(Dân trí) - Chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung giúp mở rộng hợp tác lao động giữa hai nước, không chỉ về ngành nghề mà cả những phúc lợi dành cho người lao động...
Đưa hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản lên tầm cao mới
Chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung sẽ giúp định hình lại các chính sách một cách hệ thống hơn, bài bản hơn trong thời gian tới.
Nhận lời mời của Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản, từ ngày 4/9 - 8/9/2022, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có chuyến thăm và làm việc tại Nhật Bản. Đoàn công tác có 2 cuộc tiếp xúc, hội đàm song phương cấp Bộ trưởng; gặp gỡ các Nghị sỹ lưỡng viện; tiếp, làm việc với gần 20 nghiệp đoàn tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam; thăm, làm việc với thực tập sinh Việt Nam làm việc tại các nhà máy, trung tâm dưỡng lão tại Nhật…
Đặc biệt, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã tham dự tọa đàm về thúc đẩy tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam do Liên minh Nghị sỹ thúc đẩy chung sống với lao động người nước ngoài và Tổ chức công ích Hiệp hội toàn quốc về hỗ trợ cùng phát triển nhân lực nước ngoài tại Nhật Bản (NAGOMi) phối hợp tổ chức, thu hút sự quan tâm của nhiều Nghị sỹ và hơn 100 tổ chức quản lý thực tập sinh tham gia.
Song song với các hoạt động trên, trong các ngày 6/9 và 8/9 tại Tokyo và Osaka, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với JITCO tổ chức 2 cuộc hội thảo lớn với chủ đề tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau đại dịch Covid-19.
Hội thảo do Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan trực tiếp chủ trì có sự phối hợp của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội, Bộ Tư pháp Nhật Bản, thu hút sự tham gia của đông đảo các nghiệp đoàn tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam và hơn 40 doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tham dự.
Vấn đề chưa có tiền lệ trong hợp tác nhân lực Việt - Nhật
Tại các buổi làm việc với Bộ Tư pháp và Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Nhật Bản, các Bộ trưởng đều có chung nhận định, đánh giá tốt đẹp về kết quả hợp tác phát triển nguồn nhân lực Việt Nam - Nhật Bản trong gần 30 năm qua, nhất là sự phát triển nhanh chóng, hiệu quả trong giai đoạn 10 năm từ 2012 đến 2022.
Đến thời điểm hiện nay, số thực tập sinh Việt Nam đã lên tới 370.000 trong tổng số gần 500.000 người Việt Nam sinh sống, làm việc tại Nhật Bản là minh chứng rõ nét cho hiệu quả hợp tác trên lĩnh vực này.
Làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi xã hội Kato Katsunobu, ông Đào Ngọc Dung đề nghị Bộ này xem xét mở rộng các ngành nghề tiếp nhận thực tập sinh người Việt Nam trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, nghề lái xe… là những ngành, nghề người lao động Việt Nam nhanh thích ứng, nâng cao được kỹ năng nếu qua đào tạo cơ bản. Bên cạnh đó, thẳng thắn đề nghị phía Nhật không đánh thuế 2 lần (thuế cư trú và thuế thu nhập) đối với thực tập sinh Việt Nam.
"Trong thời gian qua, thực tập sinh Việt Nam đã rất vất vả do chịu tác động, ảnh hưởng của dịch Covid -19, hiện nay lại bị giảm bình quân 30% thu nhập do tác động của tỷ giá đồng Yên nên lại càng vất vả hơn. Trong khi đó, Chính phủ Nhật Bản duy trì việc đánh 2 lần thuế đối với thực tập sinh thì thu nhập còn lại trên thực tế là rất thấp, khó đảm bảo được việc thu hút người lao động Việt Nam tham gia các chương trình của Nhật Bản", ông Đào Ngọc Dung chia sẻ.
Từ thực tế đó, ông Dung đề nghị xem xét cho thực tập sinh Việt Nam được hưởng các quy chế bình đẳng như áp dụng với một số quốc gia khác.
Với người đồng cấp của Bộ Tư pháp Nhật Bản, ông Đào Ngọc Dung đề nghị phía bạn xem xét tiếp tục cải tiến các chương trình tiếp nhận thực tập sinh, chương trình lao động kỹ năng đặc định và điều dưỡng viên để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, nghiệp đoàn 2 bên thuận lợi trong việc phối hợp thực hiện.
