DNews

Nữ sinh học nghề làm móng vì thần tượng mẹ, tự tin thu nhập chín con số

Hoàng Hồng

(Dân trí) - Nguyễn Phương Thảo không thi lớp 10 công lập mà theo học hệ trung cấp song bằng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội ngành chăm sóc sắc đẹp vì yêu thích công việc của mẹ mình.

Nữ sinh học nghề làm móng vì thần tượng mẹ, tự tin thu nhập chín con số

Học nghề hai năm có thể đuổi kịp người mẹ 20 năm kinh nghiệm

Nguyễn Phương Thảo, sinh năm 2007, trú tại Hà Nội, là một trong 30 học sinh của lớp chăm sóc sắc đẹp hệ trung cấp song bằng khóa 2022-2025, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội.

Hoàn thành chương trình lớp 9, Thảo không thi vào lớp 10 công lập mà nộp hồ sơ vào trường này với mong muốn nối nghề của mẹ - một người làm móng.

Từ nhỏ, Thảo đã gắn bó với bộ đồ nghề làm móng của mẹ, thông thuộc cách sử dụng các dụng cụ. Lớp 9, Thảo bắt đầu kiếm được tiền bằng việc làm móng cho bạn bè. Mỗi bộ móng hoàn thiện, Thảo lấy giá 100 ngàn đồng. 

Hình ảnh mẹ ngày ngày xách hộp đồ nghề đi làm cho khách theo lịch hẹn với gương mặt xinh đẹp và nụ cười rạng rỡ là một hình mẫu lý tưởng trong mắt Thảo. Một cách tự nhiên, Thảo xác định sớm công việc khi trưởng thành mà không mông lung, bối rối lựa chọn như bạn bè đồng trang lứa. Bởi sở thích của em chỉ tập trung quanh chuyện làm móng, trang điểm, chăm sóc da. 

Nữ sinh học nghề làm móng vì thần tượng mẹ, tự tin thu nhập chín con số - 1

Nguyễn Phương Thảo - học sinh hệ trung cấp song bằng ngành chăm sóc sắc đẹp Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: Lan Nguyễn).

Đó cũng là ba mảng chính của ngành chăm sóc sắc đẹp mà Thảo đang học để lấy bằng trung cấp nghề.

Bước sang năm học thứ hai, Thảo bắt đầu thấy rõ sự khác biệt giữa bản thân và mẹ. Tự nhận tay nghề chưa thể bằng mẹ - một người có kinh nghiệm gần 20 năm, song Thảo tự tin có nhiều điểm hơn mẹ.

"Các xu hướng làm móng mới nhất, thời thượng nhất em cập nhật trước mẹ do chăm chỉ lên mạng theo dõi người nổi tiếng, nghệ sĩ. Có nhiều kỹ thuật mới mẹ chưa biết thì em đã biết.

Em cũng làm được nhiều mẫu cầu kỳ hơn mẹ do được dạy bài bản về thao tác, cách sử dụng hóa chất, chất liệu an toàn. Hiểu về hóa chất, chất liệu là nền tảng để em có thể sáng tạo, tự do thể hiện các ý tưởng trong đầu", Thảo chia sẻ.

Trong lớp, lợi thế "con nhà nòi" khiến Thảo nổi trội so với bạn bè. Giỏi ở môn làm móng, Thảo cũng được khen ngợi ở chuyên ngành trang điểm. 

Thảo từng rất tự tin về khả năng trang điểm của mình. Nhưng từ khi vào trường, Thảo vứt bỏ thói quen cũ để học lại từ đầu.

Nữ sinh học nghề làm móng vì thần tượng mẹ, tự tin thu nhập chín con số - 2

Các tiết học thực hành ngành chăm sóc sắc đẹp tại Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội (Ảnh: HNIVC).

"Trước đây em trang điểm bằng kiến thức học "mót", bỏ qua rất nhiều bước vì nghĩ không cần thiết. Nhưng hiện tại em tuân thủ đầy đủ quy trình các bước khi trang điểm và kết quả thực sự khác biệt về mặt thẩm mỹ.

Việc tuân thủ quy trình này giúp gương mặt trở nên hoàn chỉnh hơn, không gặp lỗi thường thấy như mốc da, loang lổ. Quan trọng hơn nữa là sức khỏe của da được cải thiện, không bị kích ứng, nổi mụn. 

