Phi công dù lượn Việt kể phút khó tin bay trên đỉnh Kim Tự Tháp, sông Nile
(Dân trí) - Dương Đông Quân là một trong những phi công dù lượn động cơ đầu tiên của Việt Nam bay lượn trên đỉnh Kim Tự Tháp, chinh phục bầu trời nơi có nền văn minh lâu đời nhất của nhân loại.
Đầu tháng 11, Dương Đông Quân (30 tuổi, ở Bình Dương) có chuyến đi Ai Cập kéo dài 10 ngày. Anh là một trong những phi công dù lượn động cơ đầu tiên của Việt Nam bay trên đỉnh Kim Tự Tháp.
"Đó thực sự là một trải nghiệm không thể quên đối với tôi - một người rất đam mê văn hóa Ai Cập cổ đại", Quân nói.
Trước khi tham gia chuyến bay, anh đã xem và đọc nhiều tài liệu về Ai Cập. Nhưng khi được cất cánh trên bầu trời Ai Cập, nhìn xuống Kim Tự Tháp, cảm giác đó hoàn toàn khác biệt.
"Cảm giác bay sát bên Kim Tự Tháp thật khó để miêu tả bằng lời. Tôi có thể nhìn thấy toàn bộ quần thể Kim Tự Tháp và những công trình cổ đại, cảm nhận rõ dòng thời gian và sự huyền bí mà nền văn hóa cổ xưa này mang lại. Đây thực sự là một khoảnh khắc đáng nhớ", nam phi công Việt phát biểu.
Bay trên đỉnh Kim Tự Tháp
Chuyến đi Ai Cập đến với Đông Quân khá bất ngờ, khi anh và phi công dù lượn động cơ Đặng Nhật Thanh được travel blogger (người mê du lịch) Đinh Hằng rủ tham gia.
"Trước đó, tôi đã xem một số video trên mạng xã hội về những chuyến bay trên Kim Tự Tháp. Sự huyền bí của kỳ quan thiên nhiên, cách thức người cổ đại xây dựng những công trình khổng lồ và các giá trị lịch sử đã thôi thúc tôi lên đường", anh nói.
Anh còn ấp ủ tìm kiếm Apollo - chú chó hoang nổi tiếng thường được bắt gặp leo lên đỉnh Kim Tự Tháp không rõ mục đích.
Đông Quân đã chi tiền cho vé máy bay, giấy phép và thuê thiết bị bay và chi phí đi lại, ăn ở cho hành trình 10 ngày tại Ấn Độ.
Khi bay dù lượn có động cơ ở nước ngoài, đặc biệt tham gia các sự kiện quốc tế như ở Ai Cập, anh được yêu cầu chuẩn bị một số hồ sơ và thủ tục đặc biệt.
Ban tổ chức yêu cầu người bay cung cấp chứng chỉ phi công quốc tế để chứng minh trình độ. Đây là yêu cầu bắt buộc đối với phi công muốn bay đơn. Ngoài ra, anh cũng cần cung cấp hộ chiếu và visa cho cơ quan tổ chức sự kiện.
Khi đơn vị cung cấp 2 lựa chọn: bay tandem (trải nghiệm bay cùng phi công có kinh nghiệm) và bay solo (bay một mình), Quân chọn phương án thứ 2.
Đông Quân chinh phục Kim Tự Tháp trong chuyến bay dù lượn động cơ hồi tháng 11 (Ảnh: NVCC).
Anh đã bay nhiều chặng từ TPHCM đến Cairo (thủ đô của Ai Cập), hết khoảng 18 tiếng, tụ họp cùng rất nhiều phi công từ 20 quốc gia. Nhóm hẹn gặp ở Cairo, dành 3 ngày tham quan các danh lam thắng cảnh và bay dù lượn trên đỉnh Kim Tự Tháp.
