DNews

Sắp xếp tỉnh để "đầu tàu mạnh kéo các toa sau cùng đi lên"

Thanh Tùng

(Dân trí) - Theo ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, khi sáp nhập, không gian phát triển sẽ được mở rộng, tạo ra sự liên kết vùng hiệu quả hơn như toa đầu mạnh sẽ kéo các toa sau cùng lên.

Sắp xếp tỉnh để "đầu tàu mạnh kéo các toa sau cùng đi lên"

"Sáp nhập không còn là phép cộng cơ học"

Với 10 năm công tác trong ngành nội vụ, từng giữ chức Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa, ông Nguyễn Xuân Dũng cho biết, dù tỉnh Thanh Hóa chưa từng trải qua việc nhập hay tách tỉnh, nhưng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, địa phương này đã nhiều lần thực hiện sắp xếp và tổ chức lại bộ máy hành chính.

Theo ông Dũng, dù đã có nhiều lần sắp xếp các đơn vị, ban, ngành, thậm chí là sáp nhập xã, nhưng hiệu quả vẫn chưa đạt kỳ vọng, bộ máy vẫn cồng kềnh. Nguyên nhân chủ yếu là do việc sáp nhập trước đây chủ yếu mang tính cơ học, chỉ đơn thuần là cộng dồn về mặt tổ chức mà chưa đi sâu vào cải cách thực chất.

Sắp xếp tỉnh để đầu tàu mạnh kéo các toa sau cùng đi lên - 1

Ông Nguyễn Xuân Dũng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông cho rằng chủ trương sắp xếp bộ máy theo mô hình chính quyền địa phương hai cấp, sáp nhập tỉnh và không tổ chức cấp huyện hiện nay của Bộ Chính trị là một cuộc cách mạng lớn, có ý nghĩa sâu sắc, đưa đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới.

"Chủ trương tinh gọn bộ máy hiện nay sẽ tạo ra những thay đổi sâu sắc cả về chất lẫn lượng, không còn là phép cộng cơ học. Đặc biệt, việc tinh giản biên chế lần này được thể hiện rõ rệt hơn", ông Dũng nhấn mạnh.

Nguyên Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa nhận định rằng, ngoài việc tổ chức lại bộ máy, việc sắp xếp lại đội ngũ cán bộ, công chức cũng là một điểm nhấn quan trọng.

Sắp xếp tỉnh để đầu tàu mạnh kéo các toa sau cùng đi lên - 2

Toàn cảnh thành phố Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Tôi tin rằng việc tinh giản biên chế lần này sẽ tạo ra sự thay đổi rõ rệt. Với các chính sách hợp lý, quá trình sàng lọc cán bộ sẽ được thực hiện hiệu quả hơn. Những ai không đủ năng lực sẽ bị loại bỏ, trong khi một số cán bộ gần đến tuổi nghỉ hưu có thể tự nguyện nghỉ để nhường cơ hội cho lớp trẻ. Điều này sẽ giúp đội ngũ cán bộ còn lại có chất lượng và năng lực tốt hơn", ông Dũng chia sẻ.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, để cuộc cách mạng lần này thành công, lãnh đạo và cán bộ cần sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân, đặt lợi ích chung lên hàng đầu, đồng thời lựa chọn những người có tâm, có tầm, có tài, có đức để đảm nhiệm vai trò lãnh đạo sau sáp nhập.

Tối ưu hóa liên kết vùng sau sáp nhập xã

Ông Dũng cho rằng chủ trương thực hiện mô hình chính quyền địa phương hai cấp là hoàn toàn hợp lý. Việc bỏ cấp huyện sẽ giúp loại bỏ một tầng trung gian, tạo điều kiện để lãnh đạo gần dân hơn, chỉ đạo nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Sắp xếp tỉnh để đầu tàu mạnh kéo các toa sau cùng đi lên - 3

Thành phố biển Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Thanh Tùng).

