Nữ nhân viên ngân hàng bỏ việc, làm mâm cỗ Tết từ nguyên liệu không tin nổi
(Dân trí) - Thùy Dương và các cộng sự mất 5 ngày liên tiếp để hoàn thành mâm cỗ Tết làm từ bánh ngọt. Nhiều người xem "không dám tin" vào mắt mình vì các món ăn trông như thật.
Mâm cơm Tết từ… bánh ngọt
Ngày đầu năm, Thùy Dương (29 tuổi, ở Hà Nội) đăng tải bộ ảnh mâm cơm Tết cổ truyền mang tên Vị xưa lên một hội nhóm đông thành viên. Sau thời gian ngắn, bộ ảnh gây bão mạng xã hội với hơn 7.000 lượt yêu thích, hàng nghìn bình luận và chia sẻ.
Điều đặc biệt là toàn bộ mâm cơm từ chiếc bát, đôi đũa đến những món ăn đậm hương vị Tết như bánh chưng, nem rán, giò, dưa hành... đều được làm từ bánh ngọt, kẹo đường. Các tạo hình được thực hiện theo tỷ lệ 1:1 với mâm cỗ thật, hoàn toàn ăn được.
Từng họa tiết và hoa văn trên bát được vẽ tỉ mỉ bằng tay, giống hệt những chiếc đĩa, chiếc bát tráng men thời xưa. Để vẽ được những hoa văn này, Dương đã cố gắng tìm kiếm những mẫu bát thông dụng cách đây hơn 20 năm.
"Trong ký ức của tôi, hương vị Tết là nem rán với đầy đủ nhân thịt, mộc nhĩ, hành hoa, nấm hương, rau mùi... chứ không sơ sài cho qua bữa như thường ngày. Là đĩa bánh chưng ăn cùng dưa hành mẹ muối, là bát canh măng hay bóng bì nóng hổi mà bình thường chẳng có thời gian cầu kỳ", cô tâm sự.
Mâm cơm Tết Vị xưa là cách Thùy Dương gợi nhớ về cái Tết đầm ấm, sum vầy. Cô đã ấp ủ ý tưởng này cách đây 4-5 năm, từng làm thử nhưng thất bại vì tay nghề chưa đủ khéo léo.
Cuối tháng 12/2024, nhận thấy khả năng đã chín muồi, cô cùng 8 cộng sự bắt tay "phù phép" cho những chiếc bánh ngọt. Cô phụ trách các công đoạn chính, quản lý và giám sát, trong khi những người còn lại tạo hình những phụ kiện.
Nhóm của Dương làm việc liên tục trong 5 ngày, có ngày kéo dài đến 22h. Họ sử dụng nguyên liệu chính là đường xay và socola, cẩn thận nhào nặn từng món ăn và bát, đũa.
"Chúng tôi mất nhiều thời gian nghiên cứu, nhờ người thân ở quê tìm lại những mẫu bát, đĩa cổ để mô phỏng sao cho giống thật nhất", Dương nói.
Không chỉ tạo hình bên ngoài sản phẩm mà tất cả chi tiết, nguyên liệu bên trong cũng được nhóm chuẩn bị kỹ càng. Đối với nhân nem rán, Dương tạo hình mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt bào sợi… rồi gói vào bánh đa nem.
Cô dùng cốt bánh cacao, phủ kem socola và bọc kẹo đường, để tạo hình bánh chưng. Bốn người trong nhóm tỉ mẩn nặn từng hạt gạo, có hạt tròn hạt méo trông giống như đã luộc chín, rồi đính lên bề mặt chiếc bánh.
Riêng bát canh bóng bì hay thịt đông, cô sử dụng thêm chất liệu gelatin để tạo độ trong và bóng (dạng thạch), từ đó nhìn rõ nhân bên trong. Cô cũng quan sát thật lâu miếng thịt từ thực tế, rồi khéo léo vẽ từng vân lên "miếng thịt quay tẩm ngũ vị hương".
Bánh chưng, nem rán, dưa hành, bát canh... đều là bánh ngọt, có thể ăn được (Ảnh: Tô Sa).
Dương nhận định mâm cơm Tết chưa quá hoàn hảo, song đã gợi được những kỷ niệm xưa, đậm nét hương vị cổ truyền trong những ngày sát Tết.
"Công việc chính của tôi là đào tạo, kinh doanh bánh ngọt, do đó mâm cơm Tết lần này chính là thử thách khi tận dụng chất liệu làm bánh để tạo ra sản phẩm đẹp mắt mang nhiều ý nghĩa", cô chia sẻ.
Hà Đức Hưng, 22 tuổi, thành viên trong nhóm, cho biết tham gia hoạt động làm mâm cỗ Tết để vơi bớt nỗi nhớ quê hương. Dù tất cả công đoạn đều làm theo khuôn có sẵn, chàng trai cho hay từng người đã không ngừng sáng tạo để thổi hồn vào tác phẩm.
