Bình Định:

Thợ gốm truyền thống Vân Sơn sống lay lắt với nghề

Doãn Công

(Dân trí) - "Trước đây, nhà nhà làm gốm, nghề gốm truyền thống nổi tiếng lắm, nhưng giờ đây chỉ còn vài hộ sống lay lắt với nghề", một thợ làm gốm ở Vân Sơn (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định) nói.

Thợ gốm truyền thống Vân Sơn sống lay lắt với nghề - 1

Người dân ở làng gốm truyền thống Vân Sơn (xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn, Bình Định) sống lay lắt với nghề.

Thị xã An Nhơn được ví von là vùng "đất trăm nghề" bởi ở đây quy tụ nhiều làng nghề nhất tỉnh Bình Định. Nhiều làng nghề tồn tại cách đây hàng trăm năm, phát triển từ đời này qua đời khác như: nghề đúc, rèn, nghề chế tác đá Tây Phương Danh, nghề nấu rượu Bàu Đá, nghề gỗ mỹ nghệ ở Bắc Nhạn Tháp, nghề gốm ở Vân Sơn…

Song trải qua bao thăng trầm, không ít làng nghề đang dần mai một. Dịch Covid-19 kéo dài càng khiến các làng nghề khốn đốn, nhiều hộ dân đã bỏ nghề truyền thống.

Bà Phan Thị Xử (59 tuổi) là một trong số ít người còn giữ nghề gốm truyền thống Vân Sơn tại xã Nhơn Hậu. Bà cho biết, trước đây, dọc đường vào làng, nhà nhà làm gốm, đi đâu cũng thấy lò gốm san sát, người mua người bán tấp nập. Nhưng nhiều năm nay, hàng làm ra không bán được, cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Thợ gốm truyền thống Vân Sơn sống lay lắt với nghề - 2

Bà Nguyễn Thị Ánh là một trong số ít người ở làng gốm Vân Sơn có tay nghề thuần thục nhưng tuổi đã lớn.

"Thời hoàng kim, riêng thôn Vân Sơn có đến 40 hộ làm nghề gốm nhưng giờ chỉ còn vài hộ vẫn níu lấy nghề. Do gia đình tôi có được bạn hàng ở một số nơi như Gia Lai, Đà Nẵng… nên còn sống tạm.

Lý giải về việc người dân bỏ nghề gốm, bà Xử cho hay, hiện nay giá nguyên liệu đất sét cao, trong khi giá thành sản phẩm lại thấp, thêm vào đó là sự cạnh tranh của các sản phẩm thay thế làm bằng nhựa, nhôm.

"Hiện những thợ có tay nghề có thể làm được gốm ở Vân Sơn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ngay cả gia đình tôi đang sống bằng nghề này nhưng phải thuê thợ làm, 4 người con của vợ chồng tôi cũng không theo nghề cha mẹ", bà Xử nói.

Thợ gốm truyền thống Vân Sơn sống lay lắt với nghề - 3

Gốm được đưa vào lò nung ở nhiệt độ cao.

Làm thuê cho hộ bà Xử có bà Nguyễn Thị Ánh (74 tuổi, thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu, thị xã An Nhơn). Đây là một trong ba người còn lại ở thôn Vân Sơn có tay nghề thuần thục, có thể làm được tất cả các sản phẩm gốm như: lu, chum, chậu cây cảnh, ấm, niêu…

"Mới học làm thấy cái gì cũng khó nhưng biết rồi thì thấy cái gì cũng dễ. Làm nhiều thì quen tay thôi, tôi nghĩ nghề gì cũng phải có đam mê, chịu khó học hỏi", bà Ánh nói.

Hiện làng gốm Vân Sơn đang gặp nhiều khó khăn bởi số hộ vẫn còn bám lấy nghề rất ít, giá nguyên liệu đất sét cao, trong khi giá thành phẩm thấp, đầu ra cũng kém, chưa kể sự cạnh tranh với các sản phẩm mới.

Thợ gốm truyền thống Vân Sơn sống lay lắt với nghề - 4

Chỉ những thợ gốm có tay nghề thuần thục, lâu năm mới làm được sản phẩm gốm tinh xảo.

Ông Cù Văn Hữu (51 tuổi, thôn Vân Sơn, xã Nhơn Hậu) làm nghề từ khi 18 tuổi cho hay, khoảng 10-15 năm trước, danh tiếng làng nghề gốm Vân Sơn nói ai cũng biết, nhưng giờ "bế tắc", người dân bỏ nghề, người đi làm thợ hồ, người đi chạy xe tải…

Theo ông Hữu, để làm ra những sản phẩm gốm có chất lượng tốt, người thợ phải mất nhiều công sức, qua nhiều khâu khác nhau như: Nhồi đất, nắn đất, tạo hình sản phẩm rồi đem nung ở nhiệt độ cao. Đất sét phải được lấy dưới ruộng cách bề mặt khoảng 1 m thì mới có độ dẻo và chất cao lanh chịu nhiệt tốt.

Thợ gốm truyền thống Vân Sơn sống lay lắt với nghề - 5

Giá nguyên liệu đất sét đắt, trong khi giá thành phẩm rẻ nên người làm nghề gốm càng khó khăn.

"Trước đây, đất sét tự mình khai thác nhưng bây giờ cạn kiệt rồi, phải bỏ tiền mua 2 triệu đồng/xe tải khoảng 6 khối. Giá vật liệu cao, trong khi giá thành phẩm thấp nên người làm nghề chẳng lời bao nhiêu. Bây giờ mình lấy công làm lãi. Lớn tuổi, không làm gì được nên cố bám lấy nghề mà sống thôi", ông Hữu nói.

Ông Giả Văn Thọ, Chủ tịch xã Nhơn Hậu (thị xã An Nhơn) nhận định, nghề gốm tuy không giàu nhưng... sống được. Mặc dù hàng sứ, nhựa ngày càng phát triển nhưng hàng gốm không "chết" vì vừa rẻ vừa bền lại giữ được nét đẹp của dân tộc. Hơn nữa, với mong muốn giữ lại nghề truyền thống, những hộ dân ở đây vẫn tiếp tục duy trì sản xuất, từng bước đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu thị trường.