Những lần "bị đánh" thót tim với bảo mẫu của voi, hà mã
(Dân trí) - Với 11 thành viên trong tổ chăn nuôi, vườn thú như ngôi nhà thứ hai và những con voi, hà mã như con trẻ. Các "bảo mẫu" vui khi bầy thú khỏe mạnh và buồn lo mỗi lần voi, hà mã ốm bệnh, bỏ ăn.
Bầy con mọn khổng lồ
10h sáng, giữa thời tiết nắng nóng, oi bức của thủ đô Hà Nội, anh Nguyễn Hoàng Hải - nhân viên tổ chăn nuôi voi, hà mã (Xí nghiệp Chăn nuôi và Phát triển động vật số 1, vườn thú Hà Nội) kéo chiếc xe chở thức ăn đến khu vực sinh sống của hai chú voi châu Á.
Một ngày 3 lần, anh Hải và những thành viên trong tổ thay phiên nhau tiếp tế đồ ăn cho voi. Voi trưởng thành một ngày ăn hết khoảng 200kg cỏ tươi, 5kg gạo, 20kg khoai, bí đỏ, 15kg mía, có khi thay thế bằng ngô, bắp, đậu và hạt các loại…
Làm việc được khoảng nửa giờ, mồ hôi đã nhễ nhại trên khuôn mặt anh Hải. Anh đưa một tay quệt vội, tay còn lại vẫn liên tục đảo những phần cỏ tươi ngon nhất lên đầu để voi dễ nhìn thấy.
Người đàn ông 46 tuổi không ngừng vui cười. Anh nói, niềm vui lớn nhất của nhân viên trong tổ chăn nuôi bầy thú đặc biệt như voi, hà mã là khi nhìn thấy chúng khỏe mạnh, ăn ngấu nghiến hết sạch phần thức ăn được chuẩn bị.
Cùng lúc đó, bên khu vực nuôi hà mã, anh Phạm Ngọc Anh, 52 tuổi, tổ trưởng tổ chăn nuôi voi - hà mã cũng đang dọn "bữa xế" là củ quả cho hà mã.
Anh Ngọc Anh chia sẻ, ở khu động vật lớn, khẩu phần ăn của hà mã khác với những loài ăn thịt. Chúng chủ yếu ăn cỏ tươi, rau, củ, quả, cơm nắm, mỗi ngày ăn khoảng 70kg cỏ tươi.
"Thức ăn của voi hay hà mã rất đơn giản, tuy nhiên khẩu phần ăn của chúng lại có rất nhiều đồ phải chế biến. Ví dụ, gạo phải nấu thành cơm, nắm thành từng nắm, các loại thức ăn tinh, củ quả cần phải rửa sạch, đổ vào máng, thức ăn xanh đổ vào giàn…", anh nói.
Trong tổ chăn nuôi voi - hà mã có 1 nhân viên thú y được điều phối làm nhiệm vụ quan sát bữa ăn. Những thành viên còn lại trong tổ chăm sóc luôn phải túc trực ở vườn thú mỗi ngày để kịp thời xử lý những vấn đề phát sinh. Họ xem đó như ngôi nhà thứ 2 và những chú voi, hà mã như những đứa trẻ.
Thời gian rảnh, tổ trưởng tổ chăn nuôi voi - hà mã lại đi vòng bên ngoài song sắt quan sát xem môi trường sống của những chú voi, hà mã có tốt không, tâm trạng của "bầy con nhỏ" như thế nào. Đến gần hàng rào, anh đưa tay gõ nhẹ lên cửa, ngay lập tức chú hà mã 6 năm tuổi từ từ tiến đến, tựa đầu vào hàng rào chờ anh vuốt ve.
"Hà mã được cho ăn theo giờ, ngày 3 bữa, lâu dần thành quen nên cứ đến giờ chỉ gõ lên cửa là chúng lên bờ, ngửa mặt lên hàng rào đòi ăn", anh Ngọc Anh nói.
Theo chia sẻ của các nhân viên vườn thú, mỗi tổ chăm sóc động vật nói chung và tổ chăn nuôi voi - hà mã nói riêng luôn phải đối diện với khó khăn trong quá trình chăm sóc, bảo tồn những động vật quý hiếm này.
"Mỗi khi vào ca làm, việc đầu tiên của chúng tôi là phải để ý từ cử chỉ nhỏ nhất, quan sát mọi biểu hiện, cảm xúc của con thú. Cận ngày sinh, các nhân viên còn phải thay phiên nhau túc trực 24/24 mỗi khi có cá thể bị ốm.
Chế độ ăn uống cũng được thiết kế đặc biệt, có khẩu phần riêng, phụ thuộc vào sở thích, thói quen mà đội ngũ chăm sóc bổ sung thêm các món ăn ưa thích. Chuồng trại lúc nào cũng phải sạch sẽ, đảm bảo mùa đông luôn ấm, không bị lạnh, mùa hè luôn mát", anh Ngọc Anh chia sẻ.
