DNews

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới

Hoàng Lam

(Dân trí) - Không có nhà công vụ, điều kiện ăn, ở, sinh hoạt khó khăn, nhưng đội ngũ cán bộ xã biên giới Nhôn Mai (Nghệ An) đã và đang nỗ lực để phục vụ người dân tốt hơn.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới

Gian nan đường về xã

Nghe tôi năn nỉ xin đi cùng, ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai (Nghệ An) tỏ ra ái ngại: “Xa lắm. Đường vào xã mùa này bị sạt lở, nguy hiểm. Trời mưa lớn có khi đứt đường, mất điện, mất nước dài ngày, khả năng phải ở lại cả tuần”. Cái sự gian khổ qua lời của ông chủ tịch xã khiến tôi càng thêm tò mò về xã biên giới này.

Ông Lê Hồng Thái, nguyên chuyên viên Ban Tuyên giáo và Dân vận tỉnh Nghệ An, được chỉ định làm Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai khi sáp nhập 2 xã Nhôn Mai và Mai Sơn (huyện Tương Dương cũ). Vị chủ tịch xã cũng là người có quãng đường đi làm xa nhất trong đội ngũ cán bộ xã Nhôn Mai.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 1

Quốc lộ 16, đoạn qua bản Có Hạ, xã Nhôn Mai (Ảnh: Hoàng Lam).

Từ trung tâm tỉnh Nghệ An, nếu theo quốc lộ 7 lên trung tâm huyện Tương Dương cũ để vào xã Nhôn Mai, phải di chuyển quãng đường hơn 330km. Trong khi đó, nếu theo quốc lộ 48, lên trung tâm huyện Quế Phong (cũ), qua xã biên giới Tri Lễ, theo quốc lộ 16 vào, quãng đường được rút xuống 240km.

Chúng tôi xuất phát từ 14h chủ nhật, lắc lư trên xe hơn 5 giờ, lúc trời đã tối hẳn mới bắt đầu chạm đất Nhôn Mai. Từ đây vào trung tâm xã chỉ khoảng hơn 20km nhưng có đến 13km đang được cảnh báo “đường có nguy cơ sạt lở”. Cơn lũ quét hồi cuối tháng 5 đã khiến 2 đoạn quốc lộ 16 bị đứt hẳn, đang phải khắc phục tạm để lưu thông.

Đoạn sự cố qua bản Có Hạ được mở 1 làn xe vào chân núi, đường chỉ vừa đủ 1 ô tô tải trọng nhỏ đi qua. Con đường nhỏ, một bên là vực sâu hun hút, một bên là vách núi với những tảng đá hàng chục tấn nằm chênh vênh, có thể đổ xuống bất kỳ lúc nào, khiến những vị khách lần đầu trải nghiệm như chúng tôi không khỏi thót tim.

Vào đến trụ sở UBND xã cũng gần 20h, ông Thái “gửi” chúng tôi lên Đồn biên phòng Nhôn Mai tá túc, bởi xã chưa có nhà công vụ để bố trí nơi ở cho khách.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 2

Trụ sở làm việc của khối chính quyền xã Nhôn Mai (Ảnh: Hoàng Lam).

“Thực hiện mô hình chính quyền 2 cấp, sau sáp nhập, trụ sở hành chính của xã được bố trí tại xã Nhôn Mai, toàn bộ nhân sự xã Mai Sơn (cũ) đều phải qua đây, cùng số cán bộ cấp tỉnh và cán bộ huyện cũ được điều động đến đây công tác.

Mọi cơ sở vật chất đều tập trung ưu tiên cho phục vụ người dân nhưng vẫn chưa thể đáp ứng được. Hiện 35/58 cán bộ, công chức của xã chưa bố trí được nhà công vụ, phải tự túc nơi ăn, chốn ở”, ông Thái thông tin.

Cán bộ xã dựng nhà ở tạm, chiều tối ôm đồ đi tắm nhờ

Sáng sớm, Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhôn Mai đã nhộn nhịp người dân đến giao dịch. Người dân chủ yếu đến thực hiện thủ tục chứng thực và tách thửa đất.

