Nghề dựng nhà bằng dừa nước, tính công bằng... đô-la

Ngô Linh

(Dân trí) - Rừng dừa Bảy Mẫu xã Cẩm Thanh, TP Hội An, Quảng Nam không chỉ là điểm du lịch nổi tiếng mà còn sở hữu nghề dựng nhà bằng lá dừa nước độc đáo. Có ngôi nhà được trả công cả trăm nghìn đô la Mỹ.

Các bậc cao niên ở xã Cẩm Thanh (TP Hội An, Quảng Nam) cho hay, từ xa xưa, nơi đây có nghề buôn bán bằng ghe bầu, cũng chính các thương lái ghe bầu đã đưa cây dừa nước ở tận Nam Bộ về đây. Từ những rừng dừa nước dày đặc ven sông Hoài, người dân địa phương đã phát triển được nghề làm nhà bằng tre, dừa nước.

Nghề dựng nhà bằng dừa nước, tính công bằng... đô-la - 1

Một khu nhà dịch vụ du lịch lợp bằng lá dừa nước tại rừng dừa Bảy Mẫu.

Ngày trước, người dân sống chủ yếu bằng nghề làm nhà lá nhưng sau đó, điều kiện kinh tế phát triển, hầu hết chuyển qua làm nhà bằng bê tông, gạch ngói... Nhà lá ở Cẩm Thanh dần mai một.

Khi du lịch Hội An phát triển, nhất là du lịch sinh thái, nhà lá Cẩm Thanh khôi phục, hưng thịnh. Những khu resort, quán bar, nhà hàng… được làm kiểu nhà lá trở thành "mốt" trong xu hướng đầu tư các công trình phát triển du lịch. Bởi thế người dân địa phương cho rằng, nghề tre dừa Cẩm Thanh khôi phục và phát triển như hiện nay chủ yếu nhờ du lịch.

Nghề dựng nhà bằng dừa nước, tính công bằng... đô-la - 2

Dừa chỉ được thu hoạch mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 8. Lúc này, dừa mới đạt độ già.

Ông Lê Lý (xã Cẩm Thanh) chia sẻ: "Du lịch phát triển, du khách khắp nơi tìm đến địa phương. Từ đó nghề truyền thống của cha ông được nhiều người biết đến. Tiếng lành đồn xa, khách hàng tìm đến thuê chúng tôi đi làm nhà, làm quán bar, khu nghỉ dưỡng… khắp miền Trung và Tây Nguyên. Nhiều khách nước ngoài đến từ Nhật Bản, Mỹ… cũng tìm đến đặt hàng. Có những căn nhà lớn, cầu kỳ, giá thấp nhất là 20.000 USD và cao nhất lên cả trăm nghìn đô-la Mỹ, tùy diện tích lớn nhỏ".

Theo ông Lý, nghề tre dừa Cẩm Thanh là nghề truyền thống cha ông, nhưng để sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, ưa chuộng, người đi sau phải tự mày mò, sáng tạo trên những kỹ thuật truyền thống cơ bản để sản phẩm chất lượng, thẩm mỹ hơn. Điều này đòi hỏi người thợ phải bỏ thời gian, tiền bạc để học nghề, học những mẫu mã mới, phù hợp thị hiếu khách hàng.

Nghề dựng nhà bằng dừa nước, tính công bằng... đô-la - 3

Sau khi thu hoạch, tàu dừa được xé ra đem phơi khô và ngâm nước.

Theo những người làm nghề lâu năm ở Cẩm Thanh, ưu điểm chính của nhà lá Cẩm Thanh nằm ở độ bền của sản phẩm. Nếu làm đúng kỹ thuật, tức tre, dừa phải được ngâm nước mặn đúng thời gian, thì tuổi thọ của nhà lá do làng nghề Cẩm Thanh làm ra có thể đến 20 năm.

Dừa Cẩm Thanh khác các nơi vì là dừa nước mặn, sau khi thu hoạch, tàu dừa được xé ra đem phơi khô và ngâm nước. Đặc biệt, dừa chỉ được thu hoạch mỗi năm 2 lần vào tháng 3 và tháng 8. Lúc này, dừa mới đạt độ già.

Tương tự, công đoạn xử lý tre cũng khá cầu kỳ. Tre chỉ thu hoạch duy nhất vào tháng 11 hàng năm. Bởi vì thời gian này tre không ra măng và đã đạt đến độ già nhất định. Tre được các thương lái thu mua ở các huyện vùng núi, sau đó vận chuyển bằng đường sông xuống tận xã Cẩm Thanh để bán cho các cơ sở sản xuất tre dừa.

Nghề dựng nhà bằng dừa nước, tính công bằng... đô-la - 4

Nếu làm đúng kỹ thuật, đảm bảo chất lượng, nhà tre dừa Cẩm Thanh có độ bền đến 20 năm.

Mua tre về, các cơ sở sản xuất phải ngâm tre dưới lớp bùn nước mặn 6 tháng rồi mới vớt lên đem phơi khô. Do cả tàu dừa, tre được ngâm dưới bùn, nước mặn nên khả năng chống chịu với thời tiết, mối mọt rất cao.

Khi làm nhà lá, các cơ sở sản xuất ở Cẩm Thanh thường ưu tiên dùng cột bằng gỗ kiền kiền, hoặc bằng tre tươi, chứ không dùng cột bê tông.

Nghề dựng nhà bằng dừa nước, tính công bằng... đô-la - 5

Mua tre về, các cơ sở sản xuất phải ngâm tre dưới lớp bùn nước mặn 6 tháng rồi mới vớt lên đem phơi khô.

Ông Võ Tất Thắng (xã Cẩm Thanh) cho hay: "Nghề làm nhà bằng dừa nước tại Cẩm Thanh đã tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, cải thiện đời sống người dân. Đây là nghề truyền thống độc đáo, cần được bảo tồn, phát huy hơn nữa".

Sự tồn tại song song của nghề sản xuất sản phẩm từ tre, dừa nước cùng với hệ sinh thái rừng dừa Bảy Mẫu đã tạo nên một không gian văn hóa thu hút du khách trong và ngoài nước đến nghiên cứu, tham quan, thưởng lãm.