"Bỏ cấp huyện sẽ giúp cán bộ gần dân hơn, nắm bắt tình hình thực tế nhanh chóng hơn, từ đó nâng cao hiệu quả quản lý và điều hành. Người dân cũng sẽ thuận lợi hơn khi giải quyết các thủ tục hành chính, không phải mất thời gian đi lại giữa các cấp", ông Dũng nói.

Ông lấy dẫn chứng từ thực tế công tác của lực lượng công an xã. Khi xảy ra tình trạng mất an ninh trật tự hoặc có các đối tượng trộm cắp, nghiện hút, công an xã là người nắm rõ nhất.

"Cấp huyện không thể hiểu rõ tình hình đời sống của người dân bằng cấp xã. Ví dụ, về đất đai, cán bộ xã mới là người nắm rõ nhất từng hộ gia đình. Tuy nhiên, mỗi khi làm thủ tục, người dân vẫn phải lên huyện, gây mất thời gian và tốn kém", ông Dũng dẫn chứng.

Sắp xếp tỉnh để đầu tàu mạnh kéo các toa sau cùng đi lên - 4

Sáp nhập xã sẽ tối ưu hóa việc liên kết vùng, giúp các địa phương phát huy được tiềm năng, lợi thế sẵn có (Ảnh: Thanh Tùng).

Tuy nhiên, theo ông, hiện nay quy mô cấp xã vẫn còn quá nhỏ so với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Điều này dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương trong cùng một tỉnh.

"Kinh tế không thể tách rời khỏi lịch sử, văn hóa, tài nguyên và kết cấu hạ tầng. Khi tôi làm Bí thư Huyện ủy Vĩnh Lộc, tôi nhận thấy phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu dựa vào cấp xã. Nhưng do quy mô xã quá nhỏ, việc khai thác tiềm năng và lợi thế còn nhiều hạn chế", ông Dũng phân tích.

Ông nhận định rằng việc sáp nhập, nâng quy mô cấp xã sẽ giúp tối ưu hóa liên kết vùng, khai thác hiệu quả hơn các tiềm năng kinh tế, lịch sử, văn hóa và tài nguyên địa phương. Đồng thời, sáp nhập xã sẽ tạo ra không gian phát triển kinh tế - xã hội rộng lớn hơn.

"Một địa phương phát triển mạnh sẽ kéo theo những khu vực xung quanh cùng đi lên. Việc mở rộng quy mô cấp xã đồng nghĩa với việc mở rộng điều kiện tự nhiên, tài nguyên và nhân lực, từ đó phát huy tối đa tiềm năng của vùng", ông Dũng nêu quan điểm.

Sắp xếp tỉnh để đầu tàu mạnh kéo các toa sau cùng đi lên - 5

Cũng là xã miền biển, có nhiều tiềm năng, nhưng quy mô diện tích nhỏ hẹp đã khiến xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc kém phát triển kinh tế (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông lấy ví dụ về thành phố Sầm Sơn, nơi một số xã có tiềm năng phát triển du lịch, nhưng các xã lân cận vẫn còn nghèo, thậm chí có những xã thuộc diện bãi ngang. Tương tự, ở các xã miền núi, nơi có khoáng sản hoặc cửa khẩu thì kinh tế phát triển, nhưng các xã lân cận không có thế mạnh này vẫn gặp nhiều khó khăn.

"Nếu sáp nhập các xã lại với nhau, không gian phát triển sẽ được mở rộng, tạo ra sự liên kết vùng hiệu quả hơn. Giống như một đoàn tàu, khi toa đầu mạnh sẽ kéo theo các toa phía sau cùng đi lên. Các xã cũng vậy, xã mạnh sẽ hỗ trợ xã yếu để cùng phát triển, từ đó kinh tế sẽ tăng trưởng bền vững và đồng bộ hơn", ông Dũng nhấn mạnh.

Theo ông, với đặc thù của tỉnh Thanh Hóa hiện có 547 xã, sau khi sáp nhập, chỉ cần khoảng 70 xã, phường là hợp lý.

"Tôi kỳ vọng cuộc cải tổ lần này sẽ giúp đất nước bước vào một kỷ nguyên mới với bộ máy tổ chức tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội", ông bày tỏ.