Tên gọi 34 tỉnh mới: "Đất nước mình đâu cũng là quê hương!"
(Dân trí) - Đánh giá cách đặt tên tỉnh mới là tên 1 tỉnh cũ trong nhóm hợp nhất mà Trung ương thống nhất về chủ trương, các chuyên gia nhận xét là phù hợp, không máy móc như cách ghép tên 2-3 tỉnh trước đây.
Tỉnh mới vẫn là quê hương
Liên quan đến việc Trung ương thống nhất chủ trương về cơ cấu 34 tỉnh, thành phố, tên gọi và trung tâm chính trị - hành chính, PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng khẳng định đây là kết quả từ chủ trương lớn của Đảng, đã nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng.
Ông Nguyễn Trọng Phúc cho rằng đặt tên tỉnh, chọn trung tâm chính trị - hành chính của tỉnh mới là phù hợp.

PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Ảnh: Nguyễn Dương).
"Như tôi đã chia sẻ, tên tỉnh không nhất thiết ghép theo tên cũ, mà nên chọn tên tỉnh tiêu biểu trong hai, ba tỉnh được sắp xếp. Ví như khi thực hiện hợp nhất tỉnh Vĩnh Phúc, Phú Thọ, và Hòa Bình, lấy tên tỉnh mới là Phú Thọ cũng khá phù hợp, bởi đây là vùng Đất Tổ cội nguồn của Việt Nam", nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu quan điểm.
Hơn lúc nào hết, ông Phúc tin rằng người Việt có suy nghĩ thông thoáng, ủng hộ chủ trương chung, không còn tư duy cục bộ địa phương "tỉnh tôi, tỉnh anh".
Vị này cho rằng: "Đất nước mình đâu cũng quê hương. Tỉnh mới sau sáp nhập vẫn là quê hương của mỗi người. Giả sử người lao động ở miền Bắc nhưng vào trong Nam làm việc cũng coi đây như quê hương thứ 2 của mình".
Động lực mới khi mở rộng không gian phát triển
Bên cạnh tên gọi của tỉnh sau sáp nhập, ông Nguyễn Trọng Phúc nhấn mạnh ý nghĩa lớn lao của việc thực hiện sắp xếp các tỉnh thành nhằm tạo ra không gian mới phát triển, gồm diện tích tự nhiên mở rộng đáng kể và nguồn lực con người.
Ngoài yếu tố về diện tích tự nhiên, quy mô dân số, điều đặc biệt trong lần sáp nhập tỉnh này ông Phúc cho biết còn tính đến các yếu tố khác như lịch sử, truyền thống, trình độ phát triển kinh tế - xã hội, giao thông... Trong những tiêu chí này, các đơn vị miền núi, đồng bằng được ưu tiên ghép với các đơn vị hành chính có biển.

Đường bờ biển huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình ngắn nhất trong số các tỉnh thành có biển hiện nay (Ảnh: Thái Bá).
Nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng nêu thực tế hiện nay, Việt Nam có 28 tỉnh, thành phố ven biển với tổng số 63 tỉnh, thành phố giáp biển, với phần lớn đều có cảng biển.
Dự kiến sau sắp xếp với 34 tỉnh sẽ có 21 tỉnh thành giáp biển, đồng nghĩa còn 13 tỉnh không có biển. So với số 35 tỉnh không có biển hiện nay thì sau khi sắp xếp, số tỉnh không có biển giảm đi đáng kể.
Ông Phúc nêu ví dụ về một số tỉnh ở khu vực Tây Nguyên đã được sáp nhập với các tỉnh ven biển miền Trung hay một số tỉnh ở phía Nam thực hiện sắp xếp đều hướng ra biển. Bên cạnh đó, chỉ còn vài tỉnh miền núi phía Bắc, cùng Hà Nội là không có biển.
Cùng với việc sáp nhập gia tăng diện tích, khơi mở không gian phát triển, vị chuyên gia này cũng lưu ý yếu tố dân số của mỗi địa phương với ý nghĩa là nguồn lực, sức lao động quan trọng. Một số tỉnh sau khi sáp nhập có quy mô dân số trên 3 triệu người như hợp nhất tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ đạt quy mô hơn 3,5 triệu người hay sáp nhập giữa tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên cũng đạt quy mô dân số của tỉnh mới xấp xỉ 3,2 triệu dân.
"Như vậy, việc thực hiện sáp nhập tỉnh sẽ tạo ra không gian, gắn kết được vùng kinh tế mỗi tỉnh mới rất đa dạng về địa lý, dân cư... Từ đó, các tỉnh mới có vai trò dẫn dắt của vùng động lực, thúc đẩy kinh tế phát triển", ông Phúc nhấn mạnh.
Với nguồn lực mới như vậy, vị chuyên gia tin tưởng, mỗi địa phương sẽ có khát vọng làm giàu, khát vọng phát triển mạnh mẽ, đồng thời khắc phục được những hạn chế để có tầm nhìn, cách thức làm ăn, tạo động lực mới cho các tỉnh.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính (Ảnh: Mạnh Quân).
Cũng trao đổi về vấn đề này, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Trần Ngọc Chính khẳng định, yêu cầu quan trọng nhất của việc sáp nhập này sẽ tạo ra dư địa phát triển không gian lớn hơn cho các địa phương. Đây là yếu tố có ý nghĩa chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn tới.
Trước hết, theo ông Chính, việc sáp nhập phải tính đến yếu tố dư địa phát triển, hay nói cách khác là không gian phát triển - bao gồm không gian cho nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ và đặc biệt là không gian biển.
Việt Nam là quốc gia biển đảo, có đường bờ biển dài, nhiều đảo, quần đảo và đang định hướng mạnh mẽ ra biển. Hiện nay, chỉ có 28 trong số 63 tỉnh, thành phố có biển. Vì vậy, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng việc sáp nhập đã cân nhắc đến yếu tố này, nhằm tạo điều kiện cho các địa phương tiếp cận không gian biển - một không gian có ý nghĩa chiến lược cả về kinh tế, quốc phòng và phát triển lâu dài.
"Cả nước hiện đã có hệ thống sân bay lớn, mạng lưới giao thông kết nối tốt hơn, cho phép mở rộng không gian phát triển theo chiều sâu và chiều rộng. Chính phủ đã nhấn mạnh không gian phát triển ngày nay không chỉ là lãnh thổ địa phương mà còn là không gian biển, không gian vũ trụ, không gian số...", ông Trần Ngọc Chính nhấn mạnh.
Theo Quyết định số 759 của Thủ tướng phê duyệt Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, việc đặt tên cho đơn vị hành chính sau sắp xếp phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, thấu đáo, cân nhắc thận trọng các yếu tố truyền thống, lịch sử, văn hóa.
Ưu tiên sử dụng một trong các tên gọi của các đơn vị hành chính trước khi sáp nhập để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành mới, hạn chế tối đa tác động ảnh hưởng tới người dân, doanh nghiệp do phải chuyển đổi giấy tờ, chỉ dẫn địa lý liên quan đến cấp tỉnh.
Tên gọi của đơn vị hành chính mới cần dễ nhận diện, ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ, bảo đảm tính hệ thống, khoa học và phát huy được lợi thế so sánh của địa phương, phù hợp với xu thế hội nhập.