Em cũng hình thành thói quen mới là đọc thành phần sản phẩm để hiểu sâu, hiểu kỹ về hóa mỹ phẩm chăm sóc da trước khi sử dụng cho bản thân hay mọi người. Em nghĩ điều này rất có ý nghĩa khi mình làm cho khách hàng", Thảo tâm sự.

Hết năm học này, ở tuổi 17, Thảo có bằng trung cấp nghề chăm sóc sắc đẹp. Sau đó, em có thêm một năm học nữa để lấy bằng THPT. Thảo dự định sẽ xin việc ở các spa lớn để tích lũy kinh nghiệm và có chút vốn trước khi mở một spa của riêng mình. 

Em bày tỏ: "Làm chủ một cơ sở chăm sóc sắc đẹp là để làm nghề chuyên nghiệp. Còn ước mơ của em là trở thành một chuyên gia làm móng, sáng tạo những bộ móng tay độc đáo cho giới giải trí, người nổi tiếng".

Một học sinh xuất sắc khác trong lớp Thảo là Nguyễn Trung Hiếu. Chàng trai Hà Nội 16 tuổi nhút nhát, rụt rè và kiệm lời nhưng lại nổi bật trong các buổi học và thực hành. Hiếu cũng là một trong số rất ít nam sinh theo học ngành này.

Hiếu không có hình mẫu thực tế như Thảo. Điều dẫn dắt em chọn nghề là các diễn viên, ca sĩ giải trí. Thế hệ Gen Z như Hiếu không còn quan niệm làm đẹp chỉ dành cho nữ giới. Nam giới trong xã hội hiện đại cũng trang điểm và chăm sóc da như một phần quan trọng của chăm sóc bản thân. 

Nữ sinh học nghề làm móng vì thần tượng mẹ, tự tin thu nhập chín con số - 3

Nguyễn Trung Hiếu - học sinh hệ trung cấp song bằng ngành chăm sóc sắc đẹp (Ảnh: Lan Nguyễn).

Hiếu cho biết, em không gặp cản trở nào khi chọn học ngành chăm sóc sắc đẹp thay vì học các ngành kỹ thuật vốn được mặc định là dành cho nam. Còn khi Hiếu bày tỏ suy nghĩ với cô giáo cấp 2, cô đã động viên rằng "em cứ chọn thứ mà em thấy yêu thích".

Năm học trước, có thời điểm Hiếu nản, nghĩ mình chọn sai nghề. Kỹ thuật spa không dễ, có quá nhiều thao tác mà Hiếu không thể nhớ được hết. Bản thân là nam cũng khiến Hiếu bất lợi như không có sự dẻo dai, khéo léo của đôi tay như các bạn nữ, làn da tay không mềm mại. 

Bù lại, giáo viên nhận xét Hiếu có sự cẩn thận, tỉ mỉ và chỉn chu, phẩm chất và kỹ năng rất cần thiết cho một kỹ thuật viên spa.

Nói về cơ hội công việc và thu nhập sau khi ra trường ở tuổi 18, Thảo và Hiếu đều rất tự tin. Hiếu nói em sẽ vào làm việc tại một spa và nhận lương ổn định, không có tham vọng gì. Còn Thảo mạnh dạn: "Vào mùa cao điểm, thu nhập của mẹ em được tám - chín con số. Em tin thu nhập của em sẽ ít nhất bằng hoặc cao hơn mẹ".

Sức hút của mã ngành "nóng", đào tạo đặt hàng

 Mã ngành chăm sóc sắc đẹp Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đã tuyển sinh được ba năm. Năm đầu tiên, trường chỉ tuyển được một lớp khoảng 30 học sinh. Bước sang năm thứ ba, quy mô của ngành tăng gấp đôi, từ 1 lớp lên 2 lớp với hơn 60 học sinh.

Đây cũng là một trong những ngành tuyển sinh thuận lợi nhất của hệ trung cấp cùng với ngành du lịch, tự động hóa, sản xuất thông minh…

Bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội - cho biết hệ trung cấp song bằng (học trung cấp nghề song song với học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT) có xu hướng tăng quy mô những năm gần đây. 

