1. Dòng sự kiện:
  2. Thực hành chữ "S" trong ESG

4 lao động thời vụ tại Hàn Quốc bỏ trốn: Nhiều hệ lụy để lại

Lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc ở Hàn Quốc đã thu hẹp cơ hội việc làm có thu nhập cao của những người nghèo khác tại địa phương

Giữa tháng 4-2022, hàng chục lao động ở tỉnh Quảng Bình được xuất cảnh theo thỏa thuận đưa người lao động (NLĐ) đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Họ mang theo ước vọng thoát nghèo, song chỉ sau một thời gian ngắn, đã có 4 lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc. 

Vi phạm hợp đồng

Trước đó, tỉnh Quảng Bình phối hợp với chính quyền TP Yeongju, tỉnh Gyeongsangbuk tổ chức dự án đưa NLĐ địa phương đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong lĩnh vực nông nghiệp, mở ra cơ hội hợp tác, giải quyết việc làm cho lao động nghèo ở nông thôn. Sau quá trình tuyển lựa, 42 lao động được chọn sang nước bạn làm việc.

Ngày 18-4, số lao động nói trên đã xuất cảnh sang nước bạn làm việc thời vụ trong vòng 5 tháng, với công việc chính là thu hoạch, trồng trọt và quản lý hoa màu, nông sản. Họ thuộc diện hộ nghèo, khó khăn và đã được cam kết mức thu nhập trên 40 triệu đồng/người/tháng khi làm việc tại Hàn Quốc.

4 lao động thời vụ tại Hàn Quốc bỏ trốn: Nhiều hệ lụy để lại - 1

Người lao động Quảng Bình đang làm việc tại Hàn Quốc

Anh Nguyễn Xuân Ái (ngụ xã Vạn Trạch, huyện Bố Trạch) - một trong những NLĐ được đi làm việc trong đợt này - cho biết ngay khi đặt chân đến Hàn Quốc, NLĐ đều bất ngờ bởi điều kiện sống tại đây rất thoải mái. Mỗi người được bố trí chỗ ăn, ở đầy đủ tiện nghi, từ tủ lạnh, đến quạt sưởi, wifi miễn phí... Có người còn được các ông chủ hỗ trợ các khoản phí làm các thủ tục sau khi nhập cảnh. Cơ hội việc làm và thu nhập đáng mơ ước là vậy nhưng vẫn có 4 lao động lần lượt bỏ trốn khỏi nơi làm việc gồm: N.V.L (xã Hàm Ninh, huyện Quảng Ninh), L.V.Đ (phường Ba Đồn), T.T.Đ (xã Quảng Thủy, thị xã Ba Đồn) và T.A.G (xã Quảng Phương, huyện Quảng Trạch).

Bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) tỉnh Quảng Bình, cho biết vụ việc này sẽ gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến uy tín của tỉnh trong hợp tác quốc tế với TP Yeongju và rất có thể chính quyền thành phố này sẽ dừng, không tiếp nhận thêm lao động của tỉnh. Điều này cũng sẽ thu hẹp những cơ hội việc làm của hàng ngàn NLĐ trên địa bàn tỉnh nói chung và tạo tiền lệ xấu cho NLĐ còn lại đang làm việc tại Hàn Quốc. "Để tránh hiệu ứng dây chuyền, sở đã tổ chức buổi làm việc trực tiếp với UBND các địa phương và đại diện gia đình NLĐ để xem xét trách nhiệm và thống nhất các phương án, biện pháp để xử lý vấn đề NLĐ vi phạm hợp đồng và vận động họ quay trở lại nơi làm việc. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa yêu cầu được NLĐ ra trình diện" - bà Lan thông tin.

Đừng vì cái lợi trước mắt

Sau khi sự việc xảy ra, UBND tỉnh Quảng Bình đã có công văn khẩn về việc triển khai các biện pháp xử lý NLĐ đi làm việc thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp ở tại TP Yeongju vi phạm hợp đồng. Công văn yêu cầu các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền và có các giải pháp quyết liệt, đồng bộ để bảo đảm không có trường hợp NLĐ vi phạm hợp đồng, bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

Nhiều tháng trước đó, khi chính quyền TP Yeongju làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình để bàn về vấn đề hợp tác đưa NLĐ sang làm việc tại Hàn Quốc, nhận thấy đây là cơ hội "có một không hai" cho NLĐ nghèo trong tỉnh, tỉnh Quảng Bình đã thực hiện đào tạo và tuyển chọn gấp rút NLĐ. Chỉ vỏn vẹn trong vòng 1 tháng, Sở LĐ-TB-XH đã tổ chức giáo dục định hướng và bồi dưỡng kỹ năng tiếng Hàn Quốc cho NLĐ tham gia chương trình này. Sở cũng đã chủ động phối hợp với các ban, ngành, địa phương nhanh chóng hoàn tất các thủ tục cấp hộ chiếu, lý lịch tư pháp, khám sức khỏe, cấp visa, mua vé máy bay cho NLĐ.

Chị Nguyễn Thị Thạnh (xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) - 1 trong 42 NLĐ đi làm việc tại Hàn Quốc - cho biết đây là cơ hội hấp dẫn và chị thấy rằng mình rất may mắn. Cán bộ của Sở LĐ-TB-XH tỉnh còn qua thăm nơi ở, sinh hoạt, làm việc và lập nhóm Zalo để cập nhật tình hình, hỗ trợ NLĐ. Tuy vậy, hiện một số anh - chị em đã bỏ trốn ra ngoài làm việc, gây ảnh hưởng đến đội ngũ NLĐ và mất uy tín, niềm tin.

"Tôi mong các anh - chị em đừng vì lợi ích cá nhân trước mắt mà ảnh hưởng đến quyền lợi lâu dài về sau của chính mình, con em, gia đình mình, ảnh hưởng đến hình ảnh của quê hương Quảng Bình, của Việt Nam trong mắt chính quyền nước bạn" - chị Thạnh bày tỏ.

Theo nld.com.vn