DNews

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo?

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Sau sự việc của Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục, chuyên gia cho rằng người nổi tiếng cần cẩn trọng khi nhận quảng cáo. Bởi hậu quả của việc quảng cáo sai sự thật không chỉ dừng lại ở mức bị "ném đá".

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo?

Đừng nhận quảng cáo nếu không có kiến thức

Anh Nguyễn Minh Tân, chuyên gia đào tạo livestream (phát trực tiếp) bán hàng, cho hay sự việc của Quang Linh Vlogs và Hằng Du mục là lời cảnh tỉnh cho KOLs, KOCs (người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội) đang kinh doanh trực tuyến hoặc quảng cáo sản phẩm.

Anh Tân khẳng định nghề livestream, quảng cáo sản phẩm của KOLs, KOCs "đã qua cái thời làm sai rồi xin lỗi là xong chuyện".

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 1
Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 2

"Nhiều người khi nhận quảng bá sản phẩm bất kỳ, họ chỉ quan tâm đến lợi nhuận mà không màng đến chất lượng. Họ nghĩ rằng nếu sản phẩm có là hàng nhái, hàng giả, kém chất lượng thì chỉ cần lên tiếng xin lỗi chân thành là xong, nhưng bây giờ không có chuyện đó nữa. Hậu quả mà họ phải đối mặt cho hành vi sai trái là rất lớn.

Họ phải hiểu bản thân sẽ bị khán giả quay lưng, mất đi uy tín và cơ hội quay trở lại làm nghề, thậm chí là đối mặt với hình phạt pháp lý như Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục", chuyên gia đào tạo livestream nhấn mạnh.

Anh Minh Tân thừa nhận rằng chỉ có khoảng 50% học viên của mình, phần lớn là chủ doanh nghiệp, chủ động trang bị kiến thức về pháp luật. KOLs và KOCs có nhận thức và hiểu biết về pháp luật "chỉ đếm trên đầu ngón tay".

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 3
Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 4

"Các bạn chủ yếu quan tâm các quy định về thuế, chứ không nhận thức được tầm quan trọng của những quy định khác như Luật Quảng cáo. Vậy nên trong quá trình đào tạo, tôi lúc nào cũng phải nhắc nhở liên tục về những điều cần tránh khi làm nghề để không vi phạm pháp luật", anh Tân nói.

Chuyên gia đào tạo livestream cho biết để không rơi vào vòng lao lý, người làm nghề này phải thật cẩn trọng.

"KOLs, KOCs nên kiểm tra thông tin chi tiết về nguồn gốc, thành phần, thương hiệu sản phẩm và tự trải nghiệm thực tế sản phẩm trước khi quảng bá. Một lời khuyên khác chính là nên ưu tiên quảng bá các sản phẩm của các thương hiệu lớn, đã được nhiều người sử dụng và tin dùng, bởi sản phẩm giả, nhái ngày nay được "ngụy trang" rất tinh vi. Quy trình tuy mất thời gian nhưng chính là thứ có thể bảo vệ chính họ", anh nói.

Chuyên gia đào tạo chia sẻ các sàn thương mại điện tử ngày nay nên thường xuyên hỗ trợ, cung cấp và cập nhật liên tục thông tin pháp lý cho người bán. Các cơ quan, đơn vị liên quan cũng có thể tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về kiến thức pháp luật cho các nhà bán hàng.

Siết chặt kiểm soát quảng cáo mạng

Theo ThS. Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency, người càng có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội thì càng phải cẩn trọng và ý thức trách nhiệm về phát ngôn của mình. Việc xác minh chất lượng sản phẩm cần tham khảo ý kiến của chuyên gia trong ngành, cơ quan chức năng để tránh bị nhãn hàng đánh lừa về nguồn gốc, thành phần.

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 5

ThS. Lê Anh Tú, Giám đốc điều hành iGem Agency (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

"Đừng nhận quảng cáo nếu không biết gì về sản phẩm, lĩnh vực mình đang nói. Ở nhiều nước trên thế giới, KOLs, KOCs được định nghĩa là một người có chuyên môn học thuật, kinh nghiệm tìm hiểu, làm việc lâu năm trong một lĩnh vực nào đó.

