"Dù ngày mai sáp nhập thì hôm nay cán bộ vẫn phải làm việc thật tốt"
(Dân trí) - Vừa vận hành phường mới được 3 tháng, song Bí thư phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) Nguyễn Dân Huy luôn trong tâm thế sẵn sàng và tin tưởng bước đột phá từ cuộc sắp xếp bộ máy tới đây.

Song song với việc sẽ sáp nhập còn 34 tỉnh, thành phố, đơn vị hành chính cấp xã cũng tiến hành sắp xếp lại theo hướng 10.035 xã, phường hiện nay sẽ còn khoảng 5.000 đơn vị.
Riêng Hà Nội cũng đề xuất giảm 50% trong số 526 đơn vị hành chính cấp xã đang có. Từ trải nghiệm trong việc sáp nhập phường trước đây, Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội Nguyễn Dân Huy trao đổi với phóng viên Dân trí về tâm thế khi bước vào giai đoạn 2 cuộc cách mạng sắp xếp bộ máy với tinh thần thần tốc, quyết liệt.

Bí thư Đảng ủy phường Trúc Bạch (Hà Nội) Nguyễn Dân Huy (Ảnh: Hoa Lê).
Trao thêm quyền, cơ sở vận hành hiệu quả, sáng tạo hơn
Từ 1/1, phường Trúc Bạch mới (trên cơ sở sáp nhập giữa phường Trúc Bạch và phường Nguyễn Trung Trực) chính thức vận hành bởi chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023-2025. Gần 3 tháng sau, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có chủ trương sáp nhập tỉnh, xã, bỏ cấp huyện theo Kết luận 127. Có thể sẽ tiếp tục bắt tay vào công cuộc sáp nhập phường tới đây, là người trong cuộc, ông đánh giá ra sao về chủ trương sắp xếp bộ máy "chưa có tiền lệ"?
- Năm 2006, luận án nghiên cứu thạc sĩ của tôi là về chính quyền đô thị. Chính vì vậy, tôi từng nghiên cứu rất sâu về lĩnh vực này. Từ chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư yêu cầu xây dựng đề án sáp nhập một số đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, tiếp tục sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp thực sự là mô hình đáp ứng xu thế chung và không thể đảo ngược.
Nhờ đó, bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực và hiệu quả hơn. Việc giảm sự chồng chéo giúp công việc triển khai nhanh chóng hơn rất nhiều. Đương nhiên khi sáp nhập xã, phường, công việc của mỗi cán bộ, công chức sẽ áp lực hơn, nhưng khó khăn này đều có các phương tiện hỗ trợ, tháo gỡ.
Cùng với đó, cán bộ, công chức sẽ có động lực phấn đấu, cống hiến mạnh mẽ hơn nữa để chất lượng công việc tốt lên, đáp ứng nhiệm vụ giao phó. Tất cả yếu tố trên đều có mối quan hệ tương hỗ, nhà nước giảm chi phí, cán bộ có thể được tăng lương, người dân được phục vụ tốt hơn.
Vì vậy, sắp xếp cấp tỉnh, xã, xây dựng mô hình chính quyền địa phương 2 cấp là chủ trương đúng đắn, hứa hẹn tín hiệu tích cực.