Lô Thị Diễm My (trú bản Nhôn Mai, xã Nhôn Mai) cùng người bạn đến xác nhận hồ sơ để đi xin việc. Chị Lô Thị Pá, công chức tư pháp - hộ tịch, kiểm tra kỹ hồ sơ của công dân.

“Em viết lại sơ yếu lí lịch nhé, từ ngày 1/7, không còn chính quyền cấp huyện nữa, nên em chỉ cần viết xã và tỉnh thôi”, chị Pá hướng dẫn. Hai cô gái dân tộc Thái nhìn nhau, lí nhí trả lời: “Em không biết, cứ nghĩ vẫn ghi thông tin nơi ở như cũ”.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 3

Chị Lô Thị Pá (áo hồng) cùng cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công xã giải quyết thủ tục hành chính cho người dân (Ảnh: Hoàng Lam).

Chị Pá là công chức xã Mai Sơn (cũ), chuyển sang Nhôn Mai khi sáp nhập xã. Sau 1 tuần đảm nhận nhiệm vụ mới, chị Pá cho biết công việc không có gì trở ngại hay khó khăn. Trở ngại lớn nhất của chị có lẽ là việc chồng đi làm xa. Chị phải gửi con nhỏ 4 tuổi cho ông bà cách 150km để lên đây làm việc.

Như phần lớn cán bộ Mai Sơn cũ, chị Pá chưa có nơi ở do xã chưa có nhà công vụ. Một tuần nay, chị Pá đang ở nhờ nhà người quen nhưng chỉ tối mới về đó tắm rửa, nghỉ ngơi. Trưa, sau bữa "cơm bụi", chị và các đồng nghiệp khác trải chiếu nghỉ tạm ngay phòng làm việc. Chị Pá đang tìm chỗ trọ để ở và đón con lên.

Theo tính toán của chị Pá, chi phí thuê trọ khoảng 1,2 triệu đồng, chưa bao gồm tiền điện, nước. Chi phí này chiếm một khoản đáng kể trong thu nhập của một cán bộ cấp xã nhưng thời điểm này, không dễ để tìm được phòng trọ độc lập để thuê.

Nếu như chị Pá ở nhờ nhà người quen thì chị Lô Thị Nắm, cán bộ Phòng văn hóa xã được bố trí ở tại phòng làm việc trong tầng 2 của căn nhà sàn cũ, được sử dụng làm trụ sở khối chính quyền. Căn phòng khoảng 10m2, nửa phía trước kê 2 chiếc bàn làm việc, ngăn cách với chỗ nghỉ phía trong bằng tủ đựng tài liệu.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 4
Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 5
Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 6

Nơi ở của cán bộ xã Nhôn Mai (Ảnh: Hoàng Lam).

Căn nhà sàn cũ kỹ, mỗi bước chân di chuyển trên sàn đều gây tiếng động, nên chị Nắm và người đồng nghiệp phải “đi nhẹ, nói khẽ” để không ảnh hưởng đến các cán bộ được bố trí ở tại tầng 1.

“Cái khó ở đây là người đông, trong khi công trình vệ sinh chỉ có 2 phòng. Đợt vừa rồi do mưa lũ, mất nước sạch gần 10 ngày, nên mỗi chiều hết giờ làm việc, chị em chúng tôi lại phải ôm đồ vào nhà dân xin tắm giặt nhờ”, chị Nắm chia sẻ.

Khoảnh sân phía sau trụ sở Đảng, Đoàn thể và Trung tâm phục vụ hành chính công xã Nhôn Mai, 2 người thợ đang cắt, kẻ để hoàn thành 2 gian nhà ở bên cạnh nhà sàn, vốn là nơi ở của cán bộ xã Nhôn Mai cũ. Nếu không có mấy chiếc giường kê phía trong, thật khó tưởng tượng đây là nơi ở của cán bộ xã. Các gian phòng bởi được quây bằng tôn, chắp vá từ những tấm gỗ tận dụng được.

Tươm tất hơn có lẽ là 4 căn phòng lắp ghép anh em cán bộ xã gọi vui là “khu rì sọt”. Mỗi căn phòng có khung sắt, mái, vách tôn, rộng 12m2, đủ kê một chiếc giường đơn, tủ cá nhân và bàn làm việc.