Từ đó, họ mới đủ khả năng quảng bá sản phẩm và đạt sự tin tưởng từ người tiêu dùng. Vì vậy không phải chỉ cần có nhan sắc là được phép trở thành người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội, tự do nhận quảng cáo", ThS. Lê Anh Tú cho hay.

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 6

Mới đây, một TikToker nổi tiếng trên mạng xã hội đăng bài xin lỗi vì quảng cáo sai sự thật (Ảnh chụp màn hình).

Luật sư Nguyễn Ngọc Phú (đoàn luật sư TPHCM), Giám đốc điều hành hãng luật NPLaw, cho hay, vụ việc liên quan đến Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục có thể nhìn nhận dưới góc độ pháp lý là một ví dụ điển hình cho rủi ro khi KOLs/KOCs tham gia vào hoạt động quảng cáo mà thiếu kiểm chứng hoặc chưa rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Nếu có dấu hiệu gian dối trong việc cung cấp thông tin hoặc sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí gây hại cho người tiêu dùng, thì đây là hành vi có thể bị xử lý theo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Luật Quảng cáo và cả Bộ luật Hình sự nếu đủ yếu tố cấu thành.

Các rủi ro là KOLs và KOCs có thể gặp phải khi quảng bá sản phẩm là quảng cáo sai sự thật, gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng; quảng cáo sản phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng hoặc vi phạm các quy định pháp luật; vi phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc hình ảnh.

"Họ là chủ thể trung gian có ảnh hưởng lớn tới hành vi tiêu dùng, nên việc trang bị kiến thức pháp lý là điều bắt buộc nếu muốn hoạt động bền vững. KOLs, KOCs có thể tìm hiểu về Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định liên quan đến hàng hóa, dịch vụ mà họ quảng bá.

Ngoài ra, họ nên cẩn trọng trong việc thẩm định thông tin sản phẩm, yêu cầu hợp đồng minh bạch từ nhãn hàng, trong đó nêu rõ quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên, đặc biệt là phần trách nhiệm pháp lý khi có sự cố", luật sư Nguyễn Ngọc Phú nhấn mạnh.

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 7

Luật sư Nguyễn Ngọc Phú, Giám đốc điều hành hãng luật NPLaw (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Bên cạnh đó, luật sư khuyên rằng KOLs và KOCs tuyệt đối không ký hợp đồng quảng cáo nếu chưa xác định rõ trách nhiệm pháp lý khi có sự cố và các điều khoản liên quan; không quảng bá sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, nhất là các sản phẩm tác động đến sức khỏe; không nhận quảng bá sản phẩm khi chưa trải nghiệm thực tế; lưu trữ hồ sơ làm việc, email, tin nhắn, hợp đồng và tài liệu liên quan đến việc hợp tác để có căn cứ pháp lý bảo vệ mình khi có tranh chấp.

Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 8
Từ vụ Quang Linh Vlogs và Hằng Du Mục: KOLs cần làm gì khi nhận quảng cáo? - 9

Luật sư Nguyễn Ngọc Phú đề xuất cơ quan có thẩm quyền có thể hoàn thiện khung pháp lý và siết chặt hoạt động quảng cáo, bán hàng của KOLs và KOCs trong thời gian tới.

"Tôi cho rằng cơ quan chức năng nên định danh rõ vai trò pháp lý của KOLs và KOCs trong chuỗi quảng bá sản phẩm. Họ bắt buộc phải công khai thông tin hợp tác, tức là khi đăng tải nội dung quảng cáo, cần có thông báo "nội dung có tài trợ" như một số quốc gia đã áp dụng.

Đồng thời, các cơ quan chức năng cũng có thể tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm trên nền tảng số; đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức pháp lý cho KOLs và KOCs", luật sư Nguyễn Ngọc Phú nhấn mạnh.

Ảnh: Minh Nhân, Quang Huy