"Ban đầu tôi hơi lấn cấn vì không biết làm sao cho đúng, nhưng vừa làm vừa rút kinh nghiệm và tạo ra một sản phẩm mĩ mãn", Hưng nói.
Thùy Dương trưng bày mâm cỗ Tết độc đáo giữa không gian xưa tại một quán cà phê ở quận Ba Đình trong vòng một tuần. Khi đăng tải lên mạng xã hội, cô bất ngờ vì nhiều người nghĩ đây là mâm cỗ thật, thậm chí nhắn tin hỏi "mua bát, đũa ở đâu?".
Dương dùng socola và đường xay tạo hình mộc nhĩ, nấm hương, cà rốt bào sợi… rồi gói vào bánh đa nem (Ảnh: Nhân vật cung cấp).
Bỏ việc ngân hàng, theo đuổi đam mê thợ bánh
Đây không phải lần đầu Thùy Dương gây bão mạng xã hội với những sản phẩm độc đáo. Dịp Trung thu năm ngoái, cô chia sẻ chiếc bánh trung thu 3D mang tên Hồi ức, lấy cảm hứng từ những tiểu cảnh quen thuộc của làng quê Bắc Bộ, khiến người xem thán phục.
Thay vì sử dụng vỏ bánh nướng truyền thống, Dương dùng nước đường trắng theo công thức vỏ bánh nướng hiện đại để tùy chỉnh màu sắc sinh động. Về nhân bánh, cô sử dụng đậu xanh để dễ tạo hình.
Tất cả chi tiết từ bếp cổ, giếng nước đến bức tường rêu phong, cây xanh… đều được Dương nặn thủ công dù cô thừa nhận "vẫn còn nhiều hạn chế".
Cô cùng 3 cộng sự làm miệt mài trong 5 ngày mới hoàn thành chiếc bánh nặng 30kg. Công đoạn khó khăn nhất là bánh sau khi nướng dễ bị gãy và cong, đôi lúc phải gỡ hàng trăm viên ngói làm lại khiến cả nhóm nản chí.
Thùy Dương tốt nghiệp khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng vào năm 2017. Cô bắt đầu công việc tại một ngân hàng với mức lương 11 triệu đồng/tháng.
Tháng 10/2019, cô nghỉ việc, dùng số vốn 20 triệu đồng để bắt đầu "con đường mới". Quyết định của Dương khiến nhiều người bất ngờ, nhưng riêng cô đã có sự chuẩn bị từ trước.
Dương vốn yêu thích làm bánh từ khi còn là sinh viên, nên trong thời gian làm việc tại ngân hàng, cô vẫn duy trì nghề tay trái, có lượng khách hàng ổn định của riêng mình.
Thời điểm đó, Dương vừa làm vừa học thêm, không ngừng trau dồi kiến thức và nâng cao tay nghề, sáng tạo những chiếc bánh độc lạ, bắt mắt. Từ một kẻ "tay ngang", cô dần chuyên nghiệp và định hình phong cách riêng.
Từ năm 2021, cô đã có ý tưởng biến mỗi chiếc bánh Trung thu thành tác phẩm nghệ thuật. Cô chia sẻ do có năng khiếu vẽ và yêu công việc làm bánh nên mỗi chiếc bánh cô làm ra ngoài việc ngon miệng thì khâu trang trí cũng được chú trọng.
Cô thử vẽ tranh trên nền bánh Trung thu để thỏa mãn đam mê và cũng là để thay áo mới cho mẫu bánh truyền thống. Bánh không bị ảnh hưởng bởi hương vị và bản vẽ chỉ là một lớp mỏng trên bề mặt, khách hàng có thể lựa chọn không ăn phần vẽ nếu không muốn.
"Một chiếc bánh không chỉ ngon, hợp khẩu vị của người ăn mà còn phải đẹp, mang giá trị thẩm mỹ cao. Các tác phẩm bánh trung thu tranh dân gian đang đi đúng theo nhu cầu đó", Dương nói.
Năm 2023, Dương "trình làng" những chiếc bánh trung thu nướng 3D đẹp như điêu khắc, có nhiều tạo hình hấp dẫn như: Con gà, con trâu, quán cà phê nhỏ... Bánh được nhận xét sinh động, "đẹp như một tác phẩm điêu khắc bằng gỗ", cần bảo quản kín như đồ ăn, nếu không cho vào tủ lạnh có thể sử dụng hơn một tuần.
"Tôi ấp ủ nhiều dự định trong năm mới, nhất định sẽ tạo ra nhiều dấu ấn cho bản thân, không chỉ riêng dịp Tết mà còn các ngày lễ khác để quảng bá rộng rãi văn hóa ẩm thực Việt Nam", Dương tâm sự thêm.