PhotoStory

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở

Thực hiện: Minh Đặng

(Dân trí) - Hơn 30 năm gắn bó chiếc máy dệt khung gỗ, với anh Trương Mậu Đông (TPHCM) nghề dệt là cách anh lưu giữ truyền thống của ông cha để lại. Thu nhập tháng cả gia đình chỉ vỏn vẹn 450.000 đồng từ bán vải.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 1

Nghề dệt trong gia đình anh Trương Mậu Đông xuất phát từ huyện Duy Xuyên, Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Năm 1963, cả gia đình anh di dân vào Sài Gòn và mang theo nghề dệt để mưu sinh cho đến ngày hôm nay. Anh Đông gắn bó với nghề khi mới 17 tuổi và là người hiếm hoi thuộc thế hệ thứ sáu trong gia đình theo và giữ nghề. 

"Lúc mới vào Nam, gia đình ở khu làng dệt truyền thống tại ngã tư Bảy Hiền. Đến năm 1972, cả nhà đã chuyển vào đường Nguyễn Bá Tòng (quận Tân Bình) và định cư tới nay", anh Đông nói.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 2

Làng dệt Bảy Hiền từng là làng nghề truyền thống nức tiếng khi có gần 2.000 hộ dân theo nghề. Nhưng ở thời điểm hiện tại, số lượng gia đình còn giữ nghề chỉ đếm trên đầu ngón tay, trong đó hiếm hoi có gia đình anh Trương Mậu Đông.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 3

Theo anh Đông, lúc đầu nhà anh chuyển vào TPHCM chỉ có một chiếc máy dệt nhỏ. Sau thời gian làm lụng tích góp, gia đình đã tự mua gỗ về và thuê thợ mộc đóng hơn chục máy dệt lớn.

"Thời điểm ấy, tiền đóng một máy dệt khung gỗ xấp xỉ một cây vàng. Tuy nhiên, khi thị trường dần không còn ưa chuộng như trước, gia đình đã quyết định bán đi và chỉ giữ lại 4 máy lớn cho đến nay", anh Đông chia sẻ.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 4

Hiện tại, anh Mậu Đông cùng người em trai phụ trách chính việc duy trì hoạt động tại xưởng dệt của gia đình. Với mặt hàng sản xuất chủ yếu là vải phi bóng, hàng ngày hai anh em làm việc liên tục từ 6h sáng đến 19h tối.

Trong khi anh Đông phụ trách 4 máy dệt thì anh Thanh (em trai anh Đông) kiểm tra máy se chỉ. Để cho ra những cuộn chỉ chất lượng, anh Thanh phải thường xuyên đến quan sát quá trình hoạt động của máy. 

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 5

Sau khi máy se xong, anh Thanh sẽ lấy cuộn chỉ ra và tiếp tục đặt vào máy một ống gỗ để se những cuộn chỉ tiếp theo. Quá trình này yêu cầu người làm phải khéo tay để chỉ không bị bung khỏi ống gỗ.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 6

Từng cuộn chỉ được anh Thanh xếp ngay ngắn vào một rổ nhỏ để chuẩn bị cho công đoạn dệt vải. Nguyên nhân chính khiến nhiều hộ dân của làng dệt Bảy Hiền xưa không còn mặn mà với nghề chủ yếu xuất phát từ việc nhiều hộ đầu tư sản xuất ồ ạt, cùng với giá thành vải đi xuống làm cho nghề dệt thủ công khó còn chỗ đứng, các cơ sở phải đóng cửa hoặc chuyển nghề khác.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 7

Tuổi thơ gắn liền với máy dệt nên anh Đông hiểu rõ từng cỗ máy và có thể sửa chữa như một thợ máy lành nghề. Với tuổi thọ hơn nửa thế kỷ, ít ai biết rằng các máy dệt ở đây đã từng cho ra thị trường mỗi ngày hàng trăm mét vải vang danh khắp đất Sài thành cũng như cả nước.

