Những "phép cộng" mới mẻ trên bản đồ tỉnh, thành
(Dân trí) - Bên cạnh những tỉnh, thành được tái lập sau lần chia tách 20-30 năm trước, trong số 52 tỉnh thực hiện sáp nhập lần này có những hướng ghép nối khác biệt, theo tiêu chí tạo không gian phát triển mới.

Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Hòa Bình
Theo Nghị quyết 60 của Trung ương ban hành ngày 12/4, tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Phú Thọ và tỉnh Hòa Bình sẽ sáp nhập thành tỉnh Phú Thọ, trung tâm hành chính nằm ở tỉnh Phú Thọ.
Trước khi có đợt sáp nhập lần này, Vĩnh Phúc và Phú Thọ từng được hợp nhất thành tỉnh Vĩnh Phú ngày 26/1/1968.
Sau gần 29 năm hợp nhất, tháng 11/1996, Quốc hội đã ra Nghị quyết tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Hai tỉnh chính thức đứng riêng lẻ từ ngày 1/1/1997.
Hòa Bình là một tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc Bộ, Việt Nam. Tỉnh Hòa Bình có diện tích lớn thứ 29 trong 63 tỉnh thành của Việt Nam và là đơn vị hành chính Việt Nam đông thứ 49. Hòa Bình có thành phần dân tộc đa dạng, trong đó chủ yếu là dân tộc Mường.
Từ sau năm 1954 đến nay, tỉnh Hòa Bình không bị sáp nhập vào tỉnh khác, nhưng từng có một số thay đổi nhỏ về huyện, xã trong quá trình điều chỉnh địa giới hành chính.

Một góc thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc (Ảnh: Sông Hồng Thủ Đô).
Trong bảng xếp hạng GRDP (Tổng sản phẩm trên địa bàn) của 63 tỉnh, thành năm 2024, Vĩnh Phúc đứng thứ 13, Phú Thọ và Hòa Bình lần lượt xếp vị trí 35 và 45.
Tỉnh Phú Thọ mới sau sáp nhập sẽ có diện tích tự nhiên là hơn 9.360 km2, dân số hơn 3,6 triệu người.
Hưng Yên và Thái Bình
Dự kiến tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ sáp nhập thành tỉnh Hưng Yên, trung tâm hành chính nằm ở tỉnh Hưng Yên.
Hai tỉnh này chưa từng sáp nhập trực tiếp với nhau trong lịch sử hành chính hiện đại. Tuy nhiên, từng có thời kỳ Hưng Yên được sáp nhập với tỉnh Hải Dương để thành tỉnh khác.
Năm 1968, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Hải Dương sáp nhập thành tỉnh Hải Hưng. Năm 1996, Quốc hội quyết định tách tỉnh Hải Hưng để tái lập lại hai tỉnh Hưng Yên và Hải Dương.
Còn tỉnh Thái Bình chưa bao giờ bị tách hay sáp nhập, giữ nguyên ranh giới kể từ khi được thành lập vào năm 1890. Cái tên Thái Bình cũng được giữ nguyên vẹn trong suốt 135 năm qua.

Thái Bình chưa bao giờ tách, nhập từ năm 1890 (Ảnh: Báo Thanh Hóa).
Sau hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích tự nhiên khoảng 2.500km2 (tăng gấp đôi so với Hưng Yên cũ), dân số hơn 3 triệu người (từ mức 1,2 triệu của Hưng Yên và 1,8 triệu của Thái Bình).
Hưng Yên sở hữu các khu công nghiệp quy mô lớn như KCN Phố Nối A, Yên Mỹ… thu hút FDI trong các lĩnh vực như điện tử, dệt may.
Thái Bình là vựa lúa, vựa thủy sản của miền Bắc, với thế mạnh về nông nghiệp công nghệ cao và chế biến thực phẩm.
Theo các chuyên gia, khi không còn rào cản hành chính, các khu công nghiệp của Hưng Yên có thể kết nối trực tiếp với nguồn lao động dồi dào từ Thái Bình, trong khi nông sản của Thái Bình tìm được đầu ra ổn định qua hệ thống logistics của Hưng Yên.
Gia Lai và Bình Định
Tỉnh Gia Lai và tỉnh Bình Định dự kiến được sáp nhập thành tỉnh Gia Lai, trung tâm hành chính nằm ở tỉnh Bình Định.
Trong lịch sử hành chính hiện đại, Gia Lai và Bình Định chưa bao giờ là một tỉnh. Tuy nhiên, hai tỉnh này từng nhiều lần tách nhập với các địa phương khác.
Năm 1950, hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum hợp nhất thành một tỉnh lấy tên là tỉnh Gia-Kon. Sau Hiệp định Genève, tỉnh Gia-Kon lại được chia tách thành hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.
Những năm 1954-1975 vẫn giữ tên tỉnh là Gia Lai, nhưng địa giới hành chính của tỉnh có nhiều thay đổi qua các giai đoạn khác nhau của lịch sử.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 20/9/1975, tỉnh Gia Lai và Kon Tum được hợp nhất thành một tỉnh, tên của tỉnh mới là Gia Lai-Kon Tum.
Ngày 12/8/1991, theo Nghị quyết kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa VIII, Gia Lai-Kon Tum tách thành hai tỉnh: Gia Lai và Kon Tum.
Còn Bình Định từng được nhập vào Phú Yên thành tỉnh Bình Phú vào năm 1913. Đến năm 1921, thực dân Pháp tách tỉnh Phú Yên ra, lập lại tỉnh Bình Định.
Từ cuối năm 1975 đến năm 1989, tỉnh Bình Định hợp nhất với tỉnh Quảng Ngãi lấy tên là tỉnh Nghĩa Bình. Từ năm 1989, tỉnh Bình Định được tái lập trở lại.

