Từ bỏ công việc hái ra tiền để sang Đan Mạch làm… nông dân
(Dân trí) - Tốt nghiệp đại học với tấm bằng xuất sắc, luôn đạt học bổng, năng nổ hoạt động ngoại khóa, Nguyễn Út Thương (27 tuổi) quyết định bỏ công việc dạy tiếng Anh để ra nước ngoài làm công việc tay chân.

Áp lực "đúng chuẩn người học giỏi"
"Tôi muốn từ bỏ áp lực rằng mình phải theo đuổi một công việc chỉ dành cho người học giỏi", Út Thương chia sẻ khi được hỏi lý do sang Đan Mạch làm nông dân.
Tốt nghiệp xuất sắc khoa Sư phạm tiếng Anh, Đại học Sư phạm Hà Nội, có bốn năm năng nổ hoạt động ngoại khóa và ra trường với một công việc mơ ước cùng mức lương ổn định tại thành phố, Thương vẫn thường xuyên cảm thấy gò bó, căng thẳng và khao khát được trải nghiệm điều gì đó mới mẻ.
"Sức khỏe tôi không tốt. Chỉ sau 3-4 tiếng giảng bài là tôi cảm thấy kiệt sức. Tôi từng thử nhiều công việc khác như làm ở công ty tư vấn du học hay tuyển dụng nhân sự cho các công ty công nghệ. Nhưng dù đổi việc, tôi vẫn cảm thấy thiếu năng lượng, như thể bên trong mình luôn có một phần khao khát được bứt phá", Thương tâm sự.
Lớn lên trong một gia đình nghèo, Thương luôn ý thức phải học giỏi và kiếm tiền từ công việc đúng chuyên ngành. Nhưng khi nghĩ đến viễn cảnh gắn bó cả đời với công việc hiện tại ở thành phố, cô muốn tận dụng tuổi trẻ để sống khác đi - học hỏi, trải nghiệm thay vì mãi chịu áp lực vô hình.
"Làm giáo viên rất ngầu, tôi từng nghĩ như vậy. Thu nhập khi đó cũng khá ổn. Nhưng khao khát được trải nghiệm đã thôi thúc tôi tìm kiếm những chương trình có thể giúp mình ra nước ngoài. Ban đầu tôi định du học, nhưng ngành học của tôi ít học bổng, nên khi có cơ hội làm thực tập sinh nông nghiệp, tôi đã nắm lấy", Thương kể.

Từ nhỏ, Thương luôn cài đặt sẵn trong đầu phải làm một công việc dành cho những người học giỏi (Ảnh: NVCC).
Chương trình cô tham gia là thực tập sinh nông nghiệp - dành cho sinh viên năm cuối ngành nông nghiệp hoặc những người học thêm văn bằng hai liên quan. So với du học, chi phí thấp hơn đáng kể nên Thương quyết định đăng ký.
Công việc hằng ngày chủ yếu là gieo hạt, tưới cây, phân loại rau củ… Dù vất vả, nhưng Thương cho biết đầu óc nhẹ nhõm và cô có nhiều thời gian đi du lịch.
"Mỗi tháng, tôi kiếm được khoảng 50 triệu đồng sau thuế. Trừ chi phí sinh hoạt, còn lại tầm 35 triệu. Tháng vừa rồi tôi mới trả hết nợ cho bố mẹ ở quê. Dù đi du lịch thường xuyên, tôi vẫn tiết kiệm được. Nếu ở Việt Nam, mỗi tháng cố gắng lắm cũng chỉ dư khoảng 15-20 triệu đồng. Làm công việc chân tay mà thu nhập tốt, tôi không còn quan tâm nó có xứng với người học giỏi hay không nữa", cô chia sẻ.