Trên cơ sở những nội dung hội đàm giữa 2 Bộ trưởng trong cuộc làm việc tháng 6/2022 tại Hà Nội, ông Đào Ngọc Dung tiếp tục đề nghị Bộ này xem xét phối hợp đề xuất Chính phủ Nhật Bản cải cách chính sách tiếp nhận, tăng lương tối thiểu cho thực tập sinh.
Thông tin thêm về kết quả làm việc với Bộ trưởng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi, ông Đào Ngọc Dung cho biết, nếu phía Nhật Bản không tăng cường đổi mới các chính sách tiếp nhận một cách công bằng, quan tâm thực chất đến quyền lợi người lao động vì mục tiêu hài hòa lợi ích của 2 quốc gia thì trong thời gian tới khó có thể thu hút được lực lượng lao động trẻ, có chất lượng của Việt Nam tham gia các chương trình tu nghiệp tại Nhật.
Ngoài ra, hai Bộ trưởng cũng ghi nhận, đánh giá cao việc nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh trong thời gian qua của các cơ quan chuyên môn, trong đó điển hình là việc phía Nhật đã rút giấy phép, tước quyền sử dụng thực tập sinh người nước ngoài của doanh nghiệp để xảy ra bạo hành đối với thực tập sinh Việt Nam.
Phía Nhật Bản đánh giá cao việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng với nhiều điểm ưu việt, trong đó có các nội dung giảm thiểu các chi phí trung gian, tiết kiệm chi phí ban đầu cho người lao động. Đồng thời phía Việt Nam đã xử lý, đình chỉ và thu hồi giấy phép đối với các doanh nghiệp vi phạm về thu phí phái cử vượt mức quy định.
Hợp tác phát triển nguồn nhân lực phải đi vào thực chất
Làm việc với JICA, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, trong thời gian qua, nhất là từ sau khi dịch Covid-19 được khống chế, cơ quan quản lý nhà nước hai bên và các doanh nghiệp 2 nước đã có nhiều nỗ lực giải quyết các vấn đề vướng mắc nên chỉ trong vòng 8 tháng, số thực tập sinh Việt Nam nhập cảnh vào Nhật bản đã lên tới gần 60.000 người trong tổng số trên 90.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Tại các cuộc tiếp xúc với các chính khách, các nghiệp đoàn như JITCO, FUJI... đến chào xã giao và báo cáo kết quả hợp tác với doanh nghiệp đối tác Việt Nam, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đánh giá cao sự phối hợp giữa các bên trong việc đào tạo tiếng Nhật, huấn luyện kỹ năng nghề để người lao động Việt Nam nhanh chóng thích nghi với công việc.
Mặc dù vậy, người đứng đầu ngành LĐ-TB&XH cũng bày tỏ sự chưa hài lòng về chất lượng lao động. Ông cho rằng, cả phía Nhật và Việt Nam mới chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ, chưa thực sự quan tâm đến đào tạo, huấn luyện kỹ năng nghề ở trình độ cao cho người lao động.
"Vấn đề Việt Nam cần trong thời gian tới là có được lực lượng lao động có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao đáp ứng yêu cầu việc làm trong nước sau khi đi tu nghiệp ở Nhật Bản về. Vì thế, vấn đề đặt ra là phía Nhật Bản xây dựng chương trình thực tập cho thực tập sinh thì lực lượng này sau khi về nước phải là lực lượng có kiến thức, tay nghề thực sự để thích nghi được và đóng góp ngay vào phát triển kinh tế, xã hội của Việt Nam", ông Dung nhấn mạnh trong các cuộc tiếp xúc.
"Hướng tới mở rộng những nghành nghề, lĩnh vực mới như nhà hàng, khách sạn, du lịch, dịch vụ, lái xe công nghệ và nhất là các lĩnh vực công nghệ cao, kỹ sư thực hành. Đảm bảo mức lương, thu nhập, môi trường công tác, làm việc cho thực tập sinh và người lao động Việt Nam tại Nhật Bản", ông Dung nói thêm.
Tại buổi Tọa đàm về thúc đẩy tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam, trước sự quan tâm của các nghị sỹ và đông đảo các nghiệp đoàn, tổ chức quản lý thực tập sinh về định hướng của Việt Nam trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung đã thẳng thắn chia sẻ các vấn đề phía bạn quan tâm.
Tại Việt Nam, sau khi dịch Covid-19 được khống chế, các hoạt động sản xuất, kinh doanh được khôi phục đã xảy ra thiếu hụt lao động cục bộ tại các khu vực kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, với tốc độ già hóa dân số nhanh, trong dài hạn, Việt Nam cũng sẽ đối diện với nguy cơ thiếu hụt lao động.
