DNews

Người đàn ông "đốt" 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm

Thanh Tùng

(Dân trí) - Sử dụng ấu trùng và phân của ruồi lính đen để chăn nuôi, người đàn ông 51 tuổi ở huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa, ước tính doanh thu mỗi năm 5 tỷ đồng.

Người đàn ông "đốt" 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm

10 năm "đốt" tiền tỷ, nghiên cứu nuôi loài chết sớm

Năm 2014, ông Lê Minh Tới (51 tuổi, quê xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) - công tác trong ngành viễn thông ở thành phố Hà Nội - xin nghỉ việc để về quê theo đuổi niềm đam mê với ngành nông nghiệp. Quyết định của ông khiến cả gia đình và bạn bè, người thân hết sức bất ngờ.

"Công việc viễn thông đem lại thu nhập ổn định nhưng nó khiến tôi không tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Tôi muốn trước khi về già phải có một cuộc sống bớt áp lực, suy nghĩ. Vì vậy, tôi quyết định về quê chăn nuôi, ngửi mùi bùn để làm chủ công việc yêu thích của mình", ông Tới tâm sự.

Người đàn ông đốt 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm - 1

Chân dung ông Lê Minh Tới (Ảnh: Thanh Tùng).

Trở về quê với một khoản tiền lớn đã tích góp, ông Tới thầu lại 4,5ha đất trang trại của địa phương rồi dựng chuồng trại, đào ao thả cá, nuôi vịt, gà.

Quyết định táo bạo là vậy, nhưng từ một cán bộ viễn thông, tay ngang chuyển nghề sang làm nông nghiệp khiến ông Tới gặp không ít khó khăn. Sau vài năm "chân lấm, tay bùn", ông Tới gần như không có đồng lãi.

"Làm nông nghiệp không hề dễ, từ công chăm sóc, con giống, thức ăn, dịch vụ thú y đến chi phí lắp đặt chuồng trại, nếu không hoạch định kỹ càng, sẽ lỗ vốn", ông Tới nói. 

Thế nhưng, giữa lúc khó khăn nhất, cơ may đã đến với ông. Năm 2017, trong một lần tình cờ nghe đài, ông Tới biết đến mô hình nuôi ruồi lính đen và giun quế đem lại hiệu quả, giúp giảm bớt chi phí thức ăn trong chăn nuôi, cho năng suất, chất lượng sản phẩm tốt. Thấy vậy, ông tìm tòi qua sách báo, học tập trên mạng để nghiên cứu cách nuôi.

Người đàn ông đốt 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm - 2
Người đàn ông đốt 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm - 3

Ban đầu, ông Tới đặt mua trứng ruồi lính đen ở Trung Quốc về ấp, nuôi. Nhưng do chưa nắm vững kỹ thuật nên kết quả không được như mong đợi.

Tuy thất bại liên tục nhưng thời gian sau đó ông Tới vẫn không bỏ cuộc mà quyết tâm làm bằng được.

"Gần 10 năm nghiên cứu, thử nghiệm, tôi đã bỏ ra gần 10 tỷ đồng để xây dựng chuồng trại, mua con giống. Làm nông nghiệp nhưng không có lãi, chỉ thấy "đốt" tiền khắp nơi, có thời điểm người thân đã kịch liệt phản đối, không cho làm nữa, nhưng tôi vẫn quyết tâm", ông Tới chia sẻ.

Theo ông Tới, khó khăn lớn nhất khi nuôi ruồi lính đen là quá trình nghiên cứu sinh lý hóa, tập tính, khí hậu và nhiệt độ chuồng nuôi.

Người đàn ông đốt 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm - 4

Hệ thống chuồng nuôi ruồi được ông Tới đầu tư đúng kỹ thuật (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đây là loài vật có tuổi thọ thấp, khoảng hơn 30 ngày, sau khi đẻ trứng nó sẽ chết. Khi nuôi, khâu khó nhất vẫn là tạo môi trường, độ ẩm, khí hậu tốt để ruồi sinh trưởng, đẻ trứng. Quá trình nuôi ấu trùng cũng phải thường xuyên tạo độ ẩm. Để tạo khí hậu tốt cho ruồi, tôi sử dụng hệ thống nhà kính, nhà màng. Điều này sẽ giúp ổn định khí hậu vào tất cả các mùa trong năm", ông Tới cho hay.