Gia Lai và Bình Định từng nhiều lần tách nhập với các tỉnh khác (Ảnh minh họa: Thành Tín).
Theo các chuyên gia, việc sáp nhập Bình Định với Gia Lai mở ra cơ hội phát triển mạnh cho tỉnh mới. Cụ thể, Bình Định có lợi thế về công nghiệp và du lịch, thương mại - dịch vụ, hạ tầng giao thông, cảng biển quốc tế. Gia Lai có nguồn lực đất đai rộng lớn và lợi thế phát triển các loại cây công nghiệp, nông nghiệp, chăn nuôi...
Việc kết hợp hai địa phương sẽ kết nối xuyên suốt hành lang kinh tế Đông - Tây từ cửa khẩu Lệ Thanh nối Campuchia kéo dài tới cảng Quy Nhơn, tạo thành trục phát triển mới cho khu vực.
Diện tích tự nhiên của tỉnh Gia Lai hiện tại gấp 2,5 lần so với tỉnh Bình Định, trong khi dân số tương đương.
Sau sáp nhập, diện tích tự nhiên của tỉnh Gia Lai mới sẽ hơn 21.600km2, dân số sẽ hơn 3,1 triệu người.
Đắk Lắk và Phú Yên
Dự kiến, tỉnh Đắk Lắk và Phú Yên sẽ sáp nhập thành tỉnh Đắk Lắk, trung tâm hành chính được đặt ở Đắk Lắk.
Hai tỉnh này cũng có nhiều lần thay đổi địa giới hành chính trong lịch sử, tuy nhiên chưa bao giờ thuộc một tỉnh.
Diện tích tự nhiên của tỉnh Đắk Lắk gấp 2,6 lần so với Phú Yên, dân số gấp 2,2 lần (theo số liệu đến năm 2023). Sau sáp nhập, tỉnh Đắk Lắk mới sẽ có diện tích tự nhiên hơn 18.000km2, dân số hơn 2,8 triệu. Khoảng cách từ thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) đến thành phố Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) khoảng gần 200km.
Với sự đầu tư và phát triển của hệ thống giao thông và hạ tầng công cộng, tuyến đường liên tỉnh Đắk Lắk - Phú Yên đã chính thức đi vào hoạt động từ năm 2020, giúp rút ngắn khoảng cách di chuyển giữa hai tỉnh rất nhiều cũng như thuận lợi cho quá trình phát triển kinh tế, xã hội và giao thương.
Tương tự như với việc sáp nhập Bình Định và Gia Lai, Đắk Lắk và Phú Yên sáp nhập sẽ kết hợp lợi thế giữa vùng cao nguyên Tây Nguyên với vùng ven biển.

