốc đã trải qua 35 năm dưới sự cai trị của quân đội Nhật Bản.

Trong cuốn tiểu sử "Made in Korea: Chung Ju Yung and the Rise of Hyundai" (Sản xuất tại Hàn Quốc: Chung Ju Yung và sự trỗi dậy của Hyundai), người sáng lập tập đoàn ô tô Hàn Quốc đã nhiều lần nhắc đến khả năng của Hàn Quốc trong việc vượt qua Nhật Bản.

Lãnh đạo Hyundai và Toyota hẹn gặp mặt: Sẽ có cú bắt tay lịch sử? - 2

Mục tiêu của ông Chung Ju Yung khi thành lập Hyundai là vượt qua các xe hơi Nhật Bản, đặc biệt là Toyota (Ảnh: Hyundai).

Nhưng giờ đây, Chung Euisun, cháu của ông, đang dẫn dắt Hyundai trong một bối cảnh cạnh tranh rất khác. Các ranh giới đang được vẽ lại, và Toyota không còn là lý do tồn tại của Hyundai nữa. Giờ đây, Hyundai (cùng với Kia, thương hiệu thuộc Tập đoàn Hyundai) chung sống hòa bình với Toyota, tham gia vào sự cạnh tranh lành mạnh, với sự tôn trọng lẫn nhau.

Dưới sự lãnh đạo của ông Euisun, Hyundai và Kia đã trở thành những thương hiệu lớn mạnh. Hyundai Motor Group hiện là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới. Họ vẫn đứng sau Toyota, nhưng đó là vì Hyundai và Kia đã quyết định không tham gia vào lĩnh vực xe bán tải, việt dã 4x4, như Toyota có các xe Hilux, Fortuner hay Land Cruiser. Tuy nhiên, mẫu xe bán tải Kia Tasman sẽ sớm thay đổi điều đó.

Là nhà sản xuất ô tô lớn thứ ba thế giới, Hyundai Motor Group không còn ám ảnh với việc cố gắng vượt Toyota về doanh số, vì người Hàn Quốc biết rằng họ đã nhận được sự tôn trọng từ người Nhật. Thay vào đó, giờ đây họ muốn trở thành nhà sản xuất xe hơi được yêu thích nhất.

Ngày nay, chủ tịch Chung không lo lắng về Toyota, mà là về một loạt các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, những công ty khởi nghiệp với phong cách kinh doanh đầy tính đột phá "ra mắt trước, lo lắng sau", mang lại một mối đe dọa mới cho sự tồn tại của Hyundai và cả ngành công nghiệp sản xuất của Hàn Quốc.

Động lực nào để nhà sản xuất ô tô số 1 và số 3 thế giới "bắt tay" nhau?

Toyota Motor hiện là nhà sản xuất ô tô lớn nhất thế giới, với hơn 6 triệu chiếc được bán ra tính đến hết tháng 8 năm nay. Tập đoàn Hyundai Motor (bao gồm cả Kia) đứng thứ ba (sau Tập đoàn VW), với hơn 4,3 triệu chiếc được bán ra trong cùng khoảng thời gian.

Cả Hyundai và Toyota đều rất quan tâm đến công nghệ pin nhiên liệu hydro, và cả hai đều đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất Trung Quốc đang tiến bộ nhanh chóng.

Trung Quốc có lợi thế về công nghệ pin và xe kết nối, nhưng ngành công nghiệp ô tô của nước này vẫn đang ở giai đoạn sơ khai, với quá nhiều nhà sản xuất cạnh tranh cho vị trí số 1, khiến họ khó có thể ngồi lại vì lợi ích chung.

Nhật Bản và Hàn Quốc tụt hậu so với Trung Quốc về công nghệ kết nối, tự động/tự lái, chia sẻ, điện khí hóa (CASE), nhưng lại trưởng thành hơn, biết cách quản lý các thị trường quốc tế tốt hơn, và đã được công nhận vị trí dẫn đầu. Ngược lại, các nhà sản xuất Trung Quốc vẫn đang trong một cuộc tranh giành quyền lực nội bộ.

Cuộc chiến giành quyền bá chủ thế giới không chỉ được quyết định bởi sự vượt trội về công nghệ. Hitler không thua trận vì Đức Quốc xã thiếu công nghệ. Cũng giống như việc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Khả năng tổ chức và việc hiểu rõ đặc điểm lãnh địa bạn đang tiến vào cực kỳ quan trọng.

Lãnh đạo Hyundai và Toyota hẹn gặp mặt: Sẽ có cú bắt tay lịch sử? - 3

Ông Akio có tư duy ủng hộ việc hợp tác phát triển sản phẩm với các hãng xe khác, như Ford và Tesla, theo một cung cách hoàn toàn khác với truyền thống lãnh đạo ở Toyota (Ảnh: Toyota).

Ít ai có thể hiểu nhu cầu của người mua xe trên khắp thế giới tốt hơn ông Akio Toyoda. Chu kỳ thăng trầm của thị trường xe thuần điện (BEV) non trẻ, và việc người mua phổ thông không chuyển sang sử dụng xe điện như dự đoán chính là những gì ông đã cảnh báo từ trước.

Gần như tất cả các thương hiệu ô tô Nhật Bản, ngoại trừ Honda, Nissan và Mitsubishi, đều nằm trong phạm vi ảnh hưởng của Toyota.