Doanh thu bạc tỷ nhờ nguồn thức ăn từ ruồi

Ông Tới cho biết, sau khi nuôi thành công ruồi lính đen, làm chủ được nguồn nguyên liệu thức ăn chính, ông thành lập hợp tác xã và tập trung xây dựng mô hình trang trại tổng hợp với nhiều vật nuôi.

Gần một năm qua, ông Tới dốc thêm vốn để cải tạo, xây dựng thêm hệ thống chuồng trại để nuôi 5.000 vịt, 12 vạn cá trê vàng, 10 tấn ốc dạ, chạch và 3 tạ cua đồng. 

Người đàn ông đốt 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm - 5

Khu vực chuồng trại nuôi ốc (Ảnh: Thanh Tùng).

"Vừa qua, tôi đã xuất bán hết số vịt có trong trang trại. Số vịt này được xuất đi thị trường Hà Nội, đạt năng suất khoảng 40 tấn, doanh thu khoảng 1,6 tỷ đồng. Còn lại số lượng cá, ốc, cua, chạch sẽ xuất bán dần dần trong năm nay.

Tôi đang ước tính doanh thu tất cả các con nuôi tại trang trại, nếu xuất bán hết sẽ đạt hơn 5 tỷ đồng. Đây là thành công bước đầu, thời gian tới tôi tính sẽ mở rộng quy mô và số lượng con nuôi", ông Tới nói.

Theo ông Tới, việc nuôi ruồi lính đen giúp ông giảm bớt số lượng lớn chi phí mua thức ăn để chăn nuôi trang trại tổng hợp. Hiện tại, ông sử dụng phân ruồi ủ men vi sinh để tạo ra thức ăn nuôi ốc, cá trê, còn ấu trùng ruồi lính đen được sử dụng làm thức ăn cho chạch, vịt, cua…

Người đàn ông đốt 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm - 6

Sản phẩm ốc dạ được nuôi từ nguồn thức ăn do ruồi lính đen tạo nên (Ảnh: Thanh Tùng).

"Đều đặn sau chu kỳ 8 ngày, đàn ruồi lại cho ra một lượng lớn thức ăn chăn nuôi với hàm lượng chất đạm cao. Gần như tôi không phải bỏ chi phí để mua bột, thức ăn cho các con nuôi khác trong trang trại. Đây là một lợi thế rất lớn trong chăn nuôi, giúp giảm bớt chi phí, nâng cao lãi suất", ông Tới cho hay.

Cũng theo ông Tới, thức ăn của ruồi lính đen không tốn kém, mà còn giúp bảo vệ môi trường. Đó là các phế phẩm nông nghiệp, phế phẩm trong các nhà máy chế biến thủy, hải sản. 

"Ruồi lính đen có thể xử lý được tất cả các loại phế phẩm nông nghiệp, thức ăn thừa. Tôi đang ký kết với các công ty chế biến nông sản và hải sản để thu mua phế phẩm về làm thức ăn cho ruồi. Ở Thanh Hóa có rất nhiều nhà máy chế biến như: dứa, khoai tây, tôm, cá, vì vậy hiện nay, nguồn phế phẩm này rất dồi dào để làm thức ăn nuôi ruồi", ông Tới nói.

Người đàn ông đốt 10 tỷ đồng nuôi loài chết sớm - 7

Ngoài đem lại hiệu quả kinh tế, mô hình của ông Tới còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương (Ảnh: Thanh Tùng).

Ông Nguyễn Duy Cam, Phó Chủ tịch UBND xã Thiệu Duy, huyện Thiệu Hóa, cho biết ông Lê Minh Tới là người duy nhất của địa phương áp dụng mô hình ruồi lính đen vào chăn nuôi. Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình này còn tạo công ăn việc làm cho 4 lao động thường xuyên và hàng chục lao động thời vụ.

"Ông Tới là người đam mê nông nghiệp, sau nhiều năm vất vả nghiên cứu, bỏ tiền tỷ đầu tư, đến nay mô hình nuôi ruồi lính đen kết hợp chăn nuôi cá, ốc, chạch của ông bước đầu đã có hiệu quả cao. Chúng tôi rất kỳ vọng, thời gian tới, mô hình này sẽ là điển hình trong phát triển kinh tế trang trại ở địa phương", ông Cam bày tỏ.