Việc sáp nhập Đắk Lắk và Phú Yên sẽ kết hợp được lợi thế giữ cao nguyên Tây Nguyên với vùng biển (Ảnh: Trung Thi).
Kon Tum và Quảng Ngãi
Tỉnh Kon Tum và tỉnh Quảng Ngãi dự kiến được sáp nhập thành tỉnh Quảng Ngãi, trung tâm hành chính được đặt tại Quảng Ngãi.
Lịch sử hành chính hiện đại chưa ghi nhận Kon Tum và Quảng Ngãi cùng thuộc một tỉnh. Tuy nhiên, có một giai đoạn trong thời kỳ Pháp thuộc, 1907-1913, Kon Tum thuộc tỉnh Quảng Ngãi về mặt hành chính, dưới dạng một phủ.
Năm 1907, Pháp thành lập "Phủ Kon Tum", ban đầu đặt dưới sự quản lý của tỉnh Quảng Ngãi. Đến năm 1913, Kon Tum chính thức được nâng cấp lên thành một tỉnh độc lập đến nay, tách khỏi Quảng Ngãi.
Còn Quảng Ngãi được duy trì là một tỉnh suốt từ khi thành lập (năm 1831, thời vua Minh Mạng) đến tháng 7/1976, Quốc hội quyết định sáp nhập ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi thành tỉnh Nghĩa Bình, tỉnh lỵ đặt tại thị xã Quảng Ngãi.
Ngày 30/6/1989, theo Nghị quyết của Quốc hội, tỉnh Nghĩa Bình được chia tách trở lại thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định.
Nằm ở vị trí chiến lược ngã ba Đông Dương, Kon Tum là cửa ngõ kết nối quan trọng với các nước Lào và Campuchia. Bên cạnh đó, Kon Tum còn là điểm kết nối trung chuyển trên trục Đông - Tây, núi - biển đến các cảng biển khu vực duyên hải Trung bộ thông qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y.
Tuy nhiên, hạ tầng giao thông tại Kon Tum đang còn nhiều khó khăn, bất cập trong việc kết nối các tỉnh miền Trung.
Lãnh đạo các tỉnh Tây Nguyên kỳ vọng, phương án dự kiến sáp nhập tỉnh, thành theo hướng kết nối rừng - biển nếu thành hiện thực sẽ giúp các địa phương này tháo gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông, rộng đường để nông sản vươn ra biển lớn. Khi các tuyến cao tốc được đầu tư, vận hành sẽ thúc đẩy giao thương mạnh mẽ giữa các vùng, giữa Việt Nam với các nước trong khu vực.

Kỳ vọng việc kết hợp với tỉnh ven biển sẽ giúp Kon Tum thúc đẩy giao thương giữa các vùng và các quốc gia (Ảnh: Báo Kon Tum).
Trung tâm Kon Tum và Quảng Ngãi cách nhau khoảng 180km. Hiện quốc lộ 24 là tuyến đường bộ gần nhất nối hai địa phương.
Mới đây, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đã giao Ban Quản lý dự án 85 chuẩn bị đầu tư dự án cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum dài 136km, tổng mức đầu tư hơn 35.000 tỉ đồng. Dự án được triển khai trong giai đoạn 2025 - 2028.
Khi hoàn thành, cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum sẽ rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển giữa hai địa phương. Đồng thời kết nối nhanh, đồng bộ hai tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông và phía Tây của đất nước, tạo động lực phát triển liên kết vùng.
Sau sáp nhập, tỉnh Quảng Ngãi mới sẽ có diện tích hơn 14.800km2, dân số hơn 1,8 triệu.
Ninh Thuận và Khánh Hòa
Dự kiến, tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Khánh Hòa sẽ được sáp nhập thành tỉnh Khánh Hòa, trung tâm hành chính sẽ được đặt ở tỉnh Khánh Hòa.
Trong lịch sử, địa giới hành chính của tỉnh Khánh Hòa bao gồm cả một phần diện tích của tỉnh Ninh Thuận. Trong khi Khánh Hòa từng sáp nhập với Phú Yên thành tỉnh Phú Khánh thì tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Tuy (cũ) cũng từng được sáp nhập thành tỉnh Thuận Hải.
Chuyên gia cho rằng hiện nay thế mạnh của tỉnh Khánh Hòa là du lịch, còn Ninh Thuận có nhiều di tích lịch sử, địa danh du lịch có thể đưa khách đến tham quan, vì vậy nếu hai tỉnh sáp nhập sẽ tạo ra một làn gió mới về phát triển du lịch.