Sau đó, nhóm di chuyển xuống thành phố Hurghada tham gia các hoạt động bờ biển, lặn scuba (hình thức lặn biển sử dụng thiết bị hỗ trợ hô hấp dưới nước) trong 2 ngày. Điểm đến tiếp theo là thành phố Luxor nơi họ tiếp tục bay dù lượn động cơ, check-in các địa điểm nổi tiếng như: đền Luxor, đền Karnak, thung lũng các vị vua và sông Nile. Cuối cùng, nhóm quay trở lại thành phố Cairo rồi bay về TPHCM.
Ngày 3/11, Đông Quân thức dậy từ 4h sáng để chuẩn bị trang thiết bị. Một tiếng sau, nhóm đến điểm tập kết gần cổng vào Kim Tự Tháp, nơi chỉ dành riêng cho những người tham gia sự kiện.
"Điều này thật đặc biệt vì thông thường Kim Tự Tháp chỉ mở cửa vào khoảng 7- 8h đón du khách, nhưng chúng tôi có cơ hội đón bình minh ở đó mà xung quanh không có bóng người", anh kể.
Đến điểm bay, anh nhận trang thiết bị và kiểm tra động cơ để đảm bảo mọi thứ hoạt động bình thường. Anh và người bạn đồng hành đã mang dù từ Việt Nam. Tuy nhiên, do không kiểm tra kỹ, dù của Quân có vài vết rách, không thể bay được. Anh may mắn khi được sử dụng dù của ban tổ chức.
Trước khi cất cánh, tất cả phi công đều được phổ biến về an toàn bay và lộ trình. Thời tiết buổi sáng hôm đó được nhận định thuận lợi, đủ điều kiện bay.
Nam phi công Việt check-in nhiều địa điểm nổi tiếng tại Ai Cập trong chuyến đi 10 ngày của mình (Ảnh: NVCC).
Khoảng 7h30, Quân là người đầu tiên trong nhóm phi công của Việt Nam cất cánh. Từ trên cao, mọi công trình thu nhỏ, một không gian rộng lớn, vĩ đại hiển hiện trong mắt anh. Nam phi công không thể tin đang bay ngay trên và rất gần đỉnh Kim Tự Tháp, tượng Nhân sư lớn ở Giza - những di tích vốn chỉ thấy trong sách vở và tivi.
"Cảm giác khi là một trong những phi công đầu tiên của Việt Nam bay trên đỉnh Kim Tự Tháp thật sự rất đặc biệt và khó diễn tả bằng lời. Đó không chỉ là một trải nghiệm tuyệt vời mà còn là một niềm tự hào lớn", anh nói.
Một trong hai dù của đội Việt Nam in hình quốc kỳ đã tung bay trên bầu trời Ai Cập. Quân bày tỏ xúc động khi góp phần đưa hình ảnh dù lượn động cơ Việt Nam đến gần hơn với cộng đồng quốc tế. Với anh, bay dù lượn trên địa danh mang tính biểu tượng thế giới là một cột mốc quan trọng của cuộc đời.
Chuyến bay kéo dài một tiếng, sau đó phi công hạ cánh chuẩn bị nhiên liệu cho chuyến bay tiếp theo. Tuy nhiên, chuyến bay thứ hai đã phải trì hoãn do điều kiện thời tiết trở nên cực đoan.
"Từ lâu tôi đã đưa Ai Cập vào danh sách những quốc gia bắt buộc phải đặt chân đến trong đời và chuyến đi vừa rồi thực sự vượt ngoài sự mong đợi, thật sự rất tuyệt vời và mang lại nhiều trải nghiệm quý giá", Quân bày tỏ điều tâm đắc nhất trong chuyến đi.
Anh tiếc nuối vì không kịp tham quan các di chỉ cổ đại trong lịch trình, không gặp được chú chó Apollo. "Nhưng dẫu sao, chuyến đi vẫn là một kỷ niệm đáng nhớ và đầy ý nghĩa", anh nói.
Chi hơn 100 triệu đồng học bay dù lượn và sự cố nhớ đời
Đông Quân là một phi công tự do, biết đến dù lượn động cơ (Paramotor) từ 10 năm trước. Lúc bấy giờ, anh là sinh viên, chưa đủ điều kiện theo đuổi bộ môn này.