"Phần quan trọng nhất của máy dệt chính là đầu máy. Nó điều khiển mọi hoạt động để từng thước vải làm ra được mềm mại và chất lượng nhất", anh Đông nói.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 8

Trong suốt quá trình dệt, anh Đông phải thường xuyên vạch những sợi chỉ ra để cắt đi phần chỉ thừa, tránh tình trạng đứt chỉ hoặc hư vải.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 9

Bên cạnh đó, việc dệt đòi hỏi người làm phải liên tục quan sát từng giây phút, để mỗi khi hết vải thì phải tra cuộn chỉ vào con thoi để máy tiếp tục hoạt động. Đây là công đoạn yêu cầu sự tỉ mỉ, luôn tay luôn mắt của người thợ dệt nhằm giúp cho cuộn chỉ được vào khuôn ngay ngắn. Cứ cách 5-10 phút, người thợ tiếp tục lặp lại việc này cho đến khi những mét vải được hoàn tất.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 10

Mỗi tháng gia đình anh Đông thu nhập trung bình khoảng 350.000-450.000 đồng từ việc bán vải. Số lượng vải sản xuất ra dao động từ 30-40m/ngày, giá vải khoảng 8.000 đồng/m, mỗi mét bán ra thị trường anh Đông lãi từ 300-400 đồng. Tính ra, khi đã trừ hết mọi chi phí, mỗi ngày gia đình anh Đông lãi ra chỉ khoảng 10.000-15.000 đồng, chưa đủ mua một bát phở.

"Tôi cũng muốn con cháu mình theo và giữ nghề này nhưng thấy cực quá, khó khăn trăm bề, nhiều tháng còn phải bù lỗ vì không đủ vốn để mua chỉ. Với lại người trẻ bây giờ thích đi đây đi đó chứ đâu có muốn ở yên một chỗ làm việc với tiếng máy dệt ồn ào", anh Đông thở dài.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 11

Trong gia đình chỉ có anh Đông và anh Thanh dành trọn thời gian giữ nghề dệt truyền thống, các chị em khác trong nhà ổn định kinh tế gia đình bằng nhiều nghề khác nhau. Trong ảnh, bà Trương Thị Hồng (57 tuổi, chị gái anh Đông) phụ kiểm tra máy móc, cũng như chất lượng vải mỗi khi rảnh rỗi.

"Khó khăn lớn nhất của nghề này chính là giá vải quá thấp, thị trường không còn ưa chuộng và số lượng bán cũng rất ít. Thậm chí có tháng chúng tôi còn phải bù lỗ... Khó khăn là vậy nhưng tôi quyết sẽ làm nghề này đến khi không còn làm được nữa, vì đó là nghề từ ngày xưa của cha ông để lại, mình không có nỡ bỏ", bà Hồng chia sẻ.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 12

Hơn 50 năm phụ gia đình làm nghề dệt vải, cô Hồng đã thuần thục việc di chuyển vào khuôn của máy dệt để kiểm tra vải và độ lệch của khuôn. Đối với công việc cần sự cẩn trọng này, cô luôn tập trung cao độ để quan sát và nhanh tay xử lý những chỗ lệch cho phù hợp với khuôn vải.

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 13

Sau những giờ làm việc căng thẳng, gia đình anh Đông cùng quây quần bên bữa cơm chiều. Tiếng máy dệt, se chỉ được thay bằng tiếng nói cười của trẻ con, tiếng người nhà thăm hỏi nhau. 

Người giữ nghề dệt truyền thống qua 6 đời, làm cả ngày lãi không đủ bát phở - 14

Cầm tấm vải trên tay, anh Đông phấn khởi về thành quả đạt được sau một ngày lao động miệt mài. "Tôi làm nghề này không chỉ cho ra thị trường những mét vải chất lượng nhất, tâm huyết nhất mà còn là cách lưu giữ lại truyền thống của cha ông mình. Miễn ngày nào còn khách hàng thì ngày đó tôi vẫn còn dệt vải, chứ không thể bỏ nghề", anh Đông tự hào.