Cùng với việc tiếp tục sắp xếp cấp xã, phường theo hướng giảm 50% số lượng, ông nhận định gì về việc chính quyền cấp xã, phường sau sáp nhập sẽ được trao nhiều quyền hạn hơn theo hướng phân cấp, phân quyền mạnh mẽ?
- Tôi cho rằng khi được trao quyền nhiều hơn thì cấp xã, phường mới có được sự chủ động trong thực hiện nhiệm vụ. Cấp này vốn là cấp cuối cùng thực hiện nhiệm vụ, sát dân, gần dân nhất. Tuy nhiên, nhiều công việc triển khai đều cần xin ý kiến quận, báo cáo thành phố.
Vì vậy, sau khi được trao quyền, công việc được đưa vào thực tiễn rất nhanh. Cán bộ cơ sở có sự chủ động.
Trước kia, cán bộ cơ sở làm gì cũng phải theo hướng dẫn. Khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức giống như một người đầu bếp. Ví dụ khi được giao nhiệm vụ nấu cơm, chúng tôi đi thổi cơm cũng phải hỏi nay thổi gạo gì, nấu món canh này được không hay cuốn nem như vậy được không…?
Nay nếu được trao quyền, chúng tôi sẽ có công cụ thực hiện nhiệm vụ được giao. Thay vì làm gì cũng phải hỏi, giờ được cấp trên giao nấu bữa cơm thật ngon thì mọi người sẽ chủ động trong tổ chức thực hiện. Như vậy, cấp cơ sở vận hành công việc thông thoáng hơn rất nhiều, hiệu quả hơn, có sự sáng tạo, đổi mới trong thực hiện.
Làm cách mạng thì phải có người hi sinh lợi ích nhỏ
Dự kiến 30/6 sẽ hoàn tất sắp xếp phường, xã để đi vào vận hành ngay trong tháng 7 tới. Chỉ trong vòng chưa đầy 2 năm đã thực hiện liên tiếp 2 cuộc sáp nhập, là người đứng đầu một phường ông có cảm thấy áp lực?
Trước chủ trương sáp nhập chung cả nước, dù mình chỉ là một phần rất nhỏ bé trong đó nhưng anh em luôn sẵn sàng thực hiện. Khi thực hiện sáp nhập xã, phường giai đoạn 2023-2025 trước đây, qua nắm bắt chúng tôi cũng biết được vẫn có công chức băn khoăn không biết thủ trưởng mới ra sao, công việc mới như thế nào.
Sau sáp nhập bộ máy, việc ổn định tâm lý và phát huy thế mạnh của từng công chức hết sức cần thiết. Bởi điều quan trọng là thôi thúc được sự nỗ lực cống hiến thực sự của mỗi công chức cho địa bàn mới.

Ông Huy cho biết sắp xếp bộ máy mang lại nhiều tín hiệu tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội (Ảnh: Hoa Lê).
Với kinh nghiệm đã có trong lần thực hiện sắp xếp năm 2024, đợt sắp xếp tới đây tôi tin rằng người dân rất đồng thuận vì họ đã hiểu rõ chủ trương sáp nhập.
Còn với cán bộ, công chức địa phương trong đợt sáp nhập này, tôi không cảm thấy áp lực bởi đây là việc phải làm. Vốn là cuộc cách mạng, thì anh em có người phải hi sinh một mặt nào đó, nhưng quan trọng nhất là việc tốt lên, chủ trương tốt cho cả xã hội. Dù ngày mai tiến hành sáp nhập thì hôm nay mỗi cán bộ, công chức vẫn phải thực hiện công việc thật tốt.
Mục tiêu sáp nhập hướng đến mở rộng không gian phát triển, đánh thức tiềm năng địa phương. Sau 3 tháng hoạt động của phường mới, ông cho biết sự thay da, đổi thịt của địa bàn hợp nhất ra sao?
Phường Trúc Bạch mới hình thành từ phường Nguyễn Trung Trực và phường Trúc Bạch cũ. Mỗi địa bàn cũ lại có đặc điểm, đặc thù khác nhau. Ví như về kinh tế du lịch, trong khi phường Trúc Bạch cũ có lợi thế cảnh quan, môi trường, các dịch vụ lưu trú, ẩm thực thì phường Nguyễn Trung Trực lại lợi thế di tích văn hóa, lịch sử.
Khi sáp nhập để có định hướng phát triển, chúng tôi phải có khảo sát, nắm bắt lợi thế của từng phường cũ để có những chủ trương gắn kết tiềm năng, thế mạnh tương hỗ nhau. Chúng tôi xây dựng tour du lịch kết nối địa bàn, khai thác các tiềm năng bước đầu đạt hiệu ứng tốt trong lòng du khách.
Thu ngân sách của phường trong quý I cũng tăng 160% so với cùng kỳ năm trước (so với ngân sách 2 phường cộng lại), đây là tín hiệu hiệu quả sau sáp nhập. Đó mới là kết quả bước đầu. Dù 3 tháng chưa nói lên điều gì, nhưng tâm lý người dân cảm nhận được sự đổi thay theo hướng tích cực.
Không có sự ưu ái, "phường cũ của tôi, của anh"
Từ thực tiễn đã thực hiện sáp nhập 2 phường trước đây, ông cho biết cần lưu ý đến những điểm quan trọng nào để quá trình này diễn ra trơn tru, giảm thiểu tác động cũng như là kinh nghiệm trang bị cho lần sắp xếp bộ máy tới thêm thuận lợi, thành công?
- Chúng tôi đã thực hiện xây dựng đề án, lấy ý kiến nhân dân, trình các cấp có thẩm quyền thông qua từ năm 2024, tạo tiền đề vận hành phường mới từ 1/1. Thời gian lấy ý kiến của người dân trong vòng 1 tháng, nhưng trước đó, công tác phối hợp tuyên truyền giữa địa phương, cán bộ cơ sở đến người dân rất quan trọng.


