(Dân trí) - Nguyễn Văn Sơn nhẩm tính, với giá bán tại vườn 30.000 đồng/lạng như hiện nay, một quả dâu tây bé xíu bằng giá 2-3 cây bắp cải.
Trồng cây "quý tộc" ở bãi bồi, bán một quả bé xíu bằng giá 2-3 bắp cải
Nguyễn Văn Sơn nhẩm tính, với giá bán tại vườn 30.000 đồng/lạng như hiện nay, một quả dâu tây bé xíu bằng giá 2-3 cây bắp cải.
Đưa cây "quý tộc" ra trồng ở bãi bồi ven sông
Bãi phù sa sông Lam, ở xóm Văn Viên, xã Hưng Thành (Hưng Nguyên, Nghệ An) vốn ít ai đặt chân đến bỗng tấp nập người vào ra. Chị em xúng xính thuê trang phục, mua vé vào vườn dâu tây chụp ảnh. Có người đánh đường từ huyện khác đến để được tự tay trải nghiệm thu hoạch và mang về một hộp dâu tây tươi ngon, mọng đỏ. "Dâu tây hiện không đủ cung cấp cho khách chị ạ", ông chủ vườn dâu Nguyễn Văn Sơn (SN 1991) nói khi vừa kết thúc cuộc điện thoại hướng dẫn vị khách đến từ huyện Đô Lương.
Nguyễn Văn Sơn không phải là người tiên phong đưa dâu tây về trồng ở vùng đất hè nắng "đổ lửa", đông lạnh tái tê này nhưng có lẽ, chàng trai này là người đầu tiên đưa loại "quả nhà giàu" ra trồng ở bãi bồi ven sông Lam.
Năm 2013, khi đang là sinh viên ngành sinh học Trường Đại học Vinh (Nghệ An), Sơn giành được một suất thực tập ở Israel. Một năm ở đất nước có nền nông nghiệp công nghệ cao hàng đầu thế giới, không chỉ cho Sơn nhiều kiến thức mới mẻ, nhiều kinh nghiệm quý mà đã cho anh ý tưởng khởi nghiệp, dù rằng phải mất tới 6 năm sau, Sơn mới có thể triển khai ý tưởng này trong thực tế.
"Ở Israel có điều kiện khí hậu khá tương đồng với Nghệ An. Họ trồng được nhiều nông sản có giá trị, trong đó có dâu tây. Tôi nghĩ họ trồng được, tại sao mình lại không trồng được. Tôi cũng nhận thấy cây dâu tây có giá trị kinh tế lớn mà không quá khó trong khâu chăm sóc", Sơn nhớ lại.
Hoàn thành chương trình học ở Israel, Sơn từ chối công việc trái ngành với mức lương 10 triệu đồng/tháng để đầu quân cho một tập đoàn nông nghiệp mới mức lương chỉ gần 4 triệu đồng. 10 triệu đồng ở thời điểm đó so với một sinh viên mới ra trường là số tiền không hề nhỏ nhưng Sơn nghĩ, mình còn trẻ, muốn phát triển lâu dài trong lĩnh vực này thì phải cọ xát để tích lũy kinh nghiệm.
Sau một năm, Sơn chuyển sang một doanh nghiệp nông nghiệp khác. Vừa làm, chàng trai này vừa học lên thạc sỹ chuyên ngành khoa học cây trồng để tính đường đi xa hơn cho mình.
Năm 2019, khi tích lũy được kinh nghiệm vững vàng và một ít vốn, Sơn quyết định khởi nghiệp. Chàng trai trẻ vay mượn thêm để đủ 500 triệu đồng, thuê bãi bồi rộng 2.500m2 ven sông Lam để làm trang trại, xây dựng hệ thống nhà màng. Mùa nào cây ấy, trang trại của Sơn trồng dưa lưới, ớt chuông, cà chua, súp lơ baby... Nhờ nắm vững kiến thức, có kinh nghiệm, gần như các thử nghiệm của Sơn triển khai đến đâu, thắng đến đấy.
Với niềm đam mê thử nghiệm, cuối năm 2019, Sơn quyết định trồng dâu tây. Ban đầu, 400 cây dâu tây được trồng trong nhà màng, phát triển nhanh, lá xanh mơn mởn. Thế nhưng vào thời kỳ ra hoa, cây bắt đầu nhiễm nấm, thối gốc, cành...
Tìm hiểu kỹ, Sơn phát hiện môi trường nhà màng có độ ẩm cao, khiến nấm dễ phát triển. Sơn mạo hiểm đưa dâu tây ra bãi. Những hàng đất được đánh luống cao để chống ngập nước. Ở môi trường bên ngoài cây dâu tây tỏ ra thích ứng tốt hơn, đỡ nhiễm nấm nhưng lại nhiều sâu. Nhưng so với nấm thì sâu dễ xử lý hơn bằng các chế phẩm sinh học, lại an toàn cho người tiêu dùng.