Dù lượn động cơ là môn thể thao hàng không siêu nhẹ, kết hợp giữa dù lượn và động cơ đẩy. Điểm đặc biệt của bộ môn này so với dù lượn truyền thống là phi công không cần lên núi hay địa hình cao để cất cánh mà có thể khởi hành ngay từ mặt đất nhờ lực đẩy của động cơ.
Hơn một thập kỷ trước, dù lượn ở Việt Nam còn sơ khai, không có các cơ sở đào tạo chính thống. Vài năm gần đây, với sự phát triển của cộng đồng và các chính sách pháp lý cởi mở, cộng đồng người chơi dù lượn và dù lượn động cơ ở Việt Nam phát triển mạnh mẽ.
Theo thống kê, cả nước hiện có 55 phi công dù lượn động cơ. Các cộng đồng dù lượn trải dài từ Nam ra Bắc, bao gồm các câu lạc bộ và liên đoàn.
Năm 2022, Quân mới có cơ hội bắt đầu bay dù lượn động cơ một cách nghiêm túc khi được Chủ tịch Liên đoàn Dù lượn Tây Ninh Trần Hùng Thắng hướng dẫn tập luyện rồi thi được chứng chỉ quốc tế.
Nam phi công kể lại, chuyến bay đầu tiên diễn ra ở Nha Trang, anh không cảm nhận được gì nhiều ngoài tâm trạng hồi hộp và lo lắng. Mọi giác quan đều phải tập trung cho kỹ thuật cần thực hiện trong chuyến bay. Đến lúc kỹ năng bay thành thạo hơn, anh mới thực sự tận hưởng cảm giác tự do và phấn khích mà môn thể thao này mang lại.
Theo anh Quân, bộ môn dù lượn động cơ đòi hỏi sự kiên nhẫn và tập trung cao độ, đặc biệt trong giai đoạn đầu, khi phi công phải làm quen các kỹ thuật điều khiển thiết bị và xử lý động cơ.
Môn thể thao này không chỉ đòi hỏi sức khỏe thể chất mà còn cần sự bình tĩnh và khả năng kiểm soát cảm xúc, vì sự phấn khích có thể khiến phi công thực hiện những hành động mạo hiểm dẫn đến nguy hiểm.
"Một trong những khó khăn lớn nhất tôi gặp phải là khả năng xử lý các tình huống bất ngờ khi bay, chẳng hạn như sự cố động cơ hoặc điều kiện thời tiết thay đổi đột ngột", anh giải thích.
Đăng Quân bay dù lượn động cơ tại một số tỉnh, thành trong nước như Tây Ninh, Hạ Long... (Ảnh: NVCC).
Lần gặp sự cố nguy hiểm nhất với Quân là lần bay ở Nha Trang. Thông thường trong các chuyến bay, anh sử dụng camera 360 để ghi lại hình ảnh. Trong một lần, khi đã ở độ cao 70m-100m, anh khóa dây phanh (dây điều khiển dù) vào chỗ cố định để rút camera. Không may, chốt gài dây bất ngờ bung ra khiến dây phanh bị động cơ hút vào lồng bảo vệ phía sau.
Cánh quạt đã chém trúng dây phanh văng ra khỏi lồng. Nếu dây phanh không văng mà bị cuốn vào động cơ sẽ kéo theo cánh dù sụp đổ hoàn toàn và phi công có thể rơi tự do từ độ cao 70m-100m. Với khoảng cách đó, thời gian để bung dù phụ là không đủ và hậu quả có thể sẽ rất nghiêm trọng.
"Đây là bài học lớn với tôi về việc phải luôn cẩn thận trong mọi thao tác, kể cả những hành động nhỏ nhất. Mỗi chuyến bay không chỉ là trải nghiệm tự do mà còn là sự cam kết tuyệt đối với an toàn", nam phi công cho hay.
Quân đã đầu tư hơn 100 triệu đồng cho việc đào tạo, thi chứng chỉ, thực hiện các chuyến bay nâng cấp kỹ năng và cải thiện trình độ.