Nhấn mạnh quan điểm nhất quán của Việt Nam là không đánh đổi môi trường xã hội, an sinh xã hội để đổi lấy các mục tiêu tăng trưởng kinh tế đơn thuần, ông Dung cho biết, Chính phủ Việt Nam coi mục tiêu phát triển con người là vấn đề quan trọng, tất cả phải vì mục tiêu phát triển con người và việc làm là vấn đề đại sự quốc gia.
"Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng như hiện nay, người lao động hoàn toàn có quyền lựa chọn việc làm phù hợp và thị trường lao động mà mình yêu thích. Quốc gia nào đáp ứng tối thiểu các điều kiện cơ bản về môi trường làm việc, có mức lương, thu nhập tốt thì sẽ thu hút được người lao động Việt Nam tham gia. Nếu phía Nhật Bản không sớm cải thiện các chính sách không còn phù hợp, hiệu quả mang lại cho thực tập sinh thấp thì sẽ khó thu hút được người lao động, bởi sự cạnh tranh giữa các thị trường lao động ngoài nước hiện nay rất lớn, nhất là về tiền lương, thu nhập thực tế. Hiệu quả hợp tác cao nhất là phải hướng đến những điều thực chất nhất, có lợi nhất cho người lao động để họ yên tâm cống hiến", ông Dung chia sẻ.
Song song đó, hội thảo về tăng cường hợp tác đưa lao động Việt Nam sang Nhật Bản sau đại dịch Covid-19 tổ chức ngày 6/9 tại Tokyo và ngày 8/9 tại Osaka do Thứ trưởng Nguyễn Bá Hoan chủ trì cũng đã chuyển tải nhiều nội dung quan trọng trong chính sách của Việt Nam về đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhất là những nội dung đổi mới của Luật người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (Luật số 69/2020).
Tại các buổi hội thảo, các doanh nghiệp Nhật bản đã thống nhất cao về các nội dung đề xuất của Việt Nam. Trong đó, các bên cùng thống nhất giảm thiểu đến thấp nhất chi phí, nhất là chi phí trung gian để người lao động giảm gánh nặng tài chính, có điều kiện tham gia các chương trình tu nghiệp tại Nhật Bản.
Thời kỳ mới về hợp tác phát triển nguồn nhân lực
Phát biểu trong cuộc làm việc với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Hanashi Yasuhiro nói: "Tôi cảm ơn ngài Bộ trưởng đã đến thăm và làm việc vào đúng thời điểm quan trọng khi tôi mới nhậm chức từ đầu tháng 8/2022. Những vấn đề thảo luận hôm nay sẽ là tiền đề làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác giữa hai quốc gia, trong đó hợp tác phát triển nguồn nhân lực là hợp tác quan trọng có tính dẫn dắt các quan hệ".
Ghi nhận các ý kiến trao đổi của phía Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản hứa sẽ trao đổi với các Bộ liên quan để cùng tháo gỡ các vướng mắc để lĩnh vực hợp tác này đạt hiệu quả cao nhất trong thời gian tới.
Trong khi đó, ông Takebe Tsutomu, Cố vấn đặc biệt Liên minh Nghị sỹ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản, trong phát biểu kết luận buổi tọa đàm về thúc đẩy đưa thực tập sinh Việt Nam đến Nhật Bản làm việc đã phát biểu rằng, việc Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam thẳng thắn trao đổi thảo luận và nhất là trả lời tất cả các vấn đề phía Nhật Bản quan tâm một cách rõ ràng, minh bạch, thể hiện quan điểm chính thống của Việt Nam trong hợp tác phát triển nguồn nhân lực là việc làm chưa có tiền lệ, thể hiện sự mong muốn hợp tác phát triển vì lợi ích của hai quốc gia trên cơ sở hợp tác bình đẳng cùng có lợi giúp cho phía Nhật Bản sớm có những cải cách phù hợp để thúc đẩy mạnh hơn nữa việc tiếp nhận thực tập sinh người nước ngoài nói chung và thực tập sinh Việt Nam nói riêng.
Với vị trí và vai trò quan trọng của thực tập sinh Việt Nam tại Nhật Bản như hiện nay, chuyến thăm và làm việc của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Việt Nam sẽ giúp định hình lại các chính sách một cách hệ thống hơn, bài bản hơn trong thời gian tới.
Nội dung: Tiến Tuấn
Anh Thắng