Thèm có tiền tỷ để bỏ việc: "Người thực vật" chốn công sở
(Dân trí) - Muốn bỏ việc nhưng chưa có đủ nguồn lực phòng thân nên đành đi làm mà như "người thực vật". Đây là tình trạng của không ít nhân viên công sở. Thậm chí, có nhân viên đi làm mà như... "xác sống".
"Tôi như người thực vật"
Ước gì có vài tỷ đồng để bỏ việc là tâm trạng của Nguyễn Chí Thành, 29 tuổi, nhân viên marketing online làm việc tại Thủ Đức, TPHCM. Gắn bó với công việc này từ ngày ra trường, tính ra đã gần 7 năm, Thành cho biết đang rơi vào trạng thái tận cùng chán chường và ngày càng trầm trọng.
Thành ví mình như "người thực vật", như cắp ô đếm giờ chờ ngày lĩnh lương, không còn hứng thú với công việc như trước, thay vào đó là sự uể oải, mệt mỏi. Trai tráng cao hơn mét bảy, nặng hơn 70kg vậy mà việc đi từ nhà đến công sở với Thành giờ đây là cả một thử thách. Chiều hết giờ, anh chỉ muốn phi xe về thật nhanh.
Những công việc thông thường như nắm thông tin sản phẩm, giới thiệu, làm việc với khách hàng hay hàng ngày báo cáo cho sếp... giờ đây đều làm Thành rã rời, thậm chí thấy sợ hãi.
Khát khao nghỉ việc xuất hiện từ lâu nhưng bản thân Thành chưa biết mình muốn gì, cần gì, cũng chưa tìm đươc cơ hội mới. Bản thân sống bằng lương nên hiện tại cậu đành mặc đến đâu hay đến đó.
Có tiền sẽ bỏ việc là mong muốn thực tế của nhiều nhân sự khi rơi vào tình trạng chán việc. Chị Trần Hà My, nhân viên hành chính tại một tập đoàn bất động sản ở quận 3, TPHCM cho biết, gần đây ngồi trước máy tính làm việc là chị như muốn bật khóc.
Lương thấp, drama, áp lực hoặc nhàm chán là những điều Hà My đúc kết về công việc chốn công sở mình đang trải qua. "Đi làm vì lương đã mệt mỏi, đi làm vì lương thấp lại còn mệt hơn. Vật vờ cả tháng để nhận đồng lương hơn 10 triệu đồng, chán chường biết bao nhiêu", chị nói.
Ngoài lương, chị không có nguồn thu nhập thụ động nào ổn định. Như đợt dịch năm rồi, chỉ mới 2 - 3 tháng giảm lương, không lương... chị khủng hoảng ngay. Tình trạng mệt mỏi làm chị căng thẳng, dễ trút bực mình, tức giận với chồng con. Vậy nhưng, chị cũng chưa nghĩ đến phương án nhảy việc vì điều chị muốn lúc này đã nghỉ là nghỉ luôn, làm tự do.
Đi làm chỉ vì tiền: Bi kịch!
Từng gắn bó với công việc văn phòng nhiều năm trời, chị Nguyễn Yến, ở TPHCM tiết lộ ngày trước đi làm công sở, chị cũng có tâm trạng "mong có nhiều tiền để bỏ việc".
Sau này chị nhận ra công việc công sở không chán mà vấn đề ở đây là chúng ta đang chán chính bản thân mình. Nhiều người chọn sai ngành nghề không phát huy được năng lực, chưa tìm cách cải thiện để công việc hiệu quả, thiếu thái độ tích cực để môi trường làm việc nhẹ nhàng hơn... Trong khi mình gắn bó với công việc ngày 8 tiếng, so với chồng con có khi ngày chỉ được 8 phút.
"Quan điểm của mình, một khi chán thì nghỉ tìm một công việc mình yêu thích, còn không nghỉ được thì hãy dành tâm huyết cho công việc bạn đang làm để xứng với đồng lương mình nhận được. Vui hay không trước hết ở chính bản thân mình", chị Yến bày tỏ.
Ông Lê Mạnh Thuần (một cán bộ mảng nhân sự có nhiều năm công tác tại TPHCM) lý giải, hiện nay và trong tương lai công sở không còn là một môi trường làm việc hấp dẫn với nhân sự, đặc biệt là nhân sự trẻ. Đối với những người đã gắn bó giờ rơi vào cảnh chán chường. Có thể trước đây họ đến với công việc này vì "ngồi mát, mặc đẹp", chứ không phải công việc đúng ước mơ, năng lực.
Cũng có người đến một giai đoạn nào đó, họ nhận ra những mong muốn, giá trị, ưu tiên khác trong cuộc đời. Họ muốn tự do, thời gian cho con cái, gia đình...
Đặc biệt, theo anh Thuần, cơn bão làm giàu nhanh kéo theo tâm lý so sánh với người khác. Nhiều người chán chường về bản thân khi thấy mọi người sao thu nhập cao quá, kiếm tiền dễ dàng quá, còn mình sao mà cực khổ, trầy trật cả tháng để nhận về đồng lương bèo bọt.
Anh Thuần chỉ thực tế, nhiều người đi làm lâu năm nhưng vẫn thiếu trước hụt sau, chật vật vì tiền. Nỗ lực, chăm chỉ là điều kiện cần trong tất cả mọi việc nhưng không phải lúc nào chăm chỉ, nỗ lực là đạt được mong muốn, nhất là khi mức lương công sở luôn có giới hạn.
Ngoài việc nỗ lực, học hỏi, anh Thuần nhấn mạnh, mỗi người cần trang bị, học hỏi về quản lý tài chính. Tài chính không chỉ để sinh sống, chi tiêu mà còn để mình có nhiều lựa chọn trong cuộc sống, công việc.
"Đi làm để kiếm tiền nhưng nếu đi làm chỉ còn vì tiền thì đó là một bi kịch. Bi kịch cho chính người lao động và cả người sử dụng lao động", anh Thuần chia sẻ và cho biết, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với bài toán nhân sự như "xác sống".