Hiện anh sở hữu chứng chỉ quốc tế APPI PPG Pilot được cấp bởi APPI (Association of Paragliding Pilots and Instructors - Hiệp hội các phi công và huấn luyện viên dù lượn quốc tế, có trụ sở tại Thụy Sĩ). Đây là chứng nhận quan trọng để tham gia các sự kiện quốc tế và được công nhận là phi công dù lượn động cơ chính thức.
Để đạt được chứng chỉ này, anh đã trải qua các khóa đào tạo cơ bản và nâng cao một cách chính thống, vượt qua các bài thi gồm cả lý thuyết và thực hành.
Theo anh, một phi công dù lượn động cơ chuyên nghiệp cần rèn luyện nhiều kỹ năng quan trọng để tự chủ trên bầu trời, như điều khiển dù, xử lý tình huống, kiến thức khí tượng và bảo dưỡng thiết bị. Việc bay còn đòi hỏi thể lực tốt, tâm lý vững vàng, sự chịu đựng và ổn định của nhịp tim, đặc biệt khi phải đối mặt với các tình huống căng thẳng.
"Tôi tin rằng việc đạt được chứng chỉ là bước đi cần thiết để đảm bảo an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh khi tham gia môn thể thao này", Quân nói.
Giấc mơ chinh phục bầu trời
Đến nay, Đông Quân đã bay dù lượn động cơ tại một số tỉnh, thành trong nước như Tây Ninh, Vĩnh Phúc, Nha Trang, Hạ Long, bên cạnh hai địa điểm nổi tiếng của Ai Cập.
Là người đam mê du lịch, anh nhận thấy ngắm nhìn Việt Nam từ trên cao là một trải nghiệm "có một không hai", từ những dãy núi trùng điệp ở miền Bắc, đồng bằng xanh mướt ở miền Nam, đến đường bờ biển dài thơ mộng của miền Trung.
Từ dù lượn, cảm nhận về vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam trở nên đặc biệt hơn bao giờ hết.
"Bay trên bầu trời và nhìn xuống dưới, mọi thứ đều nhỏ bé và trật tự. Những khung cảnh quen thuộc bỗng trở nên mới lạ, kỳ vĩ và đầy sức sống, như đánh thức toàn bộ giác quan của tôi", Quân cho hay.
Đông Quân hi vọng truyền cảm hứng, động lực cho những người chung đam mê chinh phục bầu trời (Ảnh: NVCC).
Sau chuyến bay chinh phục Kim Tự Tháp, nam phi công đặt ra 2 mục tiêu đặc biệt trong tương lai: bay qua tượng Chúa Kitô cứu thế ở Rio de Janeiro, Brazil và Vạn Lý Trường Thành ở Trung Quốc. Cả 2 địa danh này đều là những kỳ quan thế giới nổi tiếng, hứa hẹn đem đến những trải nghiệm đặc biệt với chàng trai Việt.
Nhìn lại hành trình đến với dù lượn động cơ, Đông Quân biết ơn những khoảnh khắc và cảm xúc đặc biệt mà bộ môn này đem đến. Bay lượn trên bầu trời, ngắm nhìn thế giới từ một góc độ hoàn toàn mới, giúp anh cảm nhận được sự tự do và hòa mình vào thiên nhiên.
"Cảm giác chinh phục những đỉnh cao, từ kỳ quan thế giới như Kim Tự Tháp đến những mục tiêu trong tương lai đều là động lực lớn giúp tôi kiên trì theo đuổi đam mê", anh nói.
Anh luôn hi vọng thêm nhiều người biết đến dù lượn động cơ như một bộ môn thể thao thú vị và độc đáo.
"Hãy kiên nhẫn và luôn học hỏi, chuẩn bị kỹ càng về kỹ thuật, sức khỏe và trang thiết bị. Đừng bao giờ bỏ qua sự an toàn, vì bộ môn này đòi hỏi sự cẩn thận và kỹ năng cao. Hãy tập luyện không ngừng và luôn giữ niềm đam mê trong mỗi chuyến bay. Chắc chắn mỗi lần trải nghiệm sẽ mang đến những khoảnh khắc không thể nào quên", Quân dành lời khuyên cho những người chung đam mê, yêu thích sự tự do và khám phá.