Dâu tây là cây trồng ưa lạnh, xuống giống vào thời điểm cuối tháng 9 dương lịch và kết thúc vụ thu hoạch vào cuối tháng 3 năm sau. Trồng ở bãi bồi thì cũng nhiều rủi ro như mưa lụt ảnh hưởng đến thời gian xuống giống, kéo theo việc thời gian thu hoạch bị rút ngắn, làm giảm năng suất.
"Như vụ vừa rồi, toàn bộ cây giống dâu tây bị ngập, chết sạch, sang tháng 10 tôi mới xuống giống vụ mới. Ngoài ra còn có dịch bệnh như nấm phấn trắng, thán thư, sâu, côn trùng chích hút gây ảnh hưởng đến chất lượng quả", Sơn cho hay.
Cây dâu tây bén đất, hợp khí hậu, trung bình mỗi cây dự kiến cho thu hoạch 10 quả, trọng lượng 200g. Với giá bán tại vườn 30.000 đồng/100g, mỗi cây dâu tây cho thu hoạch 60.000 đồng. "Tính ra, mỗi quả dâu tây thời điểm này có giá bằng 2 cái bắp cải. Hiện tôi đang thử nghiệm loại giống mới, mỗi quả có thể đạt được trọng lượng 40g thì giá trị trên mỗi quả dâu còn cao hơn", Sơn tiết lộ.
Làm nông nghiệp đừng mong nhàn thân!
Con nhà nông chính hiệu nhưng từ nhỏ, Nguyễn Văn Sơn đã được bố mẹ bao bọc, chỉ biết mỗi việc học, không phải "mó tay" vào việc đồng áng. Bố mẹ Sơn mong rằng, bằng việc học thật giỏi. Sau này, Sơn sẽ có một việc làm an nhàn, không phải chân lấm tay bùn. Thế nhưng, Sơn lại nghĩ khác. Thấy bố mẹ làm nông nghiệp vất vả, thu nhập chẳng đáng bao nhiêu, Sơn muốn thay đổi quan niệm làm nông. Cậu cho rằng, bằng kiến thức và khoa học kỹ thuật, việc canh tác của nông dân sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
"Đi vào thực tế mới biết không đơn giản như mình nghĩ. Từ trồng, thu hoạch, bảo quản, tiêu thụ... ở quy mô trang trại nhỏ, gia trại thì mình phải "ôm" hết, nếu bảo không vất vả thì không đúng. Nhưng làm nông nghiệp bây giờ đừng nghĩ đến việc nhàn thân mà hãy nghĩ làm thế nào để nâng cao giá trị kinh tế trên cùng một diện tích đất", Nguyễn Văn Sơn nói.
Với điều kiện khí hậu ở Nghệ An, việc canh tác một loại cây trên đất bãi sẽ khó khả thi. Bởi vậy, Sơn trồng các loại rau theo nguyên tắc mùa nào cây nấy, xen canh, đa dạng hàng hóa phục vụ thị trường. Tuy nhiên, chàng trai trẻ này cũng có kế hoạch dài hơi hơn khi quyết định sẽ thử nghiệm trồng nho.
"Dưới tán nho có thể tận dụng trồng dâu tây, bởi thời vụ của chúng khác nhau. Đương nhiên trồng cây ăn quả lâu năm trên bãi bồi sẽ phải tính toán, quy hoạch hệ thống thoát nước, tưới tiêu. Tôi cũng đang đề xuất với xã để được thuê thêm đất mở rộng dự án, hướng tới mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp sạch, kết hợp du lịch canh nông", Sơn cho hay.
Hiện trung bình mỗi ngày, trong điều kiện thời tiết thuận lợi, vườn dâu tây của anh Sơn đón khoảng 50 lượt khách tham quan, trải nghiệm và cho thu hoạch khoảng 10kg quả dâu. Khoản tiền từ bán vé vào vườn, thuê trang phục chụp ảnh và bán dâu tây đưa lại khoản thu không nhỏ cho ông chủ trang trại 9X này.
Không chỉ phát triển quy mô trang trại, thử nghiệm và bước đầu thành công với nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế vượt trội so với phương thức canh tác truyền thống. Hiện Nguyễn Văn Sơn đang tích cực chuyển giao công nghệ, khoa học kỹ thuật và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho bà con trong vùng. Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ Phú Thịnh do anh Sơn làm giám đốc có 20 thành viên, chủ yếu là nông dân xã Hưng Thành.
"Điều quan trọng nhất là các xã viên đã thay đổi tư duy sản xuất, phương thức canh tác, hướng tới sản xuất nông nghiệp sạch, bền vững và có giá trị cao. Với quy mô và phương thức canh tác hiện tại, chúng tôi hướng tới thị trường khách lẻ nhưng ổn định. Bình quân thu nhập của hợp tác xã đạt 350-400 triệu đồng/ha/năm", Nguyễn Văn Sơn cho hay.