Học sinh vừa có bằng nghề vừa có bằng văn hóa sau 3 năm học, có thể gia nhập thị trường lao động ở tuổi 18 với kỹ năng nghề hoàn chỉnh, được miễn 100% học phí học nghề. Những lợi thế này đã thu hút ngày càng đông học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 theo học, trong đó học sinh nội đô Hà Nội chiếm một tỷ lệ lớn.

Thị trường dịch vụ chăm sóc sắc đẹp tại Việt Nam ngày càng sôi động, không chỉ giới hạn ở các đô thị và tầng lớp thu nhập cao như trước đây, kéo theo nhu cầu lớn về nguồn lao động được đào tạo trường lớp bài bản, có kỹ năng nghề cao.

Do đó, việc mở mã ngành chăm sóc sắc đẹp cho hệ trung cấp song bằng là bước đi khôn ngoan của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đồng thời góp phần thúc đẩy quá trình chuyên nghiệp hóa của lĩnh vực này.

Tuy nhiên, với hệ cao đẳng, các trường phải đặt một câu hỏi khác cho đào tạo. Không phải "thị trường cần gì?" mà là "doanh nghiệp cần gì?".

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội hiện có 80 sinh viên đang thực tập tại Vinfast ở mảng dịch vụ sau bán hàng sau khi 45 sinh viên khóa trước đã ký hợp đồng lao động chính thức với hãng này.

Trường cũng đang có hơn 100 sinh viên theo học chương trình với Luxshare - công ty của Trung Quốc sản xuất AirPods Pro cho Apple; 200 sinh viên theo học nghề điện với doanh nghiệp của Đài Loan.

Bà Phạm Thị Hường chia sẻ, đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp là chương trình mũi nhọn của nhà trường. Chương trình có tính ứng dụng cao, cung cấp trực tiếp nguồn nhân lực lao động có kỹ năng nghề đạt tiêu chuẩn về chất lượng lẫn số lượng.

Doanh nghiệp đưa chương trình riêng lồng ghép vào chương trình đào tạo của nhà trường, cung cấp thêm các môn học mới mang tính chuyên biệt, tân tiến, cập nhật xu hướng toàn cầu như: EPLAN (phần mềm thiết kế điện phổ biến nhất châu Âu và khu vực bắc Mỹ), ứng dụng PLC (ứng dụng lập trình thực hiện các thuật toán điều khiển logic), ứng dụng Vision (hệ thống thị giác máy nhằm phát hiện lỗi trong các dây chuyền sản xuất công nghiệp)... 

Nữ sinh học nghề làm móng vì thần tượng mẹ, tự tin thu nhập chín con số - 4

Sinh viên khoa công nghệ ô tô Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội đi thực tập tại công ty Vinfast (Ảnh: HNIVC).

Các thiết bị trực quan hiện đại được doanh nghiệp chuyển tới trường phục vụ công tác giảng dạy và thực hành. Chuyên gia của doanh nghiệp vừa kết hợp đào tạo vừa chuyển giao đào tạo cho đội ngũ giáo viên của trường thông qua các buổi tập huấn, trợ giảng. Với doanh nghiệp nước ngoài, chương trình đào tạo ngoại ngữ cho sinh viên do chính doanh nghiệp phụ trách.

Song, dù sở hữu các chương trình đào tạo hấp dẫn đảm bảo đầu ra cho người học, việc tuyển sinh của trường không dễ dàng. Công tác phân luồng ở bậc THPT chưa được thực hiện tốt. Công tác truyền thông cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi phải cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học. 

Bên cạnh đó, chương trình đào tạo theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp đòi hỏi chất lượng dạy và học ở mức cao. Nhiều sinh viên không chịu được áp lực hoặc định hướng nghề nghiệp không vững vàng đã bỏ cuộc. Có khóa đào tạo đầu vào khoảng 1.400 sinh viên nhưng ra trường chỉ còn khoảng 1.100, tỷ lệ thất thoát khoảng 21%.

Từ thực tế này, bà Hường cho rằng việc đào tạo lao động có kỹ năng nghề không chỉ phụ thuộc vào chương trình học mà còn đòi hỏi sự định hướng, động viên, hỗ trợ liên tục từ phía nhà trường dành cho học sinh, sinh viên.

