DNews

Tên gọi tỉnh thành mới: Phải chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung

Tiến Thành

(Dân trí) - Theo ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, trong tiến trình sáp nhập các tỉnh, thành phố, cần có sự hy sinh vì lợi ích chung, đi đôi với đó là các chính sách phù hợp.

Tên gọi tỉnh thành mới: Phải chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung

Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình là người từng trực tiếp tham gia và chứng kiến nhiều giai đoạn chia tách, sáp nhập tỉnh tại địa phương.

Sáp nhập tỉnh thành - bước đi đột phá

Bàn về chủ trương sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ chính quyền cấp huyện, theo ông Phước, đây là một chủ trương đúng đắn của Trung ương để hoàn thành mục tiêu, sứ mệnh đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

Tên gọi tỉnh thành mới: Phải chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung - 1

Ông Phạm Phước, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Theo ông Phước, việc sáp nhập các tỉnh, thành phố là bước đi đột phá, tạo ra tiềm lực lớn hơn cho các địa phương và phù hợp với tốc độ phát triển của đất nước hiện nay.

Lấy ví dụ về Quảng Bình và Quảng Trị, ông Phước nhận định, theo các tiêu chí về đơn vị hành chính cấp tỉnh, cả hai đều có những điểm chưa đáp ứng, do đó việc sáp nhập là cần thiết, giúp mở rộng không gian phát triển, hỗ trợ lẫn nhau trên nhiều phương diện, hình thành một khối liên kết vững mạnh hơn.

"Nhìn chung, Quảng Bình và Quảng Trị có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, lịch sử và con người. Việc sáp nhập sẽ tạo ra một đơn vị hành chính đủ lớn để phát huy liên kết vùng, nhất là trong nông nghiệp bền vững, kinh tế biển, du lịch và giao thương quốc tế qua các hành lang kinh tế Đông - Tây", ông Phước phân tích.

Ông Phước cũng cho rằng, khi trở thành một tỉnh lớn, Quảng Bình - Quảng Trị sẽ có sức hút đầu tư và khả năng quy hoạch đồng bộ nhờ vào hệ thống cửa khẩu, cảng biển và khu kinh tế lớn như: Cửa khẩu Lao Bảo, Cảng Mỹ Thủy (Quảng Trị), Cửa khẩu Cha Lo và Cảng Hòn La (Quảng Bình)... Đây là những lợi thế quan trọng trong phát triển công nghiệp, thương mại và kết nối vùng.

Tên gọi tỉnh thành mới: Phải chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung - 2

Cửa khẩu quốc tế Cha Lo, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

"Cả hai tỉnh hiện đều có các dự án năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện gió. Nếu sáp nhập, quy mô sẽ được mở rộng, tạo động lực mạnh mẽ để có thể đưa địa phương mới trở thành trung tâm năng lượng của khu vực", ông Phước chia sẻ thêm.

Nghiên cứu kỹ về tên tỉnh, xã, phường mới sau sáp nhập

Thời gian qua, việc sắp xếp bộ máy hành chính, sáp nhập tỉnh, bỏ bộ máy chính quyền cấp huyện thu hút sự quan tâm rất lớn từ người dân. Đặc biệt là những đồn đoán về tên gọi của các địa phương sau sáp nhập và nơi đặt trung tâm tỉnh lỵ, xã, phường mới.

Nói về vấn đề này, ông Phạm Phước cho rằng, việc lựa chọn tên gọi cho tỉnh, xã, phường mới là một vấn đề cần được tính toán kỹ lưỡng, vì nó liên quan đến yếu tố lịch sử, văn hóa và tính hợp lý trong các văn bản hành chính. Ông Phước cho rằng, Trung ương và các địa phương cũng sẽ nghiên cứu và có phương án tối ưu, phù hợp.

Tên gọi tỉnh thành mới: Phải chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung - 3

Quảng Bình Quan - Biểu tượng của mảnh đất Quảng Bình (Ảnh: Tiến Thành).

Ở góc độ cá nhân, ông Phước kiến nghị tên gọi tỉnh, xã, phường mới phải làm sao vừa đảm bảo tính ngắn gọn, dễ sử dụng trong công cuộc số hóa, không quá dài hay quá mới mẻ, để không làm mất đi truyền thống và bản sắc địa phương. Việc lựa chọn tên tỉnh, xã, phường cũng cần lấy ý kiến từ người dân, dựa trên định hướng chung.

Về vị trí đặt trung tâm tỉnh lỵ sau sáp nhập, ông Phước nhấn mạnh phải dựa trên quy hoạch tổng thể của tỉnh, vùng và cả nước. Các yếu tố như không gian phát triển, hạ tầng và khả năng kết nối cũng cần được cân nhắc.

"Việc tìm ra một cái tên nhận được sự đồng tình hoàn toàn từ mọi người là điều rất khó. Tuy nhiên, mỗi địa phương, mỗi người dân cần có sự hy sinh và chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung của cả cộng đồng", ông Phước nêu.

