DNews

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô

Huỳnh Hải

(Dân trí) - Đất Mũi là xã nằm ở điểm cực Nam trên bản đồ đất liền của tổ quốc. Đây là xã có vị trí khá đặc biệt khi có 3 mặt giáp biển và có nhiều điểm nổi bật như mốc tọa độ quốc gia, biểu tượng cột cờ Hà Nội.

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô

Xã Đất Mũi (được sắp xếp lại từ xã Đất Mũi, một phần xã Viên An, một phần xã Tân Ân thuộc huyện Ngọc Hiển của tỉnh Cà Mau cũ) có diện tích tự nhiên hơn 271km2 và dân số khoảng 33.290 người.

"Xã Đất Mũi có 3 mặt giáp biển", ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, khái quát về vị trí đặc biệt của xã với phóng viên Dân trí.

Tên gọi của xã gắn với địa danh Đất Mũi

Tỉnh Cà Mau có 64 đơn vị cấp xã (9 phường, 55 xã). Đất Mũi là đơn vị hành chính cấp xã có diện tích rộng nhất của tỉnh này, cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 100km và cách trung tâm TP Cần Thơ hơn 280km.

Phía Đông của xã Đất Mũi giáp xã Phan Ngọc Hiển (một phần biển), phía Tây giáp Vịnh Thái Lan, phía Nam giáp Biển Đông và phía Bắc giáp xã Đất Mới.

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 1

Xã Đất Mũi (màu cam góc dưới bên trái) trên bản đồ chung của tỉnh Cà Mau (Ảnh: Cổng TTĐT Cà Mau).

Theo đề án trước đó của UBND tỉnh Cà Mau, lý do tỉnh chọn tên gọi “xã Đất Mũi” nhằm kế thừa tên gọi truyền thống của một trong đơn vị hành chính trước sắp xếp đồng thời thể hiện sự tôn vinh các giá trị lịch sử - văn hóa đặc trưng của địa phương.

Tên gọi này mang ý nghĩa kế thừa và phát huy bản sắc truyền thống, biểu tượng thiêng liêng gắn với địa danh Đất Mũi - điểm cực Nam trên bản đồ đất liền của tổ quốc, góp phần tạo sự gắn kết trong cộng đồng dân cư.

Trung tâm hành chính nơi đặt trụ sở của xã có mật độ dân cư cao; hệ thống giao thông được đầu tư xây dựng cơ bản, thông suốt, bảo đảm kết nối thuận lợi từ trung tâm xã đến từng ấp, hộ gia đình và các xã lân cận, thuận lợi cho tổ chức, cá nhân và người dân trong liên hệ công tác, thực hiện các giao dịch hành chính.

Điểm đặc biệt về xã vươn mình ra biển

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, trên địa bàn xã Đất Mũi từ lâu đã có cột mốc tọa độ quốc gia (GPS 0001). Đây được xem là "điểm đến thiêng liêng" ở vùng đất cực Nam của tổ quốc, mà có lẽ là người Việt Nam "ai cũng muốn một lần đặt chân đến".

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 2

Biểu tượng con tàu tại Đất Mũi - Cà Mau (Ảnh: Huỳnh Hải).

Cùng với đó là hình ảnh con tàu hướng ra biển lớn, một trong những biểu tượng của vùng đất Mũi Cà Mau. Đây là một trong những điểm mà du khách khi đến thường check-in (chụp hình chia sẻ vị trí) để lưu giữ khoảnh khắc về với vùng đất thiêng liêng này.

Vùng Đất Mũi còn có Vườn quốc gia Mũi Cà Mau (nằm trong khu dự trữ sinh quyển Mũi Cà Mau) là khu Ramsar (khu dự trữ sinh quyển) thứ 5 của Việt Nam, rộng hơn 41.000ha, bao gồm diện tích đất liền và đất ven biển.

Thời gian qua, một tuyến du lịch xuyên rừng được mở (đi bằng ca nô hoặc một loại xuồng máy) để phục vụ nhu cầu khám phá, trải nghiệm của du khách khi đến với sông nước, đất rừng ở Mũi Cà Mau.

Hơn 5 năm trước, có ít nhất 3 công trình nổi bật được xây dựng ở Đất Mũi, gồm: Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ; cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau; cột điểm cuối đường Hồ Chí Minh.

Cột cờ Hà Nội tại Mũi Cà Mau do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hà Nội trao tặng cho Cà Mau, được khánh thành vào tháng 12/2019. Đây là việc có ý nghĩa thiêng liêng, cao quý, thể hiện tình cảm sâu sắc của Hà Nội cũng như của cả nước với Cà Mau, tạo thêm một biểu tượng về sự thống nhất giang sơn gấm vóc, chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 3

Công trình Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại Mũi Cà Mau cũng được khánh thành vào tháng 12/2019. Công trình góp phần tạo nên điểm nhấn rất quan trọng và là một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi - Cà Mau.