"Các em cần sự đồng hành, hướng dẫn thường xuyên và kịp thời để nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, giá trị của kỹ năng lao động đối với sự phát triển nghề nghiệp, cơ hội thăng tiến, nâng cao thu nhập trong tương lai", bà Hường chia sẻ.

"Từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định ngày Kỹ năng lao động Việt Nam đến nay (4/10/2020-4/10/2023), chúng ta đã có những chính sách quan trọng để thúc đẩy kỹ năng lao động.

Chính sách về đào tạo kỹ năng nghề cho người lao động đáp ứng yêu cầu cách mạng công nghiệp lần thứ tư (được ban hành tại Quyết định số 1446/QĐ-TTg ngày 30/8/2021 của Thủ tướng Chính phủ) đã phê duyệt "Đề án thí điểm đào tạo, đào tạo lại nâng tầm kỹ năng người lao động đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư". 

Mục tiêu tổng thể của Đề án là xây dựng mô hình đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực ở các trình độ giáo dục nghề nghiệp (GDNN) để có kiến thức, kỹ năng phù hợp, có thể tiếp thu, làm chủ, khai thác, vận hành hiệu quả những tiến bộ công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư; gắn kết, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp về nhân lực; góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc gia, sẵn sàng đón nhận làn sóng đầu tư FDI mới dịch chuyển vào Việt Nam.

Chính sách về chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp được ban hành tại Quyết định số 2222/QĐ-TTg ngày 30/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

Chính sách nhằm triển khai các hoạt động giáo dục nghề nghiệp trên môi trường số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, hoạt động dạy học, phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá giúp tăng cường hiệu quả công tác quản lý và mở rộng phương thức cũng như cơ hội tiếp cận GDNN tạo đột phá về chất lượng, tăng nhanh số lượng đào tạo, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực có kỹ năng nghề, tăng năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Nữ sinh học nghề làm móng vì thần tượng mẹ, tự tin thu nhập chín con số - 5

Bà Nguyễn Thị Việt Hương - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Ảnh: DVET).

Chính sách khuyến khích doanh nghiệp hợp tác với cơ sở GDNN trong đào tạo kỹ năng mềm, kỹ năng số và kỹ năng nghề xanh. Đây là nội dung quan trọng đã được nêu trong Nghị quyết số 45/NQ-CP ngày 31/3/2023 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 3/6/2017 của Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương khóa XII nhằm nâng cao trình độ cho thanh niên, người lao động, đáp ứng mục tiêu nguồn nhân lực chất lượng và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp.

Các chính sách nêu trên là cơ sở pháp lý để cơ quan quản lý nhà nước cấp trung ương và địa phương về giáo dục nghề nghiệp tập trung, chỉ đạo nhiều đến việc thực hiện chính sách phát triển kỹ năng nghề cho người lao động.

Bên cạnh đó, hợp tác, gắn kết giữa doanh nghiệp với cơ quan quản lý nhà nước và cơ sở GDNN đã được cải thiện. Rất nhiều nội dung và hình thức về hợp tác, gắn kết giữa ba chủ thể này đã được tích cực triển khai thực hiện. 

100% cơ sở GDNN có phối hợp, hợp tác chặt chẽ với doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện chính sách theo nhiều hình thức khác nhau như: xây dựng kế hoạch đào tạo, chương trình đào tạo, giảng dạy, kiểm tra và đánh giá học sinh sinh viên, cử học sinh sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp; tiếp nhận học bổng cho học sinh sinh viên và trang thiết bị phục vụ đào tạo từ doanh nghiệp; đào tạo lao động cho doanh nghiệp theo hợp đồng đào tạo; cung cấp học sinh sinh viên đã tốt nghiệp cho doanh nghiệp thông qua tuyển dụng. 

Nhờ đó, năng lực tổ chức đào tạo, năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý của các cơ sở GDNN đã được tăng cường. 

Các mô hình, hình thức hợp tác giữa hai bên được đánh giá là đa dạng và phong phú; đạt được nhiều kết quả được các cơ sở GDNN, doanh nghiệp và xã hội ghi nhận; đã từng bước đáp ứng được nhu cầu nhân lực có kỹ năng nghề của doanh nghiệp về số lượng, chất lượng và cơ cấu ngành nghề", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Thị Việt Hương.