Kawasaki, Yamaha, Hino, Daihatsu, Suzuki, Mazda, Subaru, Idemitsu và Eneos đều có cổ phần chéo hoặc hợp tác với Toyota. Chủ tịch Toyoda được xem như người đứng đầu ngành ô tô Nhật Bản.

Tương tự như vậy với Hyundai Motor. Chủ tịch Chung có khả năng chi phối hầu hết mọi hoạt động liên quan đến ngành ô tô và logistics (thông qua công ty con Hyundai Glovis) tại Hàn Quốc.

Hyundai có cấu trúc dọc, xây dựng các nhà máy, cảng vận chuyển và tàu RoRo (thông qua Hyundai Engineering and Construction). Ngay cả các xe tải và thiết bị xây dựng được sử dụng để xây dựng các cơ sở này cũng do Hyundai sản xuất, cũng như các công cụ máy móc (bởi Hyundai Wia) được sử dụng để chế tạo xe Hyundai, Kia và Genesis.

Hyundai cũng sở hữu 80% công ty tự động hóa Boston Dynamics của Mỹ, có thể có chung lợi ích với bộ phận tự động hóa của Toyota - TRI (Viện Nghiên cứu Toyota).

Lãnh đạo Hyundai và Toyota hẹn gặp mặt: Sẽ có cú bắt tay lịch sử? - 4

Hyundai đang quyết tâm củng cố vị trí của mình trên bản đồ ngành công nghiệp ô tô thế giới bằng việc tạo ra các giải pháp di chuyển bền vững và sáng tạo, cùng với trải nghiệm khách hàng tốt hơn (Ảnh minh họa: Hyundai).

Hyundai đã đạt được thành công trong các giải pháp bay trong đô thị, như máy bay cất cánh và hạ cánh thẳng đứng (VTOL) và máy bay không người lái - những giải pháp mà Toyota cũng có thể muốn khám phá thêm.

Cả Hyundai và Toyota đều đang tìm cách giảm sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc, đặc biệt là đối với chất bán dẫn. Mobis - công ty phụ tùng ô tô của Hyundai - đang đẩy mạnh nỗ lực tự thiết kế và sản xuất chip. Trong khi đó, Toyota đang đầu tư vào chi nhánh sản xuất tại Nhật Bản của công ty sản xuất bán dẫn Đài Loan TSMC.

Cuộc gặp gỡ giữa các chủ tịch, không phải CEO

Cả ông Chung Euisun và Akio Toyoda đều không còn là CEO của Hyundai và Toyota. Chang Jaehoon hiện là CEO của Công ty Hyundai Motor, đồng thời đại diện cho Tập đoàn Hyundai Motor (HMG). Ông Koji Sato, cựu kỹ sư trưởng của mẫu Lexus LC và cựu chủ tịch của Lexus International, hiện là CEO của Toyota.

Cả ông Chung và Toyoda không còn tham gia điều hành hoạt động hàng ngày của công ty. Tuy nhiên, vị trí chủ tịch tại các doanh nghiệp châu Á khá khác biệt so với phương Tây. Khác với chủ tịch Bill Ford Jr. của Ford Motor, ông Chung và ông Toyoda không đứng sau hậu trường, mà vẫn có tầm ảnh hưởng lớn đến hướng đi của công ty.

Với các chủ tịch châu Á, CEO có thể thay đổi sau 4 hoặc 5 năm, và họ sẽ tự nhiên ưu tiên các kết quả ngắn hạn. Tuy nhiên, uy tín của gia đình, hoặc trong trường hợp của ông Toyoda, cái tên gia đình trên những chiếc xe, sẽ tồn tại rất lâu.

Ngoài việc gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp, chủ tịch Akio, người có tầm nhìn dài hạn, cũng thường xuyên đến thăm các trường học ở Nhật Bản để đưa học sinh đi dạo trên chiếc GR Yaris phiên bản đường đua của mình. Ông coi việc thúc đẩy sự quan tâm của trẻ em đối với ô tô là điều quan trọng cho tương lai của ngành công nghiệp này.

Cả ông Chung và ông Toyoda đều hiểu rằng họ cần đóng vai trò âm thầm nhưng vững chắc, để các giám đốc điều hành của công ty có đủ tự tin đưa ra những quyết định khó khăn mà các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến ngắn hạn có thể không thích, nhưng lại cần thiết cho sự ổn định lâu dài của công ty.

Hãy nhìn vào cách Mercedes-Benz, Volvo và Ford đang vấp ngã với các mục tiêu xe điện quá quyết liệt để làm hài lòng Phố Wall.

Ngược lại, Hyundai và Toyota, với sự hậu thuẫn của các vị chủ tịch kiên định, đã đẩy lùi áp lực từ các nhà đầu tư và kiên trì với chiến lược "ưu tiên hybrid" thực tế hơn, mặc dù không hào nhoáng. Giờ đây, các nhà đầu tư đã thừa nhận quyết định đó là đúng đắn, khi cả hai công ty đều đạt được lợi nhuận và doanh số kỷ lục.

Cuộc gặp gỡ giữa ông Chung và ông Toyoda nhiều khả năng sẽ là một cuộc tiền hội nghị, đặt nền móng cho các cuộc thảo luận chính thức hơn giữa các CEO của hai công ty.