Ô tô điện có thực sự tốt cho môi trường hơn xe chạy xăng không?
(Dân trí) - Cả thế giới đang hướng về ô tô điện như một giải pháp giao thông tốt hơn cho môi trường, nhưng vẫn có những băn khoăn về độ sạch của nguồn điện, và việc khai thác khoáng sản để sản xuất pin xe điện.
Dù đang đi hay mới đang cân nhắc chuyển sang dùng ô tô điện, có lẽ ít nhất một lần bạn từng bị cuốn vào cuộc tranh luận về việc liệu xe điện có thực sự tốt hơn cho môi trường hay không.
Để có được câu trả lời thỏa đáng, trang ABC News của Australia đã tiến hành so sánh mức độ gây ô nhiễm của hai loại xe này trên toàn bộ vòng đời sản phẩm, từ sản xuất xe, sản xuất pin/ắc-quy, năng lượng dùng để vận hành xe, và việc xử lý xe khi cũ hỏng, bao gồm cả pin. Loại xe mà ABC News lựa chọn là SUV cỡ trung.
So sánh này cũng chỉ cho kết quả tương đối, vì việc sản xuất ô tô, pin và năng lượng ở mỗi khu vực, mỗi nước sẽ khác nhau, ảnh hưởng trực tiếp tới độ "sạch" của xe.
Quá trình sản xuất xe
Khi xem xét quá trình sản xuất ô tô, cần tính đến cả việc sản xuất vật liệu thô để chế tạo vỏ xe bằng kim loại, lốp xe, các chi tiết nội thất... Ở khâu này, việc sản xuất dù là xe động cơ đốt trong hay xe điện đều có mức xả thải tương đương nhau, theo dữ liệu của nhiều nước, trong đó có Mỹ và Australia.
Sản xuất xe chạy bằng xăng, dầu gây ô nhiễm hơn sản xuất xe điện một chút, vì động cơ đốt trong có nhiều bộ phận hơn so với mô-tơ điện.
Sự khác biệt thực sự về mức độ gây ô nhiễm trong quá trình sản xuất giữa xe điện với xe động cơ đốt trong nằm ở bộ pin. Xe điện chạy bằng pin, nên cần một bộ pin lớn và nặng, tức là cần sử dụng nhiều khoáng sản hơn để sản xuất.
Pin sản xuất ở Trung Quốc có mức độ xả thải cao hơn so với pin sản xuất ở châu Âu, theo trang ABC News, dẫn nguồn dữ liệu từ Hội đồng xe điện Australia.
Mức độ xả thải gây ô nhiễm môi trường của quá trình sản xuất pin được cho là sẽ giảm xuống trong tương lai, khi nguồn năng lượng có thể tái tạo được sử dụng nhiều hơn.
"Khi năng lượng dùng để sản xuất pin được khử carbon thì lượng khí thải từ quá trình sản xuất pin sẽ giảm xuống", ông Robin Smit, nhà nghiên cứu về phương tiện giao thông của Đại học Công nghệ Sydney (Australia), cho biết.
Vậy là ở thời điểm hiện tại, việc sản xuất xe điện gây ô nhiễm hơn xe xăng. Nhưng điều này sẽ thay đổi khi xe bắt đầu lăn bánh...
Quá trình sử dụng xe
Hầu hết lượng khí thải liên quan tới một chiếc xe kể từ khi sản xuất tới khi thành sắt vụn đến từ việc sử dụng năng lượng để giúp xe lăn bánh.
Theo tính toán của Tổng cục thống kê Australia (ABS), trung bình một chiếc ô tô ở nước này sẽ chạy khoảng 12.600km mỗi năm. Khi vận hành, xe động cơ đốt trong chắc chắn "bẩn" hơn xe điện, vì chúng đốt xăng và xả khí thải ra môi trường, nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng biến đổi khí hậu.
Ở Australia, người ta sản xuất điện từ nhiên liệu hóa thạch và các nguồn năng lượng có thể tái tạo. Theo dữ liệu mà trang ABC News thu được, chiếc SUV chạy xăng thải ra gần 46 tấn carbon trong toàn bộ thời gian lăn bánh trên đường, cho tới khi vào bãi phế thải. Số liệu này đã bao gồm khí thải đến từ việc sản xuất và vận chuyển nhiên liệu.
Trong khi đó, xe điện chỉ thải ra chưa đến 11 tấn khí thải carbon trong cả vòng đời.
Một điểm cần lưu ý nữa là rất nhiều năng lượng bị đốt cháy để xe xăng có thể lăn bánh, nhưng phần lớn bị bỏ phí. Giáo sư Smit cho biết, khoảng 70-80% năng lượng bị lãng phí dưới dạng hơi nóng. Chúng ta chỉ sử dụng được 20-30% năng lượng trong nhiên liệu để thực sự giúp xe lăn bánh.
Theo trang Earth Justice, mô-tơ điện sử dụng năng lượng hiệu quả hơn động cơ đốt trong. Mô-tơ điện có thể chuyển đổi tới 85% năng lượng thành chuyển động, so với tỷ lệ chưa đến 40% của động cơ đốt trong.
Cách thức sản xuất điện cũng sẽ tạo nên sự khác biệt lớn về độ "sạch" của xe điện. Nguồn gốc điện càng sạch thì độ "sạch" của xe điện càng cao.
Hiện nay, một số bang của Australia chủ yếu sử dụng năng lượng có thể tái tạo, như gió hoặc năng lượng mặt trời, trong khi các bang khác vẫn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch.
Xử lý xe cũ, hỏng
Theo giáo sư Smit, khí thải nhà kính từ việc xử lý xe cũ hỏng không lớn nếu so với tổng lượng khí thải trong cả vòng đời của xe.
Ngoài ra, hầu hết vật liệu trên xe có thể tái chế, nên việc này sẽ phần nào bù lại lượng khí thải trong quá trình sản xuất xe.
Có nhiều cách để giảm lượng khí thải carbon ở khâu này.
Khi pin xe điện bị thải loại, chúng vẫn còn giá trị sử dụng vào mục đích khác. Ví dụ, có thể tận dụng pin xe điện làm pin dự phòng trong các hộ gia đình. Một số công ty ô tô, như Tesla, đang dùng pin của xe cũ để cung cấp năng lượng ở các nhà máy. Việc tái sử dụng pin xe điện được cho là có thể giúp giảm một nửa lượng khí thải carbon sản sinh trong quá trình sản xuất pin.
Những phân tích dữ liệu trên cho thấy xe điện xả thải ít hơn xe xăng tương ứng. Ngay cả với nguồn điện có được từ nhiên liệu hóa thạch, xe điện vẫn xả thải ít hơn và sẽ ngày càng giảm khi nguồn điện "sạch" hơn.
Theo ABC News, Earth Justice