Từ đó, người dân hiểu được mục tiêu lớn lao của việc sắp xếp phường để cấp cơ sở mạnh hơn, đáp ứng nhu cầu của họ tốt hơn. Bộ máy nhà nước hiệu quả, xã hội sẽ tốt lên thì ắt là người dân ủng hộ.
Sau khi được sự đồng thuận trong nhân dân, việc cần làm là tạo sự ổn định tâm lý cán bộ và phát huy được thế mạnh của từng người. Việc tạo được sự đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị vô cùng quan trọng.
Ai cũng nói đoàn kết, nhưng đoàn kết phải thể hiện bằng hành động. Trong quá trình vận hành, cán bộ sẵn sàng hoàn thành tốt các việc liên quan toàn bộ địa bàn, không có sự ưu ái "phường cũ của tôi, phường cũ của anh".
Sau hơn 1 tháng thực hiện sáp nhập, dù đã có đến 3 cuộc họp với toàn bộ hệ thống chính trị, nhưng đến cuộc họp thứ 4 tôi vẫn thấy 1 nửa hội trường bên trái là các bác địa bàn phường Nguyễn Trung Trực cũ và 1 nửa bên phải là các bác phường Trúc Bạch cũ ngồi.
Tôi cũng trao đổi hôm nay lãnh đạo phường hơi buồn vì các bác chưa có sự hòa nhập và đề nghị từ sau cần ngồi xen kẽ để có sự gắn kết hơn. Từ việc nhỏ như vậy mình hết sức quan tâm.
Sau khi sáp nhập, cán bộ cũng cần sâu sát để hiểu rõ địa bàn. Tuy nhiên, chúng tôi phải nắm được từng cấp ủy, chi bộ, mỗi địa bàn đang tồn tại, gặp khó khăn gì. Tôi dành nhiều thời gian, nhiều thời điểm khác nhau trong ngày đi xuống từng phố để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân. Dù không có quy định đặt ra phải nắm bắt trong bao lâu, song muốn mọi thứ ổn định sớm phải thực hiện những công việc đó rất nhanh.
Cùng với những thuận lợi từ người dân ủng hộ, cán bộ công chức đoàn kết, tôi tin rằng phường mới sẽ được vận hành hiệu quả, thúc đẩy địa phương phát triển. Và tới đây tiếp tục sáp nhập, sẽ mở rộng hơn nữa không gian phát triển của mỗi địa phương nói riêng và các tỉnh, thành phố nói chung.
Trân trọng cảm ơn ông về những chia sẻ tâm huyết!