DNews

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ thêm Tết Trung thu

Gia Đoàn

(Dân trí) - Lịch nghỉ cụ thể dịp Quốc khánh 2/9 áp dụng chung cho người lao động cả nước. Còn chuyện cho nhân viên nghỉ Tết Trung thu là quyết định riêng của doanh nghiệp. Đây là những thông tin thu hút tuần qua.

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ thêm Tết Trung thu

Dịp 2/9 nghỉ liên tục 4 ngày

Thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ra thông báo việc nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023.

Theo đó, công chức, viên chức nghỉ lễ Quốc khánh từ thứ sáu, ngày 1/9 đến hết thứ hai, ngày 4/9. Đợt nghỉ này bao gồm 2 ngày nghỉ lễ Quốc khánh, 1 ngày nghỉ hằng tuần và 1 ngày nghỉ bù ngày nghỉ hằng tuần theo quy định của Bộ luật Lao động.

Các cơ quan, đơn vị không thực hiện lịch nghỉ cố định thứ bảy và chủ nhật hằng tuần, sẽ căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của đơn vị để bố trí lịch nghỉ cho phù hợp.

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ thêm Tết Trung thu - 1

Dịp Quốc khánh 2/9, người lao động được nghỉ 4 ngày liên tục (Ảnh: Mạnh Quân).

Với người lao động ngoài khu vực Nhà nước, Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn phương án nghỉ lễ Quốc khánh năm 2023 gồm thứ Bảy (ngày 2/9) và chọn thêm 1 ngày nghỉ trước hoặc sau.

Theo đó, người lao động được nghỉ thứ Bảy ngày 2/9 và lựa chọn 1 trong 2 ngày thứ sáu ngày 1/9 hoặc chủ nhật ngày 3/9.

Trường hợp ngày nghỉ trùng với lịch nghỉ hằng tuần, người sử dụng lao động phải bố trí nghỉ bù vào ngày làm việc tiếp theo cho người lao động. Dù chọn phương án nào, người sử dụng lao động cũng phải thông báo cho người lao động lịch nghỉ trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày.

Người lao động phải làm việc trong ngày này được xác định là làm thêm giờ, mức lương nhận được ít nhất bằng 400% lương so với ngày thường.

Điều 98 của Bộ luật Lao động quy định, người lao động làm thêm giờ trong ngày nghỉ, ngày lễ, Tết được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.

Cụ thể, vào ngày thường, mức lương làm thêm ít nhất bằng 150%, đối với ngày nghỉ hằng tuần ít nhất bằng 200%. Nếu làm thêm giờ, làm việc ban đêm vào kỳ nghỉ lễ, Tết hưởng lương ít nhất bằng 300%, chưa bao gồm tiền lương làm việc ngày này.

Bên cạnh đó, trường hợp người lao động làm việc vào ban đêm được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Bất ngờ được nghỉ Tết Trung thu

Mới đây, một công ty trong lĩnh vực công nghệ đào tạo y tế trực tuyến ở TP HCM thông báo về lịch nghỉ lễ Tết Trung thu khiến cộng đồng mạng không khỏi trầm trồ.

Trong nội dung thông báo, công ty này cho biết, Tết Trung thu từ lâu trở thành ngày lễ quan trọng trong tâm thức của người Việt Nam, thậm chí được xem quan trọng chỉ sau Tết Nguyên đán.

Trong ký ức của mỗi người, ngày Trung thu mang ý nghĩa của sự đoàn viên, là dịp để mỗi người trở về cùng rước đèn, trông trăng, thưởng trà và dùng bánh trung thu với gia đình.

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ thêm Tết Trung thu - 2

Các bạn nhỏ vô cùng thích thú khi được bố mẹ đưa đi chơi Trung thu (Ảnh: Mạnh Quân).

Thấu hiểu điều này, công ty thông báo cho người lao động nghỉ lễ vào ngày 29/9 (ngày 15/8 âm lịch). Như vậy, người lao động của công ty được nghỉ trọn vẹn 3 ngày (1 ngày Trung thu và hai ngày nghỉ cuối tuần).

