Xuất ngoại làm đầu bếp, sửa ống nước, lương cao hơn công chức
(Dân trí) - Du học nghề, ra nước ngoài làm công việc lao động chân tay như làm đầu bếp, sửa điện, sửa ống nước, lái xe tải… có mức lương cao, nhu cầu nhân lực lớn.
Thông tin trên được đưa ra tại hội thảo chuyên đề định hướng nghề nghiệp và ngành học dành cho học sinh có kế hoạch đi du học, diễn ra tại Hà Nội chiều 9/7.
Hội thảo nhằm giúp học sinh xác định ngành học phù hợp khả năng bản thân, cách chọn trường phù hợp với ngành học, nắm bắt các ngành nghề đang "hot" và có nhiều cơ hội việc làm sau tốt nghiệp...
Top 10 ngành nghề thiếu hụt nhân lực
Trong bài chia sẻ tại hội thảo, bà Trần Phương Hoa, sáng lập viên và Giám đốc Tổ chức giáo dục Summit, thành viên Hiệp hội tư vấn du học quốc tế, đánh giá sơ bộ về tình trạng du học sinh thiếu thông tin về ngành nghề lao động.
Đặc biệt, nhiều thông tin gây bất ngờ về một số ngành nghề có cơ hội việc làm tốt ở nước ngoài.
Dẫn số liệu từ website của chính phủ Anh, bà Hoa cho biết, top 10 ngành nghề thiếu hụt nhân lực tại nước này trong năm vừa qua gồm: Dịch vụ sức khỏe và chăm sóc người già; nghiên cứu khoa học (lý, hóa, sinh); kỹ sư điện, điện tử, cơ khí, dân dụng; kiến trúc sư; thiết kế và phát triển phần mềm; lập trình viên, phát triển phần mềm; chuyên gia bảo mật CNTT; nhà sản xuất, đạo diễn nghệ thuật; nghệ sỹ; bác sỹ thú y.
Tại Úc, theo dữ liệu visa cho người nhập cư có trình độ lao động cao, tính đến tháng 3/2023, top 3 ngành nghề cần nhất là: Kỹ sư phần mềm, phân tích nghiệp vụ kinh doanh và đầu bếp.
Một số người di cư ra nước ngoài làm các công việc lao động chân tay như: Đầu bếp, hái quả, sửa điện, sửa ống nước, lái xe tải… rất dễ kiếm việc, lương cao hơn công chức nhà nước hoặc người làm trong các văn phòng.
Ở Canada, theo trang web của chính phủ nước này, top 10 ngành nghề thiếu hụt lao động trong 10 năm tới gồm nhóm khoa học ứng dụng và nhóm sức khỏe.
Trong đó nhóm sức khỏe tập trung các ngành như y tá, chuyên gia trị liệu, chuyên gia dinh dưỡng, kỹ thuật viên vận hành thiết bị y tế.
Riêng ngành điều dưỡng, dù công việc hơi vất vả nhưng quốc gia nào cũng cần, cơ hội ở lại định cư rất tốt.
Tại Mỹ, theo dữ liệu visa dành cho các lao động có chuyên môn, trong top 10 ngành nghề có tỷ lệ xin visa tăng cao nhất 2022, có 8 ngành liên quan đến CNTT và hai ngành nghề khác. Như vậy, CNTT là ngành tương đối an toàn cho những du học sinh muốn ở lại Mỹ.
Nhà kinh doanh 30 năm, con chưa từng đến xưởng
Chia sẻ thêm về những ngành học dễ có cơ hội xin việc và định cư, Ngọc Nguyễn, Đại học York (Anh) cho hay, so với một số quốc gia khác, chính sách định cư ở đây khó hơn.
Mặc dù vậy, các du học sinh có thể chọn các ngành về khoa học máy tính, CNTT bởi theo xu thế, đây vẫn là những ngành khát nhân lực.
"Nhìn chung, các du học sinh nên ưu tiên tìm thật kỹ thông tin về trường, ngành học. Ở cấp 3, ngành học là yếu tố rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến công việc sau này, vậy nên cần đầu tư, tính toán kỹ", Ngọc nêu kinh nghiệm.
Thủy Phan, Đại học Tasmainia (Úc), cũng nhận định, xét về thị trường lao động, một số nhóm ngành hiện có nhu cầu nhân lực rất cao như công nghệ, kỹ thuật, khoa học sức khỏe, giáo dục…
"Mình không chắc chắn mọi sinh viên tốt nghiệp các ngành này có thể định cư tại đây nhưng chắc chắn cơ hội đang rất rộng mở chờ đón nhân lực chất lượng cao ở những ngành học đó", Thủy Phan chia sẻ.
Chia sẻ thêm, bà Phương Hoa nêu những hạn chế với du học sinh trước khi đi hoặc khi tìm kiếm cơ hội việc làm ở nước ngoài, đó là thiếu hụt thông tin, thiếu định hướng. Thực tế, nhiều gia đình chưa biết định hướng cho con từ lớp mấy.
Theo chuyên gia này, nên định hướng nghề nghiệp cho các con càng sớm càng tốt, thậm chí từ khoảng lớp 8.
Trước hết, cha mẹ cần rèn luyện con trẻ về kỹ năng mềm, tính độc lập, thậm chí cho đi du lịch để trải nghiệm, khám phá cuộc sống.
Gia đình có thể nói chuyện với con về nghề nghiệp của bố mẹ, để các con tiếp xúc hoặc cọ xát với công việc của gia đình.
Nếu nhà có công ty riêng, bố mẹ có thể nói về tài chính: "Tôi được biết nhiều em gia đình kinh doanh 30 năm nhưng con chưa bao giờ đặt chân tới xưởng của nhà mình", bà Hoa nhận xét.
Về ngành nghề và chiến lược nộp hồ sơ, chuyên gia Trần Phương Hoa gợi ý, học sinh nhắm đến mục tiêu du học nên tham gia những cuộc thi uy tín, tìm kiếm cơ hội nghiên cứu ngay từ khi trên ghế nhà trường.
Với ngành kinh tế hoặc kinh doanh, người học có thể đọc sách, học online, tham gia các hoạt động ngoại khóa… Với các ngành xã hội, cần đọc nhiều, viết nhiều để chuẩn bị hồ sơ bài bản, thuyết phục hơn.
Khi chọn ngành, nếu có hứng thú ở những ngành tính cạnh tranh cao như y dược, hóa sinh, ứng viên không nên "bỏ hết trứng vào một rổ".
Gợi ý từ chuyên gia này, ứng viên nên nộp thêm hồ sơ ở một số quốc gia khác, để có thêm lựa chọn nếu năm đó trường cạnh tranh khốc liệt quá.
Kinh nghiệm khác là chọn trường linh hoạt giữa các ngành học, nếu không thích ngành này có thể chuyển sang ngành kia phù hợp hơn.