Tâm điểm
Hoàng Lam

Gỡ "thẻ đỏ" đi lao động Hàn Quốc

Hiện có gần 50.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại Hàn Quốc trong các lĩnh vực sản xuất chế tạo, xây dựng, nông nghiệp và ngư nghiệp với mức lương từ gần 1.500-2.500 USD/tháng tùy lĩnh vực và tay nghề.

Trong năm 2022, có 1.285 chỉ tiêu lao động trong ngành nông nghiệp và 1.085 lao động trong ngành ngư nghiệp đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của quốc gia này. Đây là tin vui với nhiều người dân cần việc làm, tuy nhiên vẫn còn đó tình trạng lao động bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp khi hết hợp đồng. 

Mới đây, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi Hàn Quốc với 8 quận, huyện của 4 tỉnh, gồm TP Chí Linh (tỉnh Hải Dương), huyện Đông Sơn, Hoằng Hóa (tỉnh Thanh Hóa), huyện Hưng Nguyên, Nghi Lộc, thị xã Cửa Lò (tỉnh Nghệ An) và huyện Nghi Xuân, Cẩm Xuyên (tỉnh Hà Tĩnh). Đây không phải là lần đầu tiên phía Hàn Quốc và Việt Nam phải áp dụng biện pháp mạnh nhất để giải quyết tình trạng lao động hết thời hạn hợp đồng nhưng trốn ra ngoài làm việc, không chịu về nước.

Gỡ thẻ đỏ đi lao động Hàn Quốc - 1

Lao động Việt Nam đang đợi nhập cảnh tại sân bay Incheon, Hàn Quốc (Ảnh: Anh Nguyên/TTXVN).

So với các năm trước, số địa phương bị "thẻ đỏ" đưa người lao động đi Hàn Quốc đã giảm nhiều, từ 20 tỉnh với khoảng 40-50 huyện của giai đoạn 2016-2017, xuống còn 20 huyện năm 2018 và năm 2022 cả nước có 8 huyện. Số liệu này minh chứng cho nỗ lực và cam kết giải quyết tình trạng lao động Việt Nam bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc sau hết hạn hợp đồng. Tuy nhiên, một thực tế là các địa phương thuộc diện bị "cấm" nói trên đều có "truyền thống" về lao động chui, nghĩa là nằm trong nhóm địa phương có từ 70 lao động đang cư trú bất hợp pháp trở lên tại Hàn Quốc. Bởi vậy phải thẳng thắn nhìn nhận rằng "tiên trách kỷ hậu trách nhân".

Lao động cư trú bất hợp pháp ở Hàn Quốc không chỉ đẩy bản thân đối diện với nhiều nguy cơ về điều kiện làm việc, an toàn tính mạng và sức khỏe, mà còn ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác lao động giữa hai quốc gia, đồng thời tước đi cơ hội của các thanh niên khác muốn và đủ điều kiện đi làm việc tại thị trường được đánh giá là khó tính này.

Một người quen của tôi có thời gian làm việc tại Hàn Quốc tiết lộ, nếu may mắn, mức thu nhập khi làm chui của lao động Việt Nam ở Hàn Quốc cao hơn rất nhiều so với mức lương của một lao động chính thức. Họ cũng lo sợ không được tái xuất cảnh sau khi hết hạn hợp đồng, trong khi đó, tìm kiếm một công việc thu nhập tương đương khi trở về nước là điều cực kỳ khó. Đây là những lý do mà nhiều người sẵn sàng chấp nhận rủi ro của việc không được bảo hộ và mất trắng khoản tiền "chống trốn" 100 triệu đồng đóng trước khi đi.

Để giải quyết vấn đề trên, nhiều biện pháp mạnh đã được triển khai, bao gồm các biện pháp về kinh tế, gắn trách nhiệm của gia đình và chính quyền địa phương nơi có người đi xuất khẩu lao động. Phía Hàn Quốc cũng đã có một số chính sách mới nhằm tạo điều kiện cho lao động Việt Nam sớm được quay trở lại nước này làm việc, trong đó đáng lưu ý là chính sách rút ngắn thời gian tái nhập cảnh cho người lao động mẫu mực. Với chính sách này, thay vì phải về nước, chờ đợi 3 tháng mới có thể tái nhập cảnh Hàn Quốc làm việc trong 4 năm 10 tháng, người lao động có chứng nhận "mẫu mực" chỉ sau một tháng đã có thể quay lại nước này tiếp tục làm việc. Tất nhiên, chứng chỉ "mẫu mực" hoàn toàn phụ thuộc vào thái độ làm việc và ý thức chấp hành quy định pháp luật của chính người lao động trong thời gian làm việc tại nước bạn.

Số lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc đã giảm mạnh và số địa phương bị "thẻ đỏ" cũng đã giảm đáng kể như nêu ở trên. Tuy nhiên, thực tế vấn đề phòng, chống lao động chui vẫn gặp nhiều khó khăn. Với mức lương từ 40-70 triệu đồng/tháng, người lao động sẵn sàng chấp nhận rủi ro, trốn ở lại làm việc bởi về nước họ không dễ kiếm được việc làm với mức lương bằng 1/3 con số kia.

Bởi vậy, ngoài tuyên truyền nâng cao ý thức cho người lao động và triển khai đồng bộ các giải pháp đã được đề ra (từ khâu tuyển chọn, đào tạo trước khi đi cho đến hỗ trợ cũng như quản lý người lao động tại Hàn Quốc và thúc đẩy họ tự nâng cao trình độ…), thiết nghĩ ngành chức năng và chính quyền các địa phương cần quan tâm hơn nữa đến vấn đề việc làm cho người lao động "hậu xuất khẩu".

Đây là lực lượng lao động có chuyên môn, được đào tạo trong môi trường có tính kỷ luật cao, bởi vậy giải quyết việc làm cho họ không những để tận dụng các kỹ năng của nguồn nhân lực này, mà còn giúp họ yên tâm về nước khi hết thời hạn, không phải sống những ngày chui lủi ở nước ngoài.

Tác giả: Hoàng Lam là phóng viên báo Dân Trí, thường trú khu vực Bắc miền Trung từ năm 2012. Chị gắn bó với mục Blog hai năm nay và thường viết về các đề tài xã hội.

Chuyên mục BLOG mong nhận được ý kiến của bạn đọc về nội dung bài viết. Hãy vào phần Bình luận và chia sẻ suy nghĩ của mình. Xin cảm ơn!