Đặc biệt, nhân sự được nghỉ làm, hưởng nguyên lương, không tính vào ngày nghỉ phép thường niên.

Nhận được thông báo này, nhiều nhân viên tỏ ra bất ngờ và còn tưởng công ty chỉ trêu đùa. Tới khi hỏi lại đồng nghiệp, hỏi cả Giám đốc marketing thì người lao động mới biết đây là sự thật.

Nhiều khoản tiền thưởng với đảng viên tăng theo lương

Theo Hướng dẫn 12-HD/BTCTW năm 2022 do Ban Tổ chức Trung ương ban hành quy định về quy trình xét tặng huy hiệu Đảng, đảng viên phải đáp ứng đủ điều kiện về số năm tuổi đảng.

Cụ thể, những đảng viên hoạt động cách mạng lâu năm, giữ gìn được tư cách đảng viên, có đủ 30 năm, 40 năm, 45 năm, 50 năm, 55 năm, 60 năm, 65 năm, 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm tuổi Đảng trở lên thì được tặng huy hiệu Đảng.

Đảng viên bị bệnh nặng hoặc từ trần có thể được xét tặng, truy tặng huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá một năm. Đảng viên 70 năm, 75 năm, 80 năm, 85 năm, 90 năm tuổi Đảng trở lên nếu bị bệnh nặng có thể được xét tặng huy hiệu Đảng sớm, nhưng không được quá hai năm theo quy định.

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ thêm Tết Trung thu - 3

Nhiều khoản tiền thưởng với đảng viên tăng khi lương cơ sở được điều chỉnh lên 1,8 triệu đồng/tháng (Ảnh: Huỳnh Hải).

Với những đảng viên đủ điều kiện thì làm tờ khai đề nghị gửi tới chi bộ mình và được xét tặng huy hiệu.

Có 12 loại huy hiệu Đảng tương ứng với số năm tuổi Đảng gồm: Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng; huy hiệu 40 năm tuổi Đảng; huy hiệu 45 năm tuổi Đảng; huy hiệu 50 năm tuổi Đảng; huy hiệu 55 năm tuổi Đảng; huy hiệu 60 năm tuổi Đảng; huy hiệu 65 năm tuổi Đảng; huy hiệu 70 năm tuổi Đảng; huy hiệu 75 năm tuổi Đảng; huy hiệu 80 năm tuổi Đảng; huy hiệu 85 năm tuổi Đảng; huy hiệu 90 năm tuổi Đảng.

Căn cứ khoản 18.3 Điều 18 Hướng dẫn số 01 năm 2021 và điểm a khoản 1.5 Điều 1 Hướng dẫn số 12-HD/TW năm 2022, mức tặng thưởng kèm theo huy hiệu Đảng được thực hiện theo Quy định của Ban Bí thư và Hướng dẫn của Văn phòng Trung ương Đảng.

Hiện nay, mức tiền thưởng đang áp dụng tại Hướng dẫn 56-HD/VPTW năm 2015. Cụ thể, mức phụ cấp huy hiệu Đảng hay chính là mức tặng thưởng kèm theo huy hiệu Đảng của đảng viên được tính theo số lần tương ứng với mức lương cơ sở.

Từ ngày 1/7 trở đi, khi mức lương tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,8 triệu đồng/tháng, mức phụ cấp huy hiệu Đảng cũng được tăng theo.

Mức tiền thưởng thấp nhất Đảng viên nhận được là 2,7 triệu đồng với huy hiệu 30 năm tuổi Đảng, cao nhất huy hiệu 80 năm tuổi Đảng nhận được 27 triệu tiền thưởng

Nữ hành khách quỵt tiền xe công nghệ, bị gọi điện khủng bố

Ngày 10/8, mạng xã hội xuất hiện đoạn clip ghi lại cảnh tranh cãi giữa nữ hành khách cùng nam tài xế khiến cư dân mạng xôn xao.