“Hình tượng người Mẹ cạnh đền thờ Cha tại vùng đất cực Nam tổ quốc, nơi “đất biết nở”, “rừng biết đi” và “biển sinh sôi” là sự tri ân của lớp con cháu hôm nay với tổ tiên đã lên rừng xuống biển mở mang bờ cõi.

Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ là điểm tựa tinh thần để các thế hệ con cháu người Việt luôn giữ mãi niềm tin và quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ nền độc lập và sự phát triển trường tồn của dân tộc”, ông Nguyễn Tiến Hải, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau (nay là Bí thư Tỉnh ủy An Giang), từng chia sẻ khi khánh thành công trình. 

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 4

Đền thờ Lạc Long Quân và Tượng Mẹ tại vùng đất cực Nam của Tổ quốc (Ảnh: Huỳnh Hải).

Đặc biệt, Mũi Cà Mau còn là nơi duy nhất trên đất liền có thể ngắm được mặt trời mọc lên từ phía biển Đông vào buổi sáng và lặn xuống phía biển Tây vào buổi chiều.

"Đường lớn sẽ mở..." và kỳ vọng bứt phá cho vùng đất cực Nam

Theo UBND tỉnh Cà Mau, một trong những dự án trọng điểm tới đây được triển khai xây dựng đó là tuyến cao tốc đường bộ từ Cà Mau đến Đất Mũi. Tuyến cao tốc này được nối với tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau đang được xây dựng.  

Tuyến cao tốc Cà Mau - Đất Mũi (CT.43) đã được Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 5

Đường về xã Đất Mũi (Ảnh: Huỳnh Hải).

Dự án cao tốc Cà Mau - Đất Mũi có chiều dài khoảng 90km (điểm đầu ở TP Cà Mau và điểm cuối ở huyện Ngọc Hiển cũ), quy mô 4 làn xe, tiến trình đầu tư trước năm 2030, do Bộ Quốc phòng thực hiện.

Theo thông báo của Bộ Quốc phòng tại buổi làm việc với tỉnh Cà Mau trước đó, dự án dự kiến được triển khai trong giai đoạn từ 2025-2028,  với tổng mức đầu tư khoảng 58.900 tỷ đồng.

Dự kiến dự án được triển khai theo lệnh xây dựng công trình khẩn cấp theo quy định của Luật Xây dựng. Kế hoạch khởi công dự án vào ngày 19/8.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau đã thông qua Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư để thực hiện tuyến cao tốc từ TP Cà Mau đến Đất Mũi.

Diện tích giải phóng mặt bằng dự án khoảng 562ha (bao gồm đất rừng sản xuất, phòng hộ, trồng cây hằng năm,…). Tổng mức đầu tư dự án khoảng 2.028 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước (Trung ương hỗ trợ 50%, còn Cà Mau bố trí 50% khoảng 1.014 tỷ đồng).

Dự án cao tốc Cà Mau - Đất Mũi được xây dựng nhằm kết nối thông suốt tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông đến Đất Mũi và cảng Hòn Khoai, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của vùng đất cực Nam (tỉnh Cà Mau) nói riêng, vùng miền Tây và cả nước.

Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 6
Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 7
Xã cực Nam tổ quốc có mốc tọa độ thiêng liêng, cột cờ nghĩa tình với thủ đô - 8

Xã Đất Mũi ở vùng đất cực Nam của Tổ quốc tới đây hứa hẹn sẽ bứt phá để phát triển hơn nữa kinh tế - xã hội với thế mạnh du lịch, kinh tế biển... (Ảnh: Huỳnh Hải).

Theo UBND tỉnh Cà Mau, xã Đất Mũi đi vào hoạt động trong thời gian tới đây có thể mở rộng không gian phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy liên kết vùng.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Cao Văn Phú, Chủ tịch UBND xã Đất Mũi, cho biết thế mạnh kinh tế của xã hiện có du lịch (tham quan, cộng đồng, trải nghiệm,…) nuôi trồng thủy sản (tôm, cua sinh thái,…), đánh bắt thủy hải sản biển.

“Hiện xã tiếp tục đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế này. Trong thời gian tới, xã sẽ nghiên cứu đầu tư thêm các lĩnh vực, mô hình phù hợp để góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương, nâng cao đời sống người dân”, ông Phú chia sẻ.