Từ bỏ tư duy phải làm công việc của người học giỏi, Thương có thu nhập tốt hơn và nhiều trải nghiệm mới mẻ (Ảnh: NVCC).
"Trước khi sang Đan Mạch, tôi nghĩ người Việt là chăm chỉ nhất"
Sáu tháng ở Đan Mạch mang đến cho Út Thương những trải nghiệm giản dị nhưng sâu sắc. Cô tự nhận mình là người siêng năng trong học tập và công việc. Thế nhưng, ở Đan Mạch, cô lần đầu được truyền cảm hứng từ cách người khác lao động bằng sự đam mê - điều cô chưa từng cảm nhận rõ ràng trước đây.
"Ông bà chủ chỗ tôi làm cực kỳ chăm chỉ. Dù họ có bằng đại học và sở hữu một cơ ngơi khiến nhiều người mơ ước, họ vẫn làm việc với đất đai mỗi ngày. Từ 5h sáng họ đã bắt đầu làm, có hôm 10h tối mới về. Họ làm vì đam mê, như thể yêu lao động từ trong tim chứ không phải vì tiền", Thương kể.
Chứng kiến cách người Đan Mạch làm việc, Thương học được cách trân trọng công việc hằng ngày của mình.
"Ở đây, không ai đánh giá người khác qua nghề nghiệp. Chỉ cần đó là một công việc tử tế. Ban đầu, tôi từng xấu hổ, chạnh lòng vì làm việc chân tay dù có bằng cấp tốt. Nhưng dần dần, tôi không còn lý do để xấu hổ nữa. Kể cả làm công việc này cả đời, tôi cũng không thấy mình lãng phí", cô nói.

Ở Đan Mạch, Thương học được cách làm việc chăm chỉ từ chính nội tâm, không phải vì tiền (Ảnh: NVCC).
Làm việc và tiếp xúc với nhiều người đến từ các nền văn hóa khác nhau, Thương dần hiểu lý do khiến bản thân trước đây luôn cảm thấy thiếu thỏa mãn, dù được làm công việc mơ ước. Cô học cách gỡ bỏ định kiến nghề nghiệp và hiểu rõ mong muốn thực sự của bản thân.
"Ở Đan Mạch, sau khi tốt nghiệp cấp 3, người ta thường không vào đại học ngay. Họ dành 1-2 năm để đi làm, thử nghiệm nhiều công việc rồi mới quyết định học ngành gì. Tôi nghĩ đó là giáo dục xuất phát từ chính con người", Thương chia sẻ.
Dù chưa quyết định sẽ làm gì sau 1,5 năm thực tập, cô cho biết vẫn muốn tiếp tục học hỏi và khám phá.
"Có thể tôi sẽ đi du học Đức hoặc Trung Quốc để có thêm trải nghiệm mới", cô nói.
Trải nghiệm của tuổi trẻ
"Một trong những lý do lớn nhất khiến tôi quyết định đến châu Âu là để được du lịch nhiều nơi", Thương chia sẻ sau khi kể về hành trình khám phá nhiều quốc gia trong sáu tháng ở Đan Mạch.
Cô đã từng đặt chân đến Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và đang lên kế hoạch cho các chuyến đi tiếp theo.
"Tôi chưa bao giờ nghĩ mình có thể xem một trận bóng đá châu Âu trực tiếp. Nhưng sang đây rồi, tôi đã được xem Luka Modrić, Mbappe thi đấu. Đó là những trải nghiệm mà nếu ở lại Việt Nam làm giáo viên cả đời, tôi không biết bao giờ mới có được", Thương hào hứng kể.





Câu chuyện của những con người nơi đây cũng truyền cảm hứng và thôi thúc cô sống hết mình với mỗi trải nghiệm.
"Có những cụ bà hơn 90 tuổi vẫn tự lái ô tô, sống một mình, làm bánh và chia sẻ với mọi người. Nhìn họ, tôi thấy mình được tiếp thêm năng lượng. Mọi người ở đây sống, lao động và vui vẻ mỗi ngày. Mình còn trẻ, còn nhiều cơ hội để học hỏi và trải nghiệm, vậy thì tại sao lại không?", cô tự hỏi.
Nghĩ về tương lai, Thương cho biết mình chưa có kế hoạch cụ thể nào. Nhưng nếu có cơ hội, cô sẽ tiếp tục học và luôn trân trọng những điều mới mẻ sắp đến.
"Dù làm công việc gì, kể cả quay lại Việt Nam làm nghề cũ, tôi tin mình sẽ là một phiên bản mới, tràn đầy năng lượng và nhiệt huyết hơn", Thương khẳng định.