1. Dòng sự kiện:
  2. Định hướng cải cách tiền lương

Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19

Tiến Thành

(Dân trí) - Khó khăn vì đại dịch Covid-19, anh Ý quyết định cùng vợ bỏ phố về quê, mày mò cách nuôi dúi. Nhờ loài gặm nhấm này, mỗi năm anh Ý cũng thu về trên 300 triệu đồng.

Vợ chồng bỏ phố về quê làm kinh tế

Người gặt hái thành công với mô hình nuôi dúi nói trên là anh Lê Hữu Như Ý (32 tuổi, trú tại thôn Đồng Sơn, xã Sơn Hóa, huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình). Anh Ý đang sở hữu 2 trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con.

Anh Ý vốn quê gốc ở Quảng Nam, sau khi tốt nghiệp THPT đã lên TP Đà Nẵng làm nghề dịch vụ du lịch. Cũng tại đây, anh quen và kết hôn với một cô gái người Quảng Bình.

Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19 - 1

Anh Lê Hữu Như Ý, chủ trại dúi tại Quảng Bình.

Năm 2020, khi đại dịch Covid-19 bùng phát, công việc khó khăn, vợ chồng anh Ý dắt díu nhau về quê ngoại sinh sống. Những ngày không có việc làm, lên mạng internet, anh Ý biết đến mô hình nuôi dúi. Loài gặm nhấm này khiến anh rất tò mò, bị cuốn theo lúc nào không hay. Anh xúc tiến thủ tục xin phép cơ quan chức năng mua dúi về nuôi thử.

Ban đầu, việc nuôi dúi gặp không ít khó khăn. Sau đó, anh Ý quyết định ra Thanh Hóa mua 8 cặp dúi mốc, giống dúi thương phẩm về nuôi.

Thời điểm đó, nhiều người đã can ngăn anh Ý và không tin con vật nhỏ bé này có thể tạo ra thu nhập để phát triển kinh tế.

Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19 - 2

Nhờ nuôi dúi, mỗi năm anh Ý thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Bỏ qua những lời can ngăn, suốt gần một năm "ăn dúi, ngủ dúi", anh Ý dần khẳng định sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Anh vừa tự tìm kiếm tài liệu, học tập kỹ thuật nuôi, vừa tích lũy kinh nghiệm. Đàn dúi của anh Ý dần lớn, giữa năm 2021, lứa đầu tiên được xuất bán, thu về hàng trăm triệu đồng.

Với những kết quả đạt được, anh Ý mạnh dạn đầu tư 350 triệu đồng để tăng đàn, mở rộng quy mô chuồng trại. Có thời điểm, số lượng đàn dúi của anh Ý lên đến 800 con. 

Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19 - 3

Anh Ý đang sở hữu 2 trại nuôi dúi với quy mô hơn 500 con.

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi dúi, anh Ý cho biết, thức ăn của loài vật này rất dễ kiếm, chủ yếu là tre, mía, ngô và rau, củ, quả. Dúi là loài gặm nhấm nên răng mọc dài liên tục, nếu không mài, răng sẽ dài dẫn tới không ăn uống được. Vì vậy, thỉnh thoảng phải cho thức ăn thích hợp để chúng mài răng.

"Dúi là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, lại mang đến giá trị kinh tế cao. Thế nhưng loài này không giống như nuôi gia súc hay gia cầm. Thức ăn của dúi phải khô ráo, không ẩm ướt, không bị ôi, thiu. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản, không chiếm nhiều diện tích và gây ô nhiễm môi trường, nhưng phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ", anh Ý chia sẻ.

Thay đổi cuộc sống nhờ loài gặm nhấm

Hiện tại, trang trại dúi của anh Lê Hữu Như Ý nuôi dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác.

Nuôi trong vòng 3 tháng, mỗi con dúi trưởng thành có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng 3-4kg, trung bình mỗi kg dúi thịt có giá khoảng 550.000 đồng.

Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19 - 4

Hiện tại, trang trại dúi của anh Lê Hữu Như Ý đang nuôi 2 loại gồm dúi mốc và dúi má đào.

Bên cạnh nuôi dúi thịt thương phẩm, anh Ý còn có cả dúi giống. Theo ông chủ trang trại, mỗi năm dúi đẻ trung bình 3 lứa, mỗi lứa 2-4 con. Với dúi giống, anh có thể bán với giá 1-4 triệu đồng/cặp, tùy kích cỡ.

Thị trường dúi thịt và dúi giống của anh Ý tại nhiều tỉnh như: Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và một số tỉnh, thành phía Nam. Mỗi năm, trại nuôi dúi của anh thu lãi trên 300 triệu đồng. Nhờ dúi, cuộc sống của vợ chồng anh dần vơi bớt khó khăn, từng bước phát triển, làm giàu.

Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19 - 5

Bên cạnh nuôi dúi thịt thương phẩm, anh Ý còn bán dúi giống.

"Tôi thấy nuôi dúi cũng không quá khó, hiệu quả kinh tế mang lại cao hơn rất nhiều so với nuôi các loại gia súc, gia cầm khác, đầu ra hiện cũng rất dễ. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô trang trại để tăng số lượng đàn và đăng ký nhãn hiệu cho riêng mình", anh Ý cho biết thêm.

Ông Nguyễn Quyết Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Sơn Hóa cho biết, với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, anh Ý là một trong những gương sáng trong phát triển kinh tế trên địa bàn.

Không chỉ phát triển kinh tế cho gia đình, anh còn luôn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhiều gia đình muốn thử nghiệm mô hình nuôi dúi khá mới mẻ này.

Bước ngoặt không ngờ của chàng trai mất việc vì Covid-19 - 6

Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, anh Ý luôn tận tình chia sẻ những kinh nghiệm, hướng dẫn cho nhiều gia đình muốn thử nghiệm mô hình nuôi dúi khá mới mẻ này.

Thành công từ mô hình nuôi dúi của anh Ý đã phá thế chăn nuôi "độc canh" chỉ lợn, gà trên địa bàn, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho người dân.

Nhận thấy mô hình nuôi dúi là một hướng đi mới, mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, xã Sơn Hóa đã quan tâm, tạo điều kiện cho trang trại của anh Ý và nhiều người dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng quy mô chăn nuôi dúi, từng bước nâng cao thu nhập.