(Dân trí) - Thay vì trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp, làm việc "chui", nhiều lao động đã về nước khi hết hạn hợp đồng. Họ có cơ hội quay lại thị trường lao động ngoài nước, đàng hoàng "đi để làm giàu".
Thay vì trốn ra ngoài cư trú bất hợp pháp, làm "chui", nhiều lao động đã về nước khi hết hạn hợp đồng. Trở về đúng thời hạn, họ có cơ hội quay lại thị trường lao động ngoài nước trong tâm thế đàng hoàng "đi để làm giàu".
Cũng như nhiều người dân ở xã Cương Gián, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh, năm 2007 vợ chồng anh Trần Văn Bát (SN 1977) quyết định gửi con cho ông bà để đi xuất khẩu lao động. Anh Bát sang Hàn Quốc trước 4 tháng, sau đó đón vợ sang. Hai vợ chồng cùng làm tại một công ty nhuộm vải. Sau 6 năm, vợ chồng anh chấp hành đúng hợp đồng lao động, trở về nước.
"Lúc ấy, hai vợ chồng đi hết khoảng hơn 600 triệu đồng. Sau 3 năm làm việc theo hợp đồng và được gia hạn thêm 3 năm nữa, chúng tôi cũng trả hết nợ và tích lũy được ít vốn. Lúc còn khoảng 4 tháng là hết hợp đồng lao động thì cả 2 vợ chồng quyết định về nước", anh Bát cho biết.
Cũng theo anh Bát, thời điểm đó có nhiều đồng hương "khuyên" nên bỏ ra ngoài để trốn ở lại, tiếp tục làm việc. Tuy nhiên, vợ chồng anh vẫn quyết định trở về. Sau khi về nước, vài tháng sau, vợ chồng anh Bát tiếp tục làm hồ sơ và trở lại Hàn Quốc lao động thêm 3 năm. Sau 9 năm làm việc ở Hàn Quốc, vợ chồng anh Bát đã xây được căn nhà 2 tầng khang trang, tích lũy được số vốn không nhỏ để khởi nghiệp ở quê nhà.
"Trở về hay bỏ trốn là quyết định rất cân não. Trước quyết định về nước, cả 2 vợ chồng tôi suy nghĩ rất nhiều. Khi tôi đi thì bố mẹ còn, khi tôi về thì ông bà đôi bên không còn ai nữa. Đó là những thứ chúng tôi phải đánh đổi để đi kiếm tiền ở nước ngoài. Không còn cơ hội phụng dưỡng bố mẹ, chúng tôi còn những đứa con để chăm nom, uốn nắn. Bạn tôi, nhiều người mải mê làm giàu ở xứ người, đến khi trở về, tiền bạc không thiếu nhưng con cái hư hỏng, học hành dở dang vì thiếu sự uốn nắn, quản lý của bố mẹ. Lúc này, tiền nhiều cũng không để làm gì nữa...", anh Bát đúc kết.
26 tuổi, Trịnh Tứ Tuấn (trú tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa) đã có trong tay khối tài sản đáng mơ ước. Chàng trai này cũng vừa trở về sau 4 năm làm việc trên một tàu cá hiện đại ở Hàn Quốc. Từng đó thời gian lênh đênh trên biển, anh Tuấn "giắt lưng" 2 tỷ đồng khi hết hạn hợp đồng, trở về vào tháng 11/2021. Việc đầu tiên anh Tuấn làm là phá dỡ căn nhà cũ, xây một căn nhà mới, sắm sanh đầy đủ tiện nghi rồi cưới vợ.
Theo quy định của phía Hàn Quốc, những lao động hết hạn hợp đồng 3 năm, được tái tuyển dụng (tối đa một năm 10 tháng), về nước trước thời hạn hoặc đúng thời hạn sẽ được tham dự kỳ thi tiếng Hàn đặc biệt để làm thủ tục quay trở lại làm việc. Những quy định này đã được anh Tuấn nghiên cứu rất kỹ ngay ở thời điểm mới bước chân sang Hàn Quốc để xác định tư tưởng, xây dựng kế hoạch cụ thể cho tương lai. Tháng 7 vừa qua, anh Tuấn đăng ký tham dự kỳ thi này, hiện đang đợi nhà tuyển dụng duyệt hồ sơ, quay trở lại Hàn Quốc làm việc.
Tương tự, kỹ sư cơ khí Dương Văn Quân (SN 1987, trú tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn) đang đợi lịch bay sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động lần 2.
