Nghệ nhân 50 năm giữ lửa nghề truyền thống gốm Bát Tràng
(Dân trí) - Gia đình nghệ nhân Phạm Ngọc Huy là một trong số các hộ kinh doanh luôn tâm huyết với nghề và dành cả cuộc đời để gìn giữ và phát triển tinh hoa gốm Bát Tràng.
Bước chân vào làng gốm Bát Tràng (Hà Nội), du khách như lạc vào một thế giới hoàn toàn khác, nơi những bàn xoay không ngừng quay, những lò nung lửa đỏ suốt ngày đêm và những bàn tay khéo léo của các nghệ nhân đang miệt mài tạo tác nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.
Du khách có thể tham quan các xưởng gốm, tận mắt chứng kiến quy trình sản xuất gốm sứ truyền thống, từ khâu nhào đất, tạo hình, trang trí đến khâu nung gốm.
Kinh nghiệm truyền đời của làng gốm Bát Tràng là "Nhất xương, nhì da, thứ ba dạt lò", nghĩa là đất làm gốm phải đảm bảo độ rắn chắc cho sản phẩm, kế đó là kỹ thuật tạo men, men nâu, men xanh lam, men rêu, men rạn… Cuối cùng người thợ gốm phải thật kinh nghiệm trong khâu nung lò để có được sản phẩm gốm sứ Bát Tràng như ý và không bị lỗi.
Một xưởng làm tráng men gốm mỗi ngày sản xuất số lượng khoảng vài trăm chiếc bát, cốc, chén… đa dạng mẫu mã sản phẩm.
Nghệ nhân Phạm Ngọc Huy có hơn 50 năm kinh nghiệm trong nghề gốm, ông thành thạo mọi kỹ thuật làm gốm từ nhào đất, vuốt gốm, trang trí đến nung gốm. Gia đình ông là một trong số các hộ kinh doanh luôn tâm huyết với nghề và dành cả cuộc đời để gìn giữ và phát triển tinh hoa gốm Bát Tràng.
Sản phẩm của gia đình nghệ nhân Phạm Ngọc Huy được làm thủ công hoàn toàn, với những đường nét tinh tế và hoa văn độc đáo. Ông cùng con trai (nghệ nhân Phạm Anh Đức) từng đạt nhiều giải thưởng trong các cuộc thi gốm sứ trong nước và quốc tế.
"Men của tôi làm là men truyền thống, men tro đốt bằng củi, cốt đất là các loại cao lanh ở tỉnh khác sưu tầm về pha trộn với nhau theo tỉ lệ "cha truyền con nối". Cần cù, chịu khó, nhẫn nại, phải tìm hiểu các loại chất liệu, các loại dáng vóc, hoa văn, họa tiết của gốm các cụ ngày xưa. Qua đó mới sáng tạo được, mới làm được, như thế đã chính là giữ lửa nghề rồi", ông Huy vừa chia sẻ vừa pha men, thuốc màu vẽ hoàn toàn thủ công, không dùng máy móc hỗ trợ.
"Cái sản phẩm lỗi là cái đẹp đấy, cha mẹ mình sinh ra mình như thế nào là có cái vẻ đẹp riêng của mình, không ai hoàn hảo hết. Phải biết gìn giữ, đồ thủ công cũng thế thôi, người khác có thể nghĩ đó là lỗi nhưng đấy là nét đẹp riêng của mình, cái lỗi ấy để người khác làm chưa chắc đã làm được đâu, đừng cho nó là lỗi", nghệ nhân Ngọc Huy chia sẻ thêm.
Gian trưng bày các sản phẩm gốm sản xuất hoàn toàn thủ công tại Bát Tràng của gia đình nghệ nhân Ngọc Huy.
Bài và ảnh: Tuấn Phương