"Đấu mắt" dò tính bầy thú khủng
Theo lời vị tổ trưởng tổ chăn nuôi voi - hà mã, công việc chăm sóc động vật to lớn cũng được xem là nghề nguy hiểm vì làm việc với thú, hoang dã. Nếu không dành thật nhiều tình yêu với bầy thú và nuôi "bọn trẻ" như con thì khó có thể làm được.
"Dù đã 20 năm chăm sóc, gần gũi và quen thuộc với bầy voi, hà mã nhưng khi làm việc, chăm thú, chúng tôi luôn phải cảnh giác để đảm bảo an toàn lao động. Bước vào chuồng, việc đầu tiên là phải để ý đến mắt voi.
Nếu đang tức giận hoặc không ưa người lạ, con vật sẽ giương mắt, sau đó là lấy vòi quật, lấy chân đạp, đá người. Nhân viên vào chăm sóc phải luôn nhìn vào mắt để có thể ứng phó kịp thời", anh Ngọc Anh nói.
Người đàn ông 21 năm làm việc tại vườn thú chia sẻ, hạnh phúc nhất là mỗi ngày thấy những "đứa con" mình nuôi phát triển mạnh khỏe, chỉ cần bầy thú không ốm đau là mừng.
"Đã có lần chứng kiến lão voi mình chăm sóc già đi rồi chết, cả tổ cùng buồn khóc. Hai năm cuối trước khi lão voi già rời xa nơi này là ngần đó thời gian tất cả anh em trong tổ thức khuya dậy sớm với con vật.
Voi cũng như con người vậy, khi về già thường hay ốm đau, bệnh tật. Anh em trong tổ lúc nào cũng phải để mắt, giữ không cho lão voi nằm xuống bởi với trọng lượng cơ thể to lớn như vậy, voi ốm mà ngã xuống thì không tài nào đỡ dậy được mà phải dùng máy cẩu", anh nói.
Gắn bó với vườn thú hơn 20 năm, anh Nguyễn Hoàng Hải có hơn 10 năm bên cạnh những chú voi châu Á. Anh chia sẻ, những ngày đầu làm việc ở vườn thú, anh ở bộ phận cây xanh, cơ duyên đưa anh tới chuồng voi lúc nào không hay.
"Từ ngày gắn bó với tổ chăn nuôi voi - hà mã thì như thời gian tôi ở đây nhiều hơn ở với gia đình. Lý là mỗi ngày làm 8 tiếng nhưng hết giờ làm việc, điện thoại lúc nào cũng phải để chuông, chỉ cần anh em trong tổ gọi điện, cả 11 thành viên đều lập tức có mặt.
Ở chuồng voi nhiều thành ra trên người luôn có mùi đặc trưng của voi. Nhiều lần về đến nhà, con gái tôi bảo người bố sao hôi thế, cũng tủi tủi nhưng đã chọn công việc này rồi, việc này với chúng tôi dần cũng thành quen. Rất may cả hai vợ chồng tôi đều làm công việc trong vườn thú nên rất thông cảm công việc của nhau", anh Hải trải lòng.
Theo anh Hải, căng thẳng, tập trung, lo lắng, sợ hãi và hạnh phúc… là những cảm xúc chỉ những người chăm sóc động vật to lớn như voi, hà mã mới hiểu. Đứng từ xa quan sát, có thể thấy bầy thú hiền lành, thân thiện nhưng thực tế, các nhân viên chăm sóc trực tiếp thực sự trải qua nhiều cảnh "thót tim".
Nhiều năm "ăn ngủ" cùng voi, chuyện anh Hải và những đồng nghiệp đối mặt với những nguy hiểm khi bị voi quật ngã, đá văng ra xa không phải chuyện hiếm gặp. Bởi vậy, các thành viên trong tổ luôn đề cao cảnh giác vì chuyện bị voi "đánh" có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
"Những tổ chăn nuôi thú khác, kể cả khu nuôi hổ cũng ít nguy hiểm như tổ của chúng tôi. Các khu khác, người chăm đều được cách ly với thú với hàng rào, còn chúng tôi là những người tiếp xúc trực tiếp.
Có hôm buổi sáng vào dọn chuồng, tắm cho voi vẫn bình thường nhưng nghe tiếng động lạ, con vật giật mình "đánh" chúng tôi rơi xuống bể nước. Làm ở đây, kể cả những nhân viên lâu năm khi nghe đồng nghiệp bị voi đánh đều bị ám ảnh tâm lý, sợ mất vài ngày mới hết", anh Hải chia sẻ.
Với những công việc không tên vất vả, không ít ngày làm việc mệt nhoài khiến anh Hải và đồng nghiệp đôi lúc muốn từ bỏ. "Nhưng khi nhìn những chú voi, hà mã khỏe mạnh, vui đùa, chúng tôi đều thấy công sức mình bỏ ra xứng đáng", anh Hải nói thêm.