"Sau 4 năm 10 tháng làm việc tại Hàn Quốc, tôi đủ tiền trả nợ và mua một mảnh đất trị giá 1 tỷ đồng. Trước khi về nước, chủ sử dụng bên Hàn Quốc hứa sẽ tiếp nhận vào làm việc nếu tôi qua được kỳ kiểm tra tiếng Hàn dành cho lao động về nước đúng thời hạn. Lần này đi, tôi sẽ kiếm tiền làm nhà và tích lũy để lo cho tương lai khi trở về hẳn", anh Quân cho hay.
Cơ hội quay trở lại thị trường lao động ngoài nước của những người như anh Tuấn hay anh Quân đã rộng mở. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, hàng nghìn lao động đang "mắc kẹt" khi Hàn Quốc cấm cửa do nơi đó có nhiều người bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp lúc hết hạn hợp đồng. Những địa phương lọt vào "danh sách đen" chủ yếu ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh. Thanh Hóa, Hà Tĩnh mỗi địa phương có 2 huyện, riêng Nghệ An có 3 huyện, thị nằm trong danh sách bị phía Hàn Quốc tạm dừng tiếp nhận lao động.
Xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) hiện có gần 500 lao động cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài, chiếm 30% tổng số lao động đang đi làm việc ở nước ngoài của xã.
"Những năm qua, xã thường xuyên cử cán bộ đến tận nhà gặp người thân họ vận động, động viên người lao động chấp hành đúng hợp đồng làm việc nhưng kết quả chẳng đáng là bao", bà Nguyễn Việt Hà, cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xã cho hay.
Tin từ Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Thanh Hóa, trong năm 2021 và 9 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh đưa được 12.200 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Việc các nước trên thế giới chuyển dần sang trạng thái "bình thường mới" sau dịch Covid-19 cùng với các hiệp định thương mại đã được ký kết giữa Việt Nam với một số quốc gia có hiệu lực tạo cơ hội cho người lao động được tham gia vào các thị trường mới. Bên cạnh cơ hội được quay lại thị trường lao động cũ, người lao động đang có nhiều cơ hội xuất ngoại khi các nước khác bắt đầu mở cửa đối với lao động Việt Nam.
Ông Hoàng Duy Xuyên - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh Hóa cho biết: "Thời gian qua, Trung tâm đẩy mạnh hoạt động tư vấn, ngày hội việc làm, các phiên giao dịch việc làm, thu hút đông đảo doanh nghiệp và người lao động tham gia. Đối với hoạt động xuất khẩu, người lao động được trang bị nhiều thông tin, kiến thức về thị trường lao động, các chính sách hỗ trợ trong quá trình làm thủ tục, bảo hộ trong thời gian làm việc ở nước ngoài, các chính sách hỗ trợ và cơ hội quay lại thị trường lao động hay cơ hội việc làm trong nước khi trở về đúng thời hạn".
Tương tự, tại Nghệ An, các biện pháp giải quyết tình trạng lao động bỏ trốn đã và đang được địa phương này thực hiện quyết liệt. Cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người lao động và người thân chấp hành đúng quy định, thời hạn hợp đồng, địa phương này cũng đã phân công trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, ban, ngành có liên quan, trong đó, vai trò của tổ chức chính quyền cơ sở được đề cao.
Thời điểm năm 2018, Nghệ An có tới 11 huyện, thành, thị nằm trong danh sách bị Hàn Quốc "cấm cửa", đến nay, dù vẫn là "điểm nóng" nhưng danh sách giảm xuống chỉ còn 3 huyện, thị.
Xác định người lao động ở lại bất hợp pháp ảnh hưởng đến địa phương, quan hệ lao động nên tỉnh Nghệ An đang quyết liệt trong chỉ đạo, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, phấn đấu đến năm 2023 xóa tình trạng lao động vi phạm để một số nước bỏ lệnh cấm lao động Nghệ An xuất khẩu.
"Người lao động bỏ trốn, ở lại nước ngoài làm việc khi hết hợp đồng không chỉ đối mặt với nhiều nguy cơ về an toàn lao động, tính mạng, sức khỏe mà ảnh hưởng lớn đến công tác xuất khẩu lao động của địa phương cũng như hoạt động đưa người đi nước ngoài và mở rộng thị trường của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này. Giải pháp để ngăn ngừa, xử lý đối với tình trạng từ trong nước theo tôi là đã quyết liệt nhưng giải quyết tận gốc vấn đề này vẫn phụ thuộc vào ý thức và trách nhiệm xã hội của bản thân người lao động", Giám đốc chi nhánh công ty xuất khẩu lao động tại Nghệ An Nguyễn Văn Hoàng cho hay.
Nội dung: Thanh Tùng - Hoàng Lam - Xuân Sinh - Nguyễn Dương
Thiết kế: Thủy Tiên