Ninh Thuận và Khánh Hòa sáp nhập sẽ kỳ vọng hỗ trợ nhau phát triển du lịch (Ảnh: Alex Phạm).
Sở hữu những vịnh nước sâu, kín cũng là lợi thế của Khánh Hòa. Nha Trang là nơi có đầy đủ các điều kiện về giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nên đây là lợi thế lớn cho hai tỉnh nếu sáp nhập.
Hiện Ninh Thuận đang hướng đến trở thành trung tâm năng lượng tái tạo, trong khi đó Khánh Hòa đang phát triển mạnh về du lịch, vì vậy các chuyên gia cho rằng, nếu hai tỉnh sáp nhập sẽ bổ trợ sự phát triển năng lượng tái tạo, kinh tế, du lịch, hướng đến các mục tiêu quan trọng.
Tỉnh Khánh Hòa mới có diện tích hơn 8.500km2, dân số gần 1,9 triệu.
Đồng Nai và Bình Phước
Dự kiến, Đồng Nai và Bình Phước sẽ được sáp nhập thành tỉnh Đồng Nai, trung tâm hành chính nằm ở tỉnh Đồng Nai.
Đồng Nai vốn là một phần thuộc tỉnh Biên Hòa thời Pháp thuộc. Sau năm 1954, dưới chính quyền Việt Nam Cộng hòa, tỉnh Biên Hòa được đổi tên thành tỉnh Đồng Nai năm 1976.
Còn khu vực ngày nay là tỉnh Bình Phước, trước năm 1975 từng thuộc hai tỉnh khác nhau. Phần phía Bắc thuộc tỉnh Phước Long, phía Nam thuộc tỉnh Bình Long.
Cả hai tỉnh Phước Long và Bình Long đều không giáp ranh trực tiếp với Đồng Nai, mà nằm xa hơn về phía Bắc, giáp với Campuchia.
Tháng 2/1976, tỉnh Phước Long và Bình Long được sáp nhập thành tỉnh Sông Bé. Đồng Nai được thành lập từ phấn lớn tỉnh Biên Hòa cũ.
Năm 1997, tỉnh Sông Bé được tách ra thành Bình Dương và Bình Phước.
Bình Phước và Đồng Nai có đường biên giáp ranh khoảng 160km, nhưng bị chia cắt bởi rừng.

Đường 761, nối trung tâm thị trấn Vĩnh An (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) với khu vực giáp ranh Bình Phước (Ảnh: Phước Tuần).
Ngày nay, Đồng Nai đã đã trở thành tỉnh công nghiệp và đứng trong top đầu cả nước về phát triển kinh tế. Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) năm 2024 ước đạt hơn 260.200 tỷ đồng, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2023.
Tỉnh Bình Phước cũng đang vươn lên phát triển năng động. Năm 2024, quy mô kinh tế của tỉnh Bình Phước đạt hơn 115.000 tỷ đồng, tăng gấp 92 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh năm 1997; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021-2025 đạt 9,4% - mức cao so với bình quân chung cả nước, riêng năm 2024 đạt 9,32%, đứng đầu khu vực Đông Nam bộ và thứ 11 cả nước.
Không chỉ năng động trong phát triển kinh tế, Đồng Nai, Bình Phước còn có hệ sinh thái đa dạng, cùng với tỉnh Lâm Đồng, hai tỉnh Đồng Nai, Bình Phước đang cùng sở hữu 1 trong 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới của Việt Nam được tổ chức UNESCO công nhận, đó là Vườn Quốc gia Cát Tiên.
Theo thông tin của Vườn Quốc gia Cát Tiên, với diện tích 82.000 ha, Vườn quốc gia Cát Tiên trải dài trên địa bàn 3 tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước. Trong đó, diện tích thuộc địa bàn tỉnh Bình Phước hơn 4.300 ha. Khu rừng này hiện do Bộ Nông nghiệp và Môi trường quản lý.
Tỉnh Đồng Nai mới có diện tích hơn 12.700km2 và dân số hơn 4,3 triệu.
Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Thuận
3 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông và Bình Thuận sẽ được sáp nhập thành tỉnh Lâm Đồng, trung tâm hành chính nằm ở tỉnh Lâm Đồng.
Cả 3 tỉnh này từng là một phần của khu vực do Pháp gọi là "Cao nguyên Trung phần" (Plateaux du Centre). Nhưng đây không phải là một tỉnh mà là một khu vực hành chính rộng lớn, trải dài từ Quảng Nam đến Lâm Đồng, gồm cả Tây Nguyên hiện nay.
Tỉnh mới vừa có đường biên giới trên biển, vừa có đường biên giới trên đất liền. Đường biên giới trên biển chính là lối ra biển Đông từ tỉnh Bình Thuận.
Đường biên giới trên bộ chính là lối lên từ tỉnh Đắk Nông. Phía Tây tỉnh Đắk Nông giáp tỉnh Bình Phước và giáp tỉnh Mondulkiri, Vương quốc Campuchia với đường biên giới dài khoảng 141 km.
Bình Thuận, Đắk Nông sáp nhập với Lâm Đồng tạo ra tỉnh mới với "thế giới hồ" nước ngọt nhân tạo, hồ nước ngọt tự nhiên. Nhiều hồ nước ngọt của tỉnh mới có cảnh quan đẹp như phim, có hồ có tuổi đời như hồ Xuân Hương, hồ Than Thở, hồ Tuyền Lâm, hồ Biển Lạc, hồ Tà Đùng...