Anh Ngân Văn Tứ, Phó Chánh văn phòng Đảng ủy xã Nhôn Mai, nguyên là Phó Chủ tịch UBND xã Xá Lượng (cũ) là chủ nhân 1 trong 4 gian phòng lắp ghép này.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 7

Khu nhà lắp ghép cho cán bộ xã Nhôn Mai tự bỏ kinh phí thực hiện để ổn định nơi ăn, chốn ở khi làm việc cách nhà hàng trăm km (Ảnh: Hoàng Lam).

Nơi làm việc mới của anh Tứ cách nhà gần 150km, giao thông cách trở nên không thể đi về trong ngày. Xã chưa có nhà công vụ, trong khu vực cũng không có nhà trọ để thuê, anh Tứ cùng một số anh em là cán bộ cấp huyện cũ bàn nhau góp tiền làm nhà, góp tiền ăn để ổn định nơi ăn, chốn ở.

Nhà dựng trên nền bê tông, buổi ngày nóng hầm hập nên anh Tứ phải lắp thêm điều hòa. Tổng kinh phí đầu tư cho nơi ở của vị cán bộ xã này khoảng 30 triệu đồng.

“Xã chưa có nhà công vụ, nhanh nhất cũng vài năm tới mới có thể xây, hoàn thiện và đưa công trình vào sử dụng nên anh em chủ động được đến đâu hay đến đó”, anh Tứ kể.

6 cán bộ phục vụ 21 bản, 1.500 hộ dân

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã, theo phân cấp, trung tâm sẽ đảm nhận hơn 300 bộ thủ tục hành chính.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 8

Ông Lê Hồng Thái (ngoài cùng bên trái), Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai kiểm tra một nhà dân bị thiệt hại về nhà ở trong đợt lũ quét cuối tháng 5 (Ảnh: Hoàng Lam).

Trung tâm phục vụ hành chính công có 6 nhân sự, đảm nhận thực hiện khối lượng công việc rất lớn, có thời điểm quá tải nhưng nhìn chung, đội ngũ cán bộ hăng hái, nhiệt tình, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Sau sắp xếp, xã Nhôn Mai có 21 bản, 1.456 hộ dân, trong đó có đến 760 hộ nghèo, 326 hộ cận nghèo. Xã sát biên giới Việt - Lào này là nơi sinh sống của đồng bào Mông, Thái và Khơ mú, trình độ còn nhiều hạn chế, việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến rất khó khăn.

Cán bộ Trung tâm phục vụ hành chính công vừa hướng dẫn, vừa trực tiếp thực hiện các dịch vụ công trực tuyến cho người dân đến giao dịch. Bởi vậy, bên cạnh tiếp tục nâng cao nghiệp vụ, khắc phục khó khăn về trang thiết bị làm việc, nhiều cán bộ xã Nhôn Mai tranh thủ học thêm tiếng đồng bào để hỗ trợ người dân tốt nhất.

Cán bộ đi ghép nhà, ngủ nhờ nơi biên giới - 9

Anh Ngân Văn Tứ tranh thủ học thêm tiếng Mông trong thời gian nghỉ ngơi (Ảnh: Hoàng Lam)

Ông Lê Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai, cho biết để giải quyết khó khăn về nơi ăn ở cho cán bộ, trước mắt, lãnh đạo địa phương bố trí một số trụ sở của các tổ chức đoàn thể cũ, dựng các nhà lắp ghép; ưu tiên sửa sang công trình vệ sinh, nước sạch... Trong thời gian tới, một số phòng trọ của người dân xây sẽ đưa vào hoạt động, lãnh đạo địa phương đang làm việc với các hộ dân này để ưu tiên cán bộ xã được thuê.

“Vừa qua, xã Nhôn Mai chịu thiệt hại khá nặng nề từ cơn lũ quét cuối tháng 5 và mưa lớn kéo dài, nhiều công trình giao thông, công trình dân sinh bị hư hỏng nặng. Trước mắt, xã kiến nghị cấp trên ưu tiên bố trí nguồn kinh phí sửa chữa các công trình dân sinh, hỗ trợ 19 hộ dân tại bản Xói Voi - nơi có nguy cơ sạt lở cao - đến nơi ở mới để đảm bảo an toàn cho bà con...”, Chủ tịch UBND xã Nhôn Mai kiến nghị.