Cần có sự hy sinh vì sự nghiệp chung

Là người theo dõi sát sao các vấn đề sáp nhập, tinh gọn bộ máy, ông Phước cho rằng đây là một cuộc cách mạng. Mà đã là cách mạng thì cần có hy sinh lợi ích cá nhân để phụng sự lợi ích quốc gia. Cán bộ, công chức cần thích ứng nhanh, liên tục rèn luyện, nâng cao năng lực để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

"Tôi được biết Trung ương đang nghiên cứu các chính sách hỗ trợ cán bộ trong giai đoạn chuyển đổi. Đây là yếu tố quan trọng để đội ngũ cán bộ yên tâm công tác. Dù chính sách có như thế nào, khó khăn vẫn sẽ tồn tại, nhưng điều quan trọng là cán bộ phải xốc lại tinh thần, vượt qua khó khăn để đóng góp cho mục tiêu chung", ông Phước nêu ý kiến.

Về việc bỏ cấp huyện, ông cho rằng điều này phù hợp với xu thế phát triển. Hiện nay đời sống người dân được nâng lên, giao thông và cơ sở hạ tầng thuận lợi, chính quyền điện tử và số hóa trong thủ tục hành chính đã giúp giải quyết nhanh chóng, hiệu quả nhiều vấn đề. Bởi vậy không cần quá nhiều khâu trung gian trong bộ máy hành chính mà nên tập trung sức mạnh cho cấp cơ sở.

Cũng theo nhận định của ông Phước, khi không còn cấp huyện, trách nhiệm của cấp xã, phường sẽ tăng lên, đòi hỏi cán bộ ở cấp này phải có năng lực cao hơn để đảm bảo hiệu quả công việc. Đây cũng là thách thức, cơ hội để cán bộ, công nhân viên chức học tập, trưởng thành, cũng là thời điểm thích hợp để thanh lọc những cán bộ yếu kém, thiếu năng lực.

Nếu Quảng Bình và Quảng Trị "về chung một nhà"

Quảng Bình là tỉnh có bề dày lịch sử, từng trải qua nhiều lần chia tách, sáp nhập. Vào năm 1890, dưới thời Pháp thuộc, Quảng Bình và Quảng Trị từng là một tỉnh mang tên Bình Trị.

Tên gọi tỉnh thành mới: Phải chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung - 4

Một góc thị xã Đồng Hới sau ngày chia lại địa giới tỉnh Quảng Bình năm 1990 (Ảnh tư liệu).

Năm 1976, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế được sáp nhập thành tỉnh Bình Trị Thiên. Theo ông Phước, khi ấy, đất nước vừa thống nhất, tình hình còn khó khăn, công tác tái thiết sau chiến tranh đối mặt với nhiều thách thức. Tuy vậy, việc hợp nhất đã phát huy truyền thống, tạo nội lực cho tỉnh mới.

Với sự nỗ lực của cán bộ và nhân dân, 13 năm là tỉnh chung, Bình Trị Thiên đã thu được nhiều kết quả tích cực, từng bước khắc phục nạn thiếu lương thực, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ kinh tế, xã hội. Điển hình là đại công trình thủy nông Nam Thạch Hãn (Quảng Trị).

Đến năm 1989, sau khi xem xét các yếu tố về kinh tế - xã hội và để phù hợp với công tác quản lý hành chính, Trung ương quyết định chia tách Bình Trị Thiên thành 3 tỉnh như cũ.

Trở lại với câu chuyện lịch sử, ông Phước nhấn mạnh, khi những cơ sở cách mạng và đảng bộ đầu tiên ở Quảng Bình được thành lập tại xã Tân Thủy, huyện Lệ Thủy, đã có sự tham gia của nhiều chiến sỹ cách mạng từ Quảng Trị ra.

Tên gọi tỉnh thành mới: Phải chấp nhận những thay đổi vì lợi ích chung - 5

Nhân dân Đồng Hới tham gia Tổng tuyển cử năm 1976 (Ảnh tư liệu).

Tổng bộ Việt Minh Quảng Bình được thành lập cũng có nhiều cán bộ người Quảng Trị. Điển hình là Đại tướng Đoàn Khuê (nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng), khi đó là Ủy viên Quân sự trong Tổng bộ Việt Minh tỉnh Quảng Bình - người đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng và chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ông Phước nhắn nhủ, nếu Quảng Bình và Quảng Trị "về chung một nhà", các cán bộ, công, nhân viên chức cần cố gắng vượt qua những khó khăn của bản thân, góp sức xây dựng quê hương phát triển, hưng thịnh hơn.

Ông Phạm Phước (SN 1945), quê quán tại xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình. Thời điểm sáp nhập tỉnh Bình Trị Thiên, ông là cán bộ ngành thủy lợi.

Năm 1989, Quảng Bình tái lập tỉnh, ông Phước là Chủ tịch UBND huyện Lệ Ninh (nay là 2 huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy, Quảng Bình).

Giai đoạn 1994-1999, ông Phạm Phước là Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình.