Nhìn lại các lần tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế ở Thanh Hóa
(Dân trí) - Từ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ đến giai đoạn đổi mới, Tỉnh ủy Thanh Hóa nhiều lần đưa ra những chủ trương quan trọng về công tác cán bộ và tổ chức bộ máy.

Từng tăng hơn 220% cán bộ biên chế khối Dân Đảng
Thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 225/CP ngày 25/11/1969 của Hội đồng Chính phủ về việc tinh giản bộ máy, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả công tác, ngày 8/4/1970, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Thông tri số 76-TT/TC hướng dẫn thực hiện các nghị quyết này.
Thông tri nêu rõ, sau gần 4 năm chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, biên chế của các cơ quan, ngành từ tỉnh đến huyện tăng lên rất nhanh. Chỉ tính riêng khối Dân Đảng, số lượng cán bộ có mặt đến cuối năm 1969 so với năm 1964 tăng 220,2%.

Nhà hát Lam Sơn, thành phố Thanh Hóa xưa (Ảnh tư liệu: UBND thành phố Thanh Hóa).
Nguyên nhân biên chế tăng nhanh là do yêu cầu của chiến tranh, nhưng một phần do việc mở rộng không hợp lý. Một số ngành, công việc không tăng nhiều nhưng biên chế lại tăng gấp 2-3 lần so với trước chiến tranh. Một số bộ phận được thành lập nhưng nhiệm vụ, mục tiêu không rõ ràng.
"Có nơi người nhiều, việc ít, dẫn đến tình trạng một số cán bộ không có công việc cụ thể, thường xuyên, dành nhiều thời gian cho việc riêng. Điều này gây lãng phí lớn về nguồn nhân lực và hạn chế sự phát huy năng lực của cán bộ...", thông tri nêu rõ.
Trên cơ sở đánh giá đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa đã đưa ra một số định hướng trong việc tinh giản bộ máy, giảm nhẹ biên chế.
Cần coi trọng việc nâng cao nhận thức tư tưởng, xác định rõ nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy, điều chỉnh lề lối làm việc, loại bỏ những tổ chức, cá nhân không cần thiết, đồng thời có phương án giải quyết đối với những cán bộ thuộc diện cần tinh giản.

Lễ công bố Nghị định của Thủ tướng Chính phủ thành lập thành phố Thanh Hóa và kỷ niệm 190 năm đô thị tỉnh lỵ, năm 1994 (Ảnh tư liệu: UBND thành phố Thanh Hóa).
Về giải quyết chế độ cho cán bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu, những cán bộ chuyên môn yếu, nhưng có khả năng sản xuất tốt, có thể chuyển sang lao động sản xuất; cán bộ bị bố trí sai chuyên môn sẽ được sắp xếp lại đúng ngành, nghề; những cán bộ đau yếu, mất sức hoặc đến tuổi nghỉ hưu sẽ được giải quyết theo chế độ.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu triển khai cần khẩn trương nhưng thận trọng, đảm bảo tính vững chắc, tránh gây xáo trộn lớn.
Hướng giải quyết cán bộ dôi dư
Sau khi đất nước thống nhất, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế tiếp tục được Tỉnh ủy Thanh Hóa đặc biệt chú trọng. Ngày 23/5/1987, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về những chủ trương, biện pháp chủ yếu nhằm thực hiện Nghị quyết của Trung ương Đảng.
Nghị quyết nêu rõ, bộ máy tổ chức ở cả khu vực hành chính sự nghiệp và khu vực sản xuất kinh doanh lúc bấy giờ đều cồng kềnh, có nhiều khâu chồng chéo, nhiều nấc trung gian, dẫn đến hoạt động kém hiệu quả.

Một góc trung tâm thành phố Thanh Hóa ngày nay (Ảnh: Thanh Tùng).
Do đó, cần kiên quyết sắp xếp lại, giảm mạnh biên chế hành chính để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách. Cần chuyển đổi dứt khoát từ cơ chế hành chính tập trung quan liêu bao cấp, sang cơ chế hạch toán kinh tế trong kinh doanh theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Việc sắp xếp này nhằm đảm bảo tổ chức bộ máy hoạt động hiệu lực, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, cơ chế quản lý mới.
Nghị quyết cũng định hướng các giải pháp đối với cán bộ dôi dư. Cụ thể, huy động mọi nguồn lực, mở rộng sản xuất, dịch vụ tại chỗ để tạo điều kiện cho số cán bộ dôi dư chuyển sang trực tiếp sản xuất tại các cơ sở, ngành, huyện, thị…
Những cán bộ trẻ, khỏe, có thái độ công tác tốt nhưng chưa qua đào tạo sẽ được bố trí đào tạo theo ngành, nghề cần thiết. Những người đã đủ điều kiện nghỉ hưu sẽ được sắp xếp nghỉ chế độ. Người còn thiếu một vài năm về tuổi đời hoặc thời gian công tác có thể được xem xét cho nghỉ sớm.
Nghị quyết cũng nhấn mạnh, những người khác sẽ được tạo điều kiện đi liên hệ công tác hoặc về lao động với gia đình, vẫn hưởng đầy đủ chế độ như khi còn công tác, trong thời gian 6 tháng. Sau thời gian đó, nếu cán bộ ổn định cuộc sống và tự nguyện ở lại, làm thủ tục cho về gia đình. Nếu đơn vị tổ chức được sản xuất ưu tiên gọi họ trở lại làm việc.
Nguyên tắc tinh giản biên chế
Ngày 16/4/1992, Tỉnh ủy Thanh Hóa ban hành Nghị quyết số 03-NQ/TU nhằm tiếp tục tổ chức lại bộ máy và tinh giản biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp.
Tỉnh ủy yêu cầu từng cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện phải căn cứ vào quy định, hướng dẫn của cấp trên để xây dựng lại chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn phù hợp với địa bàn, lĩnh vực được phân công. Trên cơ sở đó, các đơn vị sẽ quyết định lại cơ cấu bộ máy.

Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ XIII, vòng 1, tháng 4/1991 (Ảnh: Sách Đảng bộ Thanh Hóa lãnh đạo phát triển kinh tế xóa đói - giảm nghèo (1986-2010), xuất bản 2014).
Việc sắp xếp bộ máy vẫn tuân theo quy định của nhà nước và cấp trên, nhưng không nhất thiết cấp Trung ương hay cấp tỉnh có cơ quan nào, cấp huyện cũng phải có cơ quan tương tự. Sau khi thống nhất bộ máy, từng đơn vị phải làm rõ chức năng, nhiệm vụ của từng bộ phận.
Riêng các đơn vị sự nghiệp như giáo dục, y tế, văn hóa… cần xem xét trên cơ sở yêu cầu phát triển sự nghiệp của địa phương, cân nhắc đến thực trạng kinh tế để có phương án duy trì, phát triển phù hợp.
Nghị quyết cũng chỉ rõ, phải đảm bảo yêu cầu xóa mù chữ, phổ cập tiểu học, tạo điều kiện cho một bộ phận học sinh tiếp tục học lên cao để chuẩn bị nguồn nhân lực cho sự phát triển của đất nước. Cần coi trọng việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, nâng cao chất lượng y tế cơ sở, tạo điều kiện phòng bệnh, chữa bệnh tốt cho nhân dân.

Đại lộ Lê Lợi, thành phố Thanh Hóa ngày nay (Ảnh: Thanh Tùng).
Ngoài ra, cần kiên quyết thu gọn hoặc giải thể những đơn vị không rõ chức năng, nhiệm vụ hoặc không còn phù hợp với cơ chế mới, hoạt động kém hiệu quả. Không tăng biên chế đối với các hội nghề nghiệp, các hội này phải tự chủ về tài chính, không sử dụng ngân sách nhà nước để duy trì hoạt động.
Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu việc giải quyết cán bộ biên chế phải dựa trên chức năng, nhiệm vụ của từng tổ chức để xác định rõ chức danh, tiêu chuẩn viên chức và số lượng biên chế cần thiết. Việc sắp xếp nhân sự phải tuân theo phương châm "đúng người, đúng việc" để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy sau tinh giản.
Việc lựa chọn cán bộ, viên chức trong hệ thống Đảng, Nhà nước và các đoàn thể phải được thực hiện thận trọng, khách quan, dân chủ, theo quy trình chặt chẽ. Cần đảm bảo hài hòa giữa đội ngũ cán bộ có bằng cấp chuyên môn và cán bộ có kinh nghiệm thực tiễn, trong đó yếu tố quan trọng nhất là năng lực đảm nhận công việc.
Đối với những cán bộ, viên chức không còn phù hợp với bộ máy mới, Nghị quyết quy định cán bộ, nhân viên đủ điều kiện về năm công tác sẽ được nghỉ hưu theo chế độ, không cần qua giám định y khoa.
Bên cạnh đó, những người đủ tuổi nghỉ hưu nhưng còn thiếu 1-3 năm công tác sẽ được tạo điều kiện nghỉ trước thời hạn một cách hợp lý; các trường hợp khác sẽ được khuyến khích nghỉ chế độ một lần, tham gia đào tạo để chuyển đổi nghề, hoặc bố trí vào các tổ chức sản xuất, dịch vụ tại địa phương.

Trụ sở UBND - Thành ủy thành phố (Ảnh: UBND thành phố Thanh Hóa).
Tỉnh ủy Thanh Hóa xác định rằng, việc sắp xếp lại tổ chức và tinh giản biên chế trong hệ thống cơ quan hành chính, sự nghiệp là nhiệm vụ cấp bách nhưng cũng đầy thách thức. Công tác này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của nhiều cán bộ, nhân viên, do đó, cần đảm bảo sự lãnh đạo tập trung của các cấp ủy Đảng và sự điều hành chặt chẽ của chính quyền các cấp.
Quá trình tinh giản biên chế phải tuân thủ nguyên tắc tập thể lãnh đạo, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu. Cần kết hợp giữa sự tự giác, tự nguyện của cán bộ, viên chức với phương án sắp xếp hợp lý của tập thể cấp ủy và lãnh đạo cơ quan để đảm bảo hiệu quả cao nhất.