Cụ thể, sự việc xảy ra vào khoảng 17h45 ngày 29/7, tại phía trước số nhà 154 Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp, TPHCM).

Theo nội dung clip mà nam tài xế đăng tải, nữ hành khách đặt xe trên ứng dụng xe công nghệ, đi đến địa điểm tại số 152 Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp). Tuy nhiên, khi đến điểm được ghi trên ứng dụng, nữ hành khách này không đồng ý trả tiền vì cho rằng tài xế đưa sai chỗ.

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ thêm Tết Trung thu - 4

Xe ôm công nghệ gặp không ít chuyện khi làm nghề (Ảnh: Nam Anh).

Sau khi sự việc xảy ra, người phụ nữ một mực quả quyết tài xế xe ôm công nghệ đã đưa đến sai địa chỉ nên người này không thanh toán tiền xe. Ngược lại, nam tài xế bức xúc khi đưa khách đến đúng chỗ nhưng không hiểu vì sao khách không trả tiền.

Mặc cho nam tài xế nài nỉ, người phụ nữ vẫn từ chối trả tiền cuốc xe, đồng thời gọi người nhà đến. Lúc này, nam tài xế liền lấy điện thoại ra ghi hình sự việc rồi bất lực rời đi.

Sự việc đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút sự hàng nghìn lượt tương tác. Nhiều người cho rằng nam tài xế đã cư xử không đúng, khi "vòi" thêm tiền khách hàng. Trong khi đó, một số tài khoản cũng chỉ trích nữ hành khách vì đã không thanh toán tiền.

5 tháng sinh con 2 lần, 1 năm lĩnh 11.000 viên thuốc

Chia sẻ về việc phát hiện các vụ lạm dụng, trục lợi bảo hiểm y tế, lãnh đạo Trung tâm Giám định BHYT và Thanh toán đa tuyến, BHXH Việt Nam kể nhiều chuyện "cười ra nước mắt".

Theo cơ quan bảo hiểm, hình thức dễ nhận thấy nhất về tình trạng trục lợi bảo hiểm là đi khám bệnh nhiều lần ở nhiều nơi để lãnh thuốc BHYT. Theo thống kê của BHXH Việt Nam, có những người đi khám bệnh từ vài chục đến cả trăm lần mỗi năm.

Mỗi ngày, có người chạy nhiều cơ sở y tế, từ tuyến xã, lên huyện, lên tỉnh, thậm chí là sang tỉnh khác. Từ đó sinh ra nghề mới là "nghề" đi khám bệnh.

Sau nghỉ lễ Quốc khánh, người lao động được nghỉ thêm Tết Trung thu - 5

Cơ quan bảo hiểm phát hiện không ít vụ lạm dụng, trục lợi bảo hiểm (Ảnh: Văn Quân).

Hình thức trục lợi quỹ BHYT phổ biến thứ 2 là việc sử dụng thẻ BHYT của người khác để đi khám chữa bệnh hiện nay rất phổ biến. Những trường hợp vi phạm này khó phát hiện hơn nếu chỉ dựa trên số liệu thống kê.

Cơ quan thanh tra bảo hiểm từng phát hiện bệnh nhân dùng thẻ BHYT đi sinh con, mổ đẻ, 5 tháng sau lại dùng cùng thẻ BHYT đó… đi sinh con, mổ đẻ lần thứ 2.

Tương tự "việc không thể xảy ra đó", có trường hợp bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT có mã số đó đi cắt toàn bộ tử cung rồi, vài tháng sau lại dùng cùng thẻ BHYT đó đi… sinh con.

Hoặc có trường hợp hệ thống chi trả quyền lợi BHYT đã ghi nhận bệnh nhân đó từng phẫu thuật cắt toàn bộ dạ dày rồi, vài tháng sau lại dùng thẻ BHYT đó đi… cắt dạ dày.