Bình Thuận, Đắk Nông sáp nhập với Lâm Đồng tạo ra tỉnh mới với "thế giới hồ" (Ảnh: Ngô Trần Hải An).
Sau sáp nhập, tỉnh Lâm Đồng mới có diện tích hơn 24.200km2, dân số gần 3,3 triệu.
Tây Ninh và Long An
Tây Ninh và Long An dự kiến sẽ được sáp nhập thành tỉnh Tây Ninh, trung tâm hành chính được đặt ở Long An.
Tây Ninh và Long An chưa bao giờ thuộc một tỉnh trong lịch sử hành chính hiện đại. Tuy nhiên, vào thời Chúa nguyễn, hai tỉnh này từng "chung một nhà" khi cùng với Sài Gòn thuộc dinh Phiên Trấn.
Trên bản đồ, Tây Ninh và Long An nằm liền kề và đều chung lưu vực sông Vàm Cỏ Đông. Đây là con sông bắt nguồn từ Campuchia chảy vào Việt Nam tại Châu Thành (Tây Ninh), qua các huyện, thị Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (Tây Ninh) với thủy trình khoảng 98km.
Năm 2024, GRDP của Tây Ninh tăng 8,45% so với cùng kỳ, vượt kế hoạch đề ra và xếp thứ 19/64 tỉnh, thành phố cả nước, đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Bộ. Còn chỉ số GRDP của Long An tăng khoảng 8,3%, đứng thứ 3 trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Sau sáp nhập, tỉnh Tây Ninh mới sẽ có diện tích hơn 8,500km2, dân số hơn 2,9 triệu.
An Giang và Kiên Giang
Tỉnh An Giang và tỉnh Kiên Giang sẽ được sáp nhập thành tỉnh An Giang, trung tâm hành chính dự kiến được đặt ở Kiên Giang.
Từ năm 1956-nay, hai tỉnh này luôn đứng độc lập. Tuy nhiên, xa hơn về lịch sử, tỉnh Long Châu Hà khi xưa từng được sáp nhập bởi một phần diện tích của tỉnh Kiên Giang, An Giang và TP. Cần Thơ ngày nay.
An Giang không có biển nhưng Kiên Giang có biển. Các chuyên gia cho rằng, sáp nhập hai tỉnh này sẽ khai thác tốt tiềm năng du lịch, khi một bên là hải đảo nghỉ dưỡng, còn An Giang hiện tại là điểm du lịch di tích, lịch sử.
Hai tỉnh này nhập lại cũng sẽ tạo nên vựa lúa lớn nhất, hỗ trợ kinh tế lẫn nhau trong chuỗi giá trị lúa gạo, cho phép chuyên canh lúa chất lượng cao và nuôi sống nửa đất nước.

An Giang và Kiên Giang sáp nhập được kỳ vọng thúc đẩy kinh tế (Ảnh: Bảo Trân).
Hiện nay, An Giang có sản lượng lúa chất lượng cao đạt 9 triệu tấn, cao nhất cả nước, 1,5 triệu tấn thủy sản nuôi lồng bè. Khi kết hợp với tỉnh có biển như Kiên Giang sẽ giúp An Giang tận dụng được lợi thế vốn có để đẩy mạnh xuất khẩu.
Tỉnh An Giang mới vừa có sông vừa có biển và tiềm năng du lịch cũng nổi bật cả nước, vì có đảo Phú Quốc. Còn An Giang vừa mới được công nhận là Di sản văn hóa thế giới đối với miếu Bà Chúa Xứ núi Sam, rồi có núi Cấm, du lịch sinh thái rừng tràm Trà Sư.
Tỉnh mới dự kiến có trên 3,7 triệu dân, đông nhất Đồng bằng sông Cửu Long, vừa có biển vừa có núi, vừa có đồng bằng nên có điều kiện không gian phát triển.