DMagazine

Nghề độc, lạ: "Bác sĩ sách" thu cả trăm triệu đồng cho một "ca bệnh"

(Dân trí) - Nhiều người nghĩ phục chế sách chỉ là dán lại những trang sách rách, đóng lại cuốn sách hư, làm bìa sách mới… nhưng đó là một nghề cần kiến thức và kỹ năng cao. Thợ phục chế được gọi là "bác sĩ sách".

Mất 6 năm để học cái nghề mà mọi người nghĩ là đơn giản

Nhiều người tham gia buổi trò truyện "Kỹ thuật phục chế sách xưa" diễn ra tại Đường Sách TPHCM bất ngờ khi anh Bùi Tiến Phúc, người sáng lập Hán Nôm Đường chia sẻ về tiền công để phục chế một bản sách cổ có khi là vài chục cho đến cả trăm triệu đồng.

Theo anh Phúc, đó là chuyện bình thường vì những bản sách xưa, tranh ảnh được đưa đến Hán Nôm Đường hầu hết đều là những bản sách quý, gia phả hay sắc phong, là tài sản vô giá đối với một gia đình, dòng tộc, một ngôi làng…

Nghề độc, lạ: Bác sĩ sách thu cả trăm triệu đồng cho một ca bệnh - 1

"Bác sĩ sách" phải chẩn đoán đúng bệnh, xây dựng phác đồ chữa trị hợp lý rồi mới bắt đầu phục chế từng trang sách.

Cũng không phải vì sách quý mà người phục chế sách lấy tiền công đắt mà là vì những bản sách này đều có tuổi đời lên đến hàng trăm năm, tình trạng hư hại nặng, phải mất rất nhiều công sức để phục hồi lại nguyên vẹn như ban đầu.

"Có những bản sách lâu năm, bảo quản không tốt nên các trang sách dính vào nhau, bị khô giòn, chỉ cần chạm vào là vỡ vụn ra nên rất khó phục chế. Có bản chúng tôi phải mất vài tuần, có bản mất vài tháng mới phục chế thành công", anh Phúc nói.

Nghề độc, lạ: Bác sĩ sách thu cả trăm triệu đồng cho một ca bệnh - 2

Anh Phúc chia sẻ, nhiều người nghĩ phục chế sách chỉ là dán lại những trang sách rách, đóng lại cái bìa sách mới cho đẹp. Nhưng thực ra, phục chế sách là công việc đòi hỏi nhiều kiến thức, kỹ thuật để khôi phục các ấn phẩm có tuổi đời hàng trăm năm về lại hình dạng như ban đầu, không ảnh hưởng đến chất lượng văn tự, hình ảnh trong sách và có thể sử dụng bình thường. Công việc này phải sử dụng nhiều loại vật liệu quý hiếm, đắt tiền nhập khẩu từ nước ngoài.

Thậm chí, người phục chế còn phải có kiến thức thẩm định để biết giá trị đồ vật mình phục chế; biết chữ Hán, chữ Nôm để phiên dịch nội dung trong sách để đánh giá, tìm hiểu niên đại, xuất xứ sách mà xác định vật liệu làm sách, loại mực để viết sách...

Kỳ công để phục hồi những trang sách hàng trăm tuổi

Xuất thân là một sinh viên ngành Hán Nôm và làm công việc bảo tồn văn hóa, Phúc có nhiều cơ hội tiếp xúc với các tài liệu cổ quý hiếm như các bản sắc phong ở nhiều đình miếu, gia phả, sách quý của các họ tộc.

Trong quá trình làm việc, Phúc rất xót xa khi gặp nhiều bản sách quý không được bảo quản đúng cách dẫn đến hư hại, rách nát... Từ đó, Phúc mày mò học cách phục chế lại những bản sách này.

Công việc phục chế ban đầu rất gian nan vì Phúc thiếu kỹ năng, kiến thức và vật liệu. Phúc đã đi nhiều nơi, học hỏi từ nhiều người nhưng vẫn có những bản sách không thể phục hồi vì hư hỏng quá nghiêm trọng.

Khi biết nghề phục chế sách rất phát triển ở Đài Loan, Phúc tìm cách xin học bổng sang đây du học, theo các bậc thầy trong nghề để học với quyết tâm trở về làm công việc phục hồi những bản sách quý trong nước.

Bùi Tiến Phúc cho hay: "Tại Đài Loan, nghề này rất phát triển. Các cơ sở phục chế sách được gọi là "bệnh viện sách", người làm nghề được xem như là "bác sĩ sách". Tôi đã mất 6 năm mới học được nghề này, được thầy cho phép hành nghề".

Nghề độc, lạ: Bác sĩ sách thu cả trăm triệu đồng cho một ca bệnh - 3

Theo anh Phúc, khi nhận một bản sách cần phục hồi, "bác sĩ sách" phải xem xét đó là loại sách gì, dùng loại giấy nào, chữ in/viết bằng loại mực nào, niên đại bao lâu, tình hình hư hại tổng thể ra sao, giải phẫu sách để đánh giá mức độ hư hại của từng trang thế nào…

Từ khâu chẩn đoán bệnh, "bác sĩ sách" dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của mình để xây dựng phác đồ "chữa trị" cho từng trang sách, phục hồi về nguyên bản từng trang rồi mới ghép sách lại, đóng bìa theo đúng kiểu cách ban đầu của cuốn sách.

Việc chẩn bệnh rất quan trọng nên cần những người thợ tay nghề cao, nhiều kinh nghiệm và kiến thức để phán đoán chính xác, ra phác đồ chữa trị đúng thì việc phục chế mới hiệu quả. Do đó, để có một "bác sĩ sách" ra nghề, thời gian dài học hỏi, tích lũy kiến thức và kinh nghiệm cần rất lớn.

Bùi Tiến Phúc chia sẻ, cơ bản việc chữa trị cho tranh, sách có 2 cách là vật lý và hóa học. Hầu như mỗi bản sách cổ cần phục chế đều phải áp dụng cùng lúc cả 2 cách.

Nghề độc, lạ: Bác sĩ sách thu cả trăm triệu đồng cho một ca bệnh - 4

Biện pháp vật lý là tu bổ, dán, vá.. lại các trang sách hư hỏng. Việc này không chỉ cần "bác sĩ sách" có tay nghề cao, tỉ mẩn khi làm việc mà còn cần kiến thức sâu về các loại sách, giấy dùng ở các niên đại khác nhau để sử dụng vật liệu phù hợp khi tu bổ. Nhiều loại vật liệu chuyên biệt phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Những bản sách có tuổi đời cả trăm năm bị lem chữ, giòn, dễ vỡ… phải xác định mức độ hư hại để sử dụng hóa chất với liều lượng phù hợp để ngâm tẩm nhằm phục hồi độ dai, tránh bị hư hỏng khi lật sách rồi mới áp dụng các biện pháp vật lý để tu bổ.

Anh Phúc chia sẻ: "Sợ nhất là những bản sách đã qua tay những người phục chế tay ngang, làm không đúng cách. Có những bản sách dán băng keo chi chít, hay dùng keo 502 để dán gáy sách… Khi đó, việc gỡ băng keo, xóa dấu, hòa tan keo… còn mất công hơn việc phục chế".

Ngày càng nhiều người trẻ theo nghề bác sĩ sách

Theo anh Bùi Tiến Phúc, khi đời sống kinh tế càng cao thì càng có nhiều người yêu thích sưu tập tranh, sách cổ. Những món đồ cổ này ngày càng có giá trị cao, có bức tranh đấu giá cả triệu USD nên việc bỏ ra vài chục đến trăm triệu đồng để phục hồi chỗ hư hỏng là rất bình thường. Hán Nôm Đường của anh Phúc thường nhận những đơn hàng giá trị như thế.

Nghề độc, lạ: Bác sĩ sách thu cả trăm triệu đồng cho một ca bệnh - 5

Theo anh Bùi Tiến Phúc, ngày càng có nhiều người trẻ theo học nghề bác sĩ sách.

Anh Phúc chia sẻ: "Nói thật là nghề này kiếm được tiền, khi xã hội càng phát triển thì nghề này càng phát triển. Do mức thu nhập hấp dẫn nên nhiều bạn trẻ đã biết đến nghề và theo học nghề một cách chuyên nghiệp ở Hán Nôm Đường, ở cửa hàng Con Mèo Nhỏ hay ra nước ngoài du học. Tôi được biết, chỉ vài năm nữa thôi sẽ có nhiều bạn học nghề này ở nước ngoài về nước hành nghề".

Ông Lê Hoàng - Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam đồng tình với nhận định nghề phục chế sách đang có nhiều bạn trẻ theo đuổi, phát triển một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Theo ông, việc phục chế những bản sách cổ không chỉ vì mục đích lưu trữ, bảo tồn sách mà còn là tôn vinh giá trị của sách, người bạn gắn bó với cuộc đời của nhiều người, nhiều thế hệ gia đình.

Anh Cao Văn Hân cũng là một người yêu sách nên tổ chức đội ngũ học nghề này, sáng lập cơ sở phục chế sách và đóng sách nghệ thuật đầu tiên ở Đường Sách TPHCM, là cửa hàng Con Mèo Nhỏ.

Nghề độc, lạ: Bác sĩ sách thu cả trăm triệu đồng cho một ca bệnh - 6

Nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực sưu tầm sách, anh Cao Văn Hân đã gặp gỡ nhiều người và chứng kiến những câu chuyện xúc động quanh việc gìn giữ, bảo tồn, cứu chữa những cuốn sách cổ.

Theo anh Hân, với nhiều người, một cuốn sách không chỉ là ấn phẩm đơn thuần cho việc đọc, học hỏi, giải trí mà đôi khi đó chính là kỷ vật gia truyền, chứa đựng những giá trị tinh thần quý báu. Do đó, nhu cầu phục chế sách là rất lớn, tương lai nghề rộng